Người Phụ Nữ Tên tác giả: Lê Kiều Mi Thể loại: truyện ngắn Trong lịch sử Việt Nam, ngoài những cuộc cách mạng chiến thắng lừng lẫy, những người anh hùng quên mình hy sinh vì Tổ Quốc đến sức tàn lực kiệt, những khổ ải mà nhân dân ta phải trải qua làm tôi nhớ mãi, tôi còn không thể nào quên khi nghe về một xã hội phong kiến thối nát, vô nhân tính, một xã hội mà người đàn ông được nắm tất cả mọi quyền hạn, được tự cho mình cái quyền đày đọa, ức hiếp người phụ nữ, còn người phụ nữ phải ở tận cùng của đáy xã hội, bị coi là nô lệ, phải làm toi làm mọi cho người khác. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu những hà khắc đến nghiệt ngã. Họ phải chấp nhận những định kiến bất công như một lẽ hiển nhiên mà phận "nữ nhi thường tình" phải cam chịu. Những câu chuyện bi thương của người phụ nữ trong cái xã hội mục nát ấy cũng được các nhà văn, nhà thơ dùng tài năng để đưa lên trang giấy bằng những câu từ đắng cay, chua xót. Khi đọc qua những tác phẩm ấy, lòng tôi như bị ai đó xé toạc ra và uất ức thay cho những thân phận lận đận, lênh đênh, phải một mình chịu đựng những lũ kền kền máu lạnh. Nhìn vào những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam ta từ bao lâu nay, chúng ta cũng thấy rõ được sự bất công, đàn áp mà người phụ nữ từ xa xưa phải gánh chịu. "Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô". Nghe qua câu này tôi thật buồn cười thay cho những suy nghĩ sai lệch và căm phẫn vì những định kiến bất công. Tại sao? Tại sao có thể đem tận 10 người phụ nữ để so sánh với 1 người đàn ông? Tại sao 10 người phụ nữ cũng chẳng có nghĩa lý gì? Thật nực cười, rõ ràng trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, thiếu chi những nữ anh hùng mặc kệ mưa bom bão đạn vẫn một lòng bảo vệ non sông Tổ Quốc, quyết hy sinh để giữ vẹn được mảnh đất của nước mình. Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? Đấy! Vốn là vậy đấy, người phụ nữ dù có đương độ xuân thì, tài sắc ngút ngàn nhưng rồi cũng đã sao? Dù họ có biết họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng, yêu quý thì cũng như thế nào? Họ không có quyền được tự quyết định cuộc đời mình mà cũng chỉ như một món hàng ngoài chợ phải chờ người đến mua. Mà ở cái chốn "chợ" ấy thì có biết bao nhiêu là người, có người tốt nhưng cũng có người xấu. Bởi vậy, cái số phận mong manh, chông chênh, lận đận của người phụ nữ mới được ví von là "phất phơ giữa chợ" và "biết vào tay ai?". Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son. "Thân em vừa trắng lại vừa tròn" – phải vậy họ rất xinh đẹp, tài giỏi nhưng.. "Bảy nổi ba chìm với nước non" – số phận của họ luôn "ba chìm bảy nổi", lênh đênh mãi mà chẳng biết đâu là bến bờ. "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" – họ có bao giờ được quyết định cuộc đời mình đâu, mà thay vào đó là những sự áp đặt họ vào một chuẩn mực mà xã hội đặt ra để rồi cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh chốn khuê phòng, quẩn quanh với "cầm, kỳ, thi, họa" hay chuyện "nữ công gia chánh". Tuy vậy.. "Mà em vẫn giữ tấm lòng son" – họ có than thân trách phận, trách tại sao cái cuộc đời này lại bất công với họ như vậy đâu, họ một lòng chung thủy, sắc son, hết lòng vì con vì chồng. Họ "giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", "Công, dung, ngôn, hạnh", họ một lòng vun đắp cho gia đình, chồng con như nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố vậy, chị có sợ chi những bọn độc ác như tên cai lệ mà sẵn sàng bảo vệ chồng mình dẫu có bị đánh đập, cầm tù, bắt trói. Tôi còn nhớ mãi cái câu "Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẫu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi'. Tác giả Nguyên Hồng đã nói lên những uất hận, căm phẫn của một cậu nhóc Hồng đối với những cổ tục đã đày đọa, giằng xé mẹ mình trong tập hồi kí Những ngày thơ ấu như thế ấy. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng nhà văn mà còn là nỗi đau đáu, là nỗi dằng dặc của biết bao nhiêu người khi từng một lần suy nghĩ và thấu hiểu cho thân phận người phụ nữ. Tuy vậy, khi xã hội ngày một phát triển, suy nghĩ của con người ngày một hiện đại, phóng khoáng, khi cái xã hội mục nát, thối tha ấy đã suy tàn thì giá trị của người phụ nữ cũng đã ngày càng được tôn vinh và trân trọng. Không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, câu chuyện bình đẳng giới không chỉ được những người phụ nữ quyết đấu tranh để thay đổi được những định kiến ấy mà cả những người đàn ông, những người chồng, người cha cũng đứng lên giành lại công bằng, giành lại cái quyền tự quyết định cuộc đời cho phái nữ. Bằng chứng là hiện nay, phụ nữ vẫn được đến lớp, đến trường, có được những vị thế cao trong xã hội, có được những thành công mà vốn chỉ có người đàn ông mới có khi còn chế độ nam quyền, họ dám mơ ước, dám suy nghĩ và dám hành động, họ có thể tự dựa vào năng lực của chính bản thân mình chứ không cần nhờ vả hay phụ thuộc vào bất kì một ai, họ tự tin bước ra xã hội chứ không còn chỉ quanh quẩn nơi bếp núc, nhà cửa. Dẫu chắc hẳn, đối với một số người vẫn còn mãi mang một tư tưởng" trọng nam khinh nữ "nhưng cũng chỉ là số ít, vẫn không là chướng ngại đối với sự phát triển, vùng lên của phụ nữ và họ cũng không thể chiến thắng được sự công bằng, bình đẳng. Người phụ nữ họ cũng nhận được những sự trân trọng, nhất là trong những ngày mà cả thế giới đặc biệt dành sự ưu ái đến cho những người bà, người mẹ, những người phụ nữ ở quanh ta. Đó chính là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 – ngày để tất cả chúng ta dành mọi tình yêu thương, quý trọng và sự biết ơn tha thiết đến những người phụ nữ. Tôi vô cùng mong mỏi, tất cả mọi người trên thế giới này hãy vứt hết đi những định kiến hà khắc, những chuẩn mực để áp đặt lên người phụ nữ, những suy nghĩ" trọng nam khinh nữ", chúng ta hãy yêu thương và biết ơn họ, mọi người nhé! Ngày Quốc Tế Phụ Nữ - End-
Mình góp ý chút xíu: Bạn nên sửa lại nhan đề truyện là: Thêm tên của bạn vào. Và Trước khi viết bài, thì cần thêm tên, tác giả, thể loại, các thứ liên quan. Kết thúc bài cần ghi End, hoặc cái khác tương tự. Bạn có thể vào tham khảo Bài viết dự thi của @MưaThángTám hoặc @nguoi yeu sach để tham khảo cách trình bày. Thân ái!
Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn. Gk1: Nhầm thể loại. Bài viết là văn nghị luận, không phải truyện, tản văn. Gk2: "- Tác phẩm như một bài văn nghị luận, không có cốt truyện, không có đủ cái gọi là truyện. - Nội dung ngắn gọn, không có sự mới lạ, hấp dẫn. Gk3:" Nội dung dễ hiểu, xúc tích. Tuy nhiên bài viết chưa đủ điều kiện cấu thành một truyện ngắn, mà giống với bài nghị luận/bình luận hơn. Ngắt câu chưa hợp lý: Ở đoạn văn dài đầu tiên, nguyên cả đoạn không có một dấu chấm. Dùng số đếm trong bài viết. Trích dẫn thơ ca không có dấu ngoặc kép." Thân gửi.