Truyện Ngắn Người Kể Chuyện Tình - Lam Thu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lam Thu, 5 Tháng năm 2020.

  1. Lam Thu

    Bài viết:
    19
    Người kể chuyện tình

    Tác giả: Lam Thu

    Thể loại: Truyện ngắn

    Nói về thành tích học Anh văn của mình thì hình như tôi chả có gí để khoe. Nhưng tôi luôn ghi điểm với các thầy cô bằng những câu chuyện tình đã kể trong các giờ luyện nói. Những câu chuyện ấy tôi đọc trong các báo, các tạp chí văn nghệ, trong các tập truyện ngắn.. chúng không nổi tiếng lắm để nhiều người biết. Nhưng lại đủ hay để người ta cứ vướng vất, cứ nghĩ mãi về chúng và cứ ước ao giá như, chỉ giá như thôi, mình có được trong đời một tình yêu như thế.

    Ngày chia tay lớp học, thầy đã gọi tôi là "Người kể chuyện tình" với mong muốn tôi sẽ quay trở lại và tiếp tục kể cho lớp nghe những chuyện mà ai cũng muốn nghe, muốn nhớ.

    Và ý nghĩ viết về "Chuyện tình lớp tôi" đã đến thật nhanh với tất cả sự hăm hở, háo hức về phía tôi và sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn bè cùng lớp và khác lớp. Ừ, sao lại không viết về chúng nó? Về ngôi trường cấp 3 Nguyễn Trãi của mình, về hai ngôi làng Nguyệt áng và Đại Áng nối nhau bằng con đường lát gạch nâu bóng, quanh co, uốn khúc dưới bóng mát của hàng tre xanh cao vút, bốn mùa mưa nắng. Xung quanh không biết bao nhiêu ao hồ và một cái giếng làng trong veo, tròn như mặt nguyệt Trên con đường ấy, lũ học trò chúng tôi hàng ngày vẫn cùng nhau đi học, cùng nhau nghịch ngợm và cũng là con đường của những ánh mắt bối rối, lần đầu chạm nhau, vội lảng xa nhau và lưu luyến nhìn theo bóng dáng của người kia từng bước xa dần.

    Lớp 10A của tôi ngày ấy là một lớp "đặc biệt", một hợp chủng quốc của lớp Văn giỏi thành Ha nội, phần còn lại của lớp 9A "bất trị" và các bạn từ các trường khác chuyển về. Cùng 17 tuổi, cùng cho phép mình được làm người lớn và cùng biết mơ mộng viển vông, tình yêu vào lúc "bình minh cuộc đời ấy" cũng xuất hiện như "những ngôi sao ban ngày" : Thưa thớt, lấp llánh qua màn sương mong manh buổi sáng, tan biến và lại sáng bừng lên, sáng mãi, một màu xanh lam của hy vọng của niềm tin và tưổi trẻ.. Tình yêu của Thành và Vượng lớp tôi là ngôi sao màu xanh ấy, nó không chói lọi, rực rỡ và thiêu đốt. Nó êm ái và mát lành, nó mang đến cho tôi một cảm giác thật nhẹ nháng, vui tươi mỗi khi trò chuyện với hai bạn. Thành là trai xứ Quảng, hiền lành nhưng bướng bỉnh và cương quyết, là công dân của 9A "bất trị" còn Vượng là dân lớp Văn, gái Hà nội chính gốc, xinh xắn và giàu cảm xúc. Bạn rất hay khóc mỗi khi gặp chúng tôi. Câu chuyện tình yêu của họ tôi sẽ viết vào phần tiếp theo, Thành đã xao xuyến ngay khi lần đầu nhìn thấy Vượng với hai bím tóc thật dài và dày buông xuôi xuống gấu áo nhưng chàng "chấn động" (không phải là rung động nhé) với hai cổ chân trắng muốt và mịn màng của nàng. Họ yêu nhau như trẻ thơ, trong sáng, tin cậy và thuần khiết. Lần đầu tiên khi chàng chạm vào da thịt con gái của nàng là vào năm 1972, khi chàng vịn nhẹ đôi tay vào hai bên hông nàng khi từ biệt nàng ra mặt trận và nhớ mãi cái hơi ấm lan tỏa từ bàn tay và đôi mắt rất buồn của nàng. Chàng đã không hứa sẽ quay về và cũng không dám yêu cầu nàng chờ đợi vì lúc đó là nhửng năm tháng cuối cùng của cuộc chiến và những tàn khốc, ác liệt đắng cay, những lằn ranh giữa cái sống và cái chết trong chiến tranh không phải là trò đùa.

    [​IMG]

    • CÒN NỮA
     
    Phan Kim TiênTRANG SACH thích bài này.
    Last edited by a moderator: 5 Tháng năm 2020
  2. Lam Thu

    Bài viết:
    19
    P2: Quân sư và các hiệp sĩ tình yêu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lớp 10A hình thành, là sự dung hòa của hai tính cách - ngang bướng, chân thành của các chàng HSMN từ lớp 9A "bất trị" và sự hòa nhã, lịch thiệp của các chàng trai lớp Văn Hà nội. Họ xích lại gần nhau rất nhanh bởi biết bao khó khăn của những năm sơ tán khi khẩu phần ăn mỗi ngày không kịp với sức lớn của tuổi 17, những buổi lao động nặng nhọc đào hầm, xây lớp học trong gió mưa, giá rét, những buổi phải kéo xe gao, bánh mỳ trên con đường trơn trượt đến lớp và biết bao những khó khăn linh tinh của cuộc sống xa nhà, lần đầu phải tự lập.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhưng ho vẫn trẻ trung, vui tươi, yêu đời và yêu.. người. Có mấy mối tình của lớp tôi thời đó, cho dẫu thành đôi hay không thành đôi chúng vẫn đủ nhắc cho chúng tôi nhớ một thới để sống vô tư, không toan tính với biết bao hoài bão, ước mơ và một thời để yêu hết mình chỉ với mong muồn duy nhất có cho mình một tính yêu đắm say của tuổi mới lớn.

    Hai cuộc tình đáng nhớ của chàng hiệp sỹ lớp A với nàng văn lớp E và của Thi sỹ lớp E với nàng thơ từ lớp A của chàng.

    Gọi chàng là thi sỹ, bởi chàng làm rất nhiều thơ và thơ của chàng hay lắm, thơ chàng êm ả như khúc hát ru của mẹ, thơ chàng bồng bènh như những đám mây trắng bay ngang lưng trời, thơ chàng tư lự, bâng khuâng, buồn buồn như đôi mắt chàng khi nhìn cô bạn cùng nhà với tôi.

    Ánh mắt ấy tất nhiên không thoát khỏi sự chú ý của hai quân sư trong lớp, họ cười cười với chàng "thế nào, thi sỹ, tơ lòng lại vương chăng?". Chàng cười thay cho lời nói, tính chàng là thế, im lặng và suy tư, vô cùng hiền hậu và giàu cảm xúc. Chàng hầu như không có khả năng giao tiếp, tất cả những gì chàng muốn nói. Chàng viết thành thơ, chúng rất nhiều và được đóng cẩn thận thành từng tập, từng tâp.

    Hai quân sư tình yêu thời ấy, tất nhiên phải là dân Văn rồi, họ là hai chàng khác tên, cùng họ, cùng cao, mảnh khảnh và trắng xanh và cùng có một vài mảnh tình đủ để là những "tham mưu" đáng tin cậy.

    Một ngày đẹp trời, thi sỹ được mời đến nhà và chàng rất ngac nhiên khi thấy bạn Thành của chúng tôi đang vò đấu, bứt tai trước sân. Té ra là hai quân sư rủ các hiệp sỹ tình yêu đến để mở chiến dịch "THẦN TỐC, ĐÁNH MAU, THẮNG MAU". Họ tư vấn cho nhà thơ:

    - Pautopski đây, ông mang về mà đọc, nhớ là phải thuộc lòng bức thư của chàng Thủy thủ trong "Tuyết", thư của nhà văn Andexen trong "chuyến xe đêm' những đoạn tả mùi nhựa thông hăng hắc, tiếng thông reo trong buổi sáng ban mai êm đềm của" lẵng quả thông ", ông biết chưa, con bé Thoa lớp đó mê văn học lắm và có thiên hướng về văn nhất trong đám con gái lớp A đó. À, đừng quên, xen lẫn thơ ông vào, nghe chưa?

    Thi sỹ ra về, hai chàng quay sang Thành:" Ông lại khác, ông phải diễn thật đạt vở Anh hùng cứu mỹ nhân. Tối mai đi với chúng tôi.

    Ngày hôm sau, đúng 7g tồi như đã hẹn, Thành cùng hai quân sư và một vài bạn nam nữa lên đường, theo lời của các quân sư, buổi tối Vượng hay học bài ở lớp cùng các bạn nử, Quân sư Thế sẽ bịt mặt giả làm trai làng đến trêu chọc vàThành phải xuất hiện đúng lúc để giải cứu cho các mỹ nhân..

    Kịch bản được thực hiện một cách xuất sắc dưới sự đạo diễn của các kịch sỹ tài ba: Quân sư Thế nhảy phốc lên bàn, đá tung ngọn đèn dầu xuống đất, vỡ tan, lớp học tối om, các bạn nữ kêu thất thanh, Thành lao vào đá cho Thế ngã lăn xuống đất và chạy ào vào lớp la lớn "các bạn ơi, có làm sao không?", vừa lúc đó dân quân cũng rầm rập chạy tới, đèn đuốc sáng ngời và trong ánh sáng ấy chàng thấy khuôn mặt hoảng hốt của Vượng, khuôn mặt ấy hoàn toàn không biểu hiện một chút vui mừng nào khi thấy Chàng.

    Chàng xấu hổ bước ra, lủi thủi cùng các quân sư và nhóm bạn "cổ động viên ra về", chẳng ai nói với ai lời nào. Về đến nhà lại bắt gặp khuôn mặt buồn thiu của chàng thi sỹ đang đứng đợi. Chàng kéo Thi sỹ vào nhà, cả hai ngồi lặng trên chiếc chõng tre, cảm giác như chưa bao giờ họ bơ vơ đến thế, bơ vơ ngay khi có nhau và cùng chia sẻ "nỗi buồn không của riêng ai"

    Sáng hôm sau đi học, chỉ vừa đặt chân vào lớp thôi, hai quân sư đã lôi tuột cả chàng và thi sỹ ra ngoài"chúng tôi nghĩ ra rồi, chuyển hướng, lần này là MƯA DẦM THẤM ĐẤT..

    (còn tiếp),


    [​IMG]
     
    Phan Kim TiênMộ Thiện thích bài này.
    Last edited by a moderator: 6 Tháng năm 2020
  3. Lam Thu

    Bài viết:
    19
    P3: Mưa dầm thấm đất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có vẻ như chương trình đào tạo "qua lại" của hai trường phái Văn - Võ lớp tôi** ngày ấy chẳng đi đến đâu. Chả thấy chàng lớp A nào ôm đàn tính tình tinh, tứng từng tưng mà cũng chả thấy cầu thủ hay vận động viên nào trong đội các loại bóng của lớp là các chàng E. Chỉ có bọn con gái, không qua một ngày đào tạo mà cứ bước ra ánh sáng là lập tức "Chói lòa". Cái Thoa, ở cùng nhà tôi là một đứa như thế.

    Hình như tất cả "dân văn chương" đều có năng khiếu về nghệ thuất. Bây giờ sau 50 năm tôi vẫn nhớ các cô bé xinh xinh, tròn trịa, bụ bẫm trong hoạt cảnh Thỏ và Rùa, nhớ những giây phút cuối cùng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn văn Trỗi khi ra pháp trường và đặc biệt, vở kịch Một mạng người cuối năm lớp 10 thành công với một dàn diễn viên là sự kết hợp của cả hai lớp A và E. Bao nước mắt đã rơi, bao nụ cười đã bừng sáng. Bao tiếng vỗ tay đã kéo dài không dứt khi dàn diễn viên lớp cúi chào khán giả lần cuối. Công lớn tất nhiên thuộc về quân sư Quang, người đã vô tình hay cố ý thay cặp đôi diễn viên đã mặc định vào những vai chính bằng thi sỹ và nàng thơ của chàng. Cái Thoa đã xuất sắc vào vai chị Thanh, nó đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của chúng tôi trong lần đầu diễn kịch đó. Còn chàng thi sỹ với vẻ trầm tư và phúc hậu của mình chàng cũng đã diễn rất tròn vai. Trong suốt quá trình tập kịch cùng nhau, chắc chắn quân sư Quang cũng đã "nhắc vai" hai diễn viên của mình rất nhiều, kết quả hình như không được như chàng mong muốn và chàng đành phải ra "chiêu" cuối cùng.

    Cái Thoa lâu lâu lại đi đâu đấy, có ai đó mời nó sang nhà nói chuyện, tôi cũng không để ý lắm. Chỉ thấy nò không vui mỗi khi trở về nhà. Có lúc nó lại ngồi lặng im, vẻ mặt căng thẳng, khó nghĩ. Tôi biết là nó không đón nhận tình cảm của chàng. Rồi một hôm nó về, trên tay là một là thư, nét chữ rất đẹp. Lá thư ấy viết về những khoảnh khắc tuyệt vời, trên con đường làng uốn cong, chàng gặp nó đi ngược chiều với mình khi mái tóc nó xõa bay trong gió, và khi ánh nắng vàng cuối ngày còn vương trên mái tóc ấy. Một chút gì đó rất Pauxtopxki chăng.

    Quân sư Thế vẫn sát cánh cùng Thành, thỉnh thoảng chàng lại nói nhỏ "Này, hôm nay cái Vượng chia cơm đấy nhé. Ông Thưởng nhận cơm", "hôm nay tổ cái Vượng đi đào mương"..

    Chỉ cần những "tin nhắn" kịp thời ấy là Thành ra quân ngay. Bạn tức tốc thương lượng với Thưởng để nhận cơm từ tay Vượng hay canh lúc Vượng đã đào mương xong để vác cuốc về nhà dùm. Gần kỳ thi tốt nghiệp ba mẹ mua cho Thành một chiếc xe đạp mới tinh và cứ mỗi chiều thứ bảy bạn lại "kính coong, kính coong" để "được" chở một đống hành lý của Vượng và các cô bạn cùng nhà về Hà nội, cứ từ từ như thế, mỗi hôm một chút như thế, Thành đã chiếm trọn tình cảm của các bạn và nghiễm nhiên trở thành thành viên của nhóm hồi nào không hay.

    Với sự đồng thuận hết mình từ phía bạn bè, với tình yêu chân thành, nồng nhiệt của tưổi trẻ với bản tính cương quyết, gan lì, không biết sợ Thành đã gạt đi biết bao thành kiến kẻBắc, người Nam, gạt đi các chàng trai hào hoa, phong nhã của Hà nội để đàng hoàng đưa nàng về dinh - một ngôi nhà nhỏ xinh, bên bờ biển thơ mộng Đà nẵng và cùng nhau xây tổ ấm.

    Với nhà thơ, chúng tôi vẫn gặp chàng, chàng luôn cười hiền lành mỗi khi ai nhắc đến câu chuyện xưa, có vẻ như mối tình thơ ngây ngất ấy, đám mây ngũ sắc vươn rộng trên bầu trời của tuổi 17 ấy nay đã co lại thành một đốm sáng rất nhỏ, thoắt hiện, thoắt ẩn trong ký ức của chàng.


    HẾT
     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng chín 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...