Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giao thoa ngôn ngữ

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Kim Phi98, 29 Tháng năm 2020.

  1. Kim Phi98

    Bài viết:
    11
    NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ

    Giao thoa là hệ quả của sự tiếp xúc trực tiếp giữa các ngôn ngữ. Nói cách khác, giao thoa là hiện tượng nảy sinh trong quan hệ đa ngữ.

    1. Do di dân

    Cuối thế kỉ thứ XVII, Trần Thượng Xuyên cùng binh lính đến xin tị nạn chính trị ở Việt Nam liền được Chúa Nguyễn đưa đến Cù Lao Phố. Trước lúc này ở đây đã có người Việt từ miền Trung vào sinh sống, rồi sau còn có người Chăm, người Khơme qua lại trao đổi hàng hóa. Để việc trao đổi được thuận lợi bắt buộc hai bên phải học ngôn ngữ của nhau. Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận nhiều đợt di dân của người Việt ra nước ngoài. Năm 1937 ở Cao Miên có 191.000 người Việt Nam, giai đoạn 1975- 1995 cũng có hàng trăm nghìn người Việt Nam nhập cư vào Mĩ, hiện nay trung bình mỗi năm từ Việt Nam có khoảng 80.000 người đi hợp tác lao động, 60.000 du học sinh và hàng chục ngàn người kết hôn với người nước ngoài..

    Dù di dân vì bất cứ lí do gì, học hành, hôn nhân, chính trị, kinh tế hay chiến tranh thì người di dân vẫn luôn sống trong môi trường song ngữ giữa tiếng dân tộc mình và tiếng của nước sở tại. Cho nên, tình trạng di dân là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến hiện tượng song ngữ. Các nhóm người Hoa đến Việt Nam rồi ở lại sống xen với người Việt, không riêng gì Quận 5 mà cả TP. Hồ Chí Minh, phường nào, khu phố nào cũng có người Hoa. Trong quá trình sinh sống chung không chỉ người Hoa học tiếng Việt mà cả người Việt cũng học tiếng Hoa phương ngữ. Theo số liệu thống kê dân số năm 2009, thành phần dân tộc ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn khác trên cả nước có đủ 54 dân tộc anh em và rất đông người nước ngoài cùng cư trú. Chính đặc điểm này làm cho trạng thái song ngữ ở Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng trở nên đa dạng và phức tạp.

    2. Do chính trị

    Đầu thế kỉ XX, Liên Xô là cánh chim đầu đàn của Chủ nghĩa Cộng sản, là một siêu cường quốc có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Vì vậy nửa thế giới, trong đó có Việt Nam chọn tiếng Nga là ngoại ngữ dạy trong nhà trường, đặc điểm này tạo nên trạng thái song ngữ tiếng dân tộc và tiếng Nga. Năm 1991, Liên Xô tan rã, Việt Nam kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng nhận thức rõ thời kỳ quá độ với những cơ hội và thách thức mới. Việt Nam ra nhập WTO đồng nghĩa với hội nhập thế giới, đa số nhà trường Việt Nam chuyển môn ngoại ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Anh, trạng thái song ngữ mới giữa tiếng Việt và tiếng Anh được hình thành. Thế kỉ XVII ở Trung Hoa vì lí do thay vua đổi chủ đã tạo ra làn sóng người Trung Hoa bỏ quê hương di cư đến các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Từ đó tạo ra trạng thái song ngữ của tiếng nước sở tại với tiếng dân tộc của những người mới đến. Hai ví dụ trên đã chứng minh chính trị cũng là một nguyên nhân có tác động đến hiện tượng song ngữ xã hội.

    3. Giáo dục song ngữ

    Học sinh người Hoa ở Quận 5, TP. Hồ Chí Minh bên cạnh chương trình chính khóa bằng tiếng Việt còn được học tăng cường thêm tiếng Hoa để bảo tồn và phát huy tiếng dân tộc thiểu số. Nguyên nhân này tạo nên trạng thái song ngữ Hoa - Việt. Hơn thế nữa tiếng Anh với vai trò là ngôn ngữ quốc tế có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị đương nhiên sẽ trở thành một ngoại ngữ chính thức được chọn dạy trong trường phổ thông. Từ đây sẽ tạo thành trạng thái song ngữ giữa tiếng Anh với tiếng Việt, tiếng Anh với tiếng Hoa hoặc tiếng Anh với tiếng các dân tộc thiểu số khác. Chính sách giáo dục song ngữ trong nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trạng thái song ngữ.

    4. Truyền đạo

    Đạo Phật được truyền vào Việt Nam, cùng với nó là tiếng Phạn và tiếng Hán thông qua cách đọc Hán Việt. Nếu như tiếng Phạn đang được nhà chùa sử dụng trong phạm vi hẹp trong một số trường hợp cầu kinh, thực hiện các nghi lễ (như nhập quan) thì các từ ngữ Phật giáo bằng âm Hán Việt lại chiếm một số lượng đáng kể và chúng thâm nhập cả vào tiếng Việt đời sống. Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường chủ yếu là đường biển và đường bộ. Theo đường biển là Phật giáo từ Ấn Độ, theo đường bộ là Phật giáo từ Trung Quốc. Vì thế, ngôn ngữ Phật giáo trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Ba Li, tiếng Phạn và tiếng Hán. Tuy nhiên, với nhiều lí do, trong đó có lí do về thời gian và về lợi thế của cách đọc Hán Việt nên từ ngữ Phật giáo mượn Hán chủ yếu thông qua âm đọc Hán Việt chiếm số lượng áp đảo. Ví dụ, trong "từ điển Phật học Huệ Quang" có khoảng 23 nghìn từ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong một vài trường hợp từ ngữ nhà Phật trong tiếng Việt vẫn còn tranh luận về nguồn gốc. Chẳng hạn, xung quanh nguồn gốc của từ "bụt" có hai luồng ý kiến khác nhau: Vương Lực cho rằng "bụt" là sự Hán Việt Việt hóa của Phật, trái với quan điểm trên nhiều ý kiến cho rằng, "bụt" xuất hiện ở thời kì đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo con đường biển qua những lái buôn và tăng sĩ (Buddha/buddho). Theo Nguyễn Tài Thư viết trong "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" (1988), sự truyền bá Phật giáo đến Việt Nam không phải xảy ra trong một lúc, mà là liên tục trong nhiều thời điểm, từ đầu Công nguyên cho đến các thế kỉ sau. Nhờ có cách đọc Hán Việt nên các từ ngữ Hán đều có thể đọc được bằng âm Hán Việt và do đó luôn có tiềm năng trở thành từ Hán Việt. Từ ngữ Phật giáo cũng có được lợi thế này. Và cũng giống như các từ ngữ Hán Việt nói chung, các từ ngữ Phật giáo dưới tác động của các nhân tố ngôn ngữ xã hội như thời gian du nhập, khả năng Việt hóa, mà có các biến thể khác nhau. Ví dụ: Cương – cang trong kim cương – kim cang, đạo trường – đạo tràng, đàn trường – đàn tràng, cúng dưỡng – cúng dường – cúng dàng, niết bàn – nát bàn, kết tập, ban nhược – bát nhã. Các từ ngữ Phật giáo được sử dụng đương nhiên là trong đời sống nhà Phật. Bên cạnh những từ ngữ mang tính chuyên dụng cho nhà Phật thì có một số lượng không nhỏ các từ ngữ được sử dụng rộng rãi. Việc sử dụng rộng rãi như vậy có nguyên nhân về tính phổ biến của đạo Phật trong đời sống người Việt. Chẳng hạn: Những từ ngữ mà khi nhắc đến người ta có thể nhận ra đó là từ ngữ Phật giáo: Phật, bồ tát, thích ca, quan âm bồ tát, phật đản, phật tổ, hòa thượng, sư, bụt, tăng, ni, am, cà sa, chính quả, cúng dàng, độ thế, phóng sinh, chúng sinh, từ bi, siêu đôi, hỏa tán, lễ Phật, dục Phật, cúng dường, hiến cúng, hoàn nguyện, bái sám, trì trai, thiết trai, vấn tấn, hiệp chưởng, hiệp thập, hàng hóa, khất hóa, hóa trai, phóng sinh, thí thực, hành thiện, tế nhân. Những từ ngữ Phật giáo quen thuộc với người Việt đến mức người ta không nhận ra nguồn gốc Phật giáo của chúng. Nói cách khác, những từ này đã hòa vào tiếng Việt cùng với cuộc sống đời thường của vốn từ tiếng Việt: Duyên, kiếp, số, phận, thế giới, hiện tại, địa ngục, âm tỉ, diêm vương, ma, vô thường, hóa thân, công đức, nhân quả, giác ngộ, bản thân, phiền não, xuất hiện, phương tiện, trí thức phiền não, giải thoát, giác ngộ, ác báo, hạ hỏa, lễ bái, ác khẩu, bố thí, hằng hà sa số, thế giới, thức tế, bình đẳng, hiện hành, tương đối, tuyệt đối. Điều đáng chú ý là, những từ ngữ Phật giáo đi vào đời sống tiếng Việt luôn vừa có nghĩa của Phật giáo vừa có nghĩa của đời sống (ngữ văn). Người sử dụng tiếng Việt thường chỉ nhận biết chung ở nghĩa ngữ văn.

    Ví dụ: ·

    Ác:

    - Nghĩa trong Phật giáo: "Pháp bất thiện chiêu cảm quả khổ, đáng chê trách, tức là sự tạo tác của tư tưởng ác. Tính chất của ác bao quát những sự trái lí, trái phép, tổn mình hại người, là một trong ba tính: Thiện, ác và vô kí".

    - Nghĩa trong tiếng Việt ngữ văn: Có ý nghĩa là lời nói, hành động xấu, thường gây ra tai họa, đau khổ. - Có tác dụng xấu, dẫn đến hậu quả xấu.

    Kiếp:

    - Nghĩa trong Phật giáo: Là "Một khoảng thời gian cực kì dài. Ấn Độ cổ đại cho rằng vũ trụ trải qua nghìn vạn năm sẽ hủy diệt một lần, sau đó lại hồi sinh. Khoảng thời gian trải qua một chu kì từ lúc hồi sinh đến lúc hủy diệt như vậy được gọi là một kiếp".

    - Nghĩa trong tiếng Việt ngữ văn: Đời, khoảng thời gian sống của một người. - Đời con người, được xem là định mệnh. "Có thể nói, tuân theo quy luật chuyển nghĩa, phát triển nghĩa, nghĩa đời sống ngữ văn của các từ ngữ có gốc Phật giáo đều dựa trên cơ sở nghĩa Phật giáo. Sự chuyển nghĩa hay phát triển nghĩa của các từ này bằng cách thêm hoặc bớt các nét nghĩa. Cũng có những trường hợp thay đổi sắc thái như chuyển từ sắc thái" tốt "sang sắc thái đối lập" không tốt".
     
    Admin, Mạnh Thăng, Tố Văn5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng năm 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...