Hiểu thế nào về nhà nước? Nhà nước là gì? Đặc trưng của Nhà nước là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp kiến thức về các vấn đề cơ bản của nhà nước bao gồm đặc trưng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước là gì? Nhà nước được xem là hiện tượng xã hội đa dạng và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Khái niệm nhà nước được các nhà tư tưởng quan tâm, nghiên cứu và đã có những luận giải nhất định. Trải qua các thời đại khác nhau thì nhận thức và quan điểm về vấn đề này ngày càng được nghiên cứu và phát triển. Do đó, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về nhà nước nên cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về nhà nước. Tiêu biểu là nhà tư tưởng vĩ đại thời kì cổ đại - Aristote, ông cho rằng: "Nhà nước là sự kết hợp của các gia đình". Một số quan điểm khác lại cho rằng: "Nhà nước là một đơn vị chính trị độc lập, có một vùng lãnh thổ và được công nhận dưới quyền thống trị của nó". Hay với một cách nhìn nhận tương đồng với quan điểm trên nhưng có chút khác biệt về mặt câu chữ thì cho rằng: "Nhà nước khác thì tổ chức quyền lực chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, dân cư và chỉnh quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm thiết lập trật tự xã hội nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình". Mặt khác bằng quan niệm về pháp luật và trật tự pháp luật thì I. Kant lại cho rằng: "Nhà nước là sự liên kết của nhiều người cùng phục tùng cho pháp luật, phải phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật". Ăngghen cho rằng: "Nhà nước bao giờ cũng là một bộ máy nhất định, nó tự tách ra từ xã hội và gồm một nhóm người chỉ chuyên hay chủ yếu chỉ chuyên làm công việc cai trị". Theo đó, ông cho rằng nhà nước sinh ra để thực hiện sự thống trị giai cấp llà bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác. Tóm lại, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm nhà nước và cho ra nhiều định nghĩa khác nhau. Điều này chứng tỏ, nhà nước là một hiện tượng đa dạng, phức tạp và khái niệm nhà nước mang nội hàm vô cùng phong phù. Từ những nghiên cứu và định nghĩa khác nhau về nhà nước của các nhà nghiên cứu trước người viết cho rằng"Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội, bao gồm một nhóm người trong xã hội thành lập nên để thực thi quyền lực, nhằm tổ chức và quản lý xã hội, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội trong đó bao gồm lợi ích của lực lượng cầm quyền đó. Sự ra đời, tồn tại của nhà nước trong đời sống xã hội nhằm mục đích duy trì trật tự chung, phòng chống ngoại xâm, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và chống chịu lại thiên tai từ môi trường. Lưu ý: Nhà nước không hoàn toàn đồng nhất với quốc gia và pháp luật. Nhà nước là một trong những yếu tố hợp thành quốc gia. Nhà nước và pháp luật cũng chỉ có sự gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng không hề đồng nhất với nhau. Đặc trưng của nhà nước Từ những phân tích về khái niệm nhà nước nêu trên thì nhà nước có những đặc trưng sau đây: Thứ nhất, nhà nước mang tính quyền lực. Cũng như những tổ chức xã hội khác nhà nước cần có quyền lực để tồn tại và duy trì các hoạt động trong xã hội. Nhờ có quyền lực trong tay mà có thể điều khiển được các cá nhân, tổ chức trong xã hội phục tùng ý chí của mình. Vậy quyền lực nhà nước được hình thành từ đâu? Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng quyền lực này được hình thành từ sức mạnh bạo lực, sức mạnh vật chất và uy tín của nhà nước trong xã hội. Từ đó nhà nước có khả năng vận động quần chúng nhân dân làm theo ý chí của nhà nước. Quyền lực nhà nước tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà nước với các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Trong mối quan hệ này, nhà nước là chủ thể ra mệnh lệnh cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội, đối tượng này phải phục tùng ý chí của nhà nước. Song quyền lực này cũng được len lỏi trong các cơ quan thành viên của nhà nước, theo đó, các thành viên phải phục tùng tổ chức chung là nhà nước và cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Nhà nước là tổ chức đại diện cho toàn thể xã hội, vì vậy, quyền lực nhà nước là quyền lực bao trùm đời sống xã hội, chi phối mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Để điều phối quyền lực này thì nhà nước tổ chức thành các cơ quan chuyên môn để đảm nhiệm những công việc nhất định từ trung ương xuống địa phương. Thứ hai, nhà nước phân chia dân cư theo đơn vị hành chính Nhà nước phân chia dân cư theo các đơn vị hành chính lãnh thổ không phụ thuộc vào huyết thống, nghề nghiệp, giới tính. Lãnh thổ là dấu hiệu đặc trưng của nhà nước, bởi lẽ không có một quốc gia nào mà không có lãnh thổ. Nhà nước thực hiện quyền lực chính trị của mình trên toàn lãnh thổ. Một nhà nước có lãnh thổ riêng và phân chia thành các đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã.. Do đó, xuất hiện chế định quốc tịch giữa các quốc gia và quan hệ với công dân. Thứ ba, nhà nước thực thi chủ quyền quốc gia Nhà nước có quyền lực bao trùm phạm vi lãnh thổ quốc gia, vì vậy nhà nước là tổ chức duy nhất có đủ tư cách và khả năng đại diện quốc gia thực hiện và bảo vệ chủ quyền. Chủ quyền quốc gia mang nội dung chính trị pháp lý, nó thể hiện quyền quyết định tối cao và độc lập. Chủ quyền này không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong nước cũng như các nhà nước khác, các tổ chức quốc tế. Trong điều kiện của xã hội dân chủ, quyền lực tối cao trong xã hội thuộc về nhân dân, nhân dân ủy quyền cho nhà nước thay mặt nhân dân tổ chức thực hiện và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Thứ tư, nhà nước ban hành pháp luật để quản lý xã hội Pháp luật là quy tắc ứng xử của con người trong đời sống cộng đồng được nhà nước tổng hợp và ban hành dựa trên những văn bản. Nhà nước thay mặt xã hội ban hành pháp luật, cung ứng cho xã hội một loại quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung đối với mọi cá nhân, tổ chức. Nhà nước sử dụng pháp luật, dựa vào pháp luật, là phương tiện đặc biệt quan trọng để tổ chức và quản lý xã hội công bằng. Mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có nghĩa vụ phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Thứ năm, nhà nước quy định và thực hiện việc thu thuế, phát hành tiền Thuế là khoản tiền được pháp luật về thuế quy định mà người dân buộc phải nộp cho nhà nước. Do vậy, thuế là cơ sở nuôi dưỡng để nhà nước có nguồn ngân sách duy trì các hoạt động quản lý xã hội. Bên cạnh đó, thuế còn là nguồn vật chất quan trọng phục vụ cho việc phát triển các mặt của đời sống người dân. Cần nhấn mạnh rằng chỉ nhà nước mới có quyền quy định và thực hiện việc thu thuế vì nhà nước là tổ chức duy nhất có tư cách đại diện chính thức cho toàn xã hội. Đồng thời nhà nước phát cũng phát hành tiền để làm phương tiện trao đổi trong sản xuất, phân phối, và tiêu dùng trong đời sống xã hội.