PHÁP LUẬT THANH TRA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Những nhận định sau đây đúng hay sai, giải thích tại sao? 1. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 2. Cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện. 3. Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ. 4. Thanh tra viên là công chức bao gồm: Sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. 5. Đối tượng của khiếu nại hành chính bao gồm quyết định hành chính, quyết định kỷ luật và hành vi hành chính. Hướng dẫn trả lời: Lưu ý: Câu trả lời dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo 1. Nhận định này là Sai . Căn cứ pháp lý: Khoản 2, Khoản 3 của Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: "2. Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 3. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó." Như vậy, hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao là của Thanh tra hành chính không phải của Thanh tra chuyên ngành . 2. Nhận định này là Đúng . Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 4 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: "1. Cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm: a) Thanh tra Chính phủ; b) Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra bộ) ; c) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh) ; d) Thanh tra sở; đ) Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện). " Như vậy, Cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện. 3. Nhận định này là Đúng . Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 17 Luật Thanh tra năm 2010 về "Tổ chức của Thanh tra bộ" quy định: "3. Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ." Như vậy, Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ. 4. Nhận định này là Sai. Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 31 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: "Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra." Như vậy, Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra mà không phải "là công chức bao gồm: Sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra." 5. Nhận định này là Đúng . Căn cứ pháp lý: Điều 1, Khoản 1 Điều 2 của Luật Khiếu nại 2011 quy định: "Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại." Khoản 1 Điều 2: "Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình." Như vậy, từ phạm vi điều chỉnh và quy định về khiếu nại có thể xác định đối tượng của khiếu nại hành chính bao gồm quyết định hành chính, quyết định kỷ luật và hành vi hành chính.