Tự Truyện Nhật Ký Sinh Viên Y - GÙA

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi JASMIN_GUA, 24 Tháng bảy 2019.

  1. JASMIN_GUA

    Bài viết:
    5
    Nhật Ký Sinh Viên Y

    Tác giả: GÙA

    Thể loại: Tự truyện

    Mời mọi người góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của GÙA

    * * *​

    Chương 1: Môn Học Đầu Tiên

    Sinh viên y – Nghe thì có vẻ tri thức, nhưng ai ngờ đâu đó là khởi dầu của chuỗi ngày ăn ngủ ngoài đường.

    Bước hiên ngang vào trường, niềm tin mãnh liệt mình sẽ vượt qua các kì thi một cách xuất sắc. Chúc mừng bạn, bạn đã bị lừa. Ở trường y chỉ có hai mùa: Mùa thi và mùa thi thấy mợ. Những tuần đầu, bạn sẽ được trải nghiệm những môn học nhẹ nhàng, khởi động. Khoảng một tháng sau, ác mộng bắt đầu. Giải phẫu – Bạn đã nghe tên này lần nào chưa. Chính xác như bạn nghĩ: Cấu trúc cơ thể người nhé. Trước khi đến với phòng thực hành đầy ấp những thứ Ai – cũng – biết – là – gì – đấy, bạn cần đọc qua những cuốn sách dày cui đủ để thay gối ở nhà nằm ngủ, chi chít chữ, hình ảnh và chú thích, kèm cuốn atlas nặng 3 kg (Có lần tôi cũng tò mò cân thử). Tôi chỉ có khoảng 2 tháng rưỡi để chuẩn bị cho ngày thi trọng đại này. Câu hỏi đặt ra: "Làm sao thuộc hết đây?". À và bạn cũng đừng mong thầy cô sẽ giảng dạy từng chi tiết nhé. Điều ngạc nhiên đầu tiên khi tôi lên giảng đường: Giảng viên đã dạy hết một chương gần 50 trang trong vòng 2 tiết và tôi chỉ mới lọ dọ học xong 10 trang đầu. Sự khủng hoảng bắt đầu. Trên sảnh lớn trường tôi, bạn có thể thấy sinh viên Y1 non nớt ngồi thảo luận, vẽ vời, khảo bài nhau, giảng cho nhau, tất cả chỉ vì một mục đích – Ghi nhớ. Tôi từng vẽ các chi tiết ra giấy, tử kỷ xăm xoi các chi tiết trên cơ thể, viết ra vở để thống kê, nhưng những gì tôi nhớ cũng chỉ là hình vẽ, chữ thì vẫn cứ trôi qua, không luyến tiếc.

    Trước khi vào trường, bạn sẽ được nghe rất nhiều lời hù dọa. Từ máu me, kinh dị, canh nhà xác, bệnh truyền nhiễm, vân vân và vân vân. Nhưng sự thật những điều đó không đáng sợ như bạn tưởng tượng. Giờ thực tập bắt đầu! Không khó để tìm thấy phòng thực tập vì nơi ấy luôn có mùi mùi đặc trưng lan tỏa kháp khu vực: Fomon ngâm xác. Tuy vậy, bạn sẽ khó tìm thấy sự sợ hãi trên gương mặt sinh viên y, thay vào đó là sự háo hức lộ rõ. Nghe có vẻ kinh dị, nhưng cảm giác được mò mẫm vào từng chi tiết cơ thể cũng khá thú vị. Nhưng đầu tiên chúng tôi cần biết quy tắc. Đây là một nơi linh thiêng, vì thế đi nhẹ, nói khẽ, cẩn trọng ngôn từ là điều cần thiết. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều cần chuyện lung linh huyền bí về căn phòng này, cho dù chỉ là đi ngang qua tôi cũng thể hiện sự ngoan hiền, tôn trọng cho "Những người hiến xác cho khoa học". Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức lễ Macchabée "Tri ân những người hiến xác" như một lời cảm ơn chân thành đến những người đã đóng góp to lớn cho y học nước nhà cũng như cảm ơn những người thân của họ đã chấp nhận sự mất mát, ra đi. Căn phòng tràn ngập áo blouse trắng, găng tay, khẩu trang và sách. Chúng tôi được sờ tận tay, xăm xoi từng chi tiết, cố gắng nhớ thật nhiều, thật nhiều chi tiết, đối chiếu, so sánh với sách với mục tiêu cao cả – Ghi nhớ.

    Tèng teng – Điều gì đến rồi sẽ cứ đến. Bài thi Giải phẫu phần 1 bắt đầu. Ngồi trước màn hình máy tính, tôi vận dụng toàn bộ neuron thần kinh, các nếp nhăn của não để nhớ ra chi tiết này, mô tả đúng hay sai và cố gắng nhận ra những cú lừa ngoạn mục trong câu trắc nghiệm. Nếu bạn có một bộ não ngắn hạn hoặc loading dữ liệu chậm như wifi nhà tôi thì chúc mừng, bạn sẽ ở lại dài lâu với môn này. Bạn chỉ có 30s cho một câu trắc nghiệm. Vì thế, không những thuộc bài, bạn còn phải đưa kiến thức đó ra thật nhanh. Kết thúc bài thi – Bạn nghĩ đã xong rồi sao? Đừng dễ tin người vậy nhé. Để qua môn, tôi cần thi thêm thực hành. Phần thi này mục đích kiểm tra khả năng nhận diện chi tiết của cơ thể trên mô hình và thi thể. Không đơn giản chỉ là ngồi đó nhìn và ghi chép. Với phần thi này bạn cần chuẩn bị một đôi dép hoặc giày chắc chắn, không rơi rớt, không trơn trượt vì bạn chuẩn bị chạy marathon. Bạn có 1 phút 30 giây vượt lên chính mình để ghi nhận ba chi tiết được chỉ điểm trên mô hình hoặc thi thể. Hết thời gian sẽ có tiếng chuông báo hiệu – Âm thanh ám ảnh với sinh viên y chúng tôi đến tận ngày ra trường. Cho dù bạn chưa ra đáp án hay chưa ghi đáp án, đồng đội phía sau cũng sẽ chạy đến và ủn mông bạn đi. Kết thúc vòng chạy, chúng tôi cũng chẳng biết tương lai sẽ về đâu. Và khi có bảng đáp án, chúng tôi cũng chẳng còn nhớ mình đã viết những điều ngu ngốc gì vào giấy làm bài. Bây giờ tôi đã hiểu, thế nào là sự khác biệt giữa 4 điểm và 5 điểm.

    Môn học thần thánh này được chia làm 3 học phần – 3 lần thi – 3 lần vượt lên chính mình. Trải qua ngần ấy thời gian ở trường y, tôi nhận ra, Giải phẫu chỉ là bước khởi đầu, hãy quen với nó vì sau kì thi này, mọi thứ còn khốc liệt hơn những gì tôi tưởng tượng. Thời điểm này, nhìn những đàn em gương mặt tươi sáng bước vào trường, chúng bạn tôi thường nhắn nhủ: "Các em ấy còn trẻ người non dạ. Hãy để Giải phẫu học dạy các em thế nào là mùi trường y. Chúc mừng nhé!"
     
    Đôi dépMạnh Thăng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 25 Tháng bảy 2019
  2. JASMIN_GUA

    Bài viết:
    5
    CHƯƠNG 2: Tiếng khóc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chương 2: Tiếng khóc

    Sau một thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, đến lúc tôi cũng phải đi thực tập tại các bệnh viện. Có rất nhiều chuyện vui, chuyện buồn, chuyện kinh dị hay đại loại là những ám ảnh nhất định. Đay chỉ là một kí ức bé nhỏ về ngày tôi được phân công ở khu Phun thuốc hít qua đường mũi (hay còn gọi là phun khí dung) ở bệnh viện nhi. Đây là nơi những đứa trẻ có bệnh lý về đường hô hấp cần được điều điều trị.

    Như các bạn có thể tưởng tượng ra, một khung cảnh đông đúc, nóng bức. Phụ huynh tay bồng tay bế những đứa trẻ khóc inh ỏi khắp mọi nơi. Có bé được tháp tùng bởi cả đại gia đình, nhưng cũng có bé chỉ có mẹ đi theo. Mỗi người một cảnh, người sang trọng, người giản dị, bình dân. Nhưng gương mặt đều chung một nét – Quá mệt mỏi! Những đứa bé thì chẳng nhận ra ba mẹ chúng đã quá kiệt sức, chúng vùng vẫy, chạy khắp nơi trước những tiếng kêu í ới. Có đứa thì quá mệt nên chỉ biết khóc thật to hay ngủ gục trong lòng mẹ. Tôi đã quá quen với khung cảnh đông đúc tại các bệnh viện, nhưng khách quan mà nói, bác sĩ không thể làm nhanh hơn với số lượng khổng lồ như vậy. Một Bác sĩ từng tâm sự với tôi: "Mình khám nhanh thì sợ sót, sợ sai. Mình khám kĩ khám đủ thì người bên ngoài chờ đợi ngày càng lâu thì lại bất mãn." Tôi chỉ được dạy làm sao cho đúng, còn làm sao cho nhanh chỉ đén khi ra trường tôi mới có trải nghiệm.

    Tôi và đám bạn đứng trong căn phòng ấy. Vài ba đứa phụ mấy chị điều dưỡng pha thuốc, lấy dây oxy, mask. Tôi và một số khác thì hướng dẫn các bà mẹ làm sao cho đúng để bé có thể hít đủ liều thuốc. Và đây là nơi hàng chục tiếng khoác thét vang lên. Bạn tưởng tượng bạn đang ở trung tâm của khoảng 10 đứa trẻ và chúng thay phiên nhau khóc rống lên, la lối. Từ đứa bé nhỏ còn ẵm trên tay đến những đứa bé lớn hơn có thể biết đi biết bò, tất cả đều khóc. Có những bé đang vui vẻ, cười tươi roi rói, sau khi chúng nhận ra mùi thuốc xông lên nũi thì sắc mặt bắt đầu thay đổi và chúng hòa âm cùng những đứa trẻ khác. Tôi thật sự không biết làm cách nào để dỗ trẻ em. Ba mẹ chúng thì kiềm chặt tay, khóa chân lại, buộc đưa những mask phun thuốc thuốc như sương khói lên mũi đứa trẻ. Tôi quan sát thấy cha mẹ làm đủ mọi trò kể cả nhảy múa, trốn tìm, ẩn nấp nhưng đứa trẻ cũng chỉ giữ bình tĩnh được trong khoảng thời gian ngắn rồi lại làm ầm lên dù cha mẹ chúng có cố gắng làm mặt xấu cỡ nào. Trong căn phòng này bạn sẽ chẳng thấy ai quan tâm đến hình tượng bản thân đâu. Tất cả mọi người đều chung một mục tiêu là dỗ bé. Tôi để ý thấy có những bà mẹ mở youtube cho con xem hoạt hình, có những bà mẹ cho con đeo tai nghe bật nhạc chúng thích, hay có những ông bố đứng pha trò – nhảy nhót như những con marsupilami. Vậy mới thấy, ba mẹ đã hi sinh cho những đưa trẻ như thế nào. Tôi cũng nghĩ miên man: Chẳng biết có cách nào giúp bọn trẻ phun thuốc dễ hơn không? Câu hỏi đó cũng chẳng phải một mình tôi nghĩ ra. Ngành y đã có rất nhiều tiến bộ về kỹ thuật, những phương pháp sử dụng thuốc cũng tân tiến dần. Tuy nhiên, với một đứa trẻ, không bao giờ phun thuốc là một niềm vui cả.

    Dù đa phần đứa trẻ nào cũng khóc trong căn này, nhưng cũng có những bé rất ngoan đây là khách hàng thân thiết. Những đứa bé này thường có bệnh mạn tính về đường hô hấp. Chúng thường xuyên đi khám và cũng thường xuyên phải phun thuốc. Ba mẹ dường như rất yên tâm về con cái. Một số người còn dặn con ngồi yên cho đến khi sạch thuốc, còn họ tranh thủ xếp hàng nhận thuốc uống. Nhìn mặt đứa trẻ lộ rõ vẻ mặt: "Thuốc thôi mà – Chán thật". Tôi thường xuyên để mắt đến những đứa trẻ này. Tôi sợ chúng đi lạc, sợ chúng hoảng sợ, sợ chúng phun thuốc sai. Nhưng tôi đã lo nghĩ quá xa xôi: Các bé hoàn toàn bình tĩnh, sử dụng hoàn toàn đúng và ngồi ngay ngắn chờ đợi ba mẹ quay trở lại.

    Buổi chiều tan viễ, tôi về nhà. Trong đầu vẫn ong ong những tiếng khóc thét của con nít. Cảm giác các dây thần kinh căng ra, đau đầu nhẹ nhẹ. Tôi bỗng cảm phục và thương ba mẹ mình. Cso lẽ khi tôi nhỏ, cũng không ít lần họ phải dỗ dành tôi khóc, bất lực nhìn tôi quậy tưng nhà hay lo lắng mệt mỏi cùng tôi tại bệnh viện. Tôi cũng nghĩ đến những cô nuôi dạy trẻ. Họ thật hay khi có thể dỗ dành cả chục bé đang khóc trở nên ngoan ngoãn, ngủ say sưa. Qua một ngày vất vả mệt mỏi, tôi nằm dài và không đọc thêm được trang sách nào. Những gì tôi còn nhớ cho hôm nay là: "Liều thuốc – Cách phun thuốc – Khóc khóc khoác và khóc"
     
    Mạnh Thăng thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...