1. Đàn cổ cầm Cổ cầm ([kùtɕʰǐn] (nghe) ; tiếng Trung: 古琴) là một loại nhạc cụ Trung Quốc thuộc bộ dây dạng gảy gồm có 7 dây. Đàn này được chơi từ thời cổ đại, theo truyền thống được các học giả và sĩ phu yêu thích và xem là loại nhạc cụ thanh nhã, tinh tế, như được nhấn mạnh trong trích dẫn "quân tử không thể rời cầm hay sắt (tên một loại nhạc cụ) của mình mà không có lí do chính đáng," cũng như được liên kết với triết gia Trung Quốc cổ đại Khổng Tử. Thỉnh thoảng người Trung Quốc nhắc tới nó như là "cha của âm nhạc Trung Quốc" hoặc "nhạc cụ của hiền nhân". Không nên nhầm lẫn cổ cầm với cổ tranh. 2. Đàn tranh Đàn tranh (chữ Nôm: 彈箏, chữ Hán: 古箏: Cổ tranh;Bính âm: Gǔzhēng) – còn được gọi là đàn thập lục, là nhạc cụ truyền thống của người phương Đông, có xuất xứ từ Trung Quốc. Đàn thuộc họ dây, chi gảy. Vì có 16 dây nên đàn còn có tên gọi là đàn Thập lục. Ngoài khả năng diễn tấu giai điệu, ngón chơi truyền thống của đàn tranh là những quãng tám rải hoặc chập và ngón đặc trưng nhất là vuốt trên các dây là ngón á. Đàn tranh là nhạc khí dùng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát, ngâm thơ và được chơi trong nhiều thể loại âm nhạc như các dàn nhạc tài tử, cải lương, chèo, nhã nhạc, dân tộc tổng hợp. 3. Đàn tỳ bà Đàn tỳ bà (chữ Hán: 琵琶; bính âm: Pípá, romaji: Biwa, chuyển tự tiếng Triều Tiên: Bipa) [1] là tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người phương Đông, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tùy theo từng vùng hoặc từng quốc gia. Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc. 4. Đàn tam Đàn tam (chữ Hán: 三弦: Tam huyền;Bính âm: Sānxían) – còn được gọi là tam huyền cầm là nhạc cụ dây gẩy xuất xứ từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam. Đàn được mắc ba dây nên gọi là Đàn Tam (Hán-Việt: Tam là ba). Về hình dáng cấu tạo đàn tam gồm có những bộ phận chính như sau: Bầu đàn hay hộp đàn: Là khuôn gỗ dày hình chữ nhật (4 cạnh tròn), kích thước 14 – 17 cm. Thành đàn cao khoảng 5 cm, khá nặng, làm bằng gỗ cứng. Mặt đàn bọc bằng da trăn hoặc da kỳ đà. Ở phần gần giữa mặt đàn là ngựa đàn. Trước đây hậu đàn bịt da, ngày nay làm bằng gỗ, có lỗ thoát âm. Cần đàn: Dài, làm bằng gỗ cứng, trên mặt không có phím đàn. Đầu đàn: Có hốc luồn dây và 3 trục dây (bên 2 trục, bên 1 trục). Đầu đàn hơi ngả về phía sau. Dây đàn: Trước đây làm bằng tơ se, nay làm bằng dây nylon với kích thước khác nhau. Tổng cộng có 3 dây đàn móc vào cuối bầu đàn, chạy lên phía trên ngựa đàn đến cần đàn rồi xỏ vào trục dây được luồn qua miếng xương có 3 lỗ nằm trên mặt cần đàn. Người ta có thể di chuyên miếng xương này lên gần đầu đàn hay kéo xuống hướng bầu đàn để điều chỉnh độ căng, giãn của 3 dây đàn, giúp âm thanh cao lên hay trầm xuống. Nói cách khác, miếng xương này giống như cái khuyết ở đàn nhị. Tuy nhiên loại đàn tam ngày nay, nhất là loại thường dùng người ta đã bỏ miếng xương này. [1] Âm thanh Đàn tam có âm sắc không giống các đàn khảy dây khác như đàn tỳ bà, đàn nguyệt hay đàn tứ. Điều này có lẽ chịu ảnh hưởng phần nào bởi mặt bầu vang bịt da trăn. Đàn tam có màu âm vang, ấm, sáng sủa, thích hợp rộn rã. Dây đàn được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol – Do -Sol hoặc Sol – Re – Sol. Tuy nhiên khi ở quãng thấp âm sắc đàn tam hơi đục, dùng để thể hiện những giai điệu trầm hùng, khỏe khoắn. Đối với đàn tam cỡ vừa và lớn, âm sắc hơi mờ và đục hơn đàn cỡ nhỏ, âm thanh gần giống như tiếng trống. Các loại đàn tam đều có âm vực khoảng 3 quãng tám. 5. Đàn nguyệt Đàn nguyệt chữ Hán: 月琴: Nguyệt cầm;Bính âm: Yùeqín) – là nhạc cụ dây gẩy xuất xứ từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam, trong Nam còn gọi là đờn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt". Theo sách xưa, đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Đàn Nguyệt là cây đàn rất phổ biến dùng để độc tấu, hòa tấu với nhiều ngón chơi độc đáo như ngón nhấn, ngón vê, ngón luyến.. Màu âm đàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng, tình cảm, đa dạng trong diễn tả các trạng thái cảm xúc âm nhạc. Đàn Nguyệt được sử dụng trong hát Ca trù, Chầu Văn, Ca Huế, Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương..