Người lạ trong nhà Leïla Slimani Tôi đọc Người lạ trong nhà của Leïla Slimani lần đầu tiên ở Nhã Nam Books N' Coffee, lúc đó tôi rất ấn tượng với cách bắt đầu và chủ đề của quyển sách đến nỗi đã đắm chìm trong đó suốt cả tiếng đồng hồ liền dù bình thường tôi luôn cảm thấy bản thân có chút xao nhãng khi đọc sách ở quán cà phê. Tôi vẫn còn nhớ mình đọc đến đoạn Louise đi du lịch cùng gia đình Paul và Myriam. Và rồi ba bốn tháng sau tôi lại đến Nhã Nam, lại chọn quyển sách này và đọc lại một lần nữa, sau đó thì tôi tiếp tục đọc ở nhà và đã hoàn thành quyển sách. Nghe có vẻ tẻ nhạt nhưng nó khiến tôi cảm giác quyển sách này cũng khá đặc biệt. Câu chuyện được bắt đầu bởi một thảm kịch kinh hoàng, người mẹ phát điên vì hai đứa con bị sát hại, một đứa đã chết còn một đứa thì đang hấp hối, và thủ phạm – người vú em đã tự kết liễu đời mình. Sau bức tranh tàn khốc đó, tác giả dẫn người đọc quay ngược về quá khứ, nơi có một người mẹ trẻ chán chường và mệt mỏi dù những hoài bão, những ước mơ về một sự nghiệp vẫn luôn âm ỉ trong lòng cô. Myriam thật sự rất yêu con của mình, nhưng đâu đó trong những lời tâm sự của cô khiến tôi có cảm giác hai đứa trẻ đang kéo cô lùi lại phía sau. Với tham vọng và tri thức của mình, Myriam có vẻ chưa đến tuổi để sẵn sàng để có con. Và điều đó cũng đặt ra trong tôi nhiều câu hỏi về tương lai của chính bản thân mình, tại sao khi một đứa trẻ ra đời, chỉ có người phụ nữ là phải đánh đổi thời gian, đánh đổi cơ hội, đánh đổi niềm đam mê, và tại sao người đàn ông, người chồng (chẳng hạn như Paul) vẫn có thể bước tiếp trên con đường của mình, tự cho mình thoát ly khỏi nghĩa vụ chăm sóc gia đình, tự cho phép bản thân coi thường quyền được theo đuổi ước mơ của vợ. Myriam có hạnh phúc vì hai con đấy, nhưng trong lòng cô luôn có nhiều khoảng trống khiến bản thân cô cảm thấy mình không được trọn vẹn. Và thế là Louise xuất hiện như một phép màu. Chị vú em với khả năng trông trẻ tuyệt vời, luôn làm những thứ vượt xa nghĩa vụ của chị, làm nhiều hơn những gì mà chị được trả công. Myriam và Paul đã từng rất hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống tươi đẹp trở lại trước sự hiện diện của Louise. Nhưng làm sao mà họ có thể tin tưởng dễ dàng đến mức trao con của mình cho một người xa lạ, người mà họ chỉ phỏng vấn được vài phút, được mô tả và khen ngợi vài câu qua điện thoại nhỉ? Đó cũng là một vấn đề vô cùng khó xử. Quay lại với Louise, chị nhanh chóng chiếm được cảm tình của Paul và Myriam, nhưng khi ta tiếp xúc với một người, dần dần ta sẽ nhận ra những điểm xấu, những điều đáng sợ (trong trường hợp của Louise) đằng sau lớp vỏ bọc hoàn hảo đẹp đẽ, rồi ta sẽ trở nên chán ghét, ghê tởm và khinh bỉ họ. Myriam cố tỏ ra mình không phải là bề trên, tỉ mỉ trong cách ứng xử, nhưng dần về sau sự tinh tế đó không còn nữa. Louise thích làm hài lòng chủ nhân, nhưng không thích họ đối xử với mình như kẻ dưới, cái chị muốn là bám rễ trong ngôi nhà của Myriam, khiến cho vợ chồng cô cảm thấy không thể sống thiếu chị, khiến họ cảm thấy sự quan trọng của chị đối với cuộc đời họ, từng bước từng bước chị xâm nhập vào ngôi nhà nhỏ đó, xây dựng một cái ổ mà chị tưởng như vững chắc kiên cố. Nhưng rồi chị ta cũng biết được rằng, sắp tới ngày Myriam và Paul không còn cần đến chị, thế giới sẽ dần đổi thay, họ có rất nhiều lựa chọn ngoài chị còn chị chỉ có thể bấu víu vào gia đình họ, vào những niềm tin hão huyền vô vọng. Cuốn sách đã nêu ra được hai vấn đề lớn trong thế giới hiện đại, một là mối xung đột giữa việc theo đuổi sự nghiệp và chăm sóc con cái, nghĩa vụ người vợ và nghĩa vụ người chồng, hai là mối quan hệ giữa người thuê lao động và người làm thuê nhưng phần giải quyết có vẻ mơ hồ, nhìn chung từ đoạn xương gà trở đi thì cách viết của tác giả khiến tôi cảm thấy không hứng thú như lúc ban đầu. Truyện có thể nói là hay nhưng không xuất sắc.