Tên tác phẩm: Nhận và cho đi Tác giả: Phan Thanh Hương Thể loại: Tự truyện Số chương: 1 Link thảo luận góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Phan Thanh Hương Ngày ấy cách đây mười tám năm khi vừa rời ghế trường đại học với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi nộp đơn thi công chức về huyện Đak Rlấp - một huyện xa nhất của tỉnh Đak Lak và đã trúng tuyển. Trước khi xách tư trang lên đường, tôi đã tưởng tượng ra rất nhiều khó khăn mà mình sẽ phải trải qua khi lần đầu tiên xa nhà đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ làm được giống như hình ảnh các cô giáo vùng cao mà tôi thường được xem trên ti vi. Ngày nhận công tác đến, tôi tạm xa thành phố Buôn Ma Thuột để thực hiện ước mơ mang con chữ đến với các em nhỏ vùng sâu vùng xa. Đến nơi tôi được Phòng Giáo dục điều động đến nhận công tác tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Kiến Thành. Ngày ấy huyện Đak Rlấp là huyện vừa xa nhất vừa nghèo nhất tỉnh, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Tôi được thầy hiệu trưởng phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 4C tại phân hiệu thuộc thôn Châu Giang- thôn kinh tế mới của người dân Hải Dương. Phân hiệu tôi dạy cách điểm trường chính 3km, không có nhà tập thể cho giáo viên. Chính vì thế nhà trường đã xin phép chính quyền xã cho tôi ở tạm tại một phòng nhỏ của trạm xá xã. Nói thêm là trạm xá xã có rất ít người khám bệnh vì đặt xa trung tâm xã, hàng ngày chỉ có mỗi bác trạm trưởng đến làm việc vào buổi sáng. Nơi này điện không có, nước phải đi xách ở nhà dân cách đó 500m, nhà dân thưa thớt, nhà nọ cách nhà kia cả mấy trăm mét. Khi thầy hiệu trưởng dẫn tôi đến nơi, nhìn mọi thứ tôi muốn xách va li quay về nhà ngay lập tức, tôi không nghĩ là mình phải sống và làm việc tại một nơi không khác gì Đồi gió hú như vậy. Vì trường thiếu giáo viên phải dạy thay kê rất nhiều nên tôi nhận lớp luôn trong buổi chiều hôm ấy. Tôi bước vào lớp, các em đứng dậy vỗ tay chào đón nồng nhiệt. Nhưng tôi chẳng quan tâm, trong đầu tôi nghĩ: "Ngày mai mình sẽ bỏ việc, đón xe trở về nhà, không thể ở lại cái nơi khỉ ho cò gáy này được". Tôi dạy được hai tiết thì chị trưởng thôn cũng là phụ huynh của lớp xin tôi cho các cháu nghỉ sớm để tổ chức trung thu cho các cháu trong thôn. Chị ấy còn nhờ tôi làm MC cho buổi vui trung thu. Sau buổi vui trung thu các em về hết chỉ còn mỗi mình tôi trong cái trạm xá giữa đồi lộng gió và ánh trăng sáng vằng vặc. Cả đêm tôi không sao ngủ được vì quá sợ hãi với đủ những tiếng con côn trùng kêu. Tôi ngồi khóc và mong trời mau sáng để tôi ra Quốc lộ bắt xe về Buôn Ma Thuột. Trời sáng tôi dọn dẹp va li, đang định khóa cửa bỏ đi thì thầy hiệu trưởng đến, dẫn theo một đồng nghiệp mới ra trường như tôi đến nhận công tác. Thấy bộ dạng tôi, thầy đoán ngay và nói: "Sao định bỏ việc hả cô giáo?". Tôi cúi mặt không dám nói gì. Thầy nói tiếp: "Thôi em đừng bỏ việc, ở đây đang thiếu giáo viên. Hôm nay thầy đưa cô Thiết vào hai chị em cùng ở với nhau, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Cố gắng đi sang năm thầy sẽ đưa hai chị em ra dạy trường chính, rồi thầy tìm mối ngon gả chồng cho hai đứa." Tôi bật cười với câu nói của thầy và khẽ nói: "Vâng ạ!". Có bạn cùng dạy, cùng ở tôi cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà nhưng vẫn muốn bỏ việc quay về nhà. Tôi thấy thương cho cô bạn mới, nếu tôi bỏ đi lúc này thì cô ấy sẽ thế nào nên nấn ná chưa bỏ về nhà ngay sau đó. Khó khăn thiếu thốn cộng thêm việc bạn bè rủ quay về xin dạy ở trường dân lập cho gần nhà. Tôi nghĩ mình đã ở đó được 3 tuần, tự nhủ phải cố thêm 1 tuần nữa để nhận lương rồi về luôn. Nhưng "người tính không bằng trời tính", trong tuần tiếp theo bỗng có một em học sinh nữ tên là Hồng nghỉ học ba ngày không thấy đến lớp. Tôi hỏi các bạn trong lớp thì được biết bố em ấy mới mất nên em không đi học và có lẽ xin thôi học luôn. Thế là chiều hôm ấy, tôi đi bộ hơn 2km đường đồi đến nhà em Hồng để chia buồn với gia đình và vận động em đi học lại. Đến nhà em tôi mới biết được hoàn cảnh nhà em vô cùng khó khăn và neo đơn. Bố mẹ em mới từ Hải Dương vào đây làm kinh tế được 5 năm. Hôm trước bố em đi cưa cây trong rừng để lấy đất làm sản xuất, không may bị cây đè bị thương rất nặng. Do quá khó khăn và neo người nên không thể đưa bố em đi cấp cứu ở tuyến trên, bố em đã mất sau đó ít ngày. Nhà bây giờ chỉ còn ba mẹ con không có họ hàng thân thích bên cạnh. Mẹ em nói xin cho em nghỉ học ở nhà để đỡ đần công việc và đỡ các khoản đóng góp học tập. Nhìn hoàn cảnh gia đình em, tôi sực nhớ lại hoàn cảnh mình: Bố tôi mất khi tôi mới bước chân vào lớp 10. Do bố tôi ốm nặng lâu ngày nên khi bố mất đi thì kinh tế nhà tôi cũng chẳng còn gì ngoài ngôi nhà không. Anh trai tôi thì đi nghĩa vụ quân sự, còn mẹ tôi chỉ có mỗi mảnh vườn nhỏ trồng trọt làm kế sinh nhai. Khi bước vào đầu năm lớp 11, lúc đó trường tôi ra quy định: Học sinh nào đóng góp hết các khoản trong năm thì mới có giấy vào lớp. Tôi nóng lòng mong mẹ kiếm được đâu đó khoản tiền để đóng học cho tôi chứ chỉ còn vài ngày nữa là đến khai giảng rồi. Mẹ tôi cũng đi vay mượn nhưng quanh xóm ai cũng con đông, đầu năm học phải lo đủ thứ chi phí nên cũng không có cho nhà tôi mượn. Tôi lo lắm và chắc mình sẽ phải nghỉ học. Hôm sát ngày khai giảng tôi lên trường nộp đơn xin nghỉ học thì thầy chủ nhiệm của tôi đã gặp riêng và hỏi lí do vì sao tôi nghỉ học. Tôi kể cho thầy nghe về việc tôi không có tiền đóng học. Thầy cười nói tôi cứ yên tâm đi học, thầy sẽ xin nhà trường hoãn thời gian cho tôi từ từ đóng học. Những ngày sau đó, trong lớp bạn nào chưa hoàn thành hết các khoản đóng góp đều có giấy thông báo còn riêng tôi thì không. Tôi vô cùng thắc mắc nghĩ mình có lẽ sắp bị cho thôi học nên không có giấy thông báo như các bạn. Thế là tôi đánh liều lên phòng kế toán hỏi xem thế nào. Và câu trả lời của cô kế toán là thầy chủ nhiệm đã đóng hộ các khoản tiền cho tôi. Tôi biết hoàn cảnh cũng gia đình thầy khó khăn lắm mà thầy lấy tiền đâu đóng cho tôi. Tôi đến gặp thầy, chưa kịp nói gì thì thầy đã nói: "Em cứ yên tâm học đi, khi nào gia đình em có gửi lại thầy cũng được nhé!" Từ đó tôi đã luôn cố gắng học tập và vươn lên để không phụ lại tấm lòng của thầy. Cho đến tận bây giờ tôi luôn khắc ghi hình ảnh của thầy trong trái tim. Nếu không có sự giúp đỡ của thầy ngày ấy chắc tôi không thể nào có được như ngày hôm nay. Sao hoàn cảnh của Hồng lại giống tôi ngày ấy thế? Tôi phải làm gì cho Hồng để em tiếp tục học tập vươn tới những điều tốt đẹp ở tương lai. Và hôm nay tôi phải là người trao lại điều tốt đẹp của thầy đã từng dành cho tôi đến với em Hồng để em ấy cũng có cơ hội giống như tôi. Thế là tôi cố gắng thuyết phục mẹ Hồng cho em đi học trở lại. Ban đầu cô ấy không đồng ý nhưng có lẽ thấy được sự chân thành cùng câu chuyện về thầy chủ nhiệm năm xưa của tôi mà cô ấy đã đồng ý. Bỗng Hồng lại gần tôi hỏi: "Cô ơi, cô sắp nghỉ dạy rồi phải không ạ? Cô mà nghỉ dạy thì em cũng không đi học nữa đâu." Trong lúc đó thì tôi quả quyết nói là không có chuyện đó, tôi đã hứa với em sẽ ở lại thôn Châu Giang dạy học. Và tôi đã thực hiện đúng lời hứa với em cũng như mang những điều tốt đẹp của thầy giáo chủ nhiệm 3 năm học cấp ba của tôi đến với các em. Tôi mong rằng chắc chắn sau này các em lớn và trưởng thành các em sẽ tiếp tục truyền những điều tốt đẹp như thế đến thế hệ mai sau. Tôi chủ nhiệm em Hồng hết năm lớp Bốn và năm sau tôi được chuyển ra điểm trường chính để dạy lớp Năm. Lớp 4C năm ngoái của tôi được chia đều vào bốn lớp Năm ở điểm trường chính và em Hồng lại được học lớp 5B do tôi chủ nhiệm. Em rất ngoan và chăm học nên cuối năm thi tốt nghiệp Tiểu học em đạt kết quả rất cao. Em tiếp tục học lên cấp học trên và thỉnh thoảng vào ngày nghỉ em hay đến tập thể thăm tôi. Mỗi lần em đến em hay mang quà cho tôi, lúc thì bịch sắn luộc, lúc thì một bó mía do nhà em trồng được, lúc thì bó hoa sim rừng em hái trên đường đi học.. Em cho biết mấy năm nay nhà em được mùa cà phê và tiêu, giá tiêu cao nên mẹ con em đã có cuộc sống khá hơn. Tôi rất mừng cho gia đình em và động viên em cố gắng học tập để mẹ vui lòng. Sau đó, tôi công tác ở đây được 4 năm thì chuyển công tác về gần nhà. Trước khi chuyển đi, tôi đến chơi nhà em, cô trò bịn rịn chia tay nhau. Tôi muốn em hứa với tôi sẽ cố gắng học tập để mai này có một tương lai tốt đẹp hơn và em đã hứa. Thời gian trôi đi thật nhanh, đến năm 2012 tôi trở về trường Đại học Tây Nguyên để dự Lễ kỉ niệm 35 năm Ngày thành lập trường. Tại đây tôi đã gặp lại Hồng, tôi suýt nữa không nhận ra em nhưng em nhận ngay ra tôi và chạy đến ôm tôi. Em giờ đã là sinh viên năm thứ ba khoa Sư phạm Toán Tin. Em xúc động nói: "Em cảm ơn cô, nếu không có cô giúp đỡ em ngày ấy, chắc bây giờ em không được thế này đâu." Và tôi lại nhớ đến người thầy chủ nhiệm của tôi năm nào đã mang đến cho tôi những điều tốt đẹp và tôi đã trao lại cho Hồng. Tôi mong em tiếp tục trao đến tương lai điều tốt đẹp đó. Câu truyện của tôi không nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng đó là kỉ niệm của những ngày đầu tiên tôi đi dạy. Nếu không có kỉ niệm ấy chắc rằng tôi sẽ không có cơ hội ngày hôm nay được đứng đây kể cho mọi người nghe về câu chuyện này. Qua câu truyện này cho tôi được một lần nữa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy giáo Sơn – người đã giúp tôi thực hiện những điều tốt đẹp và tôi xin hứa sẽ noi gương thầy tiếp tục là người thắp sắng lên niềm tin cho các em học sinh thân yêu. Hết.