Nguyên Lý Nền Tảng Cho Một Thế Giới Thịnh Vượng Và Hòa Bình - Tom G. Palmer

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi thamnguyen, 1 Tháng mười hai 2018.

  1. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình

    Cuộc sống, lựa chọn và tương lai của bạn


    Tác giả: Tom G. Palmer

    Nhóm dịch giả: Đinh Tuấn Minh, Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Minh Huệ, Lương Vân Lam, Phan Huy Đạt

    [​IMG]

    Chính trị chắc chắn là một phần quan trọng trong cuộc sống loài người. Suy cho cùng, chính trị là một trong những chủ đề được tranh luận gay gắt nhất trong số các chủ đề mà chúng ta từng bàn luận. Sở dĩ nhiều người bàn tán sôi nổi về chính trị hơn các chủ đề khác không phải do chính trị hấp dẫn hơn nghệ thuật, thể thao, hóa học, điện ảnh, kiến trúc hay y học mà do bản chất của chính trị là thi hành quyền lực lên người khác.

    Khi một giải pháp được á dụng cho mọi người, rất nhiều người sẽ quan tâm kỹ lưỡng xem giải pháp đó là gì. Nếu như bạn không muốn chịu sự áp đặt của một đối tượng khác, cho dù là một đảng, một chính trị gia hay một chính phủ, bạn sẽ phải đấu tranh vì điều đó. Và cũng tương tự nếu như bạn muốn những người khác phải tuân theo mệnh lệnh của mình.

    Thực phẩm sẽ trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng như chính trị nếu tất cả các quyết định được ban hành tập thể và chúng ta chỉ được phép có được những gì người khác có. Thử tưởng tượng những cuộc tranh luận, những sự liên minh, vận động, dàn xếp sẽ diễn ra nóng bỏng như thế nào giữa người sành ăn và người ưa đồ ăn nhanh, giữa người ăn chay và người ăn mặn, vận động viên cử tạ và người mẫu muốn giảm cân trong trường hợp họ phải ăn loại thức ăn giống nhau với khẩu phần như nhau. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với những thứ mà chúng ta cùng quan tâm.

    Cuốn sách này sẽ trình bày một cách nhìn khác về chính trị: Một thứ chính trị không dùng sự áp đặt mà dựa trên sự thuyết phục, tôi và anh cùng sống, loại bỏ sự nô dịch lẫn thống trị. Những bài luận trong cuốn sách phần lớn được viết bởi những thanh niên trẻ tuổi và năng động của tổ chức Sinh viên vì Tự do (Students for Liberty), một phong trào quốc tế đầy sôi động và thú vị.

    Những bài luận trong sách không phản ánh góc nhìn dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà dựa trên những kinh nghiệm phong phú của toàn nhân loại. Chúng giới thiệu một triết lý đã trở thành nền tảng cho cuộc sống hàng ngày của phần lớn chúng ta. Triết lý đó đã lan tỏa khắp thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như chủ nghĩa tự do (liberalism), chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) (nhằm phân biệt với cái cũng gọi là "chủ nghĩa tự do" ở Mỹ), và chủ nghĩa tự do cá nhân (libertariansm). Đó là một cách tiếp cận vừa đơn giản, vừa phức tạp, bởi nó bao hàm góc nhìn sâu sắc rằng những quy tắc đơn giản có thể sản sinh ra những trật tự phức tạp. Đó là một trong những bài học quan trọng của khoa học xã hội hiện đại. Trật tự có thể tự phát, đây là một chủ đề sẽ được đào sâu chi tiết hơn trong những bài luận của cuốn sách.

    Cuốn sách mỏng này có thể coi là một sự khuyến khích, là lời mời gọi những cách nhìn mới về một vấn đề quan trọng nào đó. Độc giả của nó có thể là những người lần đầu tìm hiểu về chính trị, chủ nghĩa tự do hay các chủ đề liên quan khác hoặc những học giả cao cấp. Dù bạn là ai, thuộc hai nhóm trên hay các nhóm khác, tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy những điều bổ ích trong những bài luận của cuốn sách. Chúng có thể được đọc theo bất kể thứ tự nào, bạn không cần phải đọc tất cả các chương. Hãy xem cuốn sách này như một gói bim bim ngon lành bổ dưỡng cho trí óc củ bạn. Và hãy tận hưởng.


    Tom G. Palmer

    Vilnius, Lithuania

    3/6/2013

    Cuốn sách bao gồm 12 chương, là một sự tổng hợp bài viết của nhiều tác giả
     
    chiqudollTố Văn thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười hai 2018
  2. Đăng ký Binance
  3. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Chương 1: Tại sao nên là người theo chủ nghĩa tự do cá nhân?

    Tác giả: Tom G. Palmer


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong một cuốn sách mang tựa đề Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình thì việc giải thích rõ ràng chủ nghĩa tự do cá nhân mang hàm ý gì và vì sao mọi người nên coi tự do như là một nguyên lý hình thành trật tự xã hội là một nhiệm vụ rất đáng làm.

    Trong cuộc sống, gần như chắc chắn 100% rằng bạn hành động như một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Có lẽ bạn sẽ hỏi vậy "hành động như là một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân" có nghĩa là gì. Câu trả lời không quá khó. Bạn không đánh người khác khi họ có hành động không làm bạn hài lòng. Bạn không lấy đồ của họ. Bạn không bịp bợm để lấy đồ của họ, hoặc không lừa gạt họ, hoặc xui họ đi sai đường. Chỉ đơn giản là bạn không thuộc tuýp người như vậy.

    Bạn tôn trọng người khác. Bạn tôn trọng quyền của họ. Có thể đôi lúc bạn có cảm giác muốn đánh ai đó khi họ nói điều gì khiến bạn nóng mặt, nhưng suy đi tính lại, bạn thấy tốt nhất là đi chỗ khác, hoặc trả lời một cách điềm tĩnh. Bạn hành xử như một người thông minh.

    Xin chúc mừng. Bạn đã hấp thụ được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tự do cá nhân. Bạn sống và thực hành quyền tự do của riêng mình với sự tôn trọng tự do và các quyền của những người khác. Bạn cư xử như một người tự do cá nhân.

    Những người tự do cá nhân tin vào nguyên tắc tự nguyện thay vì ép buộc. Và không chỉ tin, họ còn tuân theo những nguyên tắc này trong cuộc sống hằng ngày khi hành xử với người khác.

    Nhưng hãy khoan, có phải chủ nghĩa tự do cá nhân là một triết lý chính trị, một tập hợp những quan điểm về chính phủ và chính sách? Đúng như vậy. Nhưng tại sao nó không xuất phát từ câu hỏi chính phủ nên làm gì, mà lại từ câu hỏi cá nhân nên làm gì? Và đây là sự khác biệt cơ bản giữa chủ nghĩa tự do cá nhân và những quan điểm khác về chính trị. Những người tự do cá nhân không tin chính phủ là phép màu nhiệm. Chính phủ cũng là sản phẩm của con người. Họ cũng giống như chúng ta. Không có chủng người đặc biệt - dù họ là những vị vua, hoàng đế, tổng thống, nhà lập pháp, hoặc thủ tướng - với trí tuệ, khả năng uyên bác, và năng lực siêu phàm để nâng họ lên cao hơn người bình thường. Những người cai trị, kể cả khi được bầu chọn một cách dân chủ, không hề có "tinh thần vì mọi người" cao hơn những người bình thường, đôi khi còn kém hơn. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ ít ích kỷ hơn những người khác hay là có lòng nhân từ hơn. Và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ lo lắng về hành động đúng hay sai hơn những người bình thường. Họ giống chúng ta.

    Hãy khoan lại một lần nữa, những nhà cai trị có những quyền lực mà người khác không có. Họ có quyền lực bắt giữ người khác, khởi động chiến tranh và giết người, đưa ra những quy định bắt người khác được hoặc khôngđược đọc cái gì, thờ cúng Chúa Trời như thế nào, kết hôn với ai, sống ở đâu, học trường nào, được phép đi du lịch ở đâu, sản xuất loại hàng hóa và dịch vụ nào với mức giá ra sao, và còn nhiều điều nữa. Rõ ràng là họ có những quyền lực mà những người còn lại không có.

    Họ sử dụng sức mạnh đó như một điều đương nhiên - đây là điều phân biệt chính phủ với các hình thức tổ chức khác. Dù vậy, khả năng về nhận thức, sự hiểu biết hay tầm nhìn của họ thì không hơn những người còn lại trong chúng ta. Một số có thể thông minh hơn hay kém thông minh hơn bình thường, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ thực sự vượt quá phần còn lại của nhân loại theo cách họ đứng trên chúng ta như những ông chủ.

    Tại sao họ được quyền sử dụng vũ lực, trong khi chúng ta lại phải dùng biện pháp thuyết phục tự nguyện khi ứng xử với người khác? Những người nắm giữ quyền lực chính trị không phải thiên sứ hay Chúa Trời, vậy tại sao họ được phép sử dụng vũ lực trong khi chúng ta lại không có quyền đó? Nếu tôi không có quyền xông vào nhà bạn để nói rằng bạn nên ăn gì, hút gì, hoặc khi nào bạn nên đi ngủ, ngủ với ai, thì tại sao một nhà chính trị, một vị tướng quân đội, hoặc một vị vua, một thống đốc lại có quyền đó?

    (Còn tiếp)
     
    chiqudoll thích bài này.
  4. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Tiếp chương 1:

    Chúng ta có đồng thuận bị ép buộc?


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhưng hãy khoan, có phải chúng ta là chính phủ không? Ít nhất thì trong một nền dân chủ, như một số triết gia thông thái, chẳng hạn Jean - Jacques Rousseau, đã lập luận chúng ta đồng thuận về bất cứ điều gì chính phủ nói chúng ta phải làm hay không được làm. Chính phủ thực hiện "ý chí chung" của mọi người và điều đó có nghĩa là thi hành ý chí của riêng mỗi chúng ta. Vì thế, khi chính phủ sử dụng vũ lực ép buộc chúng ta, thì chính phủ chỉ đơn giản đẩy chúng ta về phía tự do, bằng cách bắt buộc chúng ta theo đuổi ý chí riêng của mỗi chúng ta, chứ không phải theo đuổi những điều chúng ta chợt nghĩ là muốn làm. Như Rousseau đã lập luận trong tác phẩm kinh điển của mình, khế ước xã hội, "ý chí chung luôn đúng và hướng đến điều tốt đẹp cho cộng đồng; nhưng điều này không có nghĩa là các chủ ý của người dân luôn bình đẳng.. Có sự khác biệt cơ bản giữa ý chí của tất cả [là những gì mà tất cả mọi cá nhân đều muốn] với ý chí chung."

    Rousseau đã kết hợp vũ lực với tự do trong lý thuyết của ông, vì rằng, như ông lập luận, "bất cứ ai từ chối phục tùng ý chí chung sẽ bị toàn thể cộng đồng cưỡng ép phải tuân thủ, điềuđó không gì khác hơn là việc anh ta sẽ bị cưỡng ép để được tự do." Tóm lại, bạn không biết bạn thực sự muốn gì cho đến khi nhà nước quyết định những gì bạn muốn, vì thế khi bạn nghĩ bạn muốn làm điều gì đó, nhưng lại bị cảnh sát ngăn cấm và tống giam, thì thực ra bạn đang bị cưỡng ép để có tự do. Bạn đã tự lừa dối bản thân khi nghĩ rằng bạn muốn bất tuân mệnh lệnh nhà nước, cảnh sát chỉ đơn thuần giúp đỡ bạn chọn được những gì bạn thực sự muốn, những thứ mà do bạn quá ngu dốt và kém cỏi nên bạn không nhận ra được rằng đó đích thực là điều bạn muốn.

    Giờ thì có vẻ mọi việc đã trở nên phức tạp, vì vậy chúng ta hãy quay trở lại một chút và suy nghĩ về những lập luận của những người ủng hộ nguyên tắc đa số. Bằng cách nào đó, thông qua các cuộc bầu cử hoặc hình thức tương tự khác, chúng ta tạo ra "ý chí cho số đông", mặc dù một số người có thể không đồng ý với nguyên tắc này (chí ít là những người thất bại trong bầu cử sẽ không đồng ý với quyết định của đa số). Những người này sẽ bị cưỡng chế để thực hiện cùng với đa số, hoặc phải chi tiền cho những thứ họ phản bội, ví dụ tiến hành cuộc chiến tranh ở nước ngoài hay trợ giúp kinh tế cho nước ngoài. Đa số bỏ phiếu cho đạo luật cấm X hay thông qua Y, hoặc bỏ phiếu cho những ứng viên cam kết cấm X hoặc thông qua Y, đây chính là "ý chí của số đông". Nếu có ai đó vẫn còn uống một ly bia, hút một điếu thuốc lá hay giấu thu nhập của mình thì người đó biểu hiện không muốn theo ý muốn của số đông ở một mức độ nào đó, tức là không tuân theo một đạo luật mà người đó đã đồng thuận dựa theo nguyên tắc đa số. Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu sâu thêm một chút nữa.

    Giả sử một đạo luật ủng hộ việc cấm cái gì đó đã được thông qua và có hiệu lực, và bạn đã bỏ phiếu cho đạo luật đó hoặc cho ứng cử viên đại diện cho đạo luật đó. Một số sẽ nói rằng bạn đã đồng thuận và góp phần tạo ra kết quả đó. Nhưng nếu bạn bỏ phiếu chống lại đạo luật đó hoặc bỏ phiếu cho ứng cử viên phản đối đạo luật đó thì sao? Không hề gì. Họ sẽ nói bạn đã tham gia vào quá trình giúp cho kết quả được tạo thành, vì thế bạn cũng đồng thuận và góp phần tạo ra kết quả đó. Nhưng nếu bạn không đi bỏ phiếu, hoặc thậm chí không đưa ra một ý kiến nào thì sao? Lúc đấy họ sẽ nói rằng bạn hiển nhiên chẳng có gì để phàn nàn, vì bạn đã đánh mất cơ hội của mình để ảnh hưởng đến kết quả bằng cách không bỏ phiếu! Nhà tự do các nhân người Anh, Herbert Spencer đã theo dõi các cuộc tranh luận như vậy trong một thời gian dài và ông đã phải thốt lên rằng "như vậy là quá đủ rồi, có vẻ dù một người hành động thế nào thì hành vi đó của anh ta cũng đều được cho là đồng thuận - dù anh ta nói có, nói không, hay là duy trì một thái độ trung lập! Một thứ học thuyết thật quái lạ". Quả thật là quái lạ. Nếu ý kiến của bạn luôn được xếp vào nhóm "đồng thuận", bất kể điều bạn thực sự nói và làm gì, bởi nó vừa có thể mang ý nghĩa "phản đối" vừa mang ý nghĩa "chấp thuận". Khi đó, từ ngữ hoàn toàn vô nghĩa.

    Thực tế là một người bị bắt vì hút cần sa trong nhà riêng của mình không khi nào "đồng ý" để bị bắt theo bất kỳ nghĩa nào. Đó là lý do tại sao cảnh sát mang theo gậy và súng - để đe dọa mọi người bằng vũ lực.

    Tuy nhiên, người dân có thể giao những quyền hạn đó cho chính phủ, nên nếu người dân đã chọn không hút cần sa, thì điều đó đồng nghĩa với việc chính họ đã chọn phương án để bản thân bị bắt giữ khi vi phạm nguyên tắc. Nhưng nếu bạn không có quyền phá cửa để xông vào nhà hàng xóm với những súng ống nhằm đe dọa để kéo họ ra ngoài và nhốt họ vào lồng sắt thì làm sao bạn có thể trao quyền thực thi điều đó cho người khác? Và chúng ta trở lại với luận điểm kỳ quặc rằng những người hàng xóm của bạn hút cần sa đã ủy quyền bắt giữ chính họ, bất kể ý kiến họ bày tỏ là gì, hay họ cư xử như thế nào.

    Nhưng có lẽ việc sống trong một đất nước đồng nghĩa với việc bạn phải đồng ý mọi điều mà chính phủ đòi hỏi ở bạn. Suy cho cùng, nhập gia thì phải tùy tục. Thế nhưng, một "quốc gia" thì khác với một "ngôi nhà". Tôi sở hữu ngôi nhà của tôi, nhưng tôi không sở hữu đất nước của tôi. Nó được tạo ra bởi rất nhiều người với những quan điểm khác nhau về cách sống của cá nhân họ. Và họ không thuộc về tôi. Đây thực sự là điều quan trọng nhất mà mỗi người trưởng thành cần nhận ra: Những người khác không thuộc về tôi. Họ tự quyết định cuộc đời của chính mình. Là một người trưởng thành, bạn hiểu điều đó và hành động của bạn phản ánh điều đó. Bạn không xông vào nhà của người khác để nói cho họ biết họ nên sống như thế nào. Bạn không ăn cắp đồ của người khác khi nghĩ rằng bản thân có thể sử dụng tốt hơn nếu sở hữu món đồ ấy. Bạn không làm tổn thương những người khác khi họ không đồng ý với bạn, thậm chí trong những vấn đề quan trọng nhất.

    Vì thế, nếu bạn hành động như một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, bạn trở thành một cá nhân tự do.

     
  5. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Tiếp chương 1

    Trở thành một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân hàm ý điều gì?


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trở thành một người tự do cá nhân hàm ý rằng bạn không chỉ không làm tổn hại đến quyền lợi của người khác, tức là tôn trọng các quy tắc công lý liên quan đến mọi người, mà còn phải trang bị cho bản thân kiến thức để hiểu ý nghĩa của việc sở hữu các quyền cơ bản đối với con người là gì, các quyền đó đã tạo nền tảng cho xã hội hợp tác hòa bình như thế nào, và các xã hội hoạt động trên cơ sở tự nguyện hiệu quả ra sao. Điều đó có nghĩa là bạn đứng lên đấu tranh không chỉ vì tự do của riêng bạn, mà cho cả tự do của những người khác. Một nhà tư tưởng vĩ đại người Brazil đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho việc xóa bỏ sự xâm phạm nghiêm trọng nhất quyền tự do trong lịch sử loài người: Chế độ nô lệ. Tên của ông là Joaquim Nabuco, ông đã nêu cao ý tưởng của một người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân, cũng chính là kim chỉ nam cho cuộc đời ông:

    Hãy giáo dục con cái, giáo dục chính bản thân chúng ta biết quý trọng quyền tự do của người khác, bởi chỉ bằng cách này thì tự do của chính chúng ta mới không còn là món quà cho không của số phận nữa. Bạn sẽ nhận thức được giá trị của nó và sẽ có can đảm để bảo vệ nó.

    Trở thành một người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân tức là quan tâm đến tự do của tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là tôn trọng các quyền của người khác, ngay cả khi những hành động hoặc lời nói của họ khiến chúng ta không đồng tình. Nó còn có nghĩa là kiềm chế sử dụng vũ lực, và thay vào đó, theo đuổi mục tiêu của mình, dù cho đó là hạnh phúc cá nhân hay sự cải thiện điều kiện của nhân loại, hoặc là đóng góp vào kho tàng tri thức thế giới, hay tất cả những điều đó gộp lại đi chăng nữa, hoặc bất kỳ điều gì khác, chỉ bằng một cách duy nhất thông qua hành động tự nguyện và hòa bình, bất kể là trong thế giới tư bản tự do kinh doanh và trao đổi, hay trong thế giới khoa học, từ thiện, nghệ thuật, tình yêu, tình bạn, hoặc trong bất kỳ dạng thức hoạt động nào khác của con người trong khuôn khổ của các nguyên tắc hợp tác tự nguyện.

     
  6. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Tiếp chương 1

    Thái độ hoài nghi đối với quyền lực và chính quyền


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trở thành một người tự do cá nhân đồng nghĩa với việc nhận thức được rằng các quyền được bảo vệ chỉ khi quyền lực bị hạn chế. Các quyền đòi hỏi sự thống trị của luật pháp. John Locke, một triết gia đồng thời cũng là nhà hoạt động cấp tiến của Anh, đã góp phần to lớn trong việc đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ thống tư tưởng của thế giới hiện đại. Ông đã lập luận chống lại những người bênh vực chủ nghĩa chuyên chế, những người cho rằng các nhà lãnh đạo nên thực thi quyền lực một cách không hạn chế. Những người bảo vệ quyền lực tuyệt đối chế nhạo rằng việc cho phép người dân nắm quyền tự do đồng nghĩa với việc tất cả mọi người chỉ làm những việc người đó muốn, như là vấn đề của ý thích và không cân nhắc đến hậu quả hay quyền của người khác.

    Locke trả lời rằng những gì mà người tự do theo đuổi là quyền tự do hành xử và sắp xếp theo mong muốn của người đó đối với cá nhân anh ta, các hành vi của anh ta, đồ đạc thuộc sở hữu của anh ta và toàn bộ tài sản của anh ta, trong phạm vi của các đạo luật mà anh ta chịu sự điều chỉnh; và vì lẽ đó, không nằm dưới ý chí độc đoán của người khác, mà tự do theo ý chí bản thân. Một người có quyền làm bất cứ điều gì họ chọn đối với những thứ thuộc về bản thân họ - tự do hành động theo ý của mình, chứ không tuân theo mệnh lệnh của người khác, miễn là người đó tôn trọng các quyền bình đẳng của người khác.

    Triết gia Michael Huemer đưa ra căn cứ cho chủ nghĩa tự do cá nhân dựa vào điều mà ông gọi là ý thức đạo đức chung, trong đó bao gồm ba yếu tố: Một là nguyên tắc bất tương xâm, theo đó các cá nhân không được tấn công, giết hại, ăn cắp, hoặc lừa đảo người khác; hai là sự công nhận bản chất cưỡng chế của chính phủ.. được minh chứng bởi các mối đe dọa rõ ràng về hành vi sử dụng vũ lực chống lại những người không tuân theo nhà nước và thứ ba là thái độ hoài nghi về quyền lực chính trị.. đó là nhà nước cũng không được thực hiện những điều mà vốn được cho là sai trái khi một cá nhân hay tổ chức phi chính phủ thực hiện. Như ông lưu ý, chính khái niệm cơ quan có thẩm quyền đã hình thành nên vòng xung đột luẩn quẩn giữa chủ nghĩa tự do cá nhân và những triết lý chính trị khác.

     
  7. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Tiếp chương 1

    Tự do, thịnh vượng và trật tự


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trở thành một người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân tức là hiểu nguyên lý tạo ra của cải; không phải do các chính trị gia đưa ra các mệnh lệnh, mà bởi những người tự do làm việc cùng nhau, phát minh, sáng tạo, tiết kiệm, đầu tư, mua bán, tất cả đều dựa trên sự tôn trọng tài sản cá nhân, có nghĩa là tôn trọng các quyền của những người khác. "Tài sản" ở đây không chỉ giới hạn trong những thứ vật chất, mà người ta thường ám chỉ trong cụm từ đồ của tôi như ngày nay, nó bao gồm cả quyền "Sống, tự do, sở hữu", như trong câu nói nổi tiếng của Locke. Theo James Madison - tác giả chính của hiến pháp Hoa Kỳ - lập luận "Khi nói một người có quyền đối với tài sản của mình, thì cũng có thể nói anh ta có một tài sản thuộc về các quyền của mình".

    Tình yêu và tình thương có thể đủ cho các nhóm nhỏ để hợp tác một cách hòa bình và hiệu quả, nhưng những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân hiểu rằng như thế không đủ để tạo ra hòa bình và sự hợp tác giữa các nhóm gồm một lực lượng lớn các thành viên không tương tác trực tiếp với nhau. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân tin vào pháp trị, nghĩa là các quy tắc áp dụng cho mọi người mà không bị bẻ cong theo cách này hay cách khác dựa trên ý muốn của những người có quyền lực. Các quy tắc của xã hội tự do không được tạo ra để mang lại lợi ích cho một người hay một tổ chức cụ thể nào; chúng tôn trọng các quyền của mỗi con người không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, gia đình, hoặc bất kỳ đặc tính ngẫu nhiên nào của tạo hóa.

    Các quy định về tài sản là một trong những nền tảng quan trọng nhất cho sự hợp tác tự nguyện giữa những người xa lạ. Tài sản không chỉ là những thứ bạn giữ trong tay của mình; đó là mối quan hệ phức tạp của các quyền và nghĩa vụ sẽ định hướng hành động của những người không quen biết nhau và cho phép họ chung sống hòa bình, hợp tác trong các doanh nghiệp và các hiệp hội để đạt được lợi ích chung, vì ranh giới giữa những gì của tôi và những gì của bạn - từ đó mỗi bên có thể hành động để cải thiện tình trạng của bản thân. Các quyền về tài sản có thể chuyển nhượng được định nghĩa rành mạch, kín kẽ về mặt pháp lý giúp hình thành nền tảng cho sự hợp tác tự nguyện, lan tỏa sự thịnh vượng, tiến bộ và hòa bình. Chúng bao gồm không chỉ những thứ bạn có thể giữ trong tay hay đứng trên đó, mà còn cả cổ phần trong các doanh nghiệp phức tạp, sản xuất ra vô số thứ đòi hỏi sự hợp tác giữa hàng ngàn hàng vạn người, bất kể đó là viên thuốc, chiếc máy bay hay chỉ đơn thuần là những quả dưa nằm trên bàn của bạn vào mùa đông.


    Giáo sư luật học, đồng thời cũng là người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân, Richard Epstein, đã đặt tên cho một trong những cuốn sách hay nhất của ông là Simple Rules for a Complex World (Những quy tắc đơn giản cho một thế giới phức tạp). Tiêu đề này đã thâu tóm một cách tài tình chủ đề mà ông muốn nói tới, đó là bạn không cần những quy tắc phức tạp để tạo ra những hình thức phức tạp về trật tự. Những quy tắc đơn giản sẽ làm điều đó. Trong thực tế, các quy tắc đơn giản, dễ hiểu, và ổn định có xu hướng tạo ra trật tự, trong các quy tắc phức tạp, khó hiểu và thay đổi liên tục thì có xu hướng tạo ra sự hỗn loạn.

    Định nghĩa chính xác về tài sản và quyền kinh doanh dựa trên các điều khoản thỏa thuận chung cho phép việc hợp tác trên quy mô lớn có thể diễn ra mà không cần cưỡng chế. Các thị trường tự do gắn kết chặt chẽ hơn, trật tự hơn và có tầm nhìn xa hơn so với các xã hội bị chỉ đạo và chỉ huy một cách ép buộc. Các trật tự tự phát của thị trường thì rất trừu tượng, phức tạp, và có thể tiến xa hơn tất cả những gì mà các kế hoạch năm năm hay những biện pháp can thiệp kinh tế có thể đạt được. Các thể chế, chẳng hạn như giá cả, xuất hiện khi mọi người được tự do trao đổi, giúp định hướng các nguồn lực để chúng được sử dụng một cách hiệu quả nhất, mà không trao quyền lực cưỡng chế cho một bộ máy quan liêu. Trên thực tế, một kế hoạch được áp đặt theo hình thức cưỡng chế sẽ hoàn toàn đi ngược lại kế hoạch được đặt ra; nó làm gián đoạn quá trình phối hợp liên tục các kế hoạch hiện hữu trong các thiết chế xã hội phát triển một cách tự do.


    Trật tự tự phát xuất hiện một cách tự nhiên từ các tương tác tự do giữa những người được bảo đảm an toàn cho việc thụ hưởng các quyền của họ. Nguyên lý này không chỉ áp dụng đối với trật tự kinh tế, mà còn đối với ngôn ngữ, tập tục xã hội, tập quán, khoa học, và kể cả những lĩnhvực như thời trang hay điện ảnh. Việc sử dụng vũ lực trong nỗ lực nhằm khuất phục một một hoặc tất cả những lĩnh vực này theo ý muốn độc đoán của nhà cai trị, một kẻ độc tài, một tổng thống, một ủy ban, một cơ quan lập pháp, hay một bộ máy quan liêu cũng chính là hành động thay thế tình trạng trật tự bằng sự hỗn loạn, thay thế tự do bằng cưỡng ép, và thay thế sự hài hòa bằng sự bất hòa.

    Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân tin tưởng và làm việc vì một thế giới hòa bình, trong đó các quyền của mỗi người và mọi người riêng biệt được công nhận và tôn trọng, một thế giới cùng chung thịnh vượng được tạo ra bởi sự hợp tác tự nguyện, dựa trên một hệ thống pháp luật bảo vệ và tạo điều kiện cho các trao đổi trên cơ sở các bên cùng có lợi. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân tin tưởng và lao động vì sự hạn chế về quyền lực, nhằm quy phục quyền lực chuyên chế từ xưa tới nay trước quy định của luật pháp, vì mục đích hạn chế và tối thiểu hóa hành vi sử dụng bạo lực dưới mọi hình thức. Họ tin tưởng và đấu tranh cho quyền tự do suy nghĩ, tự do làm việc, tự do hành xử theo cách họ lựa chọn, miễn là tôn trọng quyền tự do bình đẳng của những người khác. Họ cũng tin tưởng và lao động vì một thế giới mà trong đó mỗi con người được tự do theo đuổi hạnh phúc của riêng mình, không cần phải xin phép bất cứ ai khác, để sống, hành động và trở thành con người họ mong muốn.
     
  8. thamnguyen

    Bài viết:
    12
    Tiếp chương 1

    Vậy.. Vì sao lại lựa chọn trở thành người tự do cá nhân?


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tại sao lại chọn trở thành người theo chủ nghĩa tự do cá nhân? Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng một phản ứng hợp lý là tại sao không nên? Cũng giống như nghĩa vụ chứng minh tội danh thuộc về người buộc tội, chứ không phải người bị cáo buộc, nghĩa vụ đưa ra lí do cho câu hỏi trên đây thuộc về những người những người bác bỏ quyền tự do của người khác, chứ không phải những người sử dụng quyền tự do. Một người muốn hát một bài hát hay nướng một chiếc bánh không cần phải bắt đầu bằng việc thỉnh cầu sự cho phép của tất cả những người khác trên thế giới để được hát hay nướng chiếc bánh. Nếu người đó bị cấm hát hay nướng bánh, thì người đưa ra mệnh lệnh cấm nên đưa ra một lí do đúng đắn tại sao người đó không được phép làm như vậy. Nghĩa vụ chứng minh là của người tìm cách cấm. Và anh ta có thể đưa ra chứng cứ hợp lý, chẳng hạn như tiếng hát có âm lượng quá lớn ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ của những người khác hoặc việc nướng bánh sẽ tạo ra những tia lửa thiêu cháy nhà của những người hàng xóm. Đó là những lí do đúng đắn để ngăn cấm việc hát hò hay nướng bánh. Tuy nhiên, ngầm định ở đây là ủng hộ tự do, chứ không phải là ủng hộ việc sử dụng quyền lực để hạn chế tự do.

    Một người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân là người tin tưởng vào ngầm định về quyền tự do. Và khi ngầm định đơn giản đó thành hiện thực, một thế giới sẽ hiện ra trong đó mỗi người khác nhau có thể hiện thực hóa hạnh phúc theo cách riêng của họ, nơi mà mọi người có thể tự do giao dịch để đạt được những lợi ích chung, và những bất đồng được giải quyết bằng lời nói chứ không phải bằng dùi cui. Đó có thể chưa phải là một thế giới hoàn hảo nhưng sẽ là một thế giới xứng đáng để chúng ta đấu tranh hết mình.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...