Review Nhà Thờ Giáo Xứ Ba Giồng

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi dongda, 14 Tháng năm 2021.

  1. dongda

    Bài viết:
    39
    Đây là nhà thờ cổ cùng những câu chuyện cảm động về cuộc đời Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861) và những giáo dân tử vì đạo, nhà thờ Giáo xứ Ba Giồng đã trở thành điểm đến tín ngưỡng thu hút đông đảo tín đồ và du khách tới ghé thăm.

    [​IMG]

    Nhà thờ Ba Giồng

    Từ thành phố Hồ Chí Minh du khách chỉ mất khoảng hơn một giờ về miền Tây trên quốc lộ 1A, qua Long An khoảng 10 km trên đường đến khu Công nghiệp Long Giang, ta có thể đến Giáo xứ Ba Giồng. Giáo xứ Ba Giồng Ba Giồng tọa lạc tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Giáo dân đa số thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Số còn lại rải rác trong các xã Tân Hội Đông, Tân Hòa Thành, Tân Hương, Tân Lý Tây (huyện Châu Thành), Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phú Mỹ (huyện Tân Phước). Có thể nói Ba Giồng là một họ đạo cổ xưa nhất của giáo phận Mỹ Tho tồn tại đến ngày hôm nay.

    [​IMG]

    Nhà thờ Ba Giồng

    Theo lời truyền tụng của cư dân địa phương trong khoảng những năm 1700 hoặc 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cấm đạo, có 20 ghe của tín hữu Công giáo từ Phú Yên lần theo bờ biển xuôi về phương Nam trốn cuộc bắt đạo. Cuộc hành trình của họ đến trước con sông cái, giữa Gò Công và Chợ Lớn, do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại. Ghe ngược dòng sông này cho tới chỗ bắt đầu đồng cỏ lát rộng lớn, và dừng lại ở Rạch Chanh. Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư trên bờ con rạch này. Và ghe trở về Phú Yên rước thêm các gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại mang theo những Kitô hữu khác với số lượng đông hơn. Nhưng ở gần sông, ghe thuyền quan lớn đi lại thường xuyên nên có lần họ bị bắt và bị cầm tù. Những người Công giáo đã vội vã rời khỏi nơi ấy để đi sâu vào rừng, cho tới chỗ Ba Giồng ngày nay và lập cư tại đó. Các cụ già thường chỉ cho con cháu những ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ, mà tất cả đều là những người Công giáo. Tại đất thánh họ đạo nay còn một vài mộ chí niên đại 1663 – 1664 và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ Hán đã lu mờ không thể đọc được. Theo tài liệu "27 vị Tử Đạo tại Ba Giồng của linh mục H. Hamon (1882) hiện còn lưu trữ tại Hội Thừa Sai Paris có nhắc chi tiết sau:" Xóm Ba Giồng thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Cổ Chi, không có gì khác biệt với xóm làng khác, cũng những túp lều người dân An Nam lợp tranh bé lớn tùy theo mức sống của người dân ở đó. Giữa xóm có ngôi nhà lớn hơn với cây Thánh Giá nổi bật. Dân cư không giàu sang mà cũng không túng quẫn, hầu như mọi người đều sống bằng lao động của đôi bàn tay, thế nhưng họ có một kho báu mà họ coi trọng hơn tất cả mọi của cải giàu sang "đó là Đức Tin". Dưới triều Tự Đức (1848-1883), xóm đạo Ba Giồng được linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861) chăm sóc trong 8 năm (1853-1861). Một hôm Cha đi thăm những người trong họ đạo đang bị giam tù thì bị bắt. Cha Phêrô Lựu bị bắt giam cùng với các bô lão bổn đạo Ba Giồng trong ngục Mỹ Tho. Sau khi Cha Phêrô Lựu lãnh án hành quyết tại Mỹ Tho ngày 7/4/1861 cùng 27 tín hữu, quan án ra lệnh buộc các giáo hữu phải bỏ họ đạo đi nơi khác. Ở bất cứ nơi đâu họ đến, người tín hữu Ba Giồng luôn nhìn vào tấm gương kiên trung của cha ông mình để sống xứng đáng với danh xưng Kitô hữu.

    [​IMG]

    Tượng Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu

    Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, từ ngày thành lập đến nay, nhà thờ Ba Giồng đã ba lần bị thiêu hủy. Năm 1950, nhà thờ Ba Giồng được xây dựng lại trên phần đất hiện nay từ một lớp học nối dài, chiều dài chỉ có 24m, chiều rộng 6m. Tuy nhiên, qua thời gian, nhà thờ xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho việc cử hành khi có đông giáo dân. Trước tình hình đó, năm 1997, Đức Giám mục Giáo Phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng. Và ngày 16/11/1997, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn (lúc đó là Giám mục phó Giáo Phận Mỹ Tho) dâng Thánh Lễ khởi công xây dựng nhà thờ Ba Giồng. Ngày 16/3/2000, nhà thờ họ đạo Ba Giồng với tước hiệu "Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam" được Đức cha Phaolô, Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho Cung Hiến. Toàn bộ nhà thờ được đặt trong không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh và những hàng cây duối tạo nhiều kiểu dáng khác nhau toát lên sự mạnh mẽ. Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn.. đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Tháp chuông bên trái cao 20m, trong tháp có quả chuông cao 1, 5m. Khu thánh đường bên trong nhà thờ mới thật sự khiến bạn choáng ngợp với những khung cửa sổ sặc sỡ sắc màu. Không gian nhà thờ luôn tĩnh lặng để mọi người có thể cầu nguyện. Lòng nhà thờ rộng thênh thang với những dãy ghế dài có thể chứa được khoảng 500 người đến dự lễ.

    [​IMG]

    Thánh đường bên trong nhà thờ

    Hai bên lòng nhà thờ trang trí hai dãy tranh vẽ đóng trong từng khung gỗ thể hiện về đời Chúa Giê - su, và bên trên là hai dãy cửa kính trong để cung cấp đủ ánh sáng cho nội thất, kể cả vào mùa mưa. Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ công giáo truyền thống, hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên xung quanh đã tạo nên ấn tượng đẹp về một công trình Thiên chúa giáo. Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 7.000m², nhà thờ Ba Giồng có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dãy nhà xứ, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Tháp chuông Trong khuôn viên nhà thờ còn bố trí nhiều loại hoa kiểng rất đẹp mắt, xen kẻ đó còn nhiều bức tượng đá nối tiếp nhau mà nội dụng kể về cuộc đời chúa Giêsu. Đặc biệt tượng Cha thánh Lựu và các anh hùng tử đạo được bố trí trên một nền cao, xem như là điểm nhấn trong khuôn viên. Nhiều năm qua khá đông khách hành hương đã đến viếng, cầu nguyện và xin khấn trước đài Cha thánh Lựu. Nếu có thời gian, du khách có thể tản bộ khoảng 10 phút đến viếng mộ của những vị anh hùng tử vì đạo ở Ba Giồng.

    [​IMG]

    Một tượng đá trong khuôn viên nhà thờ

    Giáo xứ có 4 giáo họ. Các em thiếu nhi đều theo học các lớp giáo lý hàng tuần theo lứa tuổi. Riêng dự tòng và hôn nhân được tổ chức quanh năm. Ngày nay, nhà thờ không còn thuần túy là những công trình phục vụ tôn giáo, mà đã trở thành di sản chung, mang ý nghĩa văn hóa lớn lao đối với mọi đối tượng quần chúng. Vào mỗi dịp Giáng sinh, nhà thờ được trang hoàng rực rỡ lại trở thành điểm tham quan ưa thích của nhiều người. Các sinh hoạt cộng đồng phong phú diễn ra trong đêm Giáng sinh tại nhà thờ cũng thu hút đông đảo sự tham gia của người dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Nhà thờ Ba Giồng là điểm đến không chỉ cho giáo dân quanh vùng mà còn là điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Tiền Giang.

     
    Mạnh Thăng thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...