Nhận định của Chế Lan Viên đưa ru thức tỉnh - Chứng minh qua hai bài thơ Ánh trăng và Ông đồ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tthuong2928, 9 Tháng hai 2023.

  1. tthuong2928

    Bài viết:
    6
    "Thơ" trước giờ vốn dĩ chẳng phải những câu từ đơn thuần được viết. Thơ còn là hiện thực, thơ là thực tại, thơ phản ánh những cái chân thực ở đời, ở người qua những nét thơ đong đầy trữ tình của những thi sĩ. Thơ mang linh hồn thổi vào tiềm thức con người như một khúc hát ru bất hủ. Dù thế, thơ vốn dĩ không chỉ chứa đựng sự mảnh dẻ nhẹ nhàng, thơ còn là sự phản ánh, sự thức tỉnh thâm tâm con người. Chính vì thế, bàn về thơ, nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh". Điều đó đã được thể hiện qua tác phẩm "Ánh trăng" của Nguyễn Duy.

    Thơ không phải lúc nào cũng chỉ tái hiện vẻ lung linh êm đẹp của cuộc sống, vẻ bình yên đong đầy của con người. Thơ cũng không phải chỉ có những vần thơ ngọt ngào dịu êm, thấm đẫm những câu từ hoa mĩ. Chính vì thế, Chế Lan Viên viết "thơ không phải chỉ đưa ru". "Thơ còn thức tỉnh", những vần thơ được vận dụng khéo léo cùng nội dung được lồng ghép cẩn thận sẽ thức tỉnh lương tri con người, đó là sự thức tỉnh về cái nhìn tổng quan của con người với cuộc sống xung quanh, với thế giới và với chính bản thân mình. Vì vậy, khái quát của Chế Lan Viên "Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh" là hoàn toàn xác đáng.

    "Ánh trăng" được Nguyễn Duy viết sáng tác năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thơ Nguyễn Duy luôn chất chứa những chiêm nghiệm, những triết lí về giá trị giá trị truyền thống, về hạnh phúc, về khổ đau, về những kiếp sống của đời người, về những suy ngẫm của con người về hiện thực.

    Cái "ru ngủ" trong "Ánh trăng" hiện lên bằng những hình ảnh thiên nhiên đầy mộng mơ, đầy hoài niệm trong kí ức qua lăng kính trong trẻo của tác giả khi còn nhỏ.

    "Hồi nhỏ sống với đồng

    Với sông rồi với bể

    Hồi chiến tranh ở rừng

    Vầng trăng thành tri kỉ."

    Đó là những thước phim kí ức được Nguyễn Duy xây dựng xuyên suốt khắp bài thơ. Hồi nhỏ, sống hòa hợp với "đồng – sông – bể" gợi lên cái nhìn bao quát về thiên nhiên: Là cánh đồng mênh mông, là dòng sông rộng lớn, là nơi bể bát ngát. Tất cả như gợi lên vẻ đẹp đồng quê bao phủ tất cả mọi nơi bằng những nét thơ giàu cảm xúc gợi nét trữ tình. Hồi chiến tranh, thứ phủ lên màng mắt con người chính là cánh rừng bạt ngàn đầy cỏ cây hoa lá mang bao hoài niệm. Và ở nơi đó còn tồn tại một vầng trăng "tri kỉ" – gắn bó keo sơn với ta như hai người bạn đồng hành không bao giờ tách rời.

    "Trần trụi với thiên nhiên

    Hồn nhiên như cây cỏ

    Gỡ không bao giờ quên

    Cái vầng trăng tình nghĩa"

    Và trong những tháng năm thơ ngây ấy, con người ta sống thật thật lòng. Là sự "trần trụi" chính mình trước thiên nhiên rộng lớn. Là vẻ "hồn nhiên" như cây cỏ dại non nớt. Con người khi ấy vô âu vô lo, tận hưởng và cảm nhận từng chút những giọt ngọc của thiên nhiên bao la. Được ngắm nhìn, được cảm nhận những vẻ đẹp chân thực nhất của muôn vật muôn loài. Vầng trăng vẫn luôn xuất hiện bên cạnh con người, giờ đây trăng không chỉ còn là một vật vô tri vô giác mà đã mang nặng những "tình nghĩa" vẹn tròn, "ngỡ" như sẽ không bao giờ phôi phai.

    "Từ hồi về thành phố

    Quen ánh điện cửa gương

    Vầng trăng đi qua ngõ

    Như người dưng qua đường"

    Khi ghé đến thành phố sinh sống, cái hoa lệ của chốn phồn hoa như bấu víu vào ta. Và chính những thứ lấp lánh của "ánh điện cửa gương" đã che mờ mắt để rồi khi gặp lại "vầng trăng" thân thuộc ngày nào, giờ chỉ còn coi như "người dưng xa lạ'. Như thể biết bao những kí ức tuổi nhỏ giờ đã tan vào hư không, mờ lòa trong ánh sáng nhạt nhòa của ánh trăng vời vợi.

    Đó là những vần thơ dịu êm như" lời ru "trong những khổ đầu của bài thơ" Ánh trăng ". Đó là những câu thơ nối tiếp như một dòng tự sự về những hồi ức liền mạch của con người. Là hồi nhỏ lớn lên cùng làng quê thanh bình, là hồi chiến tranh nơi cánh rừng hoang vu, là hồi về thành phố với vẻ đẹp thành thị chói lòa. Dù nơi đâu vẫn có một ánh trăng lặng lẽ kề cận như một cái bóng âm thầm dõi theo từng chút sự trưởng thành của con người. Là những câu thơ được nối tiếp nhau bởi sự liền kề giữa các câu trong từng khổ thơ: Chỉ có chữ đầu tiên ở dòng thơ đầu của mỗi khổ viết hoa, điều đó đã làm nên sự đặc biệt cho kết cấu bài thơ, khiến bài thơ cứ như một câu chuyện bình lặng xuyên suốt.

    Những khổ thơ sau đánh dấu một sự luân chuyển và thay đổi trong tiềm thức có người khi" câu chuyện "được viết tới cao trào.

    " Thình lình đèn điện tắt

    Phòng buyn-đinh tối om

    Vội bật tung cửa sổ

    Đột ngột vầng trăng tròn. "

    Rồi khi đèn điện vụt tắt vì mất điện, những tòa cao ốc dần lụi tắt đi cái ánh sáng rực rỡ đậm phồn hoa rồi dần hòa mình vào bóng tối của bầu trời cao vợi. Khi đó, con người mới vội" bật tung cửa sổ "như thể tìm kiếm một thứ ánh sáng gì đó thân quen sâu thẳm trong tiềm thức. Và rồi, thật" đột ngột "khi" vầng trăng tròn "xuất hiện như một sự đánh thức.

    " Ngửa mặt lên nhìn mặt

    Có cái gì rưng rưng

    Như là đồng là bể

    Như là sông là rừng. "

    Rồi khi « mặt » người đối diện với" mặt "trăng tỏa sáng đầy bộc trực, biết bao những kí ức sâu kín như được gợi lại sâu trong tâm khảm. Đó là những hình ảnh thân quen cùng biết bao hoài niệm ùa về: Là đồng, là bể, là sông, là rừng. Để rồi lòng người thức tỉnh, dần run lên" rưng rưng "khi nhận ra sự vô cảm thờ ơ của bản thân cho" vầng trăng "nói riêng hay tất cả những gì đáng trân trọng trong quá khứ nói chung.

    " Trăng cứ tròn vành vạnh

    Kể chi người vô tình

    Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình. "

    Bốn câu thơ chia thành hai cặp đối xứng làm nên sự hài hòa cho khổ thơ," người "..."

    Trăng "luân phiên nhau xuất hiện. Vầng trăng vẫn vẹn nguyên, vẫn lung linh tỏa sáng như thuở ta còn thơ ấu. Vậy nhưng giờ đây, chính sự « im phăng phắc » của ánh trăng đã dồn nén tâm trạng con người lên tới cực điểm. Đó là sự ngộ nhận, là sự suy ngẫm của chính chúng ta, rằng vầng trăng trước giờ đều chẳng hề đổi thay mà vẫn vành vạnh một tấm chân tình ngàn đời, chỉ có con người ta đang dần vô tình với vô cảm với những gì đã đi qua và những gì vẫn đang diễn ra xung quanh mình. Sự lặng im đó là để cho con người ta thức tỉnh, để con người ta phải" giật mình "thảng thốt và ăn năn.

    " Ánh trăng "là một tác phẩm chất chứa rất nhiều những nghĩ suy và trăn trở của tác giả Nguyễn Duy về mỗi con người. Bài thơ được viết theo trình tự thời gian rõ ràng và trôi chảy cùng với giọng thơ tâm tình tự nhiên, giàu biểu cảm, bình dị mà gần gũi tựa như lời ru ngọt ngào. Chẳng cần những nét thơ quá đỗi cầu kì, Nguyễn Duy vẫn phác họa rõ nét cái vẻ đẹp chân chất của vùng quê đơn sơ, của thành thị rộng lớn và hơn cả thế là cả hình ảnh" ánh trăng "hay" vầng trăng "mang đầy dấu ấn để rồi thức tỉnh mỗi suy nghĩ của con người rằng phải biết trân trọng những gì trên đời, biết biết ơn và cảm nhận những điều đã trải qua trong kí ức, củng cố cho người đọc thái độ sống" uống nước nhớ nguồn ", ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

    Cũng giống như nỗi trăn trở về sự vô tình của con người trước quá khứ, trước những nét văn hóa của thời đại đang dần bị mai một, bài thơ" Ông Đồ "- 1936 của Vũ Đình Liên cũng là một bài thơ đậm chất trữ tình nhưng vẫn đánh vào sự thức tỉnh, ngộ nhận trong tâm thức mỗi con người.

    " Mỗi năm hoa đào nở

    Lại thấy ông đồ già

    Bày mực tàu giấy đỏ

    Bên phố đông người qua.

    Bao nhiêu người thuê viết

    Tấm tắc ngợi khen tài

    « Hoa tay thảo những nét

    Như phượng múa, rồng bay. "

    " Ông đồ "là người dạy học chữ nho xưa, họ cũng thường xuất hiện ở những phiên chợ tết, viết những câu đối bằng nét chữ bay bổng tựa như « phượng múa, rồng bay » đầy bắt mắt. Đó là một nét truyền thống cô đọng mà ' ông đồ ' chính là người lưu giữ truyền thống ấy. Mỗi khi xuân về, ông đồ già lại bày mực tàu, giấy đỏ bên những nơi đông người qua lại. Có lẽ đó không chỉ là một cách mưu sinh đơn thuần, mà hơn cả là tình yêu nhiệt huyết với những nét đẹp truyền thống của dân tộc mà chẳng phải ai cũng có khả năng gìn giữ và phát huy những nét đẹp đơn sơ mà quý báu ấy. Những câu thơ được Vũ Đình Liên phác họa thật êm đềm vẻ tần tảo của những ông đồ với nghề, với đam mê cũng như một câu chuyện êm xuôi ngọt ngào tựa lời ru.

    " Nhưng mỗi năm mỗi vắng

    Người thuê viết nay đâu?

    Giấy đỏ buồn không thắm

    Mực đọng trong nghiên sầu..

    Ông đồ vẫn ngồi đấy

    Qua đường không ai hay

    Lá vàng rơi trên giấy

    Ngoài trời mưa bụi bay

    Năm nay đào lại nở

    Không thấy ông đồ xưa

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ? "

    Nhưng rồi nét văn hóa đã dần phôi phai đi," người thuê viết nay đâu? "Đâu còn ai cần để họ tiếp tục công việc. Những lọ mực tàu đọng im trong nghiên mà sầu buồn, giấy đỏ cũng chẳng được dùng tới nữa. Ông đồ vẫn ngồi đó với sự ảo não nặng nề, giờ chẳng còn ai thiết tha những nét bút rồng phượng ngày nào, mưa bụi bay lắc rắc như trong trái tim ông đồ cũng đang run lên một nỗi mất mát gì đó, lá vàng vẫn lặng lẽ đáp xuống mặt giấy đỏ khô cong không thấm mực. Nhưng rồi những nét văn hóa ấy đã dần phôi phai theo thời gian, minh chứng chính là những ông đồ chẳng còn xuất hiện vào mỗi dịp 'đào nở' nữa.

    Để rồi chính ta tự hỏi bản thân đang đối xử thế nào với cuộc sống, với những nét đẹp quý giá cần được lưu giữ và trân trọng. Sự vắng mặt của ông đồ khiến ta phải tự suy xét lại chính mình, tự thức tỉnh lương tâm của mình. Ông đồ vẫn tận tụy, nét bút vẫn vẹn nguyên vạch trên giấy nhưng lại chẳng thể vạch vào lòng người một sự heo hắt của ánh sáng của sự trân trọng và biết ơn." Ông đồ "là một bài thơ cũng xuôi theo trình tự thời gian cùng giọng thơ mộc mạc nhưng lại khiến con người ta phải thức tỉnh, nhìn lại cách ta đối xử với những điều đẹp đẽ đã bị lãng quên ở đời.

    " Thơ "là chiêm nghiệm, thơ là dòng xúc cảm êm ả tựa mây trôi lướt qua tâm trí mỗi độc giả và để lại một ấn tượng riêng biệt. Dù thế, « thơ » vẫn như những câu nói nhắc nhở, thức tỉnh đầy tinh tế sâu trong tâm hồn mỗi con người." Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh "là một ý kiến rất đúng của nhà thơ Chế Lan Viên. Qua tác phẩm 'Ánh trăng", thơ không chỉ là những lời thơ đơn thuần, mà sâu sắc hơn chính là những điều để chính chúng ta phải chiêm nghiệm, phải suy ngẫm lại về bản thân mình.
     
    LieuDuongnntc6761 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...