Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, làm người muốn học đi thì trước tiên phải học ngã, muốn ngẩng đầu thì phải biết cúi đầu. Cúi đầu càng thấp thì ngẩng đầu càng cao, cúi đầu hôm nay để ngẩng đầu ngày mai. Bởi vậy mới có câu nói "Người ta lớn hơn khi biết cúi xuống". "Cúi xuống" không phải chỉ đơn giản là một hành động theo nghĩa đen mà đó còn là cách hành xử của con người với con người. Cúi xuống không phải là một thái độ, hành động nhẫn nhịn chịu đựng của một kẻ bề tôi với một kẻ bề trên mà đó là thái độ khiêm nhường của người có đạo đức, một người biết trân trọng và bao dung. Khiêm tốn không phải nghĩ mình rất tệ, mà là hoàn toàn không nghĩ đến mình. Biết khiêm tốn thì mới không ngừng trưởng thành. Bởi vậy khi biết "cúi xuống" con người mới không ngừng "lớn lên". "Lớn lên" không phải về thể xác mà là sự trưởng thành của một con người từ trong tâm hồn, bản ngã, từ trong tư cách và nhân cách sống. Con người cũng giống như đồng tiền vậy "tiền xu phát ra âm thanh còn tiền giấy thì không". Khi giá trị của bạn càn cao, bạn sẽ càng biết cách tĩnh lặng, lắng lại để nhìn thế giới, biết cách cúi xuống để nâng giá trị của chính bản thân mình và người khác lên. Càng lên cao, chân trời càng xa, tầm mắt càng rộng. Người có tầm nhìn xa trông rộng sẽ không chỉ tính toán thứ mình được mà còn biết buông bỏ lúc thích hợp, biết cách "cúi xuống" đầy khiêm nhường, bởi lẽ họ hiểu một đạo lý "nói càng nhiều sẽ tạo ra càng nhiều sai lầm". Cuộc sống hoàn hảo không phải là có mọi thứ, mà là trong sự không vẹn toàn của cuộc sống, ta học được cách tôn trọng những gì ta có, đồng thời bao dung với những thứ không hoàn hảo. Có một vị đại sư tài đức vẹn toàn, đức cao vọng trọng, được thế nhân yêu kính, nhưng bản thân ông lại vô cùng khiêm tốn. Khi còn dạy học, ngài luôn dạy dỗ học trò của mình thế này: "Cho dù con có công lao rất lớn đi nữa, thì tiền đồ cũng sẽ bị hủy vì tự cao tự đại, khi con phạm phải tội lỗi lớn, nếu như không biết hối cải thì cũng sẽ hủy mất tiền đồ". Tự đại làm chúng ta không rõ được bản thân, làm cho nhiều người vốn có học thức rơi vào cảnh thất bại. Khiêm tốn không đơn giản là biểu hiện bề ngoài, làm cho người khác xem, mà là tâm thái, là suy nghĩ xuất phát từ nội tâm cho rằng bản thân làm chưa đủ. Thật lòng muốn xin người khác chỉ bảo, học tập từ họ, giúp bản thân tiến bộ. Như Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc, Bác là một vị lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa lớn, ấy vậy mà trần đời lại có một vị lãnh tụ giản dị, khiêm nhường đến thế. Người giản dị từ đôi dép, cái áo, từng bữa cơm đến căn nhà. Sự bình thường ấy thể hiện trong những việc nhỏ dần hình thành nên một phong cách, một lối sống, một mẫu mực về đạo đức Cách Mạng và trở thành điều lớn lao, thành tài sản quý báu của dân tộc. Bởi vậy Hồ Chí Minh trở thành một tấm gương chuẩn mực đạo đức không chỉ ở sự khiêm tốn mà mỗi người đều nên học tập. Những thói quen tốt ta hình thành khi còn trẻ không tạo nên khác biệt nhỏ nào, đúng hơn, chúng tạo ra tất cả khác biệt. Nếu bạn chỉ dành ta nghe âm nhạc, nghĩa là bạn đang nuôi lớn "cái tôi" trong mình. Bạn bắt đầu từ chối nghe những âm thanh không phải âm nhạc tứ là đang tước đi những tari nghiệm khiến bạn trưởng thành. Ta có quyền tự hào vì mình biết quá nhiều, nhưng cũng cần khôn ngoan nhún nhường rằng mình chỉ biết đến thế. Trên đời này chẳng có gì là tuyệt đối, cũng chẳng có ai là giỏi nhất, núi cao sẽ có núi cao hơn. Chúng ta vẫn cho rằng Everest là đỉnh núi cao nhất trên thế giới nhưng thật ra không phải vậy. Nếu tính từ tâm trái đất thì đỉnh Chimborazo ở Ecuador còn hơn Everest. Bởi vì nó ở sâu trong lõi trái đất nên chúng ta không hề hay biết. Cũng giống như những người tài hoa, họ không cần phô trương quá nhiều, ngược lại họ lại rất biết cách khiến cho những người xung quanh tốt lên và cũng trong quá trình đó họ cũng trưởng thành hơn vì cách cư xử của mình. Nhưng thật không may có những người lại quá tự tin vào bản thân mình đến mức cho rằng người khác thật thấp kém, đáng khinh. Ngày nay, con người đối xử với nhau bằng sự khinh miệt, đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài. Nếu không thay đổi tư tưởng mê muội này thì không thể gột rửa tâm hồn. Làm người phải biết vượt lên cách nghĩ và hành động của người bình thường, đối nhân xử thế ân cần khoan dung. Khi yên ả thì giữ cho đầu óc tỉnh táo, lúc gian nan thì giải quyết can trường. Đắc ý cũng coi như không, mà thất ý cũng không buồn nản. Tôi hy vọng, đạo đức, phẩm hạnh của mình ngày một cao thượng hơn; hy vọng có thể sửa đổi hướng thiện. Làm một người tốt, bởi vì tôi muốn làm một người tốt, và tôi cũng mong muốn mọi người đều là người tốt. Muốn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân thì không thể thiếu những lúc "cúi xuống", "cúi xuống" không khiến ta thấp kém, hèn mọn mà khiến giá trị của ta cao hơn từng ngày. Nhưng "cúi xuống" không đồng nghĩa với việc "quỳ gối", cúi để chắt lọc những kiến thức quý giá đáng học hỏi chứ không phải bác bỏ hoàn toàn suy nghĩ của bản thân để nghe theo người khác. Benjamin Franklin từng nói "Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi".