Truyện Ngắn Người Đuổi Bóng - Lê Thị Cẩm Nhung

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cáo Sa Mạc, 28 Tháng sáu 2018.

  1. Cáo Sa Mạc

    Bài viết:
    16
    Tên truyện: Người đuổi bóng

    Tác giả: Lê Thị Cẩm Nhung


    Hậu gọi mùa này gọi là mùa xốn xang. Chơn đang thò tay bắt mấy con cá rộng trong lu ra đem ra đập đầu cho Hậu nấu canh chua thì hơi sựng lại. Chơn cười, chỉ nghe người ta bảo mùa gió chướng, mùa lạnh, mùa nóng chứ có ai nói mùa xốn xang đâu. Thì Hậu nói theo cách nghĩ của Hậu mà. Sáng nay trở gió, không lạnh lắm nhưng rờn rợn, gió đưa đẩy đủ xốn mắt, cái mùa làm người ta mong chờ và lo toan, làm người ta chạnh nhớ những điều đã cũ. Chơn thấy trong mắt Hậu có cái gì đó trong veo còn lòng mình thì đắng ngắt.

    Về với nhau cũng gần ba năm ròng, Chơn nghĩ, Hậu đã phần nào nguôi ngoai, nhiều lúc đi bên Chơn, cũng thấy Hậu cười thật tươi. Chơn thấy niềm hạnh phúc giản dị đến nổi có thể sờ được, có thể nâng niu trong tay. Nhưng cũng có khi, Chơn thấy Hậu ngồi thật gần, vòng tay của Chơn có thể ôm trọn Hậu vào lòng nhưng không hiểu sao Chơn thấy Hậu ở xa mình quá. Từ lúc rước Hậu về sống chung nhà, Chơn đâm ra sợ những điều mong manh, Chơn thấy mình có lúc ủy mị và bất an, không giống Chơn rắn rỏi của ngày nào. Chơn bỏ mấy con cá lại trong lu, chạy vào nhà nhìn Hậu từ phía sau, cái ôm của Chơn khiến Hậu trợn trạo nuốt cảm xúc của mình, thành thử gương mặt đáng lẽ khóc mà lại ra méo xệch.

    * * *

    Hậu, Chơn và Thân cùng nhau lớn lên trong một xóm nghèo. Chừng tám chín tuổi, không ai dạy, tự Hậu biết đi hái rau muống đội ra chợ bán phụ mẹ, Chơn đi đào đất mướn và Thân đi làm hồ với cha. Cuộc đời nghèo khó của ba đứa trẻ trôi qua đầy vất vả, nhưng Hậu có nụ cười tươi đến nỗi lây sang cả Chơn và Thân, thật khác xa với hình ảnh lấm lem, chịu đựng của những đứa con gái bươn chải trong xóm nghèo.

    Lớn lên, hai thằng con trai đều nhận ra cái duyên mặn mà của nhỏ bạn thân ở đôi mắt liếc ngang, ở tiếng rao mời chào mua hàng. Hậu mặc bà ba màu xanh da trời, gánh thúng đi bán bánh lá dừa, mồ hôi rịn ở trán, một phần eo bên hông lộ ra theo đường xẻ của chiếc áo khiến gió cũng ngẩn ngơ. Lúc đi qua chỗ Thân hay Chơn, đều quăng cho mỗi đứa cái bánh dừa nóng hổi kèm thêm nụ cười thiếu nữ tươi rói. Tự dưng bữa đó, Hậu cho cái bánh rồi đi mà Chơn như bị điện giật, cứ đứng ngây ra, Chơn tự thấy mình đã thành một gã đàn ông thật rồi. Định nói gì đó với Hậu nhưng ngại (cho đến tận giờ Chơn vẫn ấp ủ lời nói đó mà có cơ hội nói đâu). Một buổi chiều, Chơn ra chợ tìm Hậu định thổ lộ tất cả những rộn rịp trong lòng mình thì thấy Thân, một tay Thân đang vịn cái đòn gánh, tay còn lại níu cái vạt áo bà ba của Hậu, hai đứa ngồi chồm hổm, Hậu cúi đầu, e ấp. Chợ chiều, người vắng, cái góc chợ làng nhỏ xíu để Hậu trưng bánh dừa đầy xác lá còng, những cánh hoa còng phơn phớt tím tím bị gió đưa qua đưa lại, nó ở trong không gian có Hậu và Thân sao mà lãng mạn, còn đối với Chơn thì chẳng còn gì tê tái hơn. Chơn biết mình đã chậm một bước, lúc trở về chỉ nhớ đựợc một màu tím hoa còng, màu gì mà buồn ác liệt. Đúng rồi, Chơn về đốn bỏ mấy cây còng ngoài mé sân, để khỏi phải lấy chổi quét mỗi buổi sáng cho đỡ nhọc, và còn không phải thấy màu tím hoang hoải buồn rớt rụng đầy đất. Nghĩ lại, buồn đó, nhưng Chơn cũng thấy an lòng, bởi lớn lên cùng nhau, Chơn biết Thân là một đứa mạnh mẽ và tốt tánh, rồi Thân sẽ mang đến cho Hậu cái hạnh phúc ấm áp như Hậu từng mong mỏi, giản dị như gánh hàng của Hậu, và cũng dễ chịu như niềm vui của những đôi tình nhân nghèo sớt nhau hộp cơm mua ngoài tiệm lúc chiều tà.

    Từ bữa đó trở đi, mấy lần Thân và Hậu rủ đi chơi Chơn đều tìm cách từ chối. Chơn không biết trang bị cho mình nụ cười gượng gạo ra sao, không biết tay chân thừa thải phải làm gì. Sợ trái tim rớt nhịp mỗi khi Thân và Hậu trao nhau ánh mắt trìu mến, ánh mắt của những người đang yêu nhau, ấm áp bao nhiêu thì những kẻ đứng bên lề càng thấy xót xa, tủi phận bấy nhiêu. Nhưng Chơn để ý thấy Hậu đẹp ra và cười nhiều hơn trước, Hậu như bông súng dưới ao, giản dị mà càng ngày càng rực rỡ. Chơn lấy đó an ủi mình. Nghe nói, hết mùa lúa sau, nhà Thân đem trầu cau đến nhà Hậu. Lúc đó, Thân còn nhờ Chơn làm rể phụ, còn Hậu thì nhất quyết bắt Chơn về đàn gái, tiễn đưa Hậu về nhà chồng cách đó chưa đầy một cây số. Thấy Hậu và Thân chu mỏ giành giật mình, Chơn muốn rớt nước mắt, ở bên đàn trai hay đàn gái thì Chơn cũng gồng mình nén lòng đóng trọn vai một người bạn tốt. Hết ngày làm, không đi chơi cùng Hậu và Thân, Chơn về nhà nằm gác tay lên trán, ngó ra ngoài sân, cây còng bị cưa ngang thân, không còn thấy bông tím rụng, mà sao vẫn còn buồn, cái buồn rỉ rả trong lòng như cái lỗ mọi, không biết đường mà bưng bít, đã vậy bên ngoài thì cố tỏ ra lành lặn, vậy mới tréo ngoe.

    Nhưng nếu biết trước được thứ còn khó chịu hơn nỗi buồn, thì Chơn ước mình chỉ dừng lại ở trạng thái cảm xúc đó thôi. Đằng này, Chơn đau. Đột ngột như ai đó đâm một mũi dao bén ngót ngay lồng ngực, lại còn đâm cái "phụp" từ phía sau nên chẳng biết đường nào phản xạ, thấu tận tim gan. Ấy là khi Chơn chứng kiến Hậu thất thần, tái mét bên cỗ quan tài bằng ván đước tạm bợ trước sân nhà Thân. Hậu sờ soạng cái thân hình không còn nguyên vẹn và bầy nhầy máu, run lẩy bẩy rồi bỏ chạy, hai bàn chân Hậu bật trên đất bằng tất cả sức mạnh được vận động trong sự khủng hoảng. Lúc Chơn chạy đến bên Hậu, hai tròng mắt Hậu đờ đẫn chỉ còn màu trắng, Hậu không khác mấy một xác chết. Thời khắc đó, Chơn chỉ nghĩ được rằng nếu cả bầu trời này sụp xuống thì Chơn cũng chỉ có thể đứng như một khối đá, nặng trình trịch và bất động. Khó mà diễn tả hết được cảm xúc của Chơn, một bên là nỗi đau mất đi thằng bạn thân, một bên là nỗi đau chứng kiến người mình yêu thương trở thành cái xác không hồn. Thầm nghĩ, nếu có thế giới bên kia, không biết Thân thế nào rồi, có đau như Chơn với Hậu bây giờ không, Thân ơi!

    * * *

    Những ngày sau đám ma Thân, trời mưa rả rít. Hậu giữ nguyên một vẻ mặt, chẳng rõ Hậu đang khóc hay đang ngủ, hai mắt vẫn cứ đờ đẫn, khuôn miệng thỉnh thoảng mấp máy nhưng không bật ra thành tiếng. Hậu không biết mình đã sống qua những ngày tháng đó ra sao. Có điều, Hậu vẫn nhớ Thân, nhớ lời hẹn của hai người về một đám cưới ấm cúng, giản dị mà đầy ắp hạnh phúc, nhớ lời từ biệt trước khi Thân theo người anh bà con lên Sài Gòn làm việc kiếm ít vốn lo cho tương lai hai đứa. Thân định hết rồi, cưới xong, Hậu không phải đi bán bánh dừa nữa, vì lúc đó hai người sẽ có con, Hậu còn phải chăm con. Hậu ở nhà, mở một gian hàng tạp hóa, nước uống trong xóm, vừa có thể buôn bán vừa quán xuyến gia đình. Hậu còn nhớ cái nắm tay bịn rịn, nhớ hơi ấm phả ra từ bàn tay đó, nhớ ánh mắt, nhớ dáng người đó biết bao nhiêu. Vậy mà bỗng chốc, Thân nằm đấy, không còn nhận ra hình dạng, tai nạn ụp đến như nhát dao quái ác của định mệnh, một chân đứt đoạn, một bên vai nát nghiến vì bị xe tải kéo lê trên một đoạn đường. Nỗi nhớ treo lơ lửng, và khát khao, mong chờ vẫn còn nguyên đó. Mẹ Hậu khóc, cha Hậu khóc, cả xóm nghèo còn khóc cho Hậu vì thấy cô càng ngày thêm vật vờ, không buồn nói chuyện, ăn uống. Ban đêm mộng du cười hềnh hệch gọi Thân ơi, Thân ời chờ Hậu với. Đi đâu mà lâu để một mình Hậu lo đám cưới vậy nè, Hậu nhớ Thân quá rồi. Ban ngày, Mấy đứa nhỏ trong xóm thấy Hậu thì bỏ chạy, ngoáy đầu kêu "bà điên, chạy đi tụi mầy ơi bà điên tới rồi". Hậu đi ra chợ, đi vòng quanh xóm Kinh Mới, rồi có khi băng qua những cánh đồng đang mùa khô hạn, những ụ đất nằm ngửa đưa góc cạnh nhọn hoắc lên trời đâm vào lòng bào chân Hậu tứa máu. Hậu cứ đi, nhìn xung quanh với cặp mắt vô hồn, nhưng tận trong đáy mắt vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng về sự ra đi của người cô yêu thương..

    Ban đầu thấy con gái rong ruổi như kẻ mất trí lang thang hết nơi này đến nơi khác, cha Hậu buộc hai chân cô lại không cho đi nữa, nhưng một lần thấy cô cào mặt, bứt tóc, giãy dụa, gào khóc dữ dội, đành quệt nước mắt mà mở dây trói ra. Hậu lại đi, khi thấm mệt, ngồi thừ xuống gốc cây, thiếp ngủ, ai thấy thì báo cho nhà Hậu ra cõng về. Sáng ngày, ngủ một giấc no, Hậu lại tiếp tục đi, không ai biết cô còn tỉnh hay điên thiệt. Riêng Chơn thấy mấy khúc ruột mình như đang bị đứt đoạn, anh biết, dù tỉnh hay điên thì Hậu cũng đã mang tâm bệnh, cần xoa dịu, cần thời gian để lành lặn. Anh xin gia đình Hậu đưa cô lên tỉnh chạy chữa. Chơn gom hết tiền dành dụm, ở bệnh viện hết mấy tháng trời. Mấy tháng đó, Hậu khá hơn, không còn khóc lóc, ngủ yên, ăn được, nhưng không nói chuyện, gặp ai lạ Hậu bấu vào cánh tay Chơn, chặt đến nỗi làm da Chơn rướm máu. Cha mẹ Hậu già, lại còn một bầy em nhỏ của Hậu ở nhà nên một tay Chơn chăm Hậu, ai thấy cũng nói Hậu có phước, điên vậy mà còn được chồng thương yêu chăm sóc hết lòng.

    Một bữa nghe đến đó Hậu quay quắt "đâu nà, ông này không phải chồng tui, chồng tui chết rồi, chết thiệt rồi". Hậu lại khóc, bứt tóc, vỗ ngực. Chơn như con thuyền ngoài khơi, vừa có chút hi vọng cập bến nay lại lênh đênh giữa muôn trùng nước. Nhất định, Chơn sẽ không bỏ cuộc.

    Cứ mỗi buổi chiều, khi cơm nước, thuốc men xong, Chơn dẫn Hậu đi dạo trong khuôn viên bệnh viện. Chơn móc trong túi ra cây lược và cái kiếng nhỏ, biểu Hậu ngồi xuống ghế đá, Chơn chải tóc cho Hậu, vừa chải Chơn vừa thì thầm bên tai Hậu: Rồi nè, đẹp gái lại rồi, tóc Hậu mượt lắm! Hậu cầm cái gương nhỏ đưa lên mặt soi, đâu? Sao tui chỉ thấy có hai dòng nước đang chảy dài trên mặt mình, mà, làm cách nào cho nó thôi không chảy nữa đi!

    Chơn biết, mấy giọt nước nhẹ tênh ấy, thấy vậy mà nặng nề, nhức nhối lắm.

    Độ giáp tết năm ngoái, Hậu ra viện, bác sĩ nói, tuy chưa khỏi hoàn toàn, nhưng tinh thần Hậu đã khá ổn định, chỉ cần tránh xúc động mạnh, vì có thể dư chấn của những cơn xúc động sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, làm bệnh cũ tái phát. Dù Chơn không được học hành nhiều nhưng chí ít cũng hiểu, khó mà chữa dứt được tâm bệnh. Có lẽ, tình thương yêu chân thành mới có tác dụng với Hậu trong hoàn cảnh này, và Chơn còn hiểu rằng, tình yêu thương đó phải xuất phát từ chính Chơn chớ không phải ai khác.

    Chơn chưa bao giờ tỏ tình, đến tận bây giờ cũng chưa từng nói lời yêu thương nào với Hậu. Nhưng người ngoài nhìn vào, họ hiểu những điều Chơn không bao giờ nói. Tình yêu thương chân thành luôn ẩn chứa tất cả mọi giá trị tốt đẹp bên trong nó một cách tự nhiên và ấm áp nhất. Người trong xóm không ai thắc mắc, cũng chẳng nhớ Hậu với Chơn sống chung nhà khi nào, không có đám cưới nào diễn ra. Họ chỉ thấy hai bàn tay của hai người trẻ ấy đan vào nhau bất kể nơi đâu, Chơn lúc nào cũng muốn bảo vệ Hậu. Vài người trong xóm lại tỏ ra ái ngại, cái thằng Chơn khờ, ai đời rước con nhỏ điên về, nó lên cơn bất tử bỏ nhà lúc nào ai mà biết. Chơn đâu có sợ Hậu bỏ nhà đi. Chơn chỉ sợ mấy lúc Hậu ngồi thừ một mình, đôi mắt chứa đầy bóng tối. Một sáng, Hậu nói với Chơn tự nhiên thèm đội bánh dừa ra chợ bán, Chơn nuốt ực miếng bánh mì trong cổ suýt mắc nghẹn. Hậu đang rất tỉnh táo, và Hậu đang tự để mình dừng lại ở một mốc thời gian nào đó trong quá khứ. Chơn sợ Hậu lại đau khi một mình lênh đênh trong những vùng kỉ niệm đầy nước mắt. Nhưng anh lại chẳng có lý do gì để có thể từ chối yêu cầu của Hậu. Buổi chiều, khi phụ Hậu trộn nếp, nghe Hậu nói liến thoắng nhà này đặt mấy cái bánh dừa, anh nọ dặn bánh đậu, chị kia thích bánh chuối, Hậu hào hứng lắm. Chơn thở ra một hơi dài, thôi, đành đánh cược với số phận chớ biết làm sao hơn nữa.

    Đi bán mấy ngày đầu Hậu tỏ ra hoạt bát hơn hẳn, Chơn cũng cảm thấy vui lây. Nhưng rồi một bữa trời sụp tối mà vẫn chưa thấy Hậu về. Chơn hoảng, chạy tìm khắp nơi, khi chạy ngang chợ, nhìn dưới gốc còng, có một bóng đen ngồi gục mặt. Chơn lại gần, nghe nhói lên đâu đó ở bên trong khi nhìn thấy gương mặt Hậu đầm đìa nước. Chơn chợt hiểu, thì ra Chơn vẫn chưa đủ mạnh để đánh đổ bức tường thành vững chãi trong lòng Hậu bấy lâu qua, khó mà chiến thắng những khúc ngoặc ẩn náo kín đáo, sâu thẳm trong Hậu. Giờ Chơn chỉ có thể chiến đấu với bản thân mình mà thôi.

    Dự là nếu không cho Hậu đi bán bánh dừa nữa, thì Hậu cũng tìm cách đi ra khỏi nhà, một lúc nào đó bị thôi thúc bởi ý nghĩ muốn đến một nơi mà người khác lại cấm cản, không chừng Hậu càng bị ức chế nhiều hơn. Chơn chỉ còn cách luôn trông chừng Hậu, những nơi nào có Hậu thì có Chơn. Nhiều lúc Chơn cũng tự hỏi mình, có phải tự anh đang chạy đua với một cái bóng hay không? Hậu thì đuổi bóng, còn Chơn mãi là người chạy theo sau cả hai: Hậu và cái bóng mà Hậu tạo ra. Cái bóng đó quá lớn để Hậu còn nhớ ra rằng, Chơn chính là người bên Hậu trong những quãng thời gian khó khăn nhất chứ không phải một người đã chết. Nghĩ đến đó thì sống mũi Chơn cay cay. Cũng nhờ những giây phút chạnh lòng đó mà Chơn biết nước mắt không hề là thứ phù phiếm. Ít ra, nó cũng nhắc nhở Chơn rằng anh vẫn là một người đàn ông đủ mạnh mẽ để gánh mọi nhọc nhằn của cuộc sống nhưng vẫn là một con người có những lúc rất yếu lòng.

    Thấm thoắt đã ba năm Hậu và Chơn chung nhà. Hạnh phúc của Chơn thành thật mà nói, là chỉ cần được nhìn thấy Hậu mỗi ngày, chỉ cần Hậu được khỏe mạnh, vui vẻ; chỉ cần mỗi chiều đi làm về, được Hậu đon đả dọn cơm giục Chơn ăn đi cho nóng. Còn hạnh phúc của Hậu, Chơn không chắc. Chơn thấy hiếm khi Hậu cười, có lúc Chơn thấy Hậu cười mà đang như mếu, hình như Hậu đang cố sờ soạng, mân mê những hoài niệm của lần đầu yêu và được yêu. Hậu không cho phép ai có thể san sẻ những niềm vui nhỏ bé của mình: Là ngồi dưới gốc còng ở chợ thì thầm một mình, là vân vê cái kẹp tóc nhỏ có hột xoàn mà Thân tặng cho cô. Dường như Thân không hề mất đi, Thân luôn ở quanh Hậu, tồn tại trong nỗi nhớ và tình yêu chưa bao giờ cạn của Hâu. Còn Hậu, dù không bị xem là người điên, nhưng cô giống như một người đang đi trên đường một chiều, không hề để ý đến rằng có Chơn đang chờ đợi và luôn gắng hết sức chạy theo cô..

    Mãi cho đến một buổi chiều.

    Một buổi chiều đó cũng rất bình thường như bao buổi chiều khác, dòng Kinh Mới vẫn dạt dào nước, cả xóm lao động đã thưa tiếng dần bước chân, tiếng nói trên các ngả đường. Khi trời vừa nhập nhoạng tối, họ bắt đầu quây quần bên mâm cơm gia đình, những câu chuyện thường kéo dài râm ran suốt buổi để làm vơi đi nhọc nhằn của đời cần lao. Những mái nhà con lúc này trở thành điểm tựa chắc chắn nhất, là nơi mà tâm hồn mỗi người vin vào nhau để mỗi bước chân trên đường đời thêm vững vàng hơn khi đương đầu cùng sóng gió.

    Gần cuối xóm Kinh Mới có một ngôi lá lụp xụp, hơn phân nửa nhoài ra mé kinh, cũng bốc khói lam nơi cháy bếp, mùi cá rô đồng kho mắm làm dậy lên sực nức một khúc kinh. Gương mặt sạm nắng gió của Chơn giãn ra mãn nguyện, còn Hậu loay hoay dưới bếp, một lúc sau cả hai đã yên vị trong mâm cơm nhỏ chỉ có hai người. Chơn nhìn Hậu đầy trìu mến.

    Món này là anh Thân thích nhất, ăn chung mắm bông súng đó, ảnh mê, lần nào cũng sạch nồi hết trơn.

    Rồi như một đoạn phim đặc tả đầy ám ảnh, Hậu quay qua phía tay trái của mình, dù đó chỉ là khoảng không chới với. Hậu dường như quên mất sự tồn tại của Chơn. Chơn đang ngồi đối diện với cô, anh lặng đi, cả gương mặt như chìm hẳn vào bóng tối.

    Anh Thân ăn nhiều vào nghe, em nấu riêng cho anh món này đó!

    Xoảng! Chơn làm rơi chén cơm, theo sau âm thanh lạnh tạnh đó là hai giọt nước mắt từ hốc mắt Chơn rớt xuống.

    Hậu giật mình. Lần đầu tiên Hậu thấy bối rối như người vừa phạm phải lỗi lầm gì đó nghiêm trọng lắm. Lần đầu tiên, trong đáy mắt Hậu, hiện lên một niềm thương cảm dành cho người người đàn ông đã gắn bó với mình suốt ba năm qua. Và rồi như nhớ ra điều gì, Hậu vùng đứng lên, chạy khỏi khôi nhà lá xập xệ ở gần cuối dòng Kinh Mới.

    Có lẽ lần này, Chơn không đuổi theo, vì giờ anh đã biết, nếu là một con người bình thường, thì chẳng thể nào đuổi kịp một cái bóng.
     
    Music Box, LỤC TIỂU HỒNGKim Ty 11 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng một 2019
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...