Nhận định của văn nghệ sĩ về nhà văn Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Swaka Nguyệt Lam, 26 Tháng tư 2022.

  1. Swaka Nguyệt Lam Giai Nguyệt Lam

    Bài viết:
    631
    Nhận định của các nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình văn học về Tô Hoài - kết hợp vận dụng vào bài văn phân tích Vợ Chồng A Phủ

    Ngữ văn 12

    A. Nhận định văn học về Tô Hoài

    Tô Hoài là một trong những tác giả lớn trong nền thi ca Việt Nam, thậm chí các tập truyện của ông còn xuất hiện trong cả nền giáo dục Việt Nam. Trong kho tàng tác phẩm đồ sộ với hơn 150 đầu tác phẩm của ông, có hai tác phẩm đã xuất hiện trong chương trình giáo Việt. Đầu tiên phải kể đến "Dế mèn phiêu lưu ký" - một tác phẩm mà nhiều người từng đọc, từng học và rồi lại mê mẩn, đi tìm cả tập truyện để đọc về chú Dế Mèn. Và đặc biệt hơn đó là "Vợ chồng A Phủ" với một đoạn trích cùng tên trong sách ngữ văn 12 - một đoạn trích in dấu trong lòng bao thế hệ học sinh.

    Với một kho tàng tác phẩm đồ sộ cũng như những cống hiến của Tô Hoài với nền văn học nước nhà, đã có không ít nhà văn, nhà thơ và các nhà phê bình khác từng đưa ra rất nhiều nhận định về ông. Khi viết cảm nhận về nhà văn Tô Hoài, đặc biệt là các bài nghị luận văn học có đề cập đến Vợ chồng A Phủ, bạn có thể sử dụng những nhận định của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học để sử dụng làm dẫn chứng. Dưới đây là một số nhận định để bạn tham khảo:

    1. "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.. làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng." – Nhà thơ Hữu Thỉnh

    2. "Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành." – Phan Anh Dũng

    3. "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỉ 20 – làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh." – Giáo sư Phong Lê

    4. "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ." – Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

    5. "Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể trong tác phẩm của Tô Hoài. Dù ở thể loại nào, hồi ký hay tiểu thuyết, người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất xuyên suốt ba tác phẩm Cát bụi chân ai, Chiều chiều và Ba người khác, vẫn là nhân vật giàu trải nghiệm, luôn chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng, với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố. Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương" - Nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh.


    Tổng hợp, sưu tầm từ nhiều nguồn.

    B. Vận dụng các nhận định văn học vào trong các đoạn văn

    Mở bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ

    Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã từng có lời bình về Tô Hoài rằng: Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Với số lượng tác phẩm đã xuất bạn vượt hơn 150 tác phẩm, có thể nói, Tô Hoài là một trong những số ít nhà văn có được số lượng tác phẩm như vậy. Đặc biệt nhất là khi tác phẩm của ông gắn liền với mọi thế hệ, mọi lứa tuổi. Hằn in trong một phương trời trí nhớ của lứa học sinh, có lẽ phải kể đến tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Đó là một tác phẩm đi liền với cuộc đời sự nghiệp của ông, là một tác phẩm toát lên hết tất cả những gì mà con người ấy muốn gửi gắm lại cho người dân vùng Tây Bắc - miền đất của những con người bất khuất với sức sống mãnh liệt, tiềm tàng ẩn sâu bên trong mình.
     
    hhamolly, Mình là Chi, Lagan12 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2022
  2. Swaka Nguyệt Lam Giai Nguyệt Lam

    Bài viết:
    631
    Đoạn vận dụng nhận định về Tô Hoài trong đoạn văn phân tích vợ chồng A Phủ

    [​IMG]

    Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một tác phẩm khắc họa rõ nét các phong tục, tục lệ của người dân miền Tây Bắc. Nhãn quan của Tô Hoài trong phong tục, tập quán cũng được thể hiện rõ nét trong tác phẩm này. Nếu như phong tục - vốn là cái thứ mà người ta phải cảm thấy tự hào bởi những nét đẹp dân tộc ẩn sâu trong ấy, thì dưới nhãn quang của ông, những thứ trần trụi, xấu xa gò bó người ta bởi thần quyền cũng được hiện lên. Mỗi một vùng đất, một vùng miền là một phong tục, tập quán riêng. Và trong đoạn trích Vợ chồng A Phủ này, phong tục tập quán này lại pha trộn với những cái khổ đau, với cuộc sống cơ cực sống mà như đã chết của Mị, của A Phủ, của những con người trên đất Hồng Ngài, gánh chịu sự bào mòn, đàn áp và bóc lột của nhà Thống lí Pá Tra.

    Khi nhắc đến Tô Hoài, Phan Anh Dũng đã từng nói rằng: Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành . Từ một "Dế mèn phiêu lưu ký" mang đầy bài học mới mẻ ẩn trong những câu từ thích thú cho đến "Vợ chồng A Phủ" - một vùng đất xa xăm mới lạ, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc cái nhìn bao quát, toàn diện về bức tranh cuộc sống của người dân Tây Bắc. Và hiển nhiên, như bao tác phẩm khác, Vợ chồng A Phủ của ông cũng ẩn chứa bao bài học đắt giá, mà có lẽ khắc sâu trong tâm trí mọi người nhất chính là khao khát sống mãnh liệt, một sức sống tiềm tàng sẵn sàng bùng cháy như nhựa mùa xuân của Mị, của những con người ở đâu đó của đất Hồng Ngài.
     
    Thùy Minh, LieuDuong, Smilies23 người khác thích bài này.
  3. Swaka Nguyệt Lam Giai Nguyệt Lam

    Bài viết:
    631
    Vận dụng vào đoạn mở bài của tác phẩm Vợ Chồng A Phủ

    Mỗi một thời kỳ lịch sử sẽ gắng liền với một nên văn hóa văn chương riêng biệt, để lại những dấu ấn riêng mà mãi về sau này khi người ta chiêm nghiệm lại những dòng văn thơ ấy, mới thấy được cái nét đẹp văn chương của từng thời đại. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nói rằng: "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.. làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng." Có thể dễ dàng nhận thấy được rằng, trong các nhà thơ, nhà văn ban đầu trong chuỗi mốc lịch sử 122 năm xuất hiện chữ quốc ngữ, thì Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố là những người để lại những dấu ấn đậm nét nhất, khắc khoải nhất. Đặc biệt là Tô Hoài, với giọng văn biến hóa, những nét lột tả chân thật, từ một "Dế mèn phiêu lưu ký" đến một Mị trong "Vợ chồng A Phủ", tưởng chừng như là kiếp sống của một con người bị hà hiếp nơi Hồng Ngài, rồi lại đốt cháy nhựa sống trong mình, bùng lên sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ tận bên trong.
     
    Tiên Nhi, Thùy Minh, Admin19 người khác thích bài này.
  4. Swaka Nguyệt Lam Giai Nguyệt Lam

    Bài viết:
    631
    Vận dụng vào phân tích giá trị hiện thực trong Vợ chồng A Phủ

    [​IMG]

    Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, từ văn chương cho đến hiện thực. Giá trị hiện thực bên trong tác phẩm này chính là cuộc sống của người dân Tây Bắc, những người con người cần cù, chăm chỉ. Những tưởng với đức tính ấy, họ sẽ có một cuộc sống ấm no. Ấy thế mà, họ lại sống một cuộc đời cơ cực, lầm than. Mị và A Phủ được xây dựng trên hình tượng kiếp nô lệ của những người nông dân nghèo, chịu sự áp bức của chế độ phong kiến và chúa đất vùng cao. Đó không phải là con người trong câu chữ nữa, mà là cây cầu truyền đạt những cảm xúc khắc khoải, khổ đau đến tuyệt vọng của những con người trên miền đất xa xăm kia. Tô Hoài đã khắc họa nên cuộc sống cơ cực của nhân dân lao động những năm trước cách mạng. Dưới ngòi bút của ông là tội ác được lột tả trần trụi và những khát vọng chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người. Lúc nào cũng thế, văn của ông như chạm đến trái tim người đọc bởi sự chân thật như tạc, như họa trước mắt người ta. Tô Hoài làm được như thế, có lẽ vì ông đã đưa cả cuộc đời vào văn chương của mình. Đó là cuộc đời của ông, của những con người trong tác phẩm của ông, thậm chí là những người con của vùng đất Tây Bắc. Như Đỗ Hải Bình đã từng nói về ông vậy, "Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương". Người ta bảo, văn học chỉ sống khi nó đi vào lòng người, khi nó vào nhịp sống của mọi người. Và văn chương của Tô Hoài lúc nào cũng làm được điều ấy.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...