Nhân hóa là gì? Từ "nhân hóa" được ghép bởi "nhân" có nghĩa là người và "hóa" có nghĩa là biến thành, trở thành. Nhân hóa là cách mô tả, miêu tả con vật hay sự vật có cảm xúc, tính tình và hành vi, tâm lý con người, thông qua các phương tiện nghệ thuật như văn, thơ. Trong đó, mọi thứ được quy ước hóa dựa trên đặc điểm, cảm xúc hoặc suy nghĩ của con người đối với các thực thể không phải con người. Biện pháp nhân hóa sẽ liên hệ các đặc điểm của con người với đồ vật, động vật, cây cối hoặc các khái niệm trừu tượng hơn như các hiện tượng tự nhiên, thời tiết.. Cụ thể, nhân hóa là dùng từ xưng hô, từ chỉ người để gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật.. làm cho chúng trở nên gần gũi với con người hơn và thể hiện được tư tưởng, tình cảm của con người. Nhân hóa là một biện pháp nghệ thuật có vai trò quan trọng trong cả văn học và đời sống: Làm cho đồ vật, cây cối, con vật.. kể cả có xa lạ cũng trở nên quen thuộc với người đọc, người nghe và cũng làm cho câu nói hay tác phẩm sinh động hơn. Nhân hóa có thể dùng để bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của con người về thiên nhiên, con vật, đồ vật.. Bước đầu tiên để phân tích phép nhân hóa là tìm hiểu những biểu tượng nào, bao gồm cả con vật, sự vật, đồ vật, hiện tượng.. được nhân hóa và các từ được sử dụng để nhân hóa chúng. Bước tiếp theo là giải thích những từ nhân hóa đó để làm gì, mang lại hiệu quả như thế nào: - Miêu tả sự vật: Có chức năng làm cho sự vật trở nên gần gũi với con người. Sự gần gũi ấy giúp tác phẩm văn học dễ dàng đi vào lòng người đọc, người nghe hơn. - Đối với sự biểu đạt tư tưởng, tình cảm: Có tác dụng cảm hóa, thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người về thiên nhiên, con vật, đồ vật, khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, yêu vạn vật hiện hữu quanh ta; thậm chí có thể qua đó biểu đạt những tư tưởng lớn hơn, rộng hơn như tình yêu quê hương, quan điểm sống.. Có ba cách nhân hóa phổ biến: 1. Dùng từ xưng hô như với người để gọi vật 2. Dùng từ chỉ hoạt động, tính chất của con người cho vật 3. Dùng ngôn ngữ trò chuyện với vật Ví dụ về nhân hóa Ví dụ 1: Chị ong nâu nâu nâu nâu Chị bay đi đâu, đi đâu? Bác gà trống mới gáy, ông mặt trời mới dậy, Mà trên những cành hoa, em đã thấy chị bay. Trong lời bài hát "Chị ong nâu và em bé" ở trên, có thể thấy tác giả đã sử dụng cả ba phương pháp nhân hóa: 1. Dùng từ xưng hô như với người để gọi vật: "Chị ong", "bác gà trống", "ông mặt trời" 2. Dùng từ chỉ hoạt động, tính chất của con người cho vật: "Ông mặt trời mới dậy" 3. Dùng ngôn ngữ trò chuyện với vật: "Chị bay đi đâu?", "em đã thấy chị" Biện pháp nhân hóa đã giúp bài hát trở nên sinh động, được mọi thế hệ yêu thích; khiến thiên nhiên trở nên thân thiết với em bé, khơi dậy tình yêu thiên nhiên, yêu động vật cho các bé. Ví dụ 2: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao lên lũy lên thành, tre ơi? Ở đâu tre cũng xanh tươi Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu! Có gì đâu, có gì đâu Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều Rễ siêng không ngại đất nghèo Tre bao nhiêu rễ, bấy nhiêu cần cù Vươn mình trong gió tre đu Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.. Đoạn thơ trong bài "Tre Việt Nam" (tác giả: Nguyễn Duy) đã sử dụng hai phương pháp nhân hóa: 1. Dùng từ chỉ hoạt động, tính chất của con người cho vật - ở đây là cây tre: "Gầy guộc", "siêng", "cần cù", "vươn mình", "đu", "kham khổ", "hát ru", "yêu", "đứng khuất mình" 2. Dùng ngôn ngữ trò chuyện với vật: "Tre ơi" Tre được nhân cách hóa cũng giống như con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam chăm chỉ, biết yêu thương nhau và có tinh thần vươn lên. Biện pháp nhân hóa đã khiến cho đoạn thơ trở nên vô cùng sinh động và ấn tượng, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc cả hình ảnh đẹp lẫn ý nghĩa hàm súc trong hình tượng, trong câu từ, thấm vào xúc cảm và tâm hồn người Việt nhiều thế hệ.