Người trong bao mẫu 1 đến mẫu 2

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi thiên đường rap, 31 Tháng tám 2021.

  1. thiên đường rap

    Bài viết:
    5
    Bài làm:

    Sê-khốp là nhà văn lớn, là cây đại thụ trong nền văn học Nga, ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng những tác phẩm có giá trị vô cùng to lớn. Dưới ngòi bút của nhà văn, toàn cảnh xã hội Nga cuối thế kỷ XIX hiện lên một cách rất chân thật, đó là một đất nước ngột ngạt, tù túng, chuyên chế bảo thủ dưới thời kỳ nắm quyền của Nga hoàng. Nhà văn Sê-khốp có lối viết văn rất lôi cuốn, ngôn ngữ sinh động tự nhiên, phản ánh chân thực con người và xã hội Nga lúc bấy giờ.

    Truyện ngắn Người trong bao được ông viết năm 1898, đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Bê-li-cốp, một anh giáo chức tỉnh lẻ với cái đầu chứa đầy thành kiến, qua đó tác giả châm biếm và đả kích những người tri thức Nga với lối sống "trong bao" cổ hủ, lạc hậu, thích phê phán, bất an trước những gì vượt ra ngoài giới hạn cho phép của mình, và tự coi đó là lỗi lầm của người khác.

    Nhân vật chính trong truyện là Bê-li-cốp, một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp có lối sống rất kỳ lạ "sống đơn độc như những con ốc, con sên cố thu mình vào vỏ bọc". Hắn khác thường trong cả cách sống và lối suy nghĩ dị hợm. Lúc nào cũng vậy, bất kể trời mưa hay nắng, thời tiết đẹp hay xấu hắn đều khoác lên mình một bộ trang phục hết sức kỳ cục. Hắn "đi giày cao su" tay cầm ô, mặc áo "bành tô ấm cốt bông", hắn luôn mang theo bên mình chiếc bao làm bằng da hươu để dựng nào là ô, chiếc đồng hồ quả quýt, nào là dao nhỏ gọt bút chì, ngay cả bộ mặt hắn dường như cũng muốn để cả vào trong bao, bởi Bê-li-cốp luôn "giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên". Không những thế anh ta còn đeo kính râm, và nhét bông vào tai, đi xe ngựa thì bao giờ cũng phải "cho kéo mui lên". Với cách miêu tả chân thật, sinh động của tác giả, Bê-li-cốp hiện lên như một kẻ dị hợm và rất nực cười. Giọng văn của Sê-khốp rất hóm hỉnh, hài hước, không cần phải là những câu văn hoa mỹ, chau chuốt nhưng vẫn làm hiện trong đầu người đọc một hình tượng nhân vật "người trong bao" điển hình thuở bấy giờ.

    Bê-li-cốp không sống như người thường, có lẽ hắn chỉ đang tồn tại mà thôi, hắn chán ghét cuộc sống, sợ hãi mọi thứ trên cuộc đời. Để bào chữa cho thái độ nhút nhát, hèn kém không dám đối diện với hiện tại của mình hắn luôn nhớ về quá khứ, "ca ngợi những thứ không bao giờ có thật". Bê-li-cốp chọn dạy tiếng Hy Lạp, một thứ ngôn ngữ cổ, có lẽ đó là môn học an toàn, không có gì đáng phàn nàn "nhờ đó hắn có thể trốn tránh được cuộc sống thực". Phải chăng đã quen với lối sống tù túng, ngột ngạt mà bất kể thứ gì anh ta muốn làm đều phải thông qua "chỉ thị, thông tư", còn nếu như không có chỉ thị, thông tư hay bất cứ quy định nào thì đều không được làm. Cứ mỗi lần có ý định thoát ra khỏi "cái bao" của mình thì hắn lại sợ hãi "nhưng lỡ lại xảy ra chuyện gì" và cứ thế hắn không bao giờ thoát ra khỏi cái "vỏ ốc sên" kia cho đến cuối đời. Mỗi khi có chuyện gì trái với khuôn phép, trái với lẽ thường đều làm hắn rầu rĩ mặc cho chuyện đó vốn "chả liên quan gì đến hắn". Đáng buồn thay điều gì đã khiến Bê-li-cốp trở thành kẻ có tính cách lạ lùng và có phần bệnh hoạn như vậy? Chắc bởi sống dưới thời Nga hoàng chuyên chế nặng nề cùng với những giáo điều thắt chặt đã làm cho một người bình thường phải ép bản thân đi vào khuôn phép, cả đời sống trong tù túng, bó buộc. Bê-li-cốp vừa đáng thương vừa đáng giận, vừa hèn kém nhưng cũng thật tội nghiệp biết bao!

    Cách sống của Bê-li-cốp cũng rất lạ thường và lẩm cẩm. Hắn cho rằng việc đến nhà các đồng nghiệp ngồi im cả tiếng đồng hồ không nói năng gì rồi rời đi là để "duy trì những mối quan hệ tốt với bạn bè". Có thể nói Bê-li-cốp cũng sợ cô đơn nhưng hắn hoàn mất đi khái niệm về lẽ sống đúng nghĩa, "kẻ dị hợm" bao năm thao túng cả thành phố nhỏ bé này, làm tất cả mọi người đều đâm ra "sợ tất cả", "cái thằng cha quanh năm đi giày cao su và mang ô ấy" khống chế cả trường học, ngay cả thầy hiệu trưởng cũng phải sợ hắn. Ngay cả khi ở nhà, hắn cũng sống trong sợ hãi: "Mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then", như kẻ mắc bệnh hoang tưởng hắn sợ bóng tối, sợ ánh sáng, sợ ăn trộm.. Và trong đầu luôn tồn tại cái suy nghĩ nhạt nhẽo "lỡ lại xảy ra chuyện gì". Sê-khốp đã cho người đọc cảm nhận được cái lối sống ấy dường như đã bao trùm lên cả bầu trời một màu tối đen đáng sợ, những "người trong bao" họ đã chết ngay cả khi đang sống, chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc, tâm hồn luôn nặng trĩu như người sống trong ngục tù âm u, lạnh lẽo.

    Ấy vậy, mà một người dị biệt đã ngoài tứ tuần như Bê-li-cốp lại từng tính đến chuyện sẽ kết hôn. Mọi người ra sức ghép đôi cho hắn với nàng Va-ren-ca xinh đẹp, có lẽ họ nghĩ hắn sẽ thay đổi lối sống khi có tình yêu của một người phụ nữ sôi động, nồng thắm. Chỉ vì chuyện này, hắn đã suy nghĩ nhiều đến mức "gầy gò hẳn đi, mặt mày nhợt nhạt", sự việc đến quá đột ngột khiến một kẻ hèn nhát sợ hãi đủ thứ trên đời như hắn lại càng "thu mình sâu hơn vào trong bao". Phải chăng hắn là một kẻ cổ hủ với cái đầu chứa đầy thành kiến? Chỉ vì nhìn thấy chị em Van-ren-ca đi xe đạp giữa phố đã khiến hắn sửng sốt, tình yêu vì thế mà cũng phai mờ đi. Cuộc đời của tên nhà giáo tỉnh lẻ Bê-li-cốp cũng thật là bi hài! Chẳng phải vậy thì sao chỉ bằng "tiếng cười phá lên" của Va-ren-ca khi chứng kiến hắn bị xô ngã nơi chân cầu thang, đã có thể chấm dứt tất cả "chuyện cưới xin" và "cả cuộc đời của Bê-li-cốp". Một tháng sau Bê-li-cốp chết, vẻ mặt hắn lúc nằm trong quan tài "hiền lành, dễ chịu" và có phần "tươi tỉnh" chắc vì đang hạnh phúc khi được vĩnh viễn chui vào trong cái bao của mình, không còn phải đối diện với cuộc sống ngoài kia nữa. Đây quả là một bức tranh biếm họa cười ra nước mắt, một người sao có thể ngủ "không bao giờ dậy nữa" chỉ vì một tiếng cười? Nhưng đối với Bê-li-cốp đấy là cả một sự nhục nhã, một kẻ luôn sống với giáo điều, một kẻ đạo đức giả chuyên dạy đời người khác như hắn thì đó quả là một sự đả kích quá lớn đến nỗi không có cách nào vượt qua.

    Cứ ngỡ Bê-li-cốp chết đi, cuộc sống trong thành phố sẽ thay đổi màu sắc mới, không khí mới. Nhưng không, cuộc sống "nhẹ nhàng thoải mái" chẳng thể nào kéo dài lâu, thay vào đó là cuộc sống vô vị, nhàm chán "chẳng khác lúc trước là bao". Những kẻ "sống trong bao" không chỉ có mình Bê-li-cốp mà họ đầy rẫy trong xã hội Nga khi ấy và "trong tương lai sẽ còn bao nhiêu người như thế nữa". Nhà văn Sê-khốp đã tái hiện thành công cái lối sống dung tục, tầm thường, lạc hậu, sặc mùi giáo điều đã đầu độc người dân, đẩy họ vào cuộc sống đau khổ, tù túng, đã để lại bao hệ quả nặng nề tồn tại trong đất nước Nga cuối thế kỷ XIX. Ngôn ngữ chân thực, mộc mạc mà không kém phần sinh động đã góp phần xây dựng cốt truyện lôi cuốn hấp dẫn người đọc, tạo nên một hình tượng nhân vật đặc sắc điển hình "Người trong bao".

    Người trong bao của Sê-khốp là một tác phẩm mang lại cho người đọc thật nhiều cảm xúc, vừa bi hài vừa đáng để suy ngẫm, vừa tiếc thương cho một kiếp người sống vô nghĩa. Qua truyện ngắn, nhà văn không chỉ phản ánh khách quan hiện thực xã hội Nga lúc bấy giờ, mà ông còn khéo léo nhắc nhở mỗi con người: Hãy nhìn cuộc sống với sự lạc quan vốn có, giữ cho tâm không phê phán, hơn thua. Nếu ta cảm thấy cuộc sống không hạnh phúc, vấn đề không phải do một ai khác mà nó nằm ngay chính tâm ta. Chúng ta hãy mở rộng tấm lòng với mọi người và với thế giới xung quanh, tiếp nhận những sự đổi mới để có được một cuộc sống hạnh phúc, ngập tràn tươi trẻ, đừng sống như nhân vật Bê-li-cốp, suốt đời sống trong cái vỏ bọc hài hước của mình, rồi đến cuối cùng cuộc đời chấm dứt trong vô vị, nhạt nhẽo.

    * * *HẾT-------------------

    Mẫu 2

    Bài làm

    Sê-khốp - nhà văn xuất sắc của nền văn học Nga thế kỉ XIX. Nhắc đến Sê-khốp người ta nghĩ ngay đến Căn phòng số đã từng làm chấn động dư luận xã hội Nga, tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học Nga và nhân loại như một kiệt tác. Song không chỉ dừng lại ở đó, với hành trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của mình, Sê-khốp đã để lại cho nhân loại nhiều những kiệt tác khác và khi nhắc đến người ta không thể bỏ qua và khẳng định giá trị của truyện Người trong bao.

    Đọc Người trong bao có lẽ người đọc nhở mãi hình ảnh của cái bao hữu hình, vô hình mà nhân vật chính Bê-li-cốp mang trong mình. Người đọc có khi tự hỏi vì sao anh ta lại luôn gắn mình trong cái bao đó? Nếu họ không đặt nhân vật vào hoàn cảnh xã hội Nga lúc bấy giờ, đó là những năm 1898 - thời kì mà chế độ nông nô chuyên chế ở Nga đang đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Đó là những năm tháng cả xã hội Nga chìm đắm trong những cái bao của những chính sách, những chủ trương, những luật lệ, những tư tưởng bị đè nén nhất là những tư tưởng mới bị bóp nghẹt đến khó thở thì khó mà hiểu nổi nhân vật. Là một nhà văn hiện thực, đồng thời còn là một bác sĩ, ở Sê-khốp nổi bật lên tình thương yêu con người sâu sắc và sự hi sinh bản thân vì những tình cảm nhân đạo cao quý. Nhà văn không chỉ lo lắng tìm ra cách trị bệnh về thể xác cho con người mà công còn luôn mong muốn tìm ra liều thuốc giải độc hữu hiệu cho tinh thần con người. Viết truyện Người trong bao nhà văn đang thực hiện cuộc hành trình đầy khó khăn gian khổ. Có lẽ điều này nhà văn đã gặp Lỗ Tấn - nhà văn lỗi lạc, tài ba của đất nước Trung Quốc. Đó chính là sự gặp gỡ của những tư tưởng lớn, cốt cách lớn, của những nhà nhân đạo chủ nghĩa, luôn nâng niu và quý trọng con người, luôn mong muốn con người xuất hiện trong xã hội với đúng nghĩa là con người.

    Trong truyện ngắn Người trong bao, Sê-khốp không trực tiếp bộc lộ thái độ và quan điểm của mình. Nhưng bằng việc xây dựng hình tượng nhân vật điển hình - Người trong bao, chúng ta có thể thấy được những thông điệp, những điều mà nhà văn muốn trần thuật cùng với giọng điệu châm biếm, mỉa mai, nhà văn đã khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật Bê-li-cốp. Điều nổi bật ở nhân vật này chỉ duy nhất là chữ "sợ" cộng với cái hình hài lúc nào cũng nằm trong cái bọc như một con ốc thụ minh trong vỏ một cách đáng thương, khiến người đọc phải cười chua chát cho cuộc sống thật của những con người. Họ luôn phải bóp méo đi cho hợp với thời cuộc, thậm chí ngã đau đến bỏ mạng như họ vẫn sợ làm trò cười cho thiên hạ. Bê-li-cốp cũng vậy, anh luôn mang bên người những thứ như ô, giày, đồng hồ, ảo.. những cái đó đã làm cho nhân vật nổi lên với chân dung biếm họa, hay hình ảnh cái bao được nhắc đi nhắc lại đến mười những trò cười nộp với hai lần. Từ một tập hợp những chi tiết đồ vật lỉnh kỉnh mà anh ta trang bị cho bản thân để rồi người ta phát hiện ra ở hắn khát vọng mãnh liệt thu mình trong vỏ, tạo ra những cái bao để bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Hình ảnh cái bao giúp chúng ta có thể thấy rằng đó không chỉ là cái thực mà người ta có thể nhìn thấy, sờ mó được. Nó còn là những cái bao không thể nhìn được bằng mắt thường, Bê-li-cốp luôn lảng tránh sự thực, không dám đối mặt với hiện thực, không dám nhìn nhận hiện thực đúng với bản chất vốn có của nó. Nhân vật luôn lẫn trảnh nó bằng cách ca ngợi quá khứ, ca ngợi những cái không có thực, che giấu những ý nghĩa của mình. Dường như chúng ta còn nhìn thấy đây Raghin - Bác sĩ giám đốc bệnh viện tâm thần, ông bác sĩ này cũng đã làm ngơ trước hiện thực bệnh viện mà cái bệnh viện ô hợp hạng người đó cũng chẳng khác nào cái xã hội Nga thu nhỏ (Căn phòng số).

    Người trong bao là hình tượng những con người bất lực trước xã hội, ở xã hội đó con người luôn phải sống một cách sợ sệt, không dám ngẩng đầu, họ phải sống chui lủi. Chính hoàn cảnh xã hội ngột ngạt đó đã đẻ ra những con người hèn nhát, không dám sống là chính mình, luôn mang bên mình những cải bao không chỉ hữu hình mà còn vô hình. Có lẽ không phải bất cứ nhà văn nào cũng dũng cảm nói lên được điều đó. Sê-khốp với lương tâm của mình, nhà văn đã lên tiếng tố cáo, phê phán xã hội. Thức tỉnh con người hãy sống là mình, hãy sống là chính mình, để làm được điều đó mỗi người phải biết đấu tranh để vứt bỏ những cái bao không chỉ bên ngoài mà cả bên trong đang bọc lấy mình.

    Với nghệ thuật viết truyện ngắn độc đáo, bằng những dòng đối thoại là chủ yếu, cốt truyện đơn giản dễ hiểu, Sê-khốp đã một lần nữa thành công với hình tượng Người trong bao. Tác phẩm giúp người đọc nhìn nhận lại xã hội của một thời đã qua và luôn phải nhìn lại bản thân mình. Chính điều đó đã góp phần tăng thêm ý nghĩa của Người trong bao, góp phần khẳng định vị trí của nhà văn trong lòng người đọc.

    Nhớ ủng hộ mình nhé
     
    iammai thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...