Truyện Ngắn Người Dưng - Bách Tuế Miêu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Bách Tuế Miêu, 2 Tháng mười một 2021.

  1. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    [​IMG]

    Người dưng

    Đứa cháu ngồi dòm cái bàn thờ, rồi ngó ra đám người lố nhố ở ngoài, chẳng biết có phải mắt nó cận không mà nhìn họ cứ nhòe nhòe, họ râm ran, họ xì xào xì xầm gì nghe không rõ. Nhưng nó biết họ đang nói qua loa chuyện của chú nó, hỏi han đôi ba câu về nội nó rồi trách cứ đay nghiến thím nó.

    Chú nó mất hồi hôm qua, nghe người ta nói hàng xóm láng giềng rồi mấy chú mấy cô cũng ráng lắm, chú đi cũng nhẹ nhàng.. Nó nghe thì nghe vậy, nhưng nó cứ thấy "sao sao", qua nay nó cứ tự trách mình về không kịp để chú thấy mặt, cho chú bớt nhớ con Lan.

    Nó thở dài.. rồi nó đưa tay chỉnh lại vòng tang trên đầu, đứng kính cẩn vái tạ người đến viếng. Chốc chốc nó liếc trộm sang nội, mấy cụ trong xóm đang ngồi phe phẩy cây quạt giấy để nội mát, họ im lặng, nhưng nó biết rằng bằng cách nào đó các cụ đang an ủi nội.

    Nội đã thôi rơi nước mắt, nội hổng có khóc mà nội cứ nhắm mắt để đó. Chắc, nội nhớ "con nhỏ".

    Hồi xưa chú cũng có vợ con đàng hoàng, gia đình đầm ấm, ai cũng mừng, khen nội tốt phước vì con trai hiền lành chăm chỉ, con dâu cũng hiếu thuận, tính đâu là mồ mả tổ tiên, "bàn thờ bàn tự" sau này để lại cho chú hết, vậy là "khỏe ru".

    Mỗi lần nghe người ta khen vậy, nội cứ móm mém mà cười, mắt nội nheo lại, hồi nó còn nhỏ nó hay thấy. Nó biết là nội vui dữ lắm, tại nội thương chú Út lắm mà, nhất là khi con Lan ra đời thì gần như nó "ra rìa". Ai mà ghẹo chọc nó với "em Lan" thì nó lại phùng má, phụng phịu giận dỗi mà bỏ đi, người lớn thấy vậy lại càng cười dữ. Nói thiệt thì.. hồi nhỏ nó hổng có ưa con Lan rồi nó ghét lây luôn chú thím.

    Rồi một ngày cả dòng cả họ nghe cái tin động trời:

    - Thằng Út bị xe tông, bể đầu, gãy tay, máu me tùm lum, mà nghe đâu hổng có sao.

    Lúc đó thì hổng sao thiệt, thím thương chú nên thím hết lòng chăm nom lo lắng, không biết chú thấy sao mà cứ cáu gắt quạu quọ với vợ hoài. Lại thêm con Lan còn nhỏ nên suốt ngày cứ nheo nhéo, thím phờ phạc cả người ra, người ngoài nhìn vô người ta nói "thằng Út nó đau nên khó lòng, mốt nó mạnh lành rồi thì bình thường chớ gì", có vậy thôi hà.

    Ít bữa chú lành, đi làm lại, bạn bè thấy chú, bạn bè thương, mở tiệc ăn mừng, ngay hôm đó chú say, chú bí tỉ loạng choạng về nhà, thím không có chờ mà đi ngủ trước.

    Chú gọi cửa, chú bực, chú gào lên và xáng cho thím hai ba bạt tai, rồi chú đánh chửi thím túi bụi.. Sáng hôm sau, cả nhà nội nhao nhác vì thím đã bồng con Lan đi mất, chỉ để lại đôi dòng nhắn với nội là thím về Sài Gòn..

    Chú thấy cả đất trời như đổ sụp.

    Nội không nói gì, chỉ quay đi rồi gượng cười biểu chú "Qua bển xin lỗi nó đi".

    Chú đi đi về về mấy lượt, vẫn không có thím về cùng, con Lan cũng bặt tăm tin cá, nội rầu, ngồi ngó hàng rào, tre nó rụng lá chất đống chất chồng cũng không có nhát chổi nào quơ. Chú phải đi làm, mà cứ thơ thẩn ngẩn ngơ như người mất trí, trước thì cáu bẳng, nay thì lầm lầm lì lì như "ông kẹ" người mương.

    Nó để ý có khi mấy ngày liền, sáng nào chú cũng mang gối ra phơi.

    - Chú lớn rồi mà còn tè dầm hả chú? – Nó hồn nhiên.

    - Ờ.. tại chú làm đổ nước ướt gối vậy à!

    Lúc đó nó không có biết chuyện, giờ nghĩ lại, nó biết nó vô tình xát muối vào nỗi đau chú nó, mà nó biết thì cũng trễ rồi.

    Mấy tháng sau chú bị xe tông lần hai, rồi chú liệt, nằm luôn không dậy được nữa. Chú nó nằm quài ở chái hiên, nó ngập ngừng chưa thốt được câu xin lỗi. Tệ, thiệt chứ!

    Cũng tại hồi đó nó còn nhỏ, nó không còn nhớ nhiều lúc chú mạnh, trong tâm trí nó lúc nào chú cũng vậy, nằm yên, bất động, người lúc nào cũng ngai ngái mùi người bệnh nằm một chỗ lâu ngày, mắt thì ngó minh ngó mông, như là chú trông chú ngóng cái gì ngoài rào, mà chắc chú chờ quài hổng thấy.

    Sáng nội với ba khiên chú ra hứng nắng sớm, tí nắng cao thì che mành tre cho chú hứng gió, nội nói "trong nhà ngộp, để nằm ngoài vậy mà dễ thở", lần nào ra che mành cho chú, nội cũng thở dài "tám chín cây số", mỗi lần vậy, nó lại ghẹo cho nội cười, tại "dòm mặt nội con chán gần chết luôn".

    Nó quậy vậy đó, mà sao chú Út nó không có la nó như hồi trước, chú nằm im ru, nhìn nó chớp mắt, tự nhiên nó thấy.. buồn gì đâu.

    Nội nhiều lần nhắn với thím, với gia đình bên ngoại bé Lan, cho nó về thăm ba, mà chờ quài quài cũng chẳng thấy, thân già nua của nội đôi ba lần gởi chú cho hàng xóm, tự đi lên tận Sài Gòn, rồi về tay không, người ta không chịu gặp, người ta hứa người ta hẹn, rồi người ta im luôn.. thôi thì, tới đâu tới.

    Thoắt cái mười hai năm trời, nó khôn lớn theo những giọt nước mắt và mấy tiếng thở dài của nội, những nỗi nhọc nhằn ba mẹ nó gánh thêm, những lần ghé thăm vội vã của mấy cô lỡ lấy chồng xa, những niềm tiếc nuối lưu luyến của họ của hàng.. vì chú nó.

    Không biết từ bao giờ, nó bắt chước chú, lúc nào rảnh lại ra ngồi ngoài hiên, nhìn chú, rồi ngó ra rào, nó biết chú chờ cái gì, nó cũng chờ "phụ" chú. Ấy vậy mà.. chờ hoài không có thấy.

    Đâu đó trong thâm tâm nó cứ mong một ngày thím nó dắt bé Lan về, chào chú một câu rồi đi cũng được. Hồi xưa thím hiền lành như vậy, thương chú như vậy, sao giờ thím vô tâm vô tình quá vậy? Nó thắc mắc lâu rồi mà không dám hỏi, nó sợ chú buồn thêm.

    Đời chú vốn đã buồn lắm rồi.

    Trong ngày động quan, nó thay con Lan đội tang, bưng ảnh, mấy người đi hai bên cứ lố nha lố nhố, chuyện con cái, chuyện cháu chắt, chuyện này chuyện nọ.

    Nó biết, như mọi cái đám khác, khi người nằm xuống đã chịu quá nhiều khổ đau lúc còn sống, thì lúc họ chết rồi, người ta "mừng" dữ lắm, người ta coi đó nhưng sự giải thoát khỏi nỗi bất hạnh trần ai.

    Ừ thì chắc vậy, chết là hết khổ, nhưng mà với ai chứ với chú nó chắc còn khổ quài quài. Đứa con duy nhất không được nhìn nó một lần trước khi đi, nhiều khi chú mất nó còn không biết, nó cứ vô tư, cứ hồn nhiên vui vẻ trên cuộc đời bất hạnh của cha nó, mà trách sao được.

    Trong mấy trăm người đưa ma, chắc có mình nội nó buồn thiệt, buồn nhiều nữa là khác. Nội cứ day dứt chuyện không xin được cho con Lan về gặp, ngay cả khi chú Út nhắm mắt xuôi tay. Chắc người ta không cho con Lan biết. Ngoài miệng thì nội nói nội mừng, nội mừng mà.. không có ai tin.

    Lúc đưa quan tài xuống huyệt nội đứng đó mà khóc, ba mẹ nó sợ nội mệt, muốn dìu nội về trước mà nội không đi, nội quẹt nước mắt rồi hứa:

    - Tao không có khóc nữa, tụi bây để tao ở đây.

    Nội hứa rồi nội cứ hước lên từng đợt, mấy bà mấy cô thấy vậy cũng chạnh lòng.. Không biết ai buột miệng:

    - Hơi đâu, mà hờn trách người dưng.

    Nắng trưa chang chang ập lên mái đầu trắng như sương của nội, hai hàng nước mắt cuối cùng cũng lăn dài trên cái má nhăn nheo. Nội níu áo lau gương mặt lèm nhèm ướt đẫm, lặng lẽ nhìn xẻng đất cuối cùng lấp đi áo quan trơ trọi, miệng nội mếu máo mấy lời, không biết là nói với ba nó hay chú út.

    - Ừ! Tao về! Thằng út ở, mạnh giỏi nghen.

    Vậy là trên cánh đồng mênh mông của cái quê không nghèo cũng chẳng giàu xứ Trảng, có một ngôi mộ mới mọc lên, trơ trọi và cô đơn ở cái gò đất giữa đồng.

    Một năm sau, ngày giỗ đầu của chú.

    Nó vác cuốc ra giẫy cỏ mả. Trước bia mộ không biết là ai đã để bó bông cúc trắng với dĩa trái cây và ba nhén nhang cắm đó còn chưa cháy hết.

    Nó thở dài, nhìn ra cái ánh sáng hừng đông phía tuốt đằng xa.

    "Nắng lên rồi. Chú!"


    (Hết)

    Mong nhận được góp ý của mọi người.

    List truyện ngắn của Miêu:

    Tâm linh: Kinh Dị - Người Gặp Ven Đường - Bách Tuế Miêu
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...