YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA LOÃNG XƯƠNG LIÊN QUAN ĐẾN DINH DƯỠNG VÀ LỐI SỐNG Dinh dưỡng và lối sống là các yếu tố nguy cơ thuộc nhóm yếu tố có thể can thiệp được trong điều trị và phòng ngừa, khác với các yếu tố không thể can thiệp được như di truyền, bệnh lý, tuổi tác, nội tiết tố.. Yếu tố liên quan đến dinh dưỡng: - Suy dinh dưỡng: Có thể làm tăng nguy cơ loãng xương do làm giảm sự cấu tạo khung nền của mô xương và giảm hoạt động cần thiết cho quá trình tạo xương. - Lượng muối khẩu phần cao: Có thể là nguyên nhân tăng lượng canxi mất qua nước tiểu. Theo WHO, mỗi người nên dùng 5gr muối/người/ngày. - Lượng đạm khẩu phần cao hoặc thấp: Ăn quá nhiều đạm, vượt quá nhu cầu khuyến nghị theo độ tuổi có thể làm tăng thải canxi qua đường thận. Một điều cần lưu ý là khi lượng đạm khẩu phần quá thấp, nguy cơ loãng xương lại tăng lên do thiếu khung chất nền và các men nội môi, nên điều cần quan tâm là điều chỉnh lượng đạm phù hợp nhất với nhu cầu. Chất đạm được tính toán trong khẩu phần trung bình vào khoảng 12-15% năng lượng khẩu phần ở người trưởng thành. Yếu tố liên quan đến lối sống: - Ít ra nắng. 80% nhu cầu vitamin D của cơ thể được cung cấp từ việc phơi nắng mặt trời. - Sống thụ động, ít vận động thể lực. - Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá làm ảnh hưởng đến các nội tiết tố có tác dụng làm tăng quá trình tạo xương và làm giảm sự tái hấp thu canxi ở thận. - Cafein: Cafein có tác dụng làm tăng thải canxi qua màng lọc cầu thận. Ở người trẻ tuổi, lượng canxi này có thể được tái hấp thu dễ dàng ở ống thận, nhưng với người cao tuổi, khả năng tái hấp thu kém, có thể dẫn đến mất quân bình giữa canxi thải và canxi tái hấp thu. - Thiếu nội tiết tố sinh dục (estrogen ở nữ và testosterol ở nam). ẢNH HƯỞNG CỦA VẬN ĐỘNG THỂ LỰC ĐẾN CHẤT LƯỢNG XƯƠNG Vận động và tập luyện giúp gia tăng mật độ xương, giảm tỉ lệ loãng xương ở độ tuổi sau trung niên và giảm nguy cơ gãy xương. Tuy vậy, việc vận động nặng có thể làm giảm chất lượng xương nếu nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày không được đáp ứng, đặc biệt ở người tập luyện bị suy dinh dưỡng kéo dài. Sự vận động nặng kèm với nuôi dưỡng kém không chỉ làm giảm chất lượng xương và các mô khác của cơ thể do thiếu nguyên liệu cấu trúc cơ thể hoặc thiếu năng lượng kéo dài, mà còn tác động xấu lên các mô của cơ thể do sự rối loạn các nội tiết tố và hệ thống men chuyển hóa của cơ thể, dẫn đến rối loạn hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể. PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG TỪ TRƯỚC TRƯỞNG THÀNH Thực chất, phòng ngừa chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc đối phó với bệnh loãng xương. Khi xương đã bị loãng, việc điều trị không thể khôi phục được mật độ xương trước đó. Việc phòng ngừa loãng xương không thể bắt đầu ở giai đoạn muộn của cuộc đời mà phải được quan tâm ngay từ bắt đầu cuộc đời, đó là cách đầu tư cho sức khỏe xương của mỗi cá nhân một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Các biện pháp phòng ngừa loãng xương quan trọng nhất là: Dinh dưỡng: - Cung cấp đủ các chất dinh dưỡng tham gia vào cấu tạo xương: Canxi, vitamin D, viatmin K, phosphor, magne, fluor, chất đạm.. - Giáo dục trẻ em về cách ăn uống khỏe mạnh cho xương và giúp trẻ tập luyện thói quen dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trẻ. - Duy trì tình trạng dinh dưỡng hợp lý: Cân nặng phù hợp với chiều cao (BMI trong khoảng 18.5 – 23 ở người châu Á), không để suy dinh dưỡng cũng không để bị béo phì. - Hạn chế các thói quen dinh dưỡng có ảnh hưởng đến xương: Hút thuốc lá, uống rượu, ăn mặn, ăn nhiều chất đạm từ thịt đỏ, giảm uống cà phê.. - Gia tăng thời gia hoạt động thể lực cho trẻ em tại gia đình và trong trường học. Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao để tạo thói quen yêu thích vận động và dạy trẻ ý thức về tác động tích cực của vận động đến sức khỏe suốt đời. - Duy trì tập luyện lâu dài trong cuộc sống. Các môn tập nhẹ với thời gian kéo dài sẽ tốt hơn cho xương so với việc luyện tập nặng thời ngắn. Tập luyện cũng là một cách tốt để có thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tức là tăng nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể. - Tuyệt đối không tập luyện gắng sức. Các vận động nặng quá mức có thể tạo các vi tổn thương trên xương và làm giảm chất lượng xương, nhất là trên người suy dinh dưỡng. - Gia tăng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày: Đi bộ, đi cầu thang bộ, mang xách vừa phải.. Các biện pháp phòng ngừa khác: - Kiểm tra sức khỏe xương định kỳ hàng năm. - Sử dụng nội tiết tố thay thế nếu có chỉ định và được theo dõi tốt. - Kiểm soát hoạt động phòng tránh té ngã, giảm nguy cơ gãy xương ở độ tuổi sau trưởng thành. - Bổ sung thêm canxi, vitamin D, collagen.. nếu có chỉ định. Lưu ý là canxi bổ sung bằng chế phẩm thuốc thường có tính khả dụng sinh học thấp hơn và hàm lượng bổ sung mỗi liều thường cao nên hấp thu có thể không hoàn toàn như dự kiến, nhất là khi các chất dinh dưỡng liên quan không được cung cấp cân đối cùng với canxi.