Học phần: Luật Tố tụng hành chính Theo quy định của pháp luật hiện hành, các nhận định sau đây là đúng hay sai? Giải thích? 1. Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước 2. Không phải vụ án hành chính nào khi được giải quyết đều phải tuân theo nguyên tắc "thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm". 3. Người khởi kiện bao giờ cũng là cá nhân cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính. 4. Giám đốc Sở tài nguyên môi trường là người bị kiện trong vụ án hành chính thì có thể ủy quyền cho Chánh văn phòng Sở Tài nguyên môi trường tham gia tố tụng. 5. Thẩm phán và Thư ký phiên toàn có quan hệ yêu đương thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. 6. Trong mọi trường hợp, Hội đồng xét xử có thẩm quyền chuyển vụ án hành chính cho Tòa án khác nếu có đủ căn cứ cho rằng vụ án đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án mình. Lưu ý: Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo Bài làm: Câu 1: 1. Nhận định này là Sai . Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước với nội dung chính là chấp hành và điều chỉnh. Căn cứ pháp lý: Điều 1 Luật Tố tụng hành chính 2015: "Luật tố tụng hành chính quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính." Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hành chính là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Như vậy, "điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước" là đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính mà không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hành chính. 2. Nhận định này là Đúng . Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 202 Luật Tố tụng hành chính 2015: "Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị." Trường hợp khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân chỉ có một cấp xét xử là cấp sơ thẩm. Như vậy, nhận định "Không phải vụ án hành chính nào khi được giải quyết đều phải tuân theo nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vì trường hợp Khiếu kiện danh sách cử tri chỉ có một cấp xét sử là cấp sơ thẩm. 3. Nhận định này là Sai . Căn cứ pháp lý: Khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015: " Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri). " Như vậy, Người khởi kiện ngoài là cá nhân còn có cơ quan, tổ chức và đối tượng khởi kiện ngoài quyết định hành chính, hành vi hành chính còn có quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri). 4. Nhận định này là Sai . Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015 về Quyền, nghĩa vụ của đương sự: " Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này. " Như vậy, Giám đốc Sở tài nguyên môi trường là người bị kiện trong vụ án hành chính thì có thể ủy quyền cho Phó Giám đốc Sở Sở Tài nguyên môi trường tham gia tố tụng mà không phải là Chánh văn phòng Sở Tài nguyên môi trường. 5. Nhận định này Sai . Căn cứ pháp lý: Điều 45, 46, 47 Luật Tố tụng hành chính 2015: Thẩm phán và Thư ký phiên toàn có quan hệ yêu đương không thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi được quy định trong Luật Tố tụng hành chính 2015. 6. Nhận định này là Sai . Căn cứ pháp lý: - Khoản 2, 3 Điều 34 Luật Tố tụng hành chính 2015: " 2. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. 3. Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Tòa án phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. " - Điểm c Khoản 3 Điều 121 Luật Tố tụng hành chính 2015: " Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;". Như vậy, trường hợp trước khi đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán ra quyết định chuyển đơn khởi kiện nếu nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác. Vì thế, không phải mọi trường hợp, Hội đồng xét xử có thẩm quyền chuyển vụ án hành chính cho Tòa án khác nếu có đủ căn cứ cho rằng vụ án đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án mình mà chỉ sau khi vụ án có quyết định đưa ra xét xử.