Với những bạn thường xuyên đọc truyện online, chắc là không lạ gì với truyện edit, với tình hình ở Trung Quốc nhà nhà viết truyện thì ở Việt Nam người người edit truyện, như bạn Hắc Kỳ Lân đã nói: "Có nghèo cũng phải cho con đi edit truyện." Tất nhiên, điểm đầu tiên của truyện edit đó là không bao giờ chính xác được 100% so với bản gốc, vì bản thân người edit không hề biết tiếng Trung, có bản hay, có bản dở, thậm chí có bản edit được gọi là "convert tiến hóa", và tất nhiên cũng có rất nhiều người "khinh bỉ" truyện edit (mình nói thật đó, không hề nói quá khi dùng từ khinh bỉ). Trong thời gian rất dài mình edit Vân Trung Ca, đã rất nhiều lần định viết một bản tổng kết kinh nghiệm edit, nhưng lại không tìm được thời gian, tới giờ mới tổng hợp lại được. Bản tổng hợp này được dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân mình, viết ra để những bạn mới edit hoặc có ý định dại dột muốn trở thành editor tham khảo, các bạn khác chẳng dại gì muốn thành editor cũng có thể đọc chơi cho vui, để một lúc nào đó đọc phải mấy câu edit hơi kỳ cục, bạn có thể vỗ đùi mà than rằng: "Câu này vốn phải thế này cơ, tớ biết đấy". Thời gian trước, vì một chuyện khen chê nhà nào edit hay nhà nào edit dở mà đã dấy lên cơn bão "Thị phi ngôn tình" khiến cho một số nhà edit đã đóng cửa, vì vậy cũng xin nói trước rằng bài viết này của mình chỉ mang tính chất góp ý, tổng hợp kinh nghiệm của chính bản thân mình trong quá trình edit, không hề có ý định tự ca ngợi bản thân là edit hay, cũng không có ý chê bai người khác edit dở, những ví dụ trong bài viết có thể là lỗi của chính bản thân mình, hoặc lỗi edit của người khác, nhưng nếu là lỗi của người khác mình sẽ thay đổi đi một chút để khổ chủ không nhận ra. Nếu khổ chủ vẫn nhận ra thì mình xin lỗi trước. Bài viết này chỉ tổng hợp kinh nghiệm của mình với lĩnh vực truyện cổ đại, cũng không hoàn toàn đầy đủ vì mình nhớ tới đâu viết tới đó. Bài viết với mục đích thiện chí, các bạn thấy hợp lý thì đọc, không thì bỏ qua, đề nghị không để lại dép, gạch đá và những lời khiếm nhã, mình già rồi, không chịu nổi đả kích. I. Giới thiệu chung Từ edit vốn có nghĩa là biên tập, trong quá trình dịch một tác phẩm thì biên tập là khâu cuối cùng, sau khi người dịch dịch hoàn thiện tác phẩm, người biên tập sẽ đọc và chỉnh sửa lại, như vậy người biên tập phải biết tiếng và có kinh nghiệm hơn người dịch để có thể chỉnh sửa lỗi. Tuy nhiên edit trong giới ngôn tình Trung Quốc hiện tại đều là người không biết tiếng, biên tập lại bản dịch khó gặm của phần mềm dịch. Khi mình mới lạc bước vào giới ngôn tình, thậm chí còn không phân biệt được dịch và edit khác nhau như thế nào, thậm chí còn suýt té ghế khi biết Lam Anh edit Tam sinh tam thế không biết tiếng Trung. Việc edit này cơ bản là đọc hiểu bản dịch của phần mềm rồi viết lại một câu cho rõ nghĩa dễ đọc. Theo mình biết, có hai cách edit. Một là chỉ dựa vào bản convert, cách này độ chính xác được khoảng 30% hoặc thấp hơn và thường là không đọc nổi. Cách thứ hai là phải có bản tiếng Trung, dùng phần mềm để dịch lại và tra cứu ở nhiều nguồn khác những từ chưa rõ nghĩa, mình dùng cách thứ hai, với phần mềm Quick Translator (QT), tất nhiên cũng phải kết hợp nhiểu công cụ tìm kiếm và tra cứu khác. Cách làm là copy đoạn cần edit bằng tiếng Trung, mở QT rồi chọn chức năng Translate From Clipboard, phần mềm sẽ tự dịch, trên giao diện hiện lên bản Hán việt, Vietphrase một nghĩa, Vietpharase nhiều nghĩa và cả bản tiếng Trung. Bạn chỉ cần đọc bản Vietphrase một nghĩa kết hợp với bản Hán việt, rồi viết lại câu, chú ý tên nhân vật phải viết theo Hán Việt. II. Làm thế nào để có bản edit đúng. Tất nhiên đúng ở đây chỉ là đúng theo nghĩa tương đối, như mình đã nói ở trên, không bao giờ có bản edit đúng theo nghĩa tuyệt đối, nhưng cũng cần tránh có bản edit sai quá nhiều so với bản gốc, người đọc chắc chắn không thể biết được bản edit đó sai, chỉ có bạn là người đọc bản Hán việt và bản Vietphrase một nghĩa là có thể biết, vì vậy mình có tổng hợp một số nguyên tắc như sau: Bấm để xem 1. Nguyên tắc 1: Lúc nào cũng phải cẩn thận. Công việc dễ sai nhất quả đất này chính là edit, vì vậy cẩn thận là nguyên tắc hàng đầu. Khi mình edit Vân Trung Ca đã sai rất nhiều lỗi không tra cứu cẩn thận thế này, ví dụ: Xảo quả là loại bánh trong Khất xảo tiết, lúc đầu mình đã edit thành hoa quả được bày khéo léo, Xá nhân là người đi theo hầu, đây là từ cổ, lúc đầu mình edit thành người có ơn, Kiếm hoa là tên một loại cây, lúc đầu mình tưởng là tên một thế kiếm.. Tất nhiên những lỗi như thế này khi mới tập tành edit rất khó phát hiện ra, ai mà biết một từ như vậy lại có nghĩa khác, vì vậy, nguyên tắc cẩn thận chính là phải luôn luôn nhìn kết hợp bản Hán việt và bản Vietphrase, không chỉ chăm chú nhìn vào bản Vietphrase một nghĩa. Gặp từ nào thấy nghi ngờ phải tra cứu ngay, trước hết là tra cứu bằng Google. Khi nói về tra cứu, mình cần nói thêm một chút về cách tra cứu, nói thật nhé, không phải ai cũng biết cách tìm kiếm như thế nào cho hiệu quả nhất với các trang tìm kiếm đâu. Cách của mình là dùng dấu ngoặc kép kết hợp với dấu + để loại bỏ những kết quả không cần thiết. Ví dụ muốn tìm câu "Ba tháng không biết vị thịt" mà bạn nghi tác giả là Khổng Tử, hãy đánh vào ô tìm kiếm của Google như sau: "Ba tháng không biết vị thịt"... " Khổng Tử" Khi tìm kiếm như thế này cũng phải rất kiên nhẫn nữa, có khi tìm tới trang thứ n mới ra được kết quả. Nếu tìm bằng Google không ra, bạn bôi đen từ cần tra ở QT, bấm chuột phải chọn Baikeing, QT sẽ kết nối với Baike, bạn copy đoạn giải thích về từ cần tra, mở một QT mới, để phần mềm dịch và đọc hiểu. Nếu có lỗi không kết nối được với Baike, bạn copy từ tiếng Trung đó rồi tìm với Google, lưu ý dùng dấu ngoặc kép. Với những bạn mới tập edit, việc đầu tiên là hỏi Google ca ca xem có bao nhiêu bài hướng dẫn edit, nghiên cứu trước rồi hãy bắt tay vào làm. Trước khi edit mình cũng bỏ ra mấy ngày, tìm và nghiên cứu mấy bài hướng dẫn thế này. Nhân tiện nói thêm về tên riêng của nhân vật, tên nhân vật tất nhiên phải chọn Hán việt, nếu QT chưa nhận ra đó là tên và không viết hoa, bạn bôi đen tên nhân vật, bấm chuột phải, chọn Add To Name, QT sẽ tự nhận diện đó là tên riêng, viết hoa theo Hán việt chứ không dịch ra nữa. 2. Nguyên tắc 2: Ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, hãy điều chỉnh cho phù hợp. Trước khi viết một câu bạn nên tự hỏi, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản edit rơi vào trường hợp câu không có chủ ngữ, nếu không có tất nhiên là mình phải tự thêm vào. Mình hay xét câu theo thứ tự: Chủ ngữ + động từ + vị ngữ để viết câu cho đúng. VD: Cô từ trong ví lấy ra một tờ hóa đơn Câu đúng là: Cô lấy từ trong ví ra một tờ hóa đơn. Thứ tự từ: Thứ tự từ trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, cần thay đổi lại chứ không dùng như bản QT đã dịch được. VD: Là Hoàng hậu Trần Quốc chứ không phải Trần Quốc hoàng hậu, là Vương phi Lan Lăng chứ không phải Lan Lăng Vương Phi, là phủ Đại Tư Mã, Điện Tuyên Thất chứ không phải Đại Tư Mã Phủ, Tuyên Thất Điện.. Tiếp đến là dấu câu, bản được QT dịch thường có dấu chấm, phẩy không phải là chính xác nhất, cũng hay có dấu ; nên bạn nên tự ngắt câu, thay đổi dấu cho phù hợp. Tiếp nữa là về trạng ngữ, câu trong tiếng Việt thường viết trạng ngữ ở đầu câu, nhưng trong tiếng Trung thì chủ ngữ thường ở đầu câu. VD QT sẽ dịch ra là: Ta mấy ngày nữa sẽ tới thăm nàng. Nên chuyển thành: Mấy ngày nữa, ta sẽ tới thăm nàng. Hoặc: Hôm nay ta ở chợ nghe tin đồn về ngươi. Nên chuyển thành: Hôm nay ở chợ, ta nghe tin đồn về ngươi. Trong tiếng Trung, chủ ngữ rất hay ở đầu câu, nhưng trong tiếng Việt thì không phải lúc nào cũng thế, ngoài trường hợp trạng ngữ, các trường hợp khác bạn cũng nên cân nhắc để viết câu cho đúng. VD: Cậu nếu không bận, ở lại chơi đi. Nên viết là: Nếu cậu không bận, ở lại chơi đi. 3. Nguyên tắc 3: Ngôi xưng quyết định phần lớn độ hay trong tác phẩm của bạn Các bạn đều biết ngôi xưng trong tiếng Việt của chúng ta rất phong phú và đa dạng, nhưng ngôi xưng trong tiếng Trung khi QT dịch ra đều là ta và ngươi, cái này hoàn toàn tương tự như I và you trong tiếng Anh, nhưng khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tất cả chúng ta đều tự chuyển đổi cho phù hợp, có điều trong rất nhiều bản edit, các bạn vẫn giữ nguyên là ta – ngươi. Hãy lựa chọn ngôi xưng tiếng Việt cho phù hợp, điều này quyết định phần lớn độ hay trong tác phẩm của bạn. Con cái nói với trưởng bối, hãy gọi cha/mẹ/chú/bác/ cô / dì/ thúc/ bá/ cô cô/ phụ thân/ mẫu thân, trưởng bối nói với con cháu, có thể xưng ta hoặc cha/mẹ/ chú/ bác.. gọi bậc con cháu là con hay cháu. Thử nghe câu này của Hoắc Khứ Bệnh nói với Tam ca nhé: "Thật vất vả mới đợi tới lúc các ngươi đều trưởng thành, lúc này đương nhiên phải làm việc cần làm thôi." Bạn nghe câu này sẽ thấy sao? Câu đúng phải là: "Thật vất vả mới đợi tới lúc các con đều trưởng thành, lúc này đương nhiên phải làm việc cần làm thôi." Điều này áp dụng tương tự khi nhân vật xưng hô với huynh/đệ/tỷ/ muội của mình. Tóm lại là hạn chế dùng ngôi xưng ngươi – ta hết mức có thể, kể cả từ các ngươi, có thể thay bằng mọi người, hay mấy đứa.. Còn khi là hai người đang yêu nhau thì tùy trường hợp các bạn lựa chọn ngôi xưng cho phù hợp. Điều tiếp theo phải nói khi viết về ngôi xưng đó là hai từ nàng và hắn. Trước hết là từ hắn, từ này giống hệt từ he trong tiếng Anh, tức là dùng thay cho người là nam khi được nhắc tới. Tất nhiên, mọi trường hợp QT đều dùng từ hắn, còn khi edit bạn nên lựa chọn cho phù hợp. VD khi nhắc tới nhân vật nam đã lớn tuổi, không nên dùng từ hắn, hãy dùng ông ấy, ông ta (thường dùng trong câu văn tường thuật), bác ấy, thúc ấy, bá ấy, chú ấy (thường dùng trong lời nói của các nhân vật với nhau).. Khi một số nhân vật nói về lão gia, công tử, hay hoàng thượng với người khác, cũng vẫn dùng từ hắn, trong trường hợp này nên thay bằng từ người hoặc ngài để thể hiện sự tôn trọng, lưu ý là vẫn phải tùy trường hợp. VD như cha con Hoắc Quang nhắc tới Lưu Phất Lăng mình vẫn dùng từ hắn, vì bọn họ chắc chắn là không coi trọng hoàng thượng. Có một trường hợp nữa, đó là khi trong truyện có người mang thai và nói về đứa con trong bụng mình, khi đó QT cũng dùng từ hắn. Bạn thử nghĩ xem, từ hắn trong trường hợp này sao dùng được, hãy dùng từ nó hay bé yêu hay gì đó tùy hoàn cảnh. Kể cả khi đề cập tới một bé trai rất nhỏ, VD như Lưu Thích mới 3 tuổi, QT cũng dùng từ hắn, khi đó hãy dùng từ nó hoặc lựa chọn khác của bạn cho phù hợp. Khi một cô gái nhắc về người mình yêu, thay vì từ hắn hãy dùng từ chàng hay huynh ấy. Áp dụng tương tự với từ nàng, từ này chỉ dùng phù hợp khi nhắc tới một cô gái trẻ, khi nhắc tới một phụ nữ đã lớn tuổi hãy dùng bà ấy, bác ấy, cô ấy, và khi nhắc tới một đứa bé gái cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng nó, cô bé, bé.. tùy trường hợp. VD: Khi gặp mẹ thiếp, nàng có hỏi, chàng hãy.. Câu đúng là: Khi gặp mẹ thiếp, bà có hỏi, chàng hãy.. Hoặc: Khi gặp mẹ thiếp, mẹ có hỏi, chàng hãy.. Đọc tới đây bạn đừng cười, có nhiều bản edit thế lắm. Khi nhân vật nhắc tới một người phụ nữ mà mình ghét, cũng đừng nên dùng từ nàng, ghét như thế thì gọi nàng sao được, hãy dùng từ nàng ta, cô ta hay thậm chí là ả ta. Khi từ này dùng để nhắc tới một người phụ nữ có thân phận cao quý cũng nên chọn thay bằng người, hay bà cho phù hợp. Khi truyện thuộc thể loại xuyên không, là lời kể của nhân vật nữ chính, thay vì dùng ngôi xưng ta, bạn hãy dùng "tôi", thậm chí khi cô ấy gọi những người khác chắc cũng không dùng mấy từ cổ kiểu như huynh/đệ/ tỷ/ muội, hoặc cô ấy cũng không xưng là thiếp đâu, vì bạn thử nghĩ xem, ngôn từ của người hiện đại bây giờ khác xưa mà. Khi cha mẹ hay trưởng bối nhắc tới con gái/cháu gái của mình, bạn cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng từ con bé, nó, hay em con/em cháu, chị con/tỷ của con/chị cháu/tỷ của cháu (nếu nói với con/cháu của mình). VD: Hoắc Khứ Bệnh nói với Tam ca: "Nếu có thời gian, con để ý tới nàng (Vân Ca) một chút. Câu đúng là: Nếu có thời gian, con để ý tới em con một chút. Khi huynh tỷ/ đệ muội nói về chị/em của mình, cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng tỷ ấy/muội ấy. 4. Nguyên tắc 4: Hãy cảnh giác, không phải lúc nào QT cũng đáng tin. Đó là trong trường hợp có ba từ A B C cạnh nhau, QT ghép A và B để dịch nghĩa, trong khi câu đúng phải là để A tách riêng, ghép B và C để dịch nghĩa hoặc ngược lại. Trường hợp này thì phải cảnh giác thôi. VD: Về trường hợp này lấy ví dụ hơi khó, tạm thời bỏ qua nhé, mình chưa lần mò mấy bản QT được. 5. Nguyên tắc 5: Chỗ nào dùng từ Hán việt, chỗ nào phải dùng từ thuần Việt mà không phải Hán việt, đó là vấn đề. Như ở trên mình có nhắc tới một số trường hợp, điều này quan trọng trong bản edit của bạn, nhưng áp dụng như thế nào thì tùy thuộc vào vốn từ và khả năng linh hoạt của bạn. Quá nhiều từ Hán việt sẽ khiến người đọc không hiểu, còn dùng từ thuần Việt quá sẽ làm giảm độ hay của tác phẩm, nhất là với truyện cổ đại. Có một số cụm từ bốn chữ có thể chuyển sang thuần Việt thế này: Hữu thuyết hữu tiếu: Vừa nói vừa cười. Tựa tiếu phi tiếu: Như cười như không, hay cười như không cười, hay gì đó tùy vào cách dùng từ của bạn. Nương: Đừng dùng từ này, hãy dùng từ mẹ. Lão bà: Hãy dùng vợ/thê tử/ nương tử.. Lão công: Hãy dùng chồng/phu quân/trượng phu.. Lão nhân gia: Hãy dùng ông lão/ông cụ/bà cụ/bà lão tùy trường hợp, lão bà bà nên chuyển thành bà cụ. Thanh âm: Hôm trước mình có thắc mắc, tiếng Việt có từ này không, có rất ít từ điển có từ này, và rất ít dùng, vì thế nên dùng giọng nói, tiếng nói, âm thanh, tiếng động.. tùy trường hợp cho phù hợp. VD: Thanh âm của hắn khàn khan. So với: Giọng nói của hắn khàn khàn thì câu 2 hợp lý hơn. Thân ảnh: Tiếng Việt cũng không có từ này, hãy dùng từ bóng, hình bóng, hình ảnh.. cho phù hợp. Hỉ bà (trong đám cưới) : Hãy dùng từ bà mối. Tranh thủ tình cảm: Có thể bạn sẽ đọc được câu này như kiểu" phi tần tranh thủ tình cảm ", xin thưa, đó phải là" phi tần tranh sủng ", từ Hán việt tranh sủng đã được dịch thẳng ra. Nô tỳ: Có một số phi tử, vương phi khi xưng với vua hay vương gia đều là nô tỳ, hầy, sao mà lại hạ mình tới thế, không phải đâu ạ, bản Hán việt vốn là từ thần thiếp, nhưng QT lại dịch thẳng ra là nô tỳ. Sườn phi: Giải thích giống trên, từ đúng là Trắc phi, vì trắc nghĩa là sườn. Đủ loại quan lại: Từ đúng là bách quan. Bất quá: Nên dùng là cùng lắm, nhưng mà, có điều.. tùy trường hợp. Thủy chung: Ở tiếng Việt từ này nghĩa là tình cảm không thay đổi, nhưng từ Hán việt này trong một số trường hợp nghĩa là từ đầu tới cuối. VD: Hắn thủy chung không nói câu nào. Câu đúng là: Từ đầu tới cuối, hắn vẫn không nói câu nào. Ly khai: Từ đúng là rời đi. Nhảy dựng lên: Không phải lúc nào cũng là nhảy dựng lên, có chỗ sẽ là đứng bật dậy. Liền: Trong bản convert, từ liền này có rất nhiều, tùy trường hợp bạn nên chuyển thành: Thì, sẽ, đã, rồi, chỉ dùng từ liền trong trường hợp chỉ một hành động diễn ra ngay sau đó, còn là hành động trong quá khứ, nên dùng từ đã. VD: Nếu thúc thúc không thích, liền thưởng cho chất nhi đi. Nên viết là: Nếu thúc thúc không thích, thì thưởng cho chất nhi đi. Hai con kiệt khuyển mất của Lưu Tư vô số tâm huyết, nhưng không ngờ trong chớp mắt liền mất đi một con. Nên viết là: Hai con kiệt khuyển mất của Lưu Tư vô số tâm huyết, nhưng không ngờ trong chớp mắt đã mất đi một con. Là, thì là, chỉ là, cũng là, có là: Những từ này phần lớn nên bỏ đi hoặc thay đổi cho phù hợp. VD: Nàng chỉ là muốn ở cạnh hắn lâu một chút. Câu đúng là: Nàng chỉ muốn ở cạnh hắn lâu một chút. Ngươi là muốn uy hiếp ta sao? Câu đúng là: Ngươi đang muốn uy hiếp ta sao? Khi thấy thế, nàng cũng là nước mắt tuôn rơi. Câu nên viết là: Khi thấy thế, nước mắt nàng cũng tuôn rơi. Bạn nên chú ý thêm là liên từ QT dịch ra thường không nên sử dụng, bạn nên chọn liên từ cho phù hợp với câu của mình. A ở cuối câu: Phần lớn cũng nên bỏ đi, để từ a này, theo mình câu văn sẽ không mang tính nghiêm túc. Áp dụng tương tự với từ nha ở cuối câu. Cười hắc hắc: Có thể bạn nghĩ từ này là điệu cười đặc biệt, không phải vậy đâu, cười thì không hắc hắc được, câu đúng là cười ha hả, hoặc cười hì hì. Từ tượng thanh: Phần lớn từ tượng thanh bị dịch ra đều là từ kỳ cục, bạn phải tự hình dung xem tiếng động đó thực tế thế nào để dùng từ cho phù hợp. VD: QT dịch là cánh cửa kêu chi nha, có bạn đã chú thích hẳn ra là chi nha là tiếng cửa. Làm gì có cánh cửa nào kêu như tiếng này, từ đúng là kẽo kẹt. QT dịch khóc là ô ô, làm gì có ai khóc ô ô, nên để là khóc hu hu hoặc tùy trường hợp để nghĩ ra từ tượng thanh cho phù hợp. Ba: Chẳng có tiếng động nào là ba hết, tùy trường hợp sẽ là Bốp hoặc Bộp, VD: Tiếng cái tát là Bốp chứ làm gì có tiếng cái tát là Ba. Tất cả cách trường hợp khác cũng vậy, tiếng động là ầm ầm, vù vù, ào ào, choang, leng keng, róc rách, vi vu.. Đem: Khi một câu có một hành động được QT dịch ra đều có từ đem, từ này cần phải bỏ đi, chỉ có một số vô cùng ít trường hợp nó là đem thật thì mới giữ lại. VD: Quan phủ đem hắn bắt lại Câu đúng là: Quan phủ bắt hắn lại. Hắn đem ta bảo vệ ở phía sau. Câu đúng là: Hắn bảo vệ ta ở phía sau. Hướng, hướng về phía: Từ này chỉ phương hướng, tùy trường hợp bạn cũng bỏ đi hoặc thay từ cho phù hợp. VD: Hắn hướng ra phía ngoài bước đi. Câu đúng là: Hắn bước ra bên ngoài. Vu An hướng Lưu Hạ hành lễ. Nên dùng là: Vu An hành lễ với Lưu Hạ. Tiểu cô nương hướng bọn họ vẫy vẫy tay. Nên dùng là: Tiểu cô nương vẫy vẫy tay với bọn họ. Cùng: Từ này phần lớn trường hợp nên dùng là" và "sẽ đúng hơn. VD: Mạnh Giác cùng Hoắc Thành Quân không biết vì sao vẫn đứng nguyên tại chỗ Câu đúng là: Mạnh Giác và Hoắc Thành Quân không biết vì sao vẫn đứng nguyên tại chỗ Như thế nào: Hầu như câu hỏi nào QT dịch ra cũng có từ này, nhưng phần lớn nên thay bằng từ khác, có thể là vì sao, sao, sao mà, sao lại.. tùy trường hợp. VD: Hắn như thế nào lại không tới? Câu nên dùng là: Sao hắn lại không tới? Hay: Vệ Thái tử như thế nào lại gọi là không có con nối dõi chứ? Câu đúng là: Sao lại nói là Vệ Thái tử không có con nối dõi chứ? Sao ở cuối câu hỏi: Hầu như câu hỏi nào được QT dịch cũng có từ sao ở cuối câu, tất nhiên dùng thì không sai, nhưng đọc nhiều sẽ lặp từ và chán, bạn có thể thay bằng các từ cuối câu hỏi khác như, à? Hả? Thế sao? Ư? Vì cái gì: Rất nhiều câu hỏi QT dịch ra cũng có từ vì cái gì, như đã nêu ở trên, dùng nhiều sẽ chán mà có khi còn không hợp lý, bạn có thể chuyển thành vì sao? Sao? Tất cả đều là: Chỉ có đầy một thứ gì đó. VD: Trên người hắn tất cả đều là mồ hôi. Nên viết là: Trên người hắn đầy mồ hôi. Trong mắt nàng tất cả đều là sợ hãi. Nên viết là: Trong mắt nàng chứa đầy sợ hãi. Đông tây: Không phải lúc nào cũng là đông tây, nó có nghĩa là gì đó, cái gì đó. VD: Vân Ca lục lọi tìm đông tây trong phòng. Câu đúng là: Vân Ca lục lọi tìm cái gì đó trong phòng. Cà lơ phất phơ: Chỉ một người giống.. Lưu Hạ, bản thân mình thấy từ này khá kỳ cục, nên mình dùng ba lăng nhăng hoặc cợt nhả. Nghiêng nghiêng ngả ngả: Từ này rất hay xuất hiện, bạn có thể dùng hoặc thay bằng Chân nam đá chân chiêu, lảo đảo, lảo đà lảo đảo, loạng choạng, loạng chà loạng choạng, thất tha thất thểu.. Nguyên lai: Từ đúng là hóa ra, lẽ ra. Phi thường: Rất, vô cùng, hết sức.. VD: Tôi phi thường ngạc nhiên. Câu đúng là: Tôi rất ngạc nhiên hoặc Tôi vô cùng ngạc nhiên. Cư nhiên: Lại, lại có thể.. Nghĩ muốn: Chỉ là muốn thôi, bỏ từ nghĩ đi. VD: Con nghĩ muốn trêu a tỷ thôi. Câu đúng là: Con muốn trêu a tỷ thôi. Bát quái: Khi tả về tính cách hoặc chuyện buôn dưa thì từ này không có nghĩa là bát quái, nó nghĩa là nhiều chuyện, giống từ" bà tám "hoặc tám chuyện ở miền Nam ấy, không biết có phải từ bà tám và tám chuyện bắt đầu từ cộng đồng người Việt gốc Hoa nên mới thế không nhỉ? Hưu: Nghĩa là bỏ, như kiểu ly hôn bây giờ ấy. VD: Nàng là một cô gái bị hưu. Câu đúng là: Nàng là một cô gái bị bỏ. Thú: Nghĩa là cưới. (Thế mới có từ Hôn thú ấy mà) VD: Ta sẽ không thú nàng. Câu đúng là: Ta sẽ không cưới nàng. Trừ bỏ: Nên dùng là ngoài, hoặc ngoài ra. VD: Mấy hôm nay, trừ bỏ ăn tôi chỉ có ngủ. Câu đúng là: Mấy hôm nay, ngoại trừ ăn tôi chỉ có ngủ. Ngày thứ hai: Một số trường hợp phải là ngày hôm sau mới đúng. Khi edit bạn cũng nên xem bản tiếng Trung, dù rằng không biết nghĩa của từ nhưng tiếng Trung là chữ tượng hình, một vài trường hợp chỉ cần nhìn chữ tiếng Trung là hiểu để giải thích được. Từ chuyên ngành của một số lĩnh vực cũng cần chú ý, có một số từ phải giữ nguyên Hán việt mới đúng, nhưng QT lại dịch thẳng ra, muốn biết tất nhiên bạn phải hỏi Google rồi. 6. Nguyên tắc 6: Đoán bừa cũng nên có căn cứ. Vì sao lại nói là đoán bừa, vì có một số từ QT không tra nghĩa được, mà tra ở chỗ khác cũng không được nên phải đoán bừa, nhưng cũng đừng quá chế bậy. Bạn nên liên hệ nội dung đoạn trước và đoạn sau, cố gắng suy đoán xem từ không dịch được đó là nghĩa gì. III. Làm thế nào để có bản edit hay. Để có bản edit đúng đã khó, nhưng để hay thì cần nhiều thời gian hơn, mình có tổng hợp một số nguyên tắc thế này. 1. Nguyên tắc 1: Sử dụng từ đồng nghĩa một cách linh hoạt. Khi bạn bấm vào một từ trong QT, màn hình sẽ hiện thị tất cả các nghĩa của từ đó, hãy chọn nghĩa mà bạn cho là phù hợp nhất, khi thấy rằng tất cả đều không phù hợp, hãy nghĩ ra các từ đồng nghĩa khác bạn có thể nghĩ tới, nếu bạn thấy thế quá phiền, vậy khó có được bản edit hay lắm. Khi dùng từ, bạn cũng nên chú ý tới truyện mình edit là truyện hài hước hay chính truyện, nhân vật đang được nói tới như thế nào, nhân vật đó sẽ phải dùng những từ như thế nào mới thể hiện rõ được phong cách của mình? Có một lần mình đọc được một đoạn trong một truyện nói về nữ chính là hoàng hậu bị ngã, trong một chính truyện nhé, bạn edit dùng từ" ngã chổng bốn vó ", nghe công nhận buồn cười đúng không, nhưng vào truyện như thế thì sẽ là chuyển ngữ lố bịch ấy. 2. Nguyên tắc 2: Học hỏi cách dùng từ của người khác qua những truyện mà bạn đọc, hãy tích lũy vốn từ, cách diễn đạt và viết câu. Edit không phải là copy y nguyên những gì QT dịch ra đã rõ nghĩa, mà là viết lại câu văn bằng giọng văn và cách diễn đạt của bạn, tất nhiên điều này tùy vào khả năng của mỗi bạn khi edit. 3. Nguyên tắc 3: Để edit hay thì tin QT càng ít càng tốt, tức là đừng dùng hết thảy những gì QT dịch ra, mà hãy diễn đạt sao cho hay hơn. Nguyên tắc này nói gọn lại là dùng từ đồng nghĩa một cách hợp lý và linh hoạt nhất, và diễn đạt câu một cách hay nhất. VD: Nàng cái gì cũng không muốn nghĩ tới. Câu này rõ nghĩa, nhưng không hay. Câu nên viết là: Nàng không muốn nghĩ tới gì hết. Thành ngữ, tục ngữ cũng rất hay bị QT tự ý chuyển đổi sang tiếng Việt với nghĩa gần tương đương. VD: Khi Mạnh Giác kể chuyện cha mình dùng đệ đệ để tráo với Lưu Tuân, QT đã dùng thành ngữ" treo đầu dê bán thịt chó "trong khi câu đúng là" thay xà đổi cột ", về nghĩa thì không sai, mà dùng câu" treo đầu dê bán thịt chó "trong trường hợp này thì.. Khi tả về Mạnh Giác nói chuyện với ai cũng hợp trong đám cưới của Bệnh Dĩ, câu thành ngữ là" trường tụ thiện vũ ", nghĩa là" tay áo dài khéo múa ", QT đã rất thông minh chuyển thành" Mạnh vì gạo, bạo vì tiền " Khi tả về Bệnh Dĩ, QT đã dùng câu" ăn bữa nay, lo bữa mai "trong khi câu đúng là: Triêu bất bảo tịch, nghĩa là an toàn vào buổi sáng nhưng không đảm bảo còn được thế tới tối. Câu này về nghĩa cũng không sai nhiều lắm, nhưng không thể hiện rõ ý của câu thành ngữ mà tác giả dùng, vì" Ăn bữa nay, lo bữa mai "chỉ là lo về ăn uống thôi, còn Bệnh Dĩ phải lo cả về mạng sống nữa. Nói thêm về thành ngữ, Trung Quốc có rất nhiều thành ngữ có dùng tới bảy và tám (thất và bát). VD: Thất quải bát nhiễu là bảy rẽ tám ngoặt. Chẳng có bảy lần rẽ, tám lần ngoặt gì sất, chỉ tả một đoạn đường nhiều chỗ rẽ ngoặt. Thất chủy bát triệt: Đại ý là bảy miệng tám lưỡi, chỉ lắm mồm lao nhao, mình vẫn chưa nghĩ ra câu gì tương đương của tiếng Việt để thay thế, dùng Mồm năm miệng mười thì chỉ áp dụng cho một người lắm mồm, còn câu trên dùng tả đám đông, nên mình thường chỉ thay thế tả đám đông ồn ào thôi. Thất tinh bát lạc: Bảy rơi tám vãi, chỉ đồ vật lung tung. Loạn thất bát tao: Chỉ đồ đạc lung tung, tùy hoàn cảnh, nếu là truyện có chút hài hước có thể dùng từ hầm bà lằng, còn không cứ chuyển thành lung tung lộn xộn cho nó vuông. Nhiều thành ngữ khác liên quan tới điển cố, QT thường có ghi đơn giản, bạn nên bỏ thời gian gõ ra để mọi người dễ hiểu, câu nào không có chú thích thì hỏi Google là ra. Có một số có thể thay thế bằng câu tương đương của tiếng Việt thì cứ thay, VD: Đánh cỏ động rắn (đả thảo kinh xà) có thể thay bằng Đánh rắn động cỏ, Kiến phong sử đà nghĩa là lái theo chiều gió có thể thay bằng Gió chiều nào xoay chiều nấy, nhưng một số câu có liên quan tới điển cố, VD: Vừa mất phu nhân lại thiệt quân, không nên thay bằng Mất cả chì lẫn chài. 4. Nguyên tắc 4: Tên chương và tên truyện phải chuyển ngữ sao cho hay hơn bình thường một chút, đừng nên dùng y chang chuyển ngữ của QT. Nếu bạn không chuyển ngữ cho hay được cũng phải giải thích cho người đọc hiểu, không nên để nguyên tên chương là Hán việt, người đọc chắc chắn không hiểu được, và tên chương phần lớn đều hay, thể hiện phần lớn nội dung của chương. VD: Tên truyện: Nắm tay người, kéo người đi. Nên chuyển thành:" Tay nắm tay, cùng nhau cất bước "sẽ hay hơn Tên truyện: Cùng anh dây dưa không rõ. Nên dịch thế nào cho hay mình cũng chưa nghĩ ra, nhưng tên truyện như trên chắc chắn không ổn, bên Kites dịch tên truyện trên là" Chạy đâu cho thoát "mình thấy cũng khá ổn. Thơ từ ca phú, Luận ngữ, trích dẫn sách.. trước hết nên tìm xem có bản dịch rồi hay không, nếu có hãy dùng trong bản edit của bạn và nhớ ghi tên người dịch, lưu ý là khi tìm kiếm bản dịch hãy copy bản phiên âm Hán Việt để tìm, nếu không tìm thấy thì cố thử chuyển ngữ, vì nếu bạn không chuyển ngữ thì người đọc không thể nào hiểu cho nổi. Nếu không chuyển ngữ nổi thì hãy copy bản phiên âm Hán việt, không bao giờ được copy bản Vietphrase một nghĩa vì bản này từ nào dịch được thì dịch, từ nào không dịch được thì thôi, đọc bản này rất là kỳ cục. 5. Nguyên tắc 5: Nguyên tắc về trình bày. Cuối cùng bạn nên trình bày theo đúng format của word, cũng không nên chia chương quá ngắn, nếu không có thời gian edit một chương dài, bạn hãy post với thời gian cách xa nhau một chút, nếu chia chương quá ngắn chỉ chừng 1-2 trang word, người đọc cũng rất là mệt, mà lại cắt ý của tác giả ra quá nhiều phần. Cũng không nên viết quá nhiều bình luận khi edit, có lần mình đọc được bản edit là hai bạn edit gần như chat với nhau trong đó luôn, rồi bình luận, chê bai nhân vật phản diện. Cũng không nên spoil làm độc giả biết trước. IV. Lời kết. Thời gian gần đây mình có đọc được một số bài báo (đã cũ) về tình hình dịch thuật ở Việt Nam, kết luận chung là" Loạn dịch ". Nào là bản dịch" Lolita "," Bản đồ và vùng đất ".. bị người đọc chỉ ra cả trăm lỗi lớn lỗi nhỏ ở trên mạng, mới gần đây nhất là bản dịch của Tam sinh tam thế – Chẩm thượng thư. Có người nói: Dịch giả không tâm huyết, có người nói: Dịch giả có tiếng rồi, bỏ tiền ra thuê sinh viên dịch từng chương rồi ráp lại, nhận nhuận bút cao hơn để ăn chênh lệch, có người nói: Tiền công dịch thuật ít thế, ai mà tâm huyết cho nổi.. Mình nói mấy câu trên có chút ngoài lề với nội dung bài viết, nhưng chỉ có ý là, dịch một tác phẩm là công việc khó đối với cả một dịch giả, thế nên edit còn khó hơn rất nhiều, bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Có người nói rằng, người biết tiếng và người dịch là khác nhau, biết tiếng bạn sẽ đọc hiểu còn người dịch thì phải đọc hiểu và có khả năng dùng từ, diễn dạt và viết văn nữa, dịch sao cho đúng, sao cho hay. Vậy mà hiện tại, mình đọc được không ít bản edit hay tới mức không nghĩ rằng đó là bản edit, việc edit này nói khó thì là khó, nói dễ thì là dễ, chỉ cần bạn có để tâm làm nó hay không. Dù bạn edit được một tác phẩm hay hay dở, thì điều đầu tiên phải nói là bạn rất đáng khen, vì bạn đã bỏ thời gian và công sức ra để cho người khác đọc miễn phí. Thế nhưng, đã bỏ thời gian và công sức thì tội gì bạn không cố gắng thêm một chút để có được bản edit hay hơn, để tiếng Việt của chúng ta không bị méo mó bởi những ngôn từ và ngữ pháp chẳng giống ai, để không có thêm nhà báo nào nhảy vào nói rằng: Đấy, thấy không, ngôn tình có gì hay, xem cái bọn mê ngôn tình kìa, chúng nó viết gì, đọc gì đâu có ai hiểu đâu. Thế này cũng gọi là tiếng Việt sao? Chúc cho tất cả các bạn editor luôn luôn có đủ tâm huyết để hoàn thành những" hố"mà mình đã đào nhé. Sưu tầm Tuyết trên tay
Note: Bài viết được đúc kết trong quá trình tụi mình mày mò edit, chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nào quan tâm thì cùng thảo luận nhé ❤ 1. VỀ CẤU TRÚC CÂU Trước khi viết lại một câu nào bạn đều nên tự hỏi mình: Trạng ngữ đâu, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản QT/CV không hề có chủ ngữ thì mình phải tự thêm vào cho đầy đủ. Ngoài ra thì mình hay xét câu theo thứ tự: Trạng ngữ + Chủ ngữ + Động từ + Vị ngữ (Sáng mai, chúng ta sẽ đi học) hoặc Chủ ngữ + Động từ + Vị ngữ + Trạng ngữ (Chúng ta sẽ đi học vào sáng mai) để viết cho đúng, các bạn có thể tham khảo thử những ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn. Bấm để xem VD 1: Hàn Lỗi hai tay run rẩy => Hai tay Hàn Lỗi run rẩy Hàn Lỗi gương mặt đỏ ửng => Gương mặt Hàn Lỗi đỏ ửng VD 2: Hắn đem tình yêu đều trao hết cho nàng => Hắn trao hết tình yêu cho nàng. Hắn đem cửa đóng lại => Hắn đóng cửa lại. Tiêu Nại đem Vy Vy kéo lại ôm vào lòng => Tiêu Nại kéo Vy Vy lại ôm vào lòng. Chu Phóng đem con mèo bế lên giường => Chu Phóng bế con mèo lên giường. Từ "đem" này trong Tiếng Việt mình rất hay sử dụng, nhưng dùng nó ở vị trí: Chủ ngữ + Đem + Vị ngữ + Động Từ là sai. Trong trường hợp bản QT/CV có cấu trúc như vậy, bạn nên bỏ từ "đem" đi và đảo động từ lên trước. VD 3: Vi Vi hiện giờ đang rất rối => Hiện giờ Vi Vi đang rất rối. Húc Phượng lúc này còn đang ngủ say => Lúc này, Húc Phượng vẫn còn đang ngủ say. Tôi mấy hôm nữa sẽ tới gặp cậu => Mấy hôm nữa, tôi sẽ tới gặp cậu. Trừ khi bạn có ý định dùng biện pháp tu từ đảo ngữ để nhấn mạnh mốc thời gian, nếu không thì hãy làm đúng theo cấu trúc: Trạng ngữ + Chủ ngữ + Vị ngữ để câu văn nghe thuần Việt nhất. VD 4: Cẩm Mịch quả nhiên đã biết => Quả nhiên Cẩm Mịch đã biết. Nhuận Ngọc hiển nhiên hiểu rõ => Hiển nhiên Nhuận Ngọc đã hiểu rõ. VD 5: Tiêu Nại từ trong ví lấy ra một tờ giấy => Tiêu Nại lấy một tờ giấy từ trong ví ra. VD 6: Cho nên Tiểu Trang mới có thể cho là mình không thể nói chuyện, đây là tâm lý thượng vấn đề nhỏ, vượt qua đứng lên cũng không khó. => trong nhiều trường hợp, từ 'đứng lên' chỉ bổ nghĩa cho động từ chính "Vượt qua" => bỏ luôn từ này. => dịch thành: Vượt qua cũng không khó. VD 7: Câu hỏi thường có từ 'có phải hay không' đứng đầu hoặc giữa câu, để đọc thuận tai thì nên chuyển nó lại cho phù hợp. Có phải hay không trong nhà có chuyện này a? Cùng Anh Quan cãi nhau? => Có phải trong nhà có chuyện này đúng không? Anh cãi nhau với anh Quan hả? 2. VỀ MỘT SỐ TỪ NGỮ Có một số từ Hán Việt rất ít sử dụng nếu không muốn nói là hoàn toàn không dùng trong Tiếng Việt (vì lý do đồng âm trái nghĩa hoặc các lý do khác). Nên khi gặp những từ dưới đây, bạn nên chủ động hạn chế hoặc thay luôn bằng các từ gần nghĩa hay đồng nghĩa khác, chẳng hạn như: Bấm để xem Bất quá: Có điều/ chẳng qua là/ chẳng qua/ có điều là.. Tưởng: Nhớ/ muốn/ nghĩ Muốn: Phải /muốn Có chút: Hơi/ có hơi/ đôi chút/ có chút.. nhưng nên hạn chế tối đa từ "có chút" vì trong Tiếng Việt không sử dụng từ này nhiều Nguyên lai: Hóa ra/ thì ra Căn bản: Vốn dĩ/ vốn lẽ/ vốn.. Cư nhiên: Thế mà/ lại/ lại có thể.. VD: Hắn cư nhiên dám nghênh ngang như vậy => thế mà hắn dám nghênh ngang như vậy. Đạo: Từ này nghĩa là nói, nhưng trong quá trình dịch, bạn nên làm phong phú câu văn của mình hơn bằng cách thay bằng các từ khác như kể/ thuật lại/ bảo/ hỏi/ đáp/ quát/ gắt lên/ nhắc/ thì thầm/.. sao cho phù hợp ngữ cảnh mà nhân vật đang ở trong tình huống đó. Hoặc thậm chí bạn có thể thay bằng các từ chỉ hoạt động và biểu lộ tâm trạng. VD: Chu Phóng dỏng tai hóng chuyện: "Đúng thế, anh có thấy gì bất thường không?" Quan Cố thở dài: "Có, tựa như trước đây vậy, anh thiếp đi khoảng hai ba lần gì đó." "Không sao cả, anh đã bảo là việc này không ảnh hưởng gì đến cơ thể anh mà." Quan Cố trấn an hắn. Chu Phóng an tâm sau đó đổi đề tài tiếp tục tám: "À, xế chiều hôm nay.." Ly khai: Rời đi/ rời bỏ/ bỏ đi/ đi Thập phần: Vô cùng/ cực kỳ/ rất/ mười phần.. Phi thường: Vô cùng/ rất.. Không: Không/ chẳng Thực: Hạn chế lạm dụng, có thể thay thế: VD: Thực đắng => đắng quá/ đắng lắm/ rất đắng.. Cùng: VD: A cùng B đi chơi => A và B đi chơi hoặc: "Cùng nó cãi nhau à?" => "Cãi nhau với nó à?" Nghĩ nghĩ: Suy nghĩ/ nghĩ một lát/ ngẫm nghĩ/ nghĩ Cười cười: Mỉm cười/ khẽ cười/ bật cười/ dịu dàng cười/ cười thấu hiểu.. Hảo hảo: VD để tôi hảo hảo suy nghĩ lại => để tôi suy nghĩ kĩ lại đã. Vì cái gì: Vì sao/ tại sao/ vì lẽ gì Không cần: Đừng/ không cần (tùy trường hợp) Biểu tình: Vẻ mặt/ sắc mặt/ biểu tình/ thái độ.. Vô luận: Bất kể/ bất luận Thanh âm: Từ này khi dò từ điển Tiếng Việt sẽ thấy cực kỳ ít dùng, vì thế nên thay bằng giọng nói/ tiếng nói/ âm thanh/ tiếng động.. tùy ngữ cảnh sẽ thích hợp hơn Thủy chung: Trong Tiếng Việt mình từ này nghĩa là tình cảm gắn bó không thay đổi, nhưng từ Hán Việt đó trong một số trường hợp lại có nghĩa là từ đầu tới cuối. VD: Mẹ tôi thủy chung không thèm nói câu nào => Từ đầu đến cuối, mẹ tôi vẫn không buồn nói lời nào. Liền: Trong bản QT/CV, từ liền này thường xuất hiện rất nhiều, tùy trường hợp mà bạn nên chuyển thành: Thì, sẽ, đã, rồi, chỉ dùng từ "liền" trong trường hợp nó miêu tả hoặc chỉ một hành động diễn ra ngay sau đó, còn những hành động trong quá khứ thì nên dùng từ đã. Tương tự với các ngữ cảnh khác. VD: Nếu phụ thân không thích, liền thưởng cho nhi tử đi. => Nếu phụ thân không thích thì thưởng cho nhi tử đi. Thân ảnh: Trong từ điển Tiếng Việt vốn không có từ này, nên thay bằng các từ gần nghĩa khác như bóng dáng/ hình bóng/ hình ảnh/.. cho phù hợp. Là, thì là, chỉ là, cũng là, có là: Những từ này phần lớn nên bỏ đi hoặc thay đổi tùy theo ý diễn đạt mà câu văn đang nhắc tới VD: Tôi là muốn giúp đỡ hắn mà thôi. => Tôi chỉ muốn giúp đỡ hắn mà thôi. A, nga, ân: Hạn chế tối đa hoặc nên bỏ luôn từ này, vì khi đặt các từ đó cuối câu khiến câu văn trở nên không thuần Việt và làm giảm bớt tính nghiêm túc của lời nói. VD: Tôi thích hắn lắm a => Tôi thích hắn lắm. Tôi đi học rồi nga => Tôi đi học rồi. Ân, em vui lắm => Vâng/ dạ, em vui lắm. Cười hắc hắc: Hắc hắc là mô phỏng âm thanh tiếng cười trong tiếng Trung, ở tiếng Việt mình, có thể chuyển ngữ thành ha hả, hì hì, hi hi.. chứ không nên dùng cụm từ đấy. Hướng, hướng về phía: Từ này dùng để chỉ phương hướng, tùy trường hợp bạn cũng có thể bỏ đi hoặc thay từ thích hợp khác. VD: Tiểu cô nương hướng bọn hắn vẫy tay tạm biệt => Tiểu cô nương vẫy tay tạm biệt bọn hắn. 3. LIÊN KẾT CÂU VĂN Người Trung Quốc có đặc điểm là trong một câu rất dài họ chỉ toàn dùng dấu phẩy và đợi hết đoạn mới chấm. Khi mình dịch qua Tiếng Việt thì không nên làm thế. Vì như bạn đã biết, trong Tiếng Việt thì cứ mỗi khi gặp dấu phẩy chúng ta sẽ tự động ngắt câu nghỉ một nhịp. Nếu cứ liên tục ngắt câu bằng dấu phẩy như vậy thì sẽ khiến đoạn văn nghe rất lủng củng. Bạn có thể thay bằng các từ nối như: Nhưng/ nên/ tuy vậy/ vậy nên/ thế/ bèn/ liền/ mà/ thì.. để liên kết các câu lại. Bấm để xem VD 1: Tiểu Trang thấy hắn nóng nảy, vội vã nói => Tiểu Trang thấy hắn nóng nảy NHƯ VẬY BÈN vội vã nói. VD 2: Khổ nỗi đang là Tuần Lễ Vàng, người dân đổ ra đường đông nườm nượp => Khổ nỗi đang là Tuần Lễ Vàng NÊN người dân đổ ra đường đông nườm nượp. VD 3: Chờ rốt cục về đến trước chung cư, hắn cảm tưởng chính mình đã sốt ruột muốn nổ tung lên rồi => Chờ rốt cục về đến trước chung cư THÌ hắn cảm thấy chính mình đã sốt ruột muốn nổ tung lên rồi. 4. TRÁNH LỖI LẶP TỪ Trong quá trình beta truyện, các bạn nên tránh tối đa việc lặp từ, nhất là từ bị lặp cùng nằm ở vị trí cuối câu sẽ làm câu văn mất hay. Bấm để xem VD 1: Cửa mở ra, trước mặt Lâm Tĩnh là Vi Vi đang cúi xuống cởi dây giày ra. => Cửa mở ra, trước mặt Lâm Tĩnh là Vi Vi đang cúi xuống cởi bỏ dây giày. Hoặc: Cửa vừa mở thì Lâm Tĩnh liền nhìn thấy Vi Vi đang cúi xuống cởi dây giày ra. VD 2: Phù Ly xuyên qua khung cửa nhìn một con chó nhà đang lạch cà lạch cạch đạp máy may, "Không có gì, chỉ là nhìn thấy một người quen mà thôi." => Phù Ly NHÌN xuyên thấu qua khung cửa THẤY một con chó nhà đang lạch cà lạch cạch đạp máy may, "Không có gì, chỉ là BẮT GẶP một người quen mà thôi." VD 3: Lúc đi ngang qua một tiệm sách, Phù Ly thấy mấy quyển sách sắp xếp rất bắt mắt nên đi vào chọn mấy quyển sách tham khảo. Sở Dư nhìn tựa đề mấy quyển sách, cái gì mà toàn "Tập hợp đề thi tốt nghiệp của bảy năm gần nhất", "Tuyển tập đề thi tốt nghiệp", "Hướng dẫn giải bài thi" linh tinh. => Lúc đi ngang qua một tiệm sách, Phù Ly thấy cửa hàng sắp xếp rất bắt mắt nên nảy hứng muốn đi vào lựa mấy quyển TÀI LIỆU tham khảo. Sở Dư nhìn lướt qua tựa đề VÀI CUỐN, cái gì mà toàn "Tập hợp đề thi tốt nghiệp của bảy năm gần nhất", "Tuyển tập đề thi tốt nghiệp", "Hướng dẫn giải bài thi" linh tinh. Ngoài ra, khi gặp những chỉ từ như từ "này", để tránh lỗi lặp, chúng ta có thể thay bằng các chỉ từ khác, chẳng hạn: Kia/ đó/ đấy/ ấy/ nọ/.. 5. THÊM TÌNH THÁI TỪ VÀO CUỐI CÂU THOẠI ĐỂ BỘC LỘ CẢM XÚC Đối với những câu thoại khi giao tiếp với nhau hoặc khi nhân vật tự suy nghĩ, độc thoại nội tâm thì bạn nên thêm tình thái từ (nhé, nha, ha, ư, vậy, nghen, à, Bấm để xem ạ) vào cuối câu để câu văn có màu sắc cảm xúc hơn, thay vì thuật lại một câu văn cứng nhắc như thuyết minh đơn thuần. **VD 1: **Việc này ồn ào đến mức làm um sùm trên mạng suốt hai ngày. => Việc này ồn ào đến mức làm um sùm trên mạng suốt hai ngày luôn cơ/ lận đấy/ luôn nhé.. VD 2: Nghĩ đến việc ngàn năm vạn năm sau mình đều phải ở lại đáy biển, nỗi sợ hãi của Chu Yếm hoàn toàn biến thành phẫn nộ. => Nghĩ đến việc ngàn năm vạn năm sau mình đều phải ở lại đáy biển này khiến nỗi sợ hãi của Chu Yếm thoáng chốc hoàn toàn biến thành phẫn nộ rồi. VD 3: Mấy người thu hơn một ngàn đơn ứng tuyển, vậy có khoảng bao nhiêu danh ngạch? => Mấy người thu hơn một ngàn đơn ứng tuyển lận à, vậy có khoảng bao nhiêu danh ngạch thế? 6. KHÔNG NÊN DÙNG TỪ XƯNG HÔ CỔ ĐẠI Ở VĂN BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI Ví dụ như ở văn hiện đại, bạn không nên dùng những từ gọi vợ – chồng là lão bà – lão công, hoặc dùng các từ xưng hô như: Nàng/ chàng/ a di/ phụ thân/ mẫu thân/ tức phụ/ hiền tế.. 7. THAY TÊN BẰNG ĐẠI TỪ XƯNG HÔ HOẶC TỪ THAY THẾ Trong bản dịch, việc tên nhân vật xuất hiện thường xuyên là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm thiểu việc lặp từ tối đa bằng cách thay vì gọi tên nhân vật liên tục thì hãy thay bằng đại từ xưng hô (anh, hắn, cậu, cô nàng, y, ả, gã) hoặc thay hẳn bằng danh từ – biệt danh khác làm câu văn đa dạng hơn. Không nhất thiết cứ phải tác giả gọi vậy bạn mới được quyền dịch theo, mà chỉ cần biệt danh đó không làm lệch đi so với nguyên tác thì bạn vẫn có thể tự đặt. Bấm để xem VD 1: Trong tác phẩm Đọc Thầm của Priest, mỗi khi nhắc về con mèo Lạc Một Nồi, editor sẽ dùng rất nhiều cách gọi khác nhau khiến người đọc thấy đa dạng, phong phú và hứng thú hơn: Con mèo này/ Lạc Một Nồi/ ngài Nồi/ boss Lạc/ sếp Nồi/ con trai cưng/ mèo cưng/ cậu con trai bảo bối/ tên phá gia chi tử/ tên quỷ con/ thằng nhóc đó/ hoàng thượng/ quan đại nhân Lạc Lạc/.. VD 2: Trong tác phẩm Scandal hàng đầu, mỗi khi nhắc về Phương Đường: Mình thường gọi bằng: Phương Đường/ Phương đại minh tinh/ cậu/ cậu nhóc/ cậu bé/.. Trợ lý nói về Phương Đường thì sẽ là: Nghệ sĩ nhà mình/ diễn viên nhà mình/ anh Phương/ anh Phương Đường/ Phương đại minh tinh/ ông chủ của cậu/ vị đại minh tinh #có_lớn_mà_không_có_khôn kia/.. Hứa Ánh Dương khi nói về Phương Đường: Phương Đường/ người yêu nhà anh/ con gà ngốc của anh/ bảo bối/ 8. NÊN ĐỌC LẠI BẢN EDIT CỦA MÌNH TRƯỚC KHI ĐĂNG LÊN Thật vậy, dù bạn edit tốt như nào thì vẫn khó tránh khỏi lỗi đánh máy, lỗi giãn khoảng cách giữa từ và dấu câu.. Thế nên trước khi đăng truyện của mình lên bất cứ đâu, hãy cẩn thận đọc và dò lại ít nhất một lần để bản dịch được hoàn thiện nhất có thể nghen. ^^~ Sưu tầm: Đammộng
Nguyên tắc 1: Ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, hãy điều chỉnh cho phù hợp. Trước khi viết một câu bạn nên tự hỏi, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản edit rơi vào trường hợp câu không có chủ ngữ, nếu không có tất nhiên là mình phải tự thêm vào. Mình hay xét câu theo thứ tự: Chủ ngữ + động từ + vị ngữ để viết câu cho đúng. VD: Cô từ trong ví lấy ra một tờ hóa đơn Câu đúng là: Cô lấy từ trong ví ra một tờ hóa đơn. Thứ tự từ: Thứ tự từ trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, cần thay đổi lại chứ không dùng như bản QT đã dịch được. VD: Là Hoàng hậu Trần Quốc chứ không phải Trần Quốc hoàng hậu, là Vương phi Lan Lăng chứ không phải Lan Lăng Vương Phi, là phủ Đại Tư Mã, Điện Tuyên Thất chứ không phải Đại Tư Mã Phủ, Tuyên Thất Điện.. Tiếp đến là dấu câu, bản được QT dịch thường có dấu chấm, phẩy không phải là chính xác nhất, cũng hay có dấu ; nên bạn nên tự ngắt câu, thay đổi dấu cho phù hợp. Tiếp nữa là về trạng ngữ, câu trong tiếng Việt thường viết trạng ngữ ở đầu câu, nhưng trong tiếng Trung thì chủ ngữ thường ở đầu câu. VD QT sẽ dịch ra là: Ta mấy ngày nữa sẽ tới thăm nàng. Nên chuyển thành: Mấy ngày nữa, ta sẽ tới thăm nàng. Hoặc: Hôm nay ta ở chợ nghe tin đồn về ngươi. Nên chuyển thành: Hôm nay ở chợ, ta nghe tin đồn về ngươi. Trong tiếng Trung, chủ ngữ rất hay ở đầu câu, nhưng trong tiếng Việt thì không phải lúc nào cũng thế, ngoài trường hợp trạng ngữ, các trường hợp khác bạn cũng nên cân nhắc để viết câu cho đúng. VD: Cậu nếu không bận, ở lại chơi đi. Nên viết là: Nếu cậu không bận, ở lại chơi đi. Nguyên tắc 2: Hãy cảnh giác, không phải lúc nào QT cũng đáng tin. Đó là trong trường hợp có ba từ A B C cạnh nhau, QT ghép A và B để dịch nghĩa, trong khi câu đúng phải là để A tách riêng, ghép B và C để dịch nghĩa hoặc ngược lại. Trường hợp này thì phải cảnh giác thôi. Bấm để xem VD: Về trường hợp này lấy ví dụ hơi khó, tạm thời bỏ qua nhé, mình chưa lần mò mấy bản QT được. 1/ Trong quá trình chuyển ngữ mọi người nên chú ý đến ngữ cảnh và cảm xúc của nhân vật mà linh hoạt thay đổi danh xưng giữa các nhân vật với nhau. 2/ Cấu trúc bên tiếng Trung thường hay lượt bỏ chủ ngữ, do đó phải dựa vào từng tình huống mà thêm vào. 3/ Thán từ/ từ để hỏi: Vấn đề này mọi người thường hay quên. Do bên TQ họ ít dụng thán từ nhiều như bên tiếng Việt, do đó mọi người phải chú ý điểm này để thêm vào. Đồng thời nếu tên nhân vật có âm "A" ở đầu thì nên lược bỏ VD: "A Hà!" -> "Hà ơi!" "Mẹ! Đang làm gì?" -> "Mẹ ơi! Mẹ đang làm gì đó?" 4/ A hướng B làm C -> A làm C với B VD: A hướng B xin lỗi -> A xin lỗi B A hướng B tỏ lòng biết ơn -> A tỏ lòng biết ơn với B 5/ Thực xin lỗi -> A xin lỗi B/ xin lỗi B Cám ơn -> A Cám ơn B/ Cám ơn B 6/ A đối với sự C của B thấy D -> Sự C của B làm A cảm thấy D VD: A đối với sự tức giận của B thấy bức xúc -> Sự tức giận của B làm A cảm thấy bức xúc 7/ A muốn cùng B ở chung một chỗ -> A muốn ở bên cạnh B VD: Nàng muốn cùng hắn ở chung một chỗ -> Nàng muốn ở bên cạnh hắn 8/ Hung hăng -> Tàn nhẫn, thật mạnh, cố gắng (từ này dịch theo ngữ cảnh) VD: Hung hăng bóp chặt -> Tàn nhẫn bóp chặt/cố gắng bóp chặt Hung hăng xông đến -> Xông đến một cách hung hãn Hung hăng chèn ép -> Chèn ép thật mạnh 9/ Hận không thể làm C -> ước gì có thể làm C VD: Hận không thể bóp nát cô -> ước gì có thể bóp nát cô * Chỉ hận chưa làm C -> thiếu điều chưa làm C VD: Chỉ hận không thể ăn tươi nuốt sống C -> thiếu điều chưa ăn tươi nuốt sống C 10/ Gắt gao -> siết chặt, thật chặt (theo ngữ cảnh) VD: Anh gắt gao ôm lấy cô -> Anh ôm chặt lấy cô Hắn gắt gao nắm chặt tay lại -> Hắn siết chặt tay lại 11/ A đem B kéo đến/kéo vào C -> A kéo B vào/đến C VD: Anh đem cô kéo vào phòng -> Anh kéo cô vào phòng 12/ Từ "hảo" là một từ nhiều nghĩa, khi chuyển ngữ từ này phải lưu ý dựa vào ngữ cảnh. Sau đây là một số nghĩa thông dụng của từ "hảo" : Được, vâng, tốt, hay, ngon, giỏi, dạ.. VD: "Hảo!" Em biết rồi -> "Vâng!"... " Dạ!"... " Được!" Em biết rồi "Hảo a!" -> "Được thôi!", "Được lắm!" "Hảo ma!" -> "Vâng ạ!", "Thôi được rồi!", "Được thôi!" VD: "Hảo a!" Chẳng cần anh em gì nữa. -> "Được thôi!" Chẳng cần anh em gì nữa. "Hảo ma!" Chúng ta không đi nữa -> "Được thôi!" Chúng ta không đi nữa. 13/ Từ "kinh hỷ" -> Vừa kinh ngạc vừa vui mừng/ ngạc nhiên tới vui mừng 14/ Họ "Trầm" -> Họ "Thẩm" 15/ Nhíu mi tâm -> Nhíu lông mày/ cau mày 16/ Từ "Cười lạnh" -> Cười giễu/cười mỉa 17/ Từ "Kinh sợ" -> Hoảng sợ/lo sợ 18/ Ta khao (我靠) / Ta cỏ (我草) -> Chết tiệt, khốn khiếp 19/ Hoan ái -> Vui vẻ, vui sướng VD: Sau cuộc hoan ái -> Sau cuộc vui 20/ Vui vẻ đứng lên -> Bắt đầu thấy vui vẻ, vui vẻ trở lại, vui vẻ hẳn lên 21/ Sớm an -> Chào buổi sáng Sớm -> Chào/ chào buổi sáng 22/ Mộ (某) -> ai đó/cái gì đó VD: Mộ nhân -> người nào đó Mộ thiếu -> Thiếu gia nào đó Mộ gia -> Nhà nào đó Mộ đông tây (某东西) -> Cái gì đó 23/Ai 拿 ai 怎么才好? -> Ai phải làm sao với ai mới tốt đây? VD: 我拿你怎么才好? -> Anh phải làm sao với em mới tốt đây? 24/ Ai đối ai rất gì đó -> Ai rất gì đó với ai VD: Anh đối tôi rất cưng chiều -> Anh rất cưng chiều tôi Cô ấy đối với tôi rất oán hận -> Cô ấy rất oán hận tôi Anh đối cô rất tức giận -> Anh rất tức giận cô 25/ Anh ấy tại sao lại đối với cô như vậy. Với câu này có 2 chỗ cần chú ý: 1/ Từ để hỏi "Tại sao". Tiếng TQ thường hay đặt từ để hỏi sau chủ ngữ, còn tiếng việt thì hay đặt từ để hỏi trước chú ngữ, cho nên câu này phải đảo từ để hỏi ra đầu câu -> Tại sao anh ấy lại đối với cô như vậy. 2/ là từ "đối". Khi chuyển ngữ là chuyển là "đối xử" -> Tại sao anh ấy lại đối xử cô như vậy. 26/Từ "Kinh diễm" -> Bị làm cho kinh ngạc bởi cái gì đó quá đẹp. (Chú ý: Trong tiếng việt không có từ kinh diễm, cho nên mọi người phải chú ý khi chuyển ngữ từ này). VD: Cô làm cho anh kinh diễm -> Anh bị kinh ngạc trước vẻ đẹp của cô. 27/ Từ "Kinh hỷ" -> Vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy vui. VD: Anh làm cô thật kinh hỷ -> Anh làm cho cô vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. 28/ A "thân là" + chức danh -> A là chức danh VD: Anh thân là tổng giảm đốc -> Anh là tổng giám đốc Cô thân là thiên kim quyền quý -> Cô là thiên kim quyền quý 29/ 亚历山大 -> 1. Alexander 2. Chịu áp lực lớn 30/ Cư nhiên -> Dám VD: Anh cư nhiên đùa giỡn cô như vậy -> Anh dám đùa giỡn cô như vậy Những từ ngữ Hán Việt và Thuần Việt hay dùng: Bấm để xem Sưu tầm MeoHoang
Bài viết rất ý nghĩa, thanks bạn đã chia sẻ, song có đoạn này chưa đúng mình góp ý cho bạn một chút. Trong bài có đoạn như sau: "VD: Cô từ trong ví lấy ra một tờ hóa đơn. Câu đúng là: Cô lấy từ trong ví ra một tờ hóa đơn." Thực ra nên dịch là: "Cô lấy một tờ hóa đơn từ trong ví ra". Như vậy mới đúng ngữ pháp tiếng Việt..
Mình cũng đồng ý với bạn. Ví dụ như: "Một người từ trong bếp đi ra" thì mình sẽ chuyển thành "Một người đi tử trong bếp ra". Còn chỗ "vương phi Lan Lăng" nữa, cứ ngồ ngộ thế nào á, mình cứ lấn cấn cách xưng hô mãi. Mình thấy mọi người quen gọi theo kiểu "Tấn vương" thì cũng phải gọi "Tấn vương phi" thì mới hợp lý chứ ha?
Uhm, nhưng tác giả đã nói rõ ở trên là tác giả rút ra kinh nghiệm và cũng tổng hợp nhiều chỗ mà, nên mình đọc nhiều chỗ cũng thú vị, rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Trước đây mình Edit truyện Phượng Nghịch thiên hạ, đến khi đọc lại mình còn tự vấn là "tại sao ngày ấy mình lại dịch câu này như thế nhỉ", hihi. Nhưng hài hước là các trang web đăng lại truyện của mình cũng đăng nguyên toàn bộ lỗi của mình nữa cơ. Nói lại thấy đau lòng, bộ truyện mình edit mỏi tay cả năm trời vậy mà không biết ai lấy cắp post lên, thế là các trang mạng thi nhau copy, đọc ở đâu cũng thấy giọng văn của mình. Vừa tức vừa buồn cười.
Mình có suy nghĩ khác, tuỳ theo thể loại truyện, hoàn cảnh của truyện, nguồn gốc xuất xứ truyện mà có cách hành văn khác nhau. Những truyện edit và những lỗi như bạn đã nêu, đồng ý có 1 số mình đồng tình, nhưng cũng có 1 số mình hoàn toàn nghĩ chúng không sai. Đã là truyện edit theo bản gốc, là truyện thể loại ngôn tình Trung Quốc, vậy thì chẳng phải hành văn theo lối Trung Quốc sẽ giữ sát nghĩa và sát luôn cả nguyên tác của truyện để người đọc hiểu rõ hơn, thể hiện được cái hồn của truyện hơn sao? Mình không tán đồng theo kiểu dịch nguyên bản 100% văn phong của Trung Quốc vì rất khó hiểu, nhưng có rất nhiều từ, như các ví dụ bạn đưa ra, rõ ràng khi dùng những từ đó, nó vẫn là Hán Việt, văn phong lại có vẻ chau chuốt hơn hẳn. Đã là truyện edit của người ta, ngay cả những truyện ngôn tình mà các bạn viết theo lối Trung Quốc mà mình thay đổi hoàn toàn theo kiểu thuần Việt thì còn đâu là văn phong riêng của thể loại truyện này nữa? Tự viết truyện thuần Việt của bản thân thì mình có thể theo lối thuần Việt rồi, còn ngôn tình Trung Quốc, rõ ràng họ có văn phong riêng biệt. Riêng mình đọc rất nhiều truyện edit, cảm thấy cách dùng từ rất hay, đáng học hỏi, chứ không hề có cảm giác khó chịu nào (trừ những văn phong theo kiểu copy paste từ google), nên mình hoàn toàn ủng hộ cách hành văn theo lối Trung Quốc như các bạn editor đã làm. Mình hi vọng các bạn không nên thay đổi những điều đó. Bởi vì nó mang nét rất riêng, đậm văn phong riêng của thể loại đó. Cũng như khi mình nghe các bài hát Trung Quốc, dù nghe không hiểu, nhưng thà là mình nghe tiếng Trung, sau đó xem bản dịch, chứ thật sự không muốn nghe theo kiểu nhạc Hoa lời Việt, vì có nhiều bài mất đi khá nhiều ý nghĩa của bản gốc. Đây chỉ là ý kiến riêng của mình.
Cám ơn bài viết của chủ thớt, rất chi tiết và dễ hiểu. Nhưng mà mình nghĩ k pải mấy thành ngữ nào của TQ cũng phải cố để hết ra Tiếng Việt đâu, vì nhiều khi sẽ mất đi nét đặc sắc của câu chuyện. Với lại đây là truyện TQ chứ k pải tr VN, nên mk nghĩ nên giữ nguyên mấy thành ngữ Hán Việt rồi chú thích ở cuối chương sẽ hợp lý hơn. Có một lần mình đọc tr của một bạn edit mà dở khóc dở cười vì kiểu đọc bản QT đậm chất nghệ thuật, qua tay edit nó thành văn phong trực tiếp và đọc khá là bực mình vì bạn ấy dịch sát quá đà không nhìn ra được nét riêng của văn TQ nữa.