Review Sách Người Phụ Nữ Nước Nga Thế Kỷ XIX Qua Hai Truyện Người Đàn Bà Với Con Nhỏ Và Anna Karenina

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi MTrang1102, 7 Tháng bảy 2022.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Hình tượng người phụ nữ trong xã hội nước Nga thế kỷ XIX qua hai tác phẩm: "Người đàn bà với con chó nhỏ" củaAnton Pavlovich Chekhov và "Anna Karenina" của Lev Nikolayevich Tolstoy

    Mình đã đọc tiểu thuyết Anna Karenina và đặc biệt ấn tượng về cách miêu tả nội tâm nhân vật nữ một cách vô cùng sâu sắc và hiện thực. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như mình lại vô tình đọc thêm một tác phẩm khác là "Người đàn bà và con chó nhỏ" của nhà văn Chekhov. Đầu tiên đó là tên hai nhân vật vô tình giống nhau đều mang tên Anna và đều chung một số phận, một hiện thực tâm hồn. Hoặc có lẽ cả hai nhà văn lớn người Nga đều viết truyện theo chủ nghĩa hiện thực tâm hồn và cùng có những quan điểm về thân phận người phụ nước Nga trong giai đoạn thế kỷ XIX.

    Tác phẩm "Người đàn bà với con chó nhỏ" ra đời trong hoàn cảnh tâm trạng và tinh thần của nhà văn người Nga Anton Pavlovich Chekhov bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh tật. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Yalta, nhà văn đã bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm đánh vào ý thức của con người và những ý nghĩa về cuộc sống hiện tại. Và truyện ngắn "Người đàn bà với con chó nhỏ" đã ra đời trong giai đoạn này. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến truyện ngắn này, bởi ngoài tình tiết phản ánh được hiện thực nước Nga ở thế kỷ XIX, tác phẩm còn xoáy sâu vào việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật đầy sâu sắc và từ đó vẽ nên một bức tranh đầy bi kịch trong cuộc sống hiện thực. Cốt truyện đơn giản, bởi đó chính đặc điểm thi pháp của ông là "truyện không có truyện, kịch không có kịch", đơn giản là câu chuyện về nàng Anna Xecgheepna, đã bị buộc pahir cưới chồng từ sớm với một người đàn ông lớn tuổi và không có tình yêu, hôn nhân của nàng như một nhà nhà giam lỏng chính cuộc đời nàng. Trong lòng một thiếu nữ trẻ còn khao khát tuổi xuân, nàng đã vô tình đem lòng yêu chàng Gurov, và chàng Gurov ta lại cũng đã có gia đình nhưng không hạnh phúc, họ như những con người khao khát yêu và được yêu tìm thấy nhau. Say đắm trong tình yêu tội lỗi là ngoại tình, cái kết mở với hai nhân vật không đem lại một cao trào nào cho câu chuyện, đơn giản tác phẩm chỉ xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, đặc biệt là cô nàng Anna.

    Tương tự như vậy, tác phẩm Anna Karenina ra đời trong giai đoạn nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy cũng gặp nhiều biến cố, khi ba người con của ông đều chết yểu và người vợ của ông là Sophia lại bị đổ bệnh nặng, cuộc sống gia đình ông cũng mất đi hạnh phúc ban đầu, điều này đã ảnh hưởng đến tâm trạng nhà văn, từ đó ra đời một kiệt tác đượm màu u sầu và bi kịch. Tuy vậy, tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực, nêu lên những tư tưởng về những con người khát khao theo đuổi tự do và giải thoát gánh nặng tâm hồn ra khỏi một xã hội đầy rẫy dối trá và sa ngã lúc đương thời. Câu chuyện Anna Karenina lại dài hơn tác phẩm trên, bởi đây là cuốn tiểu thuyết dài đan xen nhiều nhân vật hơn. Câu chuyện bắt đầu với gia đình ông Oblonxki và vợ là Doly, gia đình ông gặp bất hòa nên người chồng đã cầu cứu em gái mình là Anna, nhờ cô giảng hòa giúp hai vợ chồng. Anna trên đường đi gặp cảnh tai nạn tàu hỏa khiến cô kinh sợ, tâm lý cô cũng bất ổn khi chứng kiến vụ tai nạn, sau khi giảng hòa giúp cho người anh, trong một buổi tiệc khiêu vũ tại nhà người quen, Anna vô tình gặp Vronsky, là một người tuấn tú, giàu có và có tương lai sáng lạng. Họ nhanh chóng say đắm lẫn nhau trong lần gặp ấy, trớ trêu thay, Anna đã là người phụ có gia đình và có con, nhưng cũng lại không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân ấy. Chỉ khi gặp được Vronsky, tình yêu trong nàng mới được trỗi dậy, nàng say đắm yêu chàng và cũng cảm thấy tội lỗi nên đã trốn chạy, trở về bên người chồng. Nhưng chàng Vronky đã đuổi theo nàng và tha thiết nói "Tôi sẽ đi nến bất cứ nơi nào có Anna". Dù cho, Anna đã nhiều lần né tránh nhưng cô cũng xiêu lòng vì sự kiên trì đeo đuổi tình yêu của anh. Cô quay về và thú nhận tình yêu tội lỗi của mình với chồng. Vì giữ vững danh tiếng xã hội của mình, nên chồng của Anna không chấp nhận ly hôn và đồng ý cho Anna vẫn tiếp tục ngoại tình cùng Vronsky. Đến khi nàng mang thai đứa con của Vronsky, nhưng chàng lại vốn là người của xã hội thượng lưu nên luôn bận rộn mà bỏ bê nàng, khi nàng sinh con và suýt chết, lúc này chồng cũ của nàng lại là người ở bên và chăm sóc cho nàng, anh chồng tha thứ cho Anna và không muốn ly hôn để cô đến Vronsky. Không thể ly hôn, nàng không thể danh chính đến Vronsky, cùng với sự bận rộn mà không còn quan tâm đến àng nữa của Vronsky, Anna lại càng lung lay trước tình yêu mà nàng cho là đích thực, đau khổ và dằn vặt, nàng nhớ lại khung cảnh tai nạn tàu hỏa lúc đầu. Thế là nàng cũng gieo mình mình xuống đường ray tàu để giải thoát cho sự dằn vặt và day dứt tâm can của mình.

    Đặc biệt thông qua nhân vật Anna Xergeevna trong "người đàn bà với con chó nhỏ" và Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên, từ hoàn cảnh cho đến tâm lý của cả hai nhân vật có nhiều nét tương đồng với nhau, họ đều có lòng khát khao được yêu, được hạnh phúc một cách cuồng nhiệt giống như những người những phụ nữ bình thường mà thôi.

    Trong một xã hội "lạc hậu" của nước Nga thế kỷ XIX khi ấy, số phận của hai người phụ nữ bước ra từ hai tác phẩm khác nhau lại có đôi nét tương đồng đến lạ thường, bởi hầu hết phụ nữ trong giai đoạn này đều bị xem thường và không được quyền chủ động trong việc lựa chọn hạnh phúc, một cuộc hôn nhân đối với người phụ nữ như một bước ngoặc tự giam cầm chính mình bởi họ không phải là người quyết định trong việc kết hôn, và nếu người phụ nữ trong giai đoạn này ly hôn thì suốt đời sẽ mang theo những lời đàm tiếu từ xã hội. Và tất nhiên hai người phụ nữ trong tác phẩm cũng chỉ là những người phụ nữ nhỏ bé khao khát có được tình yêu một cách thật bình thường và họ thậm chí dám chống lại mọi thứ để giành lấy tình yêu chân thật của đời mình. Nếu Anna Xergeevna phải sống với một người chồng nhàm chán, không vì tình yêu nên cuộc sống hôn nhân của nàng chẳng khác nào một nhà giam chôn vùi đi cuộc đời mình, bị gò bó trong căn nhà xám xịt, tù túng và ngột ngạt. Cô cam chịu số phận ấy, chịu nhẫn nại sống một cách chán chường trong một khoảng thời gian dài. Thì Anna Karenina, nàng cũng tương tự như vậy, số phận buộc nàng phải cưới bá tước Karênin, không một cảm xúc tình yêu trong cuộc hôn nhân này nên nàng cũng mang một cảm giác tù túng và chán chường. Cảm xúc của hai cô gái trẻ không một chút phấn khởi hay hạnh phúc, cuộc sống của hai số phận ấy cứ thế mà trôi qua dài đằng đẵng trong vô vị. Qua đó mà cả hai nhà văn đã lên tiếng chỉ trích cái xã hội cũ đương thời, khi mà quyền tự do của con người đều bị giam hãm lại trong một xã hội đầy rẫy định kiến cũ kỹ.

    Cho đến khi họ quyết định dám đương đầu chống lại với sự khắc khe của xã hội, và vướng vào sai trái khi bắt đầu tìm lại cảm xúc tự do của mình. Anna Xergeevna lẫn Anna Karenina đều ngoại tình với người đàn ông mà họ thật sự yêu và rung động. Tâm lý chuyển biến từ u sầu sang sự rung động của Anna Xergeevna vô cùng đa dạng và sâu sắc. Dưới tài năng của Chekhov, bằng cách kể chuyện điềm tĩnh, Chekhov đã miêu tả tâm lý nhân vật tuy dửng dưng nhưng xoáy sâu vào trong tâm khảm của họ lại là một tâm trạng rất hỗn độn của nàng, khi nàng vừa bồi hồi vui sướng tận hưởng cảm xúc rung cảm của trái tim mình vừa phải day dứt với sai trái của chính mình. Cách kể chuyện trung lập, không đánh giá việc ngoại tình của nàng là đáng lên án hay bênh vực là người đáng thương trong hoàn cảnh này, sự trung lập trong cách kể chuyện để lại cho ta một nỗi ám ảnh và suy nghĩ sâu sắc hơn về số phận người phụ nữ trong xã hội ấy. Cảm xúc của nàng Anna Xergeevna qua ngòi bút của Chekhov vô cùng bùng nổ, đó như là một bước nhảy vọt của một người nữ sống một thời gian dài đằng đẵng với cảm xúc vô vị bỗng một ngày trái tim nàng bừng sáng, những rung cảm cứ nối tiếp nhau tuôn trào ra, cuộc sống nàng như mở ra một chân trời mới, nàng khao khát dấn thân vào sai trái để tận hưởng cảm xúc đáng có của mình. Tương tự như vậy, với Anna Karenina của Tolstoy, nàng cũng mang những chuyển biến cảm xúc đầy sâu sắc, nàng từ một người hàng ngày chỉ biết chôn vùi cảm xúc mình đi, cho đến một ngày nàng cũng can đảm nếm thử mùi vị của tình yêu rung động thật sự. Tình yêu của nàng trỗi dậy được Tolstoy miêu tả như một cơn gió mùa xuân thanh khiết, nàng cũng như Anna Xergeevna hết mình dấn thân vào tình yêu mà mình khao khát có, nàng chống lại mọi quy tắc của xã hội, từ bỏ đứa con trai của nàng để đeo đuổi theo người đàn ông mà nàng chân thành yêu thương.

    Cả hai nhà văn đã miêu tả những hiện thực trong tâm hồn, khi cuộc sống quá gò bó thì đâu đó sâu thẳm trong nội tâm con người luôn khao khát những dục vọng đầy tội lỗi, để đập tan cái xiềng xích trói buộc tâm hồn họ lại và nếm thử mùi vị mới mẻ của cuộc sống thế tục. Tình yêu đến với hai nhân vật nữ ấy như một lối thoát của tâm hồn, họ níu kéo tình yêu ấy mong thoát ra khỏi cuộc sống đầy tẻ nhạt và vô vị mà họ đang phải sống.

    Nhưng cả hai nhà văn lớn là Tolstoy và Chekhov đều đã chọn cách kết thúc một cách bi kịch hóa cho số phận của hai nhân vật nữ ấy. Lối viết truyện của hai nhà văn đều đi theo hướng phản ánh hiện thực đời sống nên việc bi kịch cái kết của nhân vật đều rất chân thật. Việc cả hai người phụ nữ tuy đáng thương, phải chịu bất công trong xã hội khắc nghiệt nhưng việc họ vướng phải sai trái, phản bội người chồng của mình và vi phạm đạo đức là điều không thể chấp nhận trong quy tắc xã hội, có thể thấy họ là những số phận con người vừa đáng thương vừa đáng trách và tất nhiên họ sẽ không thể nhận được cái kết trọn vẹn nếu họ đã mang lỗi lầm. Và nếu ở tác phẩm Anna Karenina, kết cục của nàng Anna được vẽ ra một kết cục bi thảm rõ ràng, khi tình yêu chân thật của nàng cũng dần trở nên nhạt nhòa, mất đi niềm tin và sự hối tiếc bao phủ lấy tâm trí nàng, khiến nàng gục ngã và tử tự. Thì ở tác phẩm "Người đàn bà và con chó nhỏ" lại mở ra một cái kết mở, và nhà văn đã hé mở ra một cái kết bi thảm phía trước đang chờ đón giữa nàng Anna và tình yêu đích thật của mình là chàng Gurov: "Xa lắm mới đến ngày kết cục, và những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất mới chỉ vừa mới bắt đầu". Việc kết thúc như vậy nhằm cho độc giả tham gia vào quá trình sáng tác cái kết của câu chuyện, độc giả có thể thoải mái sáng tạo hàng trăm cái kết cho cặp đôi yêu nhau chân thành nhưng đầy tội lỗi ấy, và tất nhiên độc giả cũng chỉ sáng tạo tuân theo câu văn gợi mở đầy bi kịch của nhà văn ấy, rằng họ rồi sẽ không bao giờ có được một kết cục trọn vẹn hạnh phúc.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...