Người Đàn Ông Đến Từ Bắc Kinh – Henning Mankell

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Nyanko, 11 Tháng mười hai 2021.

  1. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Người Đàn Ông Đến Từ Bắc Kinh – Henning Mankell

    [​IMG]

    Tên sách: Người đàn ông đến từ Bắc Kinh

    Tác giả: Henning Mankell

    Thể loại: Tiểu thuyết, trinh thám, hình sự

    Người dịch: Nguyễn Minh Châu

    Phát hành: Nhã Nam

    Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn (2015)


     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Phần thứ nhất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sự yên ắng (2006)

    Tôi, Birgitta Roslin, xin thề danh dự sẽ làm tất cả bằng tâm hồn và lương tâm để xét xử công bằng dựa trên luật pháp và hiến pháp Thụy Điển với kẻ giàu cũng như người nghèo; không bao giờ làm sai hoặc lách luật vì lợi ích của gia đình tôi, của gia đình chồng tôi hoặc bạn bè tôi, vì ghen tuông, ác ý hay sợ hãi, để đổi lấy tiền hoa hồng, quà cáp hay vì bất cứ lý do nào khác; xin thề xét xử công tâm tất cả những ai cần bị xét xử; nghiêm túc giữ bí mật nghị án, trước cũng như sau khi kết án. Tôi sẽ tuân thủ lời thề này tuyệt đối như một thẩm phán trung thực và có phẩm cách.

    LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ,
    Chương 4, đoạn 11.
    Lời tuyên thệ của thẩm phán
     
  4. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Bia ký

    * * *

    1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuyết đóng băng, lạnh buốt da buốt thịt. Giữa mùa đông.

    Vào một ngày đầu tháng Giêng năm 2006, một con sói đơn lẻ từ Na Uy, vượt biên giới sang Thụy Điển qua thung lũng Vauldalen. Người lái xe ủi tuyết quả quyết đã nhìn thấy con sói này ở gần Fjällnäs, nhưng nó đã biến mất trong cánh rừng phía Đông, rồi đi đâu không ai biết. Sâu trong vùng Osterdalarna của Na Uy, nó tìm thấy một mẩu xác tuần lộc đã đóng băng, với vài khúc xương còn dính lại chút thịt. Nhưng đã hai ngày trôi qua. Lúc này nó lại thấy đói bụng và phải đi kiếm thức ăn.

    Đó là một con sói đực còn non đang trên đường tìm kiếm một lãnh địa cho riêng mình. Ở Nävjarna, phía Bắc Linsell, nó lại tìm thấy một xác tuần lộc khác. Nó nằm lại đó một ngày trời, ăn cho kỳ no, trước khi lại tiếp tục cuộc hành trình về hướng Đông, không dừng nghỉ. Nó vượt qua con sông Ljusnan đã đóng băng ở đoạn Kärböle rồi đi dọc theo bờ sông ngoằn ngoèo dẫn ra biển. Vào một đêm trăng tròn, nó nhẹ nhàng vượt qua cây cầu ở Järvsö, rồi dấn sâu vào khu rừng lớn kéo dài đến tận biển.

    Sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, con sói đã đến Hesjövallen, một làng nhỏ nằm ở phía Nam Hansesjön thuộc Hälsingland. Nó dừng lại và đánh hơi. Mùi máu từ một nơi nào đó thoảng đến. Con sói đảo mắt nhìn quanh. Trong những ngôi nhà kia có người đang ở. Nhưng không thấy có khói tỏa lên từ các ống khói. Thính giác tinh nhạy của nó không nghe thấy có tiếng động nào cả.

    Nhưng mùi máu thì có, không nghi ngờ gì nữa. Con sói chờ ở bìa rừng, tìm cách đánh hơi mùi máu đến từ hướng nào. Rồi nó chậm rãi chạy qua lớp tuyết phủ. Mùi máu đến từ một trong những ngôi nhà nằm ở rìa làng. Lúc này nó phải thận trọng, ở gần chỗ có người, cần phải thận trọng và kiên nhẫn. Nó dừng lại một lần nữa. Mùi máu đến từ phía sau ngôi nhà. Con sói chờ đợi. Cuối cùng nó cũng đến bên ngôi nhà đó và nhìn thấy một cái xác còn mới. Nó kéo miếng mồi nặng vào sát bìa rừng. Không có ai trông thấy nó và tuyệt nhiên cũng không có tiếng chó sủa. Vào buổi sáng giá lạnh này, bầu không khí tuyệt đối tĩnh lặng.

    Con sói bắt đầu ăn ở bìa rừng một cách dễ dàng vì thịt vẫn còn chưa đóng băng. Lúc này nó đã quá đói. Sau khi giằng chiếc giày da ra khỏi bàn chân, nó bắt đầu gặm đến lớp thịt từ dưới lên.

    Đợt tuyết rơi ban đêm đã ngừng, giờ lại có những bông tuyết nhỏ rơi xuống nền đất đã đóng băng trong lúc con sói đang mải mê gặm thịt.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng mười hai 2021
  5. Nyanko

    Bài viết:
    380
    2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi thức dậy, Karsten Höglin nhớ mình đã mơ thấy một bức ảnh. Ông nằm trên giường và thấy giấc mơ đó từ từ quay trở lại như thể âm bản của giấc mơ đã gửi đến cho ông một bản sao vào tiềm thức vậy. Ông biết bức ảnh này. Đó là bức ảnh trắng đen chụp một người đàn ông ngồi trên chiếc giường sắt cũ kỹ, trên tường có treo một khẩu súng săn, và bên cạnh chân ông là một chiếc bô tiểu tiện vào ban đêm. Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh này, ông đã thấy xúc động bởi nụ cười buồn bã của ông lão ấy. Ở ông lão có cái gì đó như là sợ sệt, lo âu và chờ đợi. Mãi sau này Karsten mới biết được điều gì ẩn náu phía sau tấm ảnh. Trước khi tấm ảnh được chụp một vài năm, ông lão đã vô tình bắn chết đứa con trai duy nhất của mình trong một lần đi săn vịt trời. Khẩu súng săn được treo lên tường từ dạo ấy, còn ông lão dần giam mình trong cô quạnh.

    Trong hàng ngàn tấm ảnh và các phim âm bản, thì đây là tấm ảnh mà Karsten Höglin tự nhủ mình sẽ không bao giờ quên được và thầm mong giá như tự mình chụp được nó.

    Đồng hồ để trên bàn chỉ bảy giờ ba mươi phút. Thông thường Karsten Höglin thức dậy rất sớm. Nhưng đêm qua ông ngủ không được ngon giấc, phần vì tấm đệm giường đã quá cũ kỹ. Ông định sẽ khiếu nại khi thanh toán tiền trọ rời khỏi đây.

    Hôm nay là ngày thứ chín và cũng là ngày cuối cùng trong chuyến đi chụp ảnh tư liệu của ông về những làng mạc bị bỏ hoang và các địa danh có nguy cơ giảm dân số, nhờ được một tổ chức đài thọ kinh phí. Bây giờ Karsten Höglin đang có mặt ở Hudiksvall và chỉ còn phải chụp ảnh một ngôi làng nữa là xong việc. Việc Höglin chọn chính ngôi làng này để chụp là do một ông lão, khi đọc được dự án của ông, đã viết thư kể cho ông nghe về ngôi làng mình sống. Bức thư gây ấn tượng với Höglin tới mức ông đã quyết định sẽ kết thúc chuyến đi chụp ảnh ở ngôi làng đó.


    Höglin đứng dậy, kéo rèm cửa sổ sang hai bên. Đêm qua tuyết rơi, bầu trời xám xịt, không ánh nắng. Phía dưới đường một phụ nữ ních chặt quần áo ấm lặng lẽ đạp xe qua. Höglin nhìn theo người đó và thầm hỏi hôm nay bao nhiêu độ. Âm năm độ, có thể âm bảy độ. Không hơn.

    Ông mặc quần áo và đi thang máy xuống dưới nhà. Xe của ông đỗ ở sân sau khách sạn. Nơi đó rất an toàn. Tuy vậy ông vẫn cầm theo chiếc túi đựng máy ảnh lên phòng. Sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất, nếu như vào một ngày nào đó ông đứng trước xe của mình và phát hiện ra chiếc túi đựng máy ảnh biến mất.

    Bên quầy lễ tân là một cô gái trẻ, chưa đến đôi mươi. Ông nhận thấy cô gái trang điểm cẩu thả, nên từ bỏ ý định phàn nàn về chuyện chăn đệm. Dù gì ông cũng chẳng bao giờ quay lại khách sạn này nữa.

    Trong phòng ăn điểm tâm chỉ có một vài người khách đang chúi đầu vào mấy tờ báo. Ông do dự một hồi lâu và rất muốn được lôi máy ảnh ra ghi lại hình ảnh căn phòng tĩnh lặng này. Nó đem đến cho ông ấn tượng về một nước Thụy Điển đã luôn là như thế. Những con người trầm mặc, chúi đầu vào mấy tờ báo và tách cà phê, ai cũng chỉ bận tâm với suy nghĩ, số phận của riêng mình.

    Ông từ bỏ ý định chụp ảnh, rót cà phê cho mình, chọn hai chiếc bánh mì kẹp và một quả trứng luộc. Ông ăn nhanh vì không còn báo để đọc và cũng không thích phải ngồi ăn một mình mà không có gì để đọc.

    Bên ngoài trời lạnh hơn là ông tưởng. Ông kiễng chân nhìn vào chiếc nhiệt kế bên cửa sổ của quầy lễ tân. Âm mười một độ. Thêm nữa, tuyết lại rơi, nhiệt độ sẽ còn tụt xuống nữa, ông nghĩ vậy. Cho đến lúc này mùa đông còn quá dễ chịu. Bây giờ cái lạnh mà chúng ta chờ đợi lâu nay đã đến.

    Höglin để hành lý xuống hàng ghế sau, cho xe nổ máy, cạo tuyết trên kính chắn gió. Trên ghế cạnh lái có tấm bản đồ giao thông. Trước tiên, ông đi theo đường chính về hướng Nam và sẽ rẽ về hướng Sörforsa ở đoạn Iggesund. Sau đó sẽ có hai khả năng, từ hồ nước đi theo hướng Đông hoặc hướng Tây qua Storsjön hoặc Lägsjön. Đến trạm xăng lối vào Hudiksvall, người ta cho ông biết đường đi theo hướng Đông rất xấu. Tuy vậy, ông vẫn cho xe chạy theo đường này vì sẽ nhanh hơn. Lúc này trời sáng đẹp, ông đã có thể hình dung ra những ống khói vươn thẳng lên trời.

    Vì rẽ nhầm đường về hướng Nam tới Näcksjö, nên phải mất bốn mươi phút sau, ông mới tới được Hesjövallen.

    Hesjövallen nằm trong một thung lũng nhỏ bên hồ nước mà Karsten Höglin không nhớ tên. Có thể là Hesjö? Khu rừng rậm vươn tới tận rìa làng nằm trên sườn dốc chạy xuống hồ, hai bên có đường ô tô chạy lên mạn Härjedalen.

    Karsten cho xe dừng lại ở lối vào làng và ra khỏi xe. Lớp mây bao phủ dần tan đi, ánh sáng chói lòa. Ông đưa mắt nhìn quanh. Những ngôi nhà nằm đó, rất yên ắng. Ông nghe có tiếng động cơ xe hơi trên đường quốc lộ từ xa vọng đến.

    Ông cảm thấy hơi bối rối, nín thở như mọi lần, khi không biết rõ mình đang nhìn thấy thứ gì.

    Rồi ông nhận ra, những ống khói lạnh lẽo, không một làn khói mà ông hy vọng sẽ có để mang lại hiệu ứng tốt cho những tấm ảnh của mình. Ông từ từ lướt ánh mắt lên những ngôi nhà nằm ở hai bên đường. Có ai đó đã dọn tuyết, ông nghĩ vậy. Nhưng lại không thấy một người nào thức dậy nấu nướng và đốt lò sưởi. Ông nghĩ đến bức thư của ông lão đã kể cho mình nghe về ngôi làng này. Trong bức thư nói nhiều đến những ống khói và những ngôi nhà nằm sát bên nhau ngây ngô như những đứa trẻ truyền đi những tín hiệu khói.

    Ông thở dài. Người ta viết thư, nhưng lại viết những điều không thật, mà chỉ viết về cái họ tin rằng người khác muốn đọc. Bây giờ ông có thể chụp những ống khói lạnh lẽo. Hoặc là ông bỏ đi luôn? Chẳng ai ép buộc ông phải chụp ảnh ngôi làng Hesjövallen và cư dân của nó. Ông đã có đủ ảnh về Thụy Điển, một đất nước đang dần biến mất, về những chốn thâm sơn cùng cốc, những làng mạc hẻo lánh đôi khi được người Đức hoặc người Đan Mạch cứu vớt bằng cách sửa sang những trại ấp này thành những ngôi nhà nghỉ hè, hoặc đơn giản là để chúng tàn tạ dần cho tới khi bị đất nuốt mất.

    Ông quyết định rời khỏi đây và chui vào xe. Nhưng bàn tay ông còn do dự vặn chìa khóa cho xe nổ máy. Một khi đã đến được tận chỗ này, thì ít ra, ông cũng nên chụp lấy một vài tấm ảnh chân dung của dân làng. Karsten Höglin vẫn luôn rình kiếm những khuôn mặt, nhất là khuôn mặt của người già. Ông nuôi dưỡng một kế hoạch bí mật là trước khi vĩnh viễn gác máy sẽ xuất bản một cuốn sách ảnh chân dung phụ nữ. Những tấm ảnh của ông sẽ phác họa cái vẻ đẹp mà người ta chỉ có thể tìm thấy trên khuôn mặt những người phụ nữ đã rất già. Những bà lão mà cuộc sống của họ với bao nhiêu nhọc nhằn đã được chạm khắc vào làn da, như những lớp nham kết tầng trong vách đá.

    Ông lại ra khỏi xe, kéo chiếc mũ lông trùm kín tai, với tay cầm chiếc máy Leica M18 đã theo ông cả chục năm trời rồi đi đến ngôi nhà gần nhất. Ở đây cả thảy có khoảng gần chục nóc nhà, phần lớn có màu đỏ, một vài nhà làm thêm lối vào có mái che. Ông chỉ nhìn thấy một ngôi nhà duy nhất còn mới, nếu như ông xem nó như là mới, vì nó được xây dựng từ những năm 1950. Ông dừng lại trước cổng vườn, giơ máy ảnh lên chụp.

    Tấm biển cho ông biết gia đình Andren sống ở đây. Ông chụp liền mấy pô, chỉnh lại ống kính và độ sáng, chọn các góc chụp khác nhau. Trời vẫn còn u ám, ông nghĩ vậy. Đoán chừng ảnh sẽ không được nét, sẽ bị mờ, nhưng cũng không có gì chắc chắn. Làm nhà nhiếp ảnh có nghĩa là đôi khi phát hiện ra được những điều bất ngờ.

    Karsten Höglin thường làm việc thuần túy theo trực giác. Điều này không có nghĩa là ông không thèm để ý đến việc đo độ sáng, một khi cần thiết. Nhưng đôi khi ông cũng thành công, thu được những kết quả bất ngờ, vì ông đã không thể xác định được chính xác độ sáng, ứng biến là một phần công việc của ông. Một lần ở Oskarhamn ông đã nhìn thấy một chiếc thuyền buồm với cánh buồm no gió trên một vịnh nhỏ. Hôm đó là một ngày đẹp trời, nắng rực rỡ. Trước khi bấm máy, ông chợt có ý tưởng hà hơi vào ống kính. Khi rửa ảnh, con thuyền ma quái như đang lướt nhẹ từ trong sương mù ra. Ngày ấy bức ảnh này đã đem đến cho ông một giải thưởng đặc biệt.

    Ông không bao giờ quên được chiếc ống kính nhòe hơi nước của mình.

    Cánh cổng như bị kẹt, ông phải cố sức mới đẩy được nó mở ra. Trên lớp tuyết mới không thấy có dấu chân người, vẫn không có lấy một tiếng động, ông thầm nghĩ, thậm chí không có lấy một con chó phát hiện ra mình. Dường như bỗng nhiên tất cả đã biến mất. Một ngôi làng ma.

    Ông bước lên bậc tam cấp, giơ tay gõ cửa và chờ đợi, gõ thêm một lần nữa. Không có tiếng chó sủa, không có tiếng mèo kêu, hoàn toàn im ắng. Lúc này ông đã thấy lo lắng. Có cái gì đó rõ ràng là không ổn. Ông lại gõ cửa thêm một lần nữa, lần này mạnh hơn và lâu hơn. Rồi ông thử vặn tay nắm cửa. Đã khóa. Người già hay lo sợ, ông nghĩ vậy. Họ khóa mình ở trong nhà, vì họ sợ, tất cả những gì mà họ đọc được trên báo có thể xảy ra với họ.

    Ông đập mạnh lên cửa, nhưng không thấy có ai phản ứng. Vậy nên ông nhủ thầm có lẽ ngôi nhà này bị bỏ hoang.

    Ông đi qua cổng vườn sang nhà bên cạnh. Lúc này trời đã sáng hơn. Ngôi nhà này được quét vôi màu vàng. Cửa sổ nhiều chỗ bị bong ma tít, chắc chắn gió sẽ lùa vào nhà. Trước khi gõ cửa, ông vặn tay nắm xuống. Cửa này cũng khóa. Ông đấm mạnh lên cửa, nhưng cũng không thấy có người trả lời. Hình như trong ngôi nhà này cũng không có người ở.

    Ông lại quyết định từ bỏ kế hoạch. Nếu bây giờ lên xe và phóng đi, ông sẽ có mặt tại nhà mình ở Pitea vào đầu giờ chiều. Bà Magda, vợ ông, chắc sẽ rất mừng. Bà thấy ông đã quá già cho những chuyến đi như thế này. Mặc dù mới bước vào tuổi sáu mươi ba nhưng ông đã có triệu chứng khởi phát của bệnh đau thắt ngực tuy chưa rõ ràng, bác sĩ đã khuyên ông chú ý giữ gìn sức khỏe.

    Tuy nhiên, thay vì lên đường, ông lại đi vòng ra sau nhà, tìm cách mở cánh cửa ngách dẫn vào phòng giặt quần áo. Cánh cửa này cũng bị khóa. Ông đến bên cửa sổ, kiễng chân nhìn vào bên trong. Qua kẽ rèm cửa, ông nhìn thấy một chiếc ti vi ở giữa phòng. Ông đi tiếp sang cửa sổ bên cạnh, vẫn là chiếc ti vi, vẫn là cùng một phòng ấy. Trên tường là một tấm thảm thêu hình Chúa Jesus. Giữa lúc ông định bỏ đi thì lại nhìn thấy một cái gì đó nằm trên sàn nhà. Thoạt đầu ông ngỡ đó là một cuộn len. Nhưng rồi, ông nhận ra đó là một chiếc bít tất len lồng vào một bàn chân. Ông lui lại cách cửa sổ một bước. Tim ông đập mạnh. Liệu ông nhìn có đúng không? Có thật đó là một bàn chân? Ông trở lại bên ô cửa sổ đầu tiên, nhưng không nhìn được nhiều thứ lắm. Rồi ông lại đến bên cửa sổ thứ hai. Lúc này thì ông đã chắc chắn. Đó là một bàn chân. Một bàn chân bất động. Ông không biết đó là bàn chân của đàn ông hay đàn bà. Có lẽ bàn chân đó là của người ngồi trên một chiếc ghế bành. Nhưng cũng có thể người đó nằm trên sàn nhà.

    Ông gõ mạnh vào kính cửa sổ. Hoàn toàn không thấy động tĩnh gì. Ông lấy điện thoại di động từ trong túi ra và bấm số của trung tâm cứu hộ. Sóng quá yếu không thể liên lạc được. Ông chạy sang nhà thứ ba và gõ cửa. Nhưng cũng không thấy có người ra mở cửa. Ông thầm hỏi, liệu có phải mình đang ở trong một cơn ác mộng. Bên cạnh cửa có một tấm lưới sắt chùi giày. Ông cầm nó lên làm đòn bẩy tì vào ổ khóa và nạy cánh cửa ra. Ý nghĩ duy nhất của ông khi làm việc này là tìm được một chiếc điện thoại. Lúc lao vào được trong nhà, ông hiểu ra rằng cảnh tượng tương tự đang đợi mình, nhưng đã quá muộn: một xác chết. Một bà cụ già nằm trên sàn bếp. Đầu bà bị cắt gần lìa khỏi cổ. Bên cạnh bà là xác một con chó bị chém đứt đôi.

    Karsten Höglin thét lên rồi quay đầu bỏ chạy khỏi ngôi nhà. Từ hành lang ông nhìn thấy trên sàn phòng khách một người đàn ông nằm giữa chiếc bàn và chiếc ghế sofa màu đỏ có dải trang trí màu trắng. Người đàn ông trần truồng, lưng đẫm máu.

    Karsten Höglin chỉ có một ý nghĩ: bỏ chạy. Ông đánh rơi chiếc máy ảnh trong lúc bỏ chạy, nhưng cũng không dừng lại nhặt nó lên. Một nỗi sợ hãi trỗi dậy trong ông, một bàn tay vô hình có thể đang đuổi theo phía sau lưng ông và đâm chết ông. Ông vội vàng chui vào xe, nổ máy, quay đầu xe và phóng đi.

    Khi ra tới được đường chính, ông mới cho xe dừng lại, ngón tay run run bấm số gọi trung tâm cứu hộ. Giữa lúc áp máy điện thoại di động vào tai, ông thấy đau nhói ở ngực. Như thể có ai đó đuổi kịp ông, đâm vào người ông một nhát dao.

    Có tiếng người trong điện thoại nói với ông. Nhưng ông không thể trả lời được. Ông đau đến mức cổ họng chỉ còn phát ra được tiếng khò khè.

    – Tôi không nghe được gì cả, giọng một phụ nữ nói.

    Ông lại cố thêm một lần nữa. Nhưng vẫn chỉ là tiếng khò khè. Ông hiểu mình sẽ chết.

    – Ngài có thể nói to hơn được không? Người phụ nữ hỏi. Tôi không hiểu ngài nói gì?

    Ông cố hết sức để thốt ra được mấy từ.

    – Tôi chết mất, ông thở khò khè. Lạy Chúa, tôi chết mất. Cô hãy giúp tôi.

    – Ngài đang ở đâu?

    Nhưng người phụ nữ trực cấp cứu không nhận được câu trả lời. Karsten Höglin đang đến với bóng tối bao la. Trong nỗ lực tuyệt vọng mong thoát khỏi cơn đau đớn cùng cực, giống như người chết đuối cố tìm cách ngoi lên mặt nước, ông đạp mạnh lên chân ga. Chiếc xe lao vọt sang luồng ngược chiều. Chiếc xe tải nhỏ chở bàn ghế văn phòng trên đường chạy về Hudiksvall không kịp tránh xe của ông. Người lái chiếc xe tải vội xuống xem thiệt hại thế nào và nhận thấy Höglin đang nằm ôm lấy vô lăng.

    Tài xế xe tải là người Bosnia chỉ bập bẹ nói được tiếng Thụy Điển, cất giọng hỏi:

    – Ông có sao không?

    – Ngôi làng, Karsten Höglin khò khè nói. Hesjövallen.

    Sau câu đó ông không còn nói được nữa. Khi cảnh sát và xe cứu thương đến nơi, thì Höglin đã chết vì nhồi máu cơ tim.

    Thoạt đầu mọi chuyện cứ rối tung rối mù cả lên. Vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì sao người lái chiếc xe Volvo bỗng nhiên lại bị nhồi máu cơ tim. Mãi tới khi Karsten Höglin đã được đưa đi và một chiếc xe cứu hộ đến kéo chiếc xe tải chở bàn ghế, một viên cảnh sát mới tập trung cố gắng lắng nghe người đàn ông Bosnia đang tìm cách giải thích. Viên cảnh sát có tên Erik Huddén không hề hứng thú nói chuyện với mấy tay người nước ngoài chỉ trọ trẹ mấy từ tiếng Thụy Điển. Dường như những gì họ kể ra sẽ bị mất đi ý nghĩa bởi không đủ khả năng diễn tả. Đương nhiên, trước tiên, Huddén đề nghị người lái xe tải phải thở vào một chiếc ống nhỏ. Người lái xe không uống rượu, máy đo chỉ màu xanh và bằng lái xe của anh ta là bằng nghiêm chỉnh.

    – Ông ấy muốn nói điều gì đó, người lái xe tải nói.

    – Cái gì? Viên cảnh sát gắt gỏng hỏi.

    – Cái gì như Hero. Có lẽ là tên làng.

    Erik Huddén sốt ruột lắc đầu, anh ta xuất thân vùng này.

    – Ở cái xó này không có nơi nào tên là Hero.

    – Có thể đã nghe không đúng. Hình như tên có âm "s"? Hình như là Hesjö.

    – Hesjövallen?

    – Đúng, đúng. Ông ta nói như vậy.

    – Ông ta nói vậy có nghĩa gì?

    – Tôi không biết. Ông ta đã chết.

    Erik Huddén nhét cuốn sổ ghi chép vào cặp. Anh ta không hề ghi lại những gì người lái xe tải vừa nói ra. Sau khi chiếc xe cảnh sát chở gã tài xế về đồn để tiếp tục lấy lời khai, Erik Huddén lên xe, quay trở về Hudiksvall cùng với Leif Ytterström, đồng nghiệp của mình, ngồi trước tay lái.

    – Chúng ta chạy qua Hesjövallen xem sao. Huddén bỗng nhiên đề nghị.

    – Tại sao? Có tin báo à?

    – Mình chỉ muốn kiểm tra một chút.

    Trong hai người, Erik Huddén lớn tuổi hơn. Anh nổi tiếng là người kiệm lời và cứng đầu. Leif Ytterström cho xe rẽ vào đường đi Sörforsa. Khi đến Hesjövallen, Huddén bảo Leif chạy chầm chậm qua làng. Anh vẫn chưa nói cho đồng nghiệp biết vì sao họ lại phải đi vòng đường này.

    – Trông hoang vắng quá. Ytterström nói khi từ từ bỏ lại những ngôi nhà ở phía sau.

    – Chạy quay lại đi, Erik nói. Cũng từ từ như vừa rồi.

    Rồi anh bảo Leif cho xe dừng lại. Có gì đó nằm dưới lớp tuyết gần một ngôi nhà khiến anh chú ý. Anh xuống xe, tiến lại gần vật đó. Bất ngờ anh đứng lại, rút súng ra. Leif vội vàng ra khỏi xe và cũng rút súng.

    – Gì vậy?

    Erik không trả lời. Anh thận trọng tiến về phía trước. Rồi lại dừng lại và cúi về phía trước như bị đau ngực. Mặt Erik trắng bệch khi quay trở lại xe.

    – Có người chết nằm ở đó. Bị đâm nát. Không toàn thây.

    – Anh nói cái gì vậy?

    – Mất một cẳng chân.

    Cả hai đứng im lặng. Trân trân nhìn nhau. Erik vào xe ngồi và liên lạc với Vivi Sundberg, người mà anh biết hôm nay có ca trực. Sundberg lập tức trả lời.

    – Erik đây. Tôi đang ở Hesjövallen.

    – Phía Nam Sörforsa à?

    – Phía Tây thì đúng hơn. Nhưng cũng có thể tôi nhầm.

    – Có chuyện gì vậy?

    – Tôi không biết. Có một xác chết nằm trong tuyết, bị mất một chân.

    – Nói lại xem nào!

    – Một người đàn ông bị chết. Trong tuyết. Xem ra ông ta bị đâm chết. Một cẳng chân bị mất.

    Hai người họ rất hiểu nhau. Vivi Sundberg biết Erik Huddén không bao giờ phóng đại, tuy vậy, những gì anh kể nghe không thể tin được.

    – Chúng tôi đến ngay, Vivi Sundberg nói.

    – Hãy gọi điện cho bên khoa học hình sự nữa.

    – Ai đang ở chỗ anh đấy?

    – Leif Ytterström.

    Sundberg ngẫm nghĩ.

    – Có cách giải thích khả dĩ nào về sự việc xảy ra ở đó không?

    Trong đời mình, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cảnh tượng như thế.

    Erik biết Vivi sẽ hiểu điều đó. Anh làm cảnh sát đã khá lâu và anh đã từng đối mặt với tất cả những điều khủng khiếp có thể tưởng tượng ra được.

    Ba mươi lăm phút sau họ mới nghe có tiếng còi hụ từ phía xa. Erik Huddén đã tìm cách thuyết phục Leif Ytterström tới hỏi hàng xóm sống ở quanh đó. Nhưng Leif không chịu cùng đi với anh mà cứ khăng khăng chờ lực lượng tăng cường. Erik cũng không muốn một mình đi sang các nhà lân cận, nên cũng ở lại trong xe với đồng nghiệp. Họ chờ đợi trong im lặng.

    Vivi Sundberg bước ra khỏi chiếc xe đầu tiên đến hiện trường. Đó là một phụ nữ trạc ngũ tuần, to lớn. Ai quen biết Sundberg, đều biết rằng, dù với cân nặng như vậy, nhưng không những bà có sức khỏe mà còn có cả sự kiên trì, dẻo dai. Cách đây chỉ một vài tháng bà đã đuổi theo và tóm được hai tên trộm tuổi mới đôi mươi. Chúng đã cười chế nhạo bà khi bắt đầu bỏ chạy. Sau vài trăm mét, khi bà còng tay chúng, chúng không còn cười nữa.

    Vivi Sundberg có mái tóc màu đỏ. Mỗi năm bà đến cửa hàng làm đầu của con gái mình bốn lần để nhuộm tóc.

    Bà sinh ra tại một làng nhỏ gần Harmanger. Ở đó bà đã chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ mình cho đến khi hai cụ qua đời vì tuổi già. Sau đó bà tiếp tục theo học rồi một vài năm sau thì xin vào trường cảnh sát và đã được chấp nhận, điều này khiến bà vô cùng ngạc nhiên. Thực ra, không ai có thể giải thích được tại sao người ta lại nhận bà vào trường cảnh sát với thân hình nặng nề đến như vậy. Nhưng cũng không thấy có ai hỏi về việc này và tự bà cũng hoàn toàn không nói gì cả. Vivi Sundberg rất thận trọng với đường, nhưng lại không kìm được.

    Bà đã hai lần kết hôn. Lần thứ nhất với một công nhân đến từ Iggesund và có một con gái với nhau, tên là Elin. Chồng bà đã qua đời trong một vụ tai nạn lao động. Một vài năm sau bà lại tái hôn với một người thợ ống nước đến từ Hudiksvall. Cuộc hôn nhân lần thứ hai của bà kéo dài chưa đầy hai tháng. Chồng bà qua đời trong một vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường đóng băng giữa Delsbo và Bjuraker. Từ đó bà ở vậy không lấy ai nữa. Nhưng các đồng nghiệp đồn rằng bà có một người tình hiện đang sống trên một hòn đảo ở Hy Lạp. Một năm hai lần bà đến nghỉ phép ở đó. Nhưng không một ai biết tin đồn ấy chính xác tới mức nào.

    Vivi Sundberg là một cảnh sát bền bỉ. Bà có khả năng phân tích ngay cả khi chỉ dựa vào những dấu vết vô cùng nhỏ bé nhưng thường lại là những hướng điều tra duy nhất có được khi khởi đầu một cuộc điều tra hình sự.

    Bà vừa đưa tay vuốt tóc vừa chăm chú nhìn Erik Huddén đang đứng trước mặt mình.

    – Anh hãy chỉ cho tôi chỗ đó.

    Họ cùng nhau đi tới chỗ xác chết. Vivi Sundberg nhăn mặt rồi ngồi xổm xuống.

    – Bên pháp y đã đến chưa?

    – Bà ấy đang trên đường đi.

    – Bà?

    – Một nữ bác sĩ hiện đang thế chỗ Hugo. Ông ấy sắp phải mổ khối u.

    Trong một thoáng, tâm trí Vivi Sundberg xao nhãng khỏi xác người đẫm máu nằm trên tuyết trước mặt bà.

    – Ông ấy bị ốm à?

    – Ông ấy bị ung thư. Chị chưa biết chuyện đó sao?

    – Chưa. Ung thư gì vậy?

    – Ung thư dạ dày. Nhưng còn chưa di căn. Hiện nay bác sĩ Valentina Miir từ Uppsala đến thay ông ấy tạm thời.

    – Và bà ấy đang trên đường đến đây?

    Erik Huddén gọi với sang Leif đang đứng bên cạnh xe uống cà phê. Anh ta xác nhận nữ bác sĩ pháp y đang trên đường đến đây.

    Vivi Sundberg bắt đầu xem xét tỉ mỉ xác chết. Mỗi khi một người bị sát hại nằm trước mặt bà thì cùng một cảm giác bất lực lại ùa đến xâm chiếm tâm hồn bà. Bà không thể đánh thức người chết trở về với cuộc sống, mà chỉ có thể, trong trường hợp may mắn nhất, giải thích được hoàn cảnh dẫn đến cái chết và tống kẻ phạm tội vào sau song sắt hoặc sau cánh cửa đóng kín của một trại tâm thần.

    – Có một kẻ nào đó đã phát khùng, bà nói. Với một con dao to. Hoặc một lưỡi lê. Có thể là một thanh kiếm. Tôi thấy có ít nhất chín vết chém và hầu như tất cả đều trí mạng. Nhưng còn về cẳng chân thì tôi vẫn chưa thể nào hiểu được. Chúng ta đã biết được người đàn ông này là ai chưa?

    – Chưa. Hình như tất cả nhà ở đây đều bỏ không thì phải.

    Vivi Sundberg đứng dậy chăm chú nhìn xung quanh. Bà có cảm giác dường như mấy ngôi nhà đều dõi theo ánh mắt bà, vẻ đầy dò xét.

    – Anh đã gõ cửa nhà họ chưa?

    – Tôi muốn chờ mọi người đến. Có thể hung thủ vẫn còn ở đây.

    – Anh đã hành động đúng.

    Bà vẫy Leif sang chỗ mình.

    – Chúng ta vào trong đó, bà nói với hai người. Chắc chắn ở đây có người, vì đây không phải là một ngôi làng bỏ hoang.

    – Nhưng chẳng nhìn thấy người nào cả.

    Vivi Sundberg lại quan sát những ngôi nhà, vườn tược và con đường phủ tuyết. Bà rút súng ra, đi tới ngôi nhà tiếp theo. Những người khác theo sau. Lúc này đã hơn mười một giờ trưa.

    Những gì tiếp theo hẳn nên được ghi vào lịch sử ngành hình sự Thụy Điển, những gì mà ba cảnh sát phát hiện thấy chưa từng có tiền lệ. Họ đi từ nhà này sang nhà khác, súng lăm lăm trong tay. Vào nhà nào họ cũng gặp các xác chết, bên cạnh là những con chó, hoặc những con mèo bị chém đứt đôi, thậm chí họ còn thấy một con vẹt bị chém cụt đầu. Họ đếm được cả thảy mười chín xác chết, trừ một đứa bé mười hai tuổi, còn lại đều là những người già. Có những người bị giết khi đang còn ngủ trên giường, hoặc nằm trên sàn nhà, hoặc ngồi trên ghế bên bàn ăn trong bếp. Một bà già bị giết chết khi trong tay vẫn còn giữ chặt chiếc lược chải tóc, một người đàn ông với ấm pha cà phê trên bếp lò ở bên cạnh. Trong một ngôi nhà khác, họ phát hiện thấy hai xác chết bị trói chặt vào với nhau. Tất cả đều bị giết chết trong cảnh bạo lực điên khùng giống nhau, như là một trận bão lốc máu me nổi giận với những con người già cả vừa mới bắt đầu một ngày mới này. Vì người già ở nông thôn thường dậy sớm, nên Vivi Sundberg đoán rằng, vụ giết người đã xảy ra vào đêm qua hoặc sáng sớm nay.

    Vivi Sundberg thấy như mình ngập ngụa trong máu, người lạnh toát, mặc dù đang run lên vì tức giận, cứ như thể bà đang quan sát những xác chết bị biến dạng qua một chiếc ống nhòm chứ không cần phải đến gần.

    Ở đây còn có mùi. Chỉ vừa hết hơi ấm là các xác chết đã bốc ra một thứ mùi hăng hắc ngọt ngọt. Chừng nào còn phải ở lại bên trong nhà, Vivi Sundberg đều thở qua miệng. Khi ra đến bên ngoài giữa làn không khí trong lành, bà mới hít thở thật sâu. Mỗi lần bước qua ngưỡng cửa một ngôi nhà khác là lại giống như thể chuẩn bị bắt đầu một thử thách vượt quá sức người.

    Tất cả những gì bà nhìn thấy trước mặt, hết thân thể này đến thân thể khác, đều cho thấy một sự điên cuồng giết chóc giống nhau, đều có những vết thương do một thứ vũ khí cầm tay được mài sắc lẹm gây ra. Danh sách mà bà thống kê lại sau đó và sẽ không cho ai biết là những ghi chép ngắn gọn nhưng chính xác những gì bà đã thấy:

    Nhà số 1: Một ông già chết, quần áo ngủ bị xé rách, chân vẫn còn xỏ dép đi trong nhà, nằm ngửa người trên bậc cầu thang dẫn lên tầng trên. Đầu gần lìa khỏi cổ, ngón tay cái bên trái nằm cách thân mình khoảng một mét. Một bà già chết, mặc áo ngủ, bị rạch bụng, lòi ra một phần ruột, hàm răng bị đập vỡ.

    Nhà số 2: Một đàn ông và một đàn bà chết, cả hai đều già, ít nhất cũng 80 tuổi. Thân thể trên giường ngủ đôi ở tầng trệt. Người vợ bị giết chết có thể do bị nhát chém từ vai trái qua ngực xuống tới hông phải trong lúc đang ngủ. Người chồng tìm cách chống đỡ bằng một chiếc búa nên đã bị chém đứt cánh tay và bị cắt cổ. Kỳ lạ, hai thân thể này được buộc lại với nhau. Tình trạng này cho thấy có thể người chồng bị trói vào với người vợ đã chết khi ông vẫn còn sống. Tất nhiên không có bằng chứng cho phỏng đoán này. Một đứa trẻ chết trong một phòng nhỏ. Có thể bị giết khi còn đang ngủ.

    Nhà số 3: Một phụ nữ, độc thân, chết trên sàn bếp. Bên cạnh là xác một con chó không rõ nòi, bị chém đứt đôi. Dường như xương sống của người phụ nữ bị gãy nhiều chỗ.

    Nhà số 4: Người đàn ông chết trong hành lang, trên người mặc quần dài và áo sơ mi, đi chân không. Hình như đã tìm cách chống trả. Thân mình bị chém gần đứt đôi ở phần bụng. Người đàn bà nhiều tuổi chết ngồi trong phòng bếp. Bị chém hai hoặc ba nhát vào đỉnh đầu.

    Nhà số 7: Hai phụ nữ và một nam giới đều đã già, chết trong giường ở tầng trên. Ấn tượng: họ đang còn thức, ý thức được sự việc, nhưng không kịp phản ứng. Một con mèo bị đập chết trong bếp.

    Nhà số 8: Một người đàn ông chết bên ngoài nhà. Một cẳng chân bị mất. Hai con chó bị chém đứt đầu. Người vợ chết nằm trên cầu thang, bị chặt nhỏ đến khó tả.

    Nhà số 9: Bốn người chết trong phòng ở tầng trệt. Cởi trần, với những tách cà phê, đài bật. Gồm ba phụ nữ và một nam giới đều đã cao tuổi. Đầu của họ được để trên đùi.

    Nhà số 10: Hai người, một đàn ông, một đàn bà rất già, chết trên giường. Không thể nói liệu họ có ý thức được chuyện gì đã xảy ra với mình hay không.

    Đến phần cuối danh sách, Sundberg không còn đủ sức ghi lại tất cả các chi tiết. Nhưng dù thế nào bà cũng không thể quên được những gì đã nhìn thấy. Đó là một cái nhìn thẳng vào địa ngục.

    Bà đánh số những ngôi nhà mà các nạn nhân đã được tìm thấy trong đó. Những ngôi nhà này không nằm nối tiếp nhau trong làng. Khi đến ngôi nhà số năm trong chuyến khám xét rùng rợn của mình, bà đã chạm tới được sự sống. Có tiếng nhạc từ trong nhà vọng ra. Leif Ytterström quả quyết đó là Jimi Hendrix. Vivi Sundberg biết rõ tay chơi ghi ta nổi tiếng ấy, trong khi Erik Huddén lại hoàn toàn không biết hai người họ đang nói về ai. Ca sĩ mà anh yêu thích nhất là Björn Skifs.

    Trước khi bước vào nhà, họ còn gọi thêm hai cảnh sát nữa đến căng dây bảo vệ hiện trường. Họ thận trọng tiến gần đến cửa nhà, súng lăm lăm trong tay. Erik Huddén đập cửa. Cánh cửa được một người đàn ông cởi trần, tóc dài, mở ra. Ông ta giật mình khi nhìn thấy những khẩu súng chĩa vào mình. Vivi Sundberg hạ súng xuống khi thấy người đàn ông trước mặt không cầm vũ khí.

    – Có một mình ông ở trong nhà thôi à?

    – Có vợ tôi nữa, người đàn ông trả lời, giọng run run.

    – Ngoài ra không còn ai nữa?

    – Không. Có chuyện gì xảy ra vậy?

    Vivi Sundberg nhét súng vào bao và ra hiệu cho hai cộng sự cùng làm như mình.

    – Chúng ta vào trong nhà, bà nói với người đàn ông cởi trần đang run lên vì lạnh. Ông tên là gì?

    – Tom.

    – Họ?

    – Hansson.

    – Tốt. Chúng ta vào trong đi, ông Tom Hansson, để ông khỏi phải run lên vì lạnh.

    Nhạc trong nhà được vặn to. Vivi Sundberg có cảm giác phòng nào cũng được gắn loa. Bà đi theo chủ nhà vào căn phòng bề bộn, nơi có một phụ nữ mặc áo ngủ ngồi thu lu trên ghế sofa. Người đàn ông vặn nhạc nhỏ lại rồi mặc áo vắt ở thành ghế. Tom Hansson và vợ ông ta trông có vẻ hơn Sundberg một vài tuổi. Cỡ chừng sáu mươi.

    – Có chuyện gì vậy? Bà vợ sợ hãi hỏi.

    Vivi Sundberg nhận ra chất giọng Stockholm không lẫn vào đâu được của bà ta. Có lẽ họ là những người muốn trốn tránh cảnh xô bồ từ thời còn trẻ đã chuyển từ thành phố về nông thôn tìm kiếm một cuộc sống giản đơn. Bà quyết định vào việc ngay. Phát hiện khủng khiếp của bà cùng đồng nghiệp đã thúc giục bà phải cực kỳ khẩn trương. Sự việc thật sự rất đáng lo ngại, kẻ hoặc những kẻ đã bắt đầu vụ giết người khủng khiếp này rất có thể sẽ tiếp tục gây ra những vụ thảm sát tiếp theo.

    – Một số hàng xóm của ông bà đã bị giết, Vivi Sundberg nói. Đêm qua, trong làng này đã xảy ra những việc khủng khiếp. Đây là một việc rất quan trọng, ông bà cần phải trả lời tất cả những câu hỏi của chúng tôi. Tên bà là gì?

    – Ninni, người phụ nữ ngồi trên ghế sofa trả lời. Herman và Hilda có bị chết không?

    – Họ sống ở đâu?

    – Trong ngôi nhà nằm bên trái nhà này.

    Vivi Sundberg gật đầu.

    – Vậy thì họ đã chết. Bị giết chết. Nhưng không phải chỉ hai người đó. Có thể nói là đa số người sống trong làng này đã bị giết.

    – Nếu đây là một trò đùa, thì nó không thành công lắm đâu, Tom Hansson nói.

    Trong khoảnh khắc Vivi Sundberg mất tự chủ.

    – Tôi không có thời gian mà lãng phí đâu. Tôi đặt câu hỏi, ông bà trả lời. Tôi biết rằng những điều tôi vừa nói nghe có vẻ khó hiểu nhưng đáng tiếc đó lại là sự thật, một sự thật khủng khiếp. Đêm qua ở đây thế nào? Ông bà có nghe thấy gì không?

    Ông chồng ngồi xuống cạnh vợ trên ghế sofa.

    – Chúng tôi ngủ.

    – Ông bà hoàn toàn không nghe thấy gì sao?

    Cả hai vợ chồng đều lắc đầu.

    – Vừa xong hai ông bà cũng không để ý thấy cả làng đầy cảnh sát hay sao?

    – Khi mở nhạc to, chúng tôi không nghe thấy gì ở bên ngoài.

    – Ông bà nhìn thấy hàng xóm của mình lần cuối vào khi nào?

    – Nếu là Herman và Hilda thì là hôm qua, bà Ninni nói. Chúng tôi gặp nhau khi dẫn chó ra ngoài.

    – Ông bà cũng nuôi chó à?

    Tom Hansson hất đầu về phía bếp.

    – Nó tương đối già và lười biếng. Có người lạ vào nhà, nó cũng chẳng buồn đứng dậy.

    – Đêm hôm qua nó không sủa lần nào à?

    – Nó chẳng bao giờ sủa.

    – Ông bà gặp hàng xóm của mình vào lúc mấy giờ?

    – Khoảng ba giờ chiều. Nhưng chỉ gặp Hilda.

    – Và mọi thứ vẫn bình thường chứ?

    – Bà ấy bị đau lưng. Còn Herman có lẽ ngồi trong bếp giải ô chữ. Tôi không nhìn thấy ông ấy.

    – Còn những người khác trong làng?

    – Tất cả vẫn như thường. Ở đây chỉ toàn những người già cả. Trời lạnh là họ ở trong nhà. Chúng tôi thường gặp nhau nhiều hơn vào mùa xuân hoặc mùa hè.

    – Ở đây có trẻ con không?

    – Không. Không có đứa nào cả.

    Vivi Sundberg im lặng và nghĩ đến đứa bé bị giết.

    – Sự việc là thật như thế sao? Bà vợ hỏi.

    Vivi Sundberg cảm thấy bà ta đang sợ.

    – Thật thế. Điều tôi nói là sự thật. Có thể tất cả những người sống trong làng này đều đã chết. Trừ ông bà.

    Erik Huddén đứng bên cửa sổ.

    – Không hoàn toàn, anh nói.

    – Anh nói gì?

    – Không phải tất cả đều đã chết, vẫn có người trên đường. Vivi Sundberg chạy đến bên cửa sổ. Bà nhìn thấy điều vừa khiến người đồng nghiệp chú ý.

    Một bà lão đứng trên đường, trên người khoác một chiếc áo choàng tắm, chân đi ủng cao su đen. Bà ta chắp hai bàn tay lại với nhau như đang cầu nguyện.

    Vivi Sundberg nín thở. Bà lão đứng im, không hề động đậy.
     
  6. Nyanko

    Bài viết:
    380
    3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tom Hansson cũng đến bên cửa sổ, cạnh Vivi Sundberg.

    – Đấy là bà Julia, ông ta nói. Đôi khi chúng tôi thấy bà ấy chỉ mặc áo ngủ ra ngoài. Herman và Hilda chăm lo cho bà ấy khi các nhân viên của nhà dưỡng lão không đến được.

    – Bà ấy sống ở đâu?

    Tom chỉ về phía ngôi nhà nằm ở gần cuối đường.

    – Chúng tôi chuyển đến đây đã gần được hai chục năm rồi, ông nói tiếp. Ngày đó chồng bà Julia còn sống. Ông ấy tên là Rune và làm nghề lái xe lâm nghiệp. Vào một ngày, ông ấy bị đứt mạch máu, chết trong buồng lái. Từ đó, bà ấy trở nên khác thường. Chúng tôi thấy bà ấy nên được chết ở nơi này. Bà ấy có hai người con, mỗi năm chúng đến đây một lần và chỉ ngóng số tài sản thừa kế ít ỏi của bà ấy. Chúng chưa bao giờ chăm lo cho mẹ mình.

    Vivi Sundberg cùng Erik Huddén đi ra ngoài. Bà lão vẫn đứng im trên đường. Khi Sundberg đến đứng trước mặt bà và giới thiệu mình là ai, bà lão ngẩng lên nhìn nhưng không nói gì cả. Bà cũng không phản đối khi Huddén giúp Vivi đưa bà về nhà. Ngôi nhà của bà gọn gàng và sạch sẽ. Trên tường có treo bức ảnh lồng trong khung kính chụp chồng bà và hai người con dửng dưng của bà.

    Lần đầu tiên kể từ lúc đến Hesjövallen, Sundberg mới rút ra quyển sổ ghi chép của mình, trong khi Erik Huddén đọc một văn bản có dấu chính quyền nằm trên bàn bếp.

    – Julia Holmgren, anh nói. Bà ấy tám mươi bảy tuổi.

    – Cậu gọi cho bên bảo trợ xã hội. Tùy họ sắp xếp nhưng phải có người chăm sóc bà ấy ngay.

    Bà lão ngồi bên bàn bếp, nhìn qua cửa sổ. Những đám mây sà xuống thấp ở bên ngoài.

    – Chúng ta có nên hỏi bà lão một vài câu không?

    Vivi Sundberg lắc đầu.

    – Hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì. Bà ấy có thể kể cho chúng ta điều gì được đây?

    Bà ra hiệu cho Erik Huddén để mình ở lại bên bà lão. Erik hiểu ý và đi ra ngoài. Bà đi vào phòng khách, đứng giữa phòng, nhắm mắt lại. Bà cần phải tìm ra được điểm khởi đầu trong tất cả những sự việc khủng khiếp này.

    Có gì đó ở bà lão đã thức tỉnh trong tiềm thức của Vivi Sundberg một linh cảm mơ hồ, nhưng bà không tài nào nắm bắt được. Bà vẫn đứng im giữa phòng, mở mắt và cố gắng suy nghĩ. Chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng tháng Giêng này? Mười chín người bị giết cùng với thú nuôi của họ ở một ngôi làng hẻo lánh. Tất cả đều cho thấy đây là một cơn tức giận điên khùng. Phải chăng đã có nhiều hung thủ xuất hiện trong đêm rồi biến mất sau khi kết thúc cuộc giết chóc của mình? Hay chỉ là một hung thủ đơn độc đã thực hiện vụ giết người? Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều ấy. Vivi Sundberg vẫn chưa có câu trả lời, có quá ít dấu vết, còn tất cả thì đều là người chết. Thêm một cặp vợ chồng đã chạy trốn khỏi Stockholm tránh cảnh xô bồ, cùng một bà già đã lão suy, mặc áo ngủ đi lang thang trên đường làng.

    Nhưng như thế cũng đã được coi là một điểm khởi đầu rồi. Không phải tất cả dân làng đều bị giết, vẫn còn ba người sống sót. Liệu đây có phải là một sự tình cờ, hay nó còn có ý nghĩa gì?

    Vivi Sundberg còn đứng bất động thêm vài phút nữa. Qua cửa sổ bà nhìn thấy nhóm khám nghiệm hiện trường từ Gavle đã đến, trong số họ có một phụ nữ, có lẽ đó là bác sĩ pháp y. Bà hít sâu một hơi. Lúc này ở đây, bà là người chỉ huy. Dù đây là một tội ác sẽ gây rúng động, có thể không chỉ trong lãnh thổ Thụy Điển, nhưng trước khi có mệnh lệnh mới, bà vẫn là người chịu trách nhiệm điều tra. Tuy vậy bà đã nghĩ đến việc yêu cầu cảnh sát hình sự Stockholm giúp đỡ. Khi còn là một cảnh sát trẻ, bà thường mơ ước được làm việc ở Ban trọng án quốc gia, nơi nổi tiếng với các cuộc điều tra hóc búa. Còn lúc này bà chỉ mong sao họ nhanh chóng đến đây giúp đỡ bà cùng cộng sự.

    Vivi Sundberg bắt đầu bằng việc gọi một cú điện thoại. Một lúc sau có người lên tiếng.

    – Sten Robertsson.

    – Tôi Vivi Sundberg đây. Anh có bận lắm không?

    – Là công tố viên nên lúc nào tôi cũng rất bận. Có chuyện gì vậy?

    – Tôi đang có mặt ở một làng, có tên là Hesjövallen. Anh biết làng này nằm ở đâu chứ? Ở gần Sörforsa?

    – Tôi có bản đồ treo tường. Chuyện gì đã xảy ra à?

    – Thì anh cứ tìm cái làng này đã.

    – Chờ tôi một chút.

    Robertsson đặt ống nghe xuống. Vivi Sundberg thầm hỏi ông ấy sẽ phản ứng như thế nào. Chưa một ai trong chúng ta từng trải qua một sự kiện tương tự, bà nghĩ. Chưa một cảnh sát Thụy Điển nào, và có thể cả cảnh sát các nước khác nữa cũng thế. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình đã trải qua thứ tồi tệ nhất. Nhưng những giới hạn không ngừng lùi lại. Giờ thì chúng ta ở đây. Còn ngày mai chúng ta sẽ ở đâu? Hoặc trong một năm nữa?

    Robertsson lại nhấc ống nghe.

    – Tôi đã tìm thấy làng ấy rồi. Có phải đó là một ngôi làng bị bỏ hoang không?

    – Không hoàn toàn. Nhưng chẳng mấy nữa nó sẽ là như vậy. Đương nhiên không phải là do di dân.

    – Chị nói vậy là có ý gì?

    Vivi Sundberg giải thích tường tận từng chi tiết chuyện đã xảy ra. Robertsson lắng nghe, không ngắt lời kể của Sundberg. Bà có thể nghe thấy tiếng thở của ông trong máy.

    – Tôi nên tin điều này ư? Robertsson hỏi khi bà ngừng lại.

    – Vâng.

    – Không thể hiểu nổi.

    – Chính vì không thể nào hiểu nổi, nên anh, với tư cách là công tố viên, không những phải ngay lập tức chỉ đạo điều tra sơ bộ, mà còn phải có mặt ở đây. Anh cần phải tận mắt nhìn thấy trước mặt tôi đang là cái gì.

    – Tôi đến ngay. Có nghi phạm nào không?

    – Không.

    Sten Robertsson ho trong máy. Có lần ông đã tiết lộ cho Vivi biết mình bị viêm phế quản kinh niên do nghiện thuốc nặng. Ông đã cai thuốc từ lần sinh nhật thứ năm mươi của mình. Robertsson và bà không những bằng tuổi nhau mà còn trùng cả ngày sinh, ngày 12 tháng Ba.

    Cuộc trao đổi kết thúc. Nhưng Vivi Sundberg vẫn đứng đó, do dự, không muốn ra ngoài. Bà còn cần phải trao đổi với con gái mình. Nếu lúc này không làm thế, bà không biết khi nào mới lại có thời gian để làm. Bà bấm số máy.

    – Hiệu làm đầu của Elin xin nghe.

    – Mẹ đây. Con có thời gian không?

    – Không nhiều lắm. Con đang có hai khách cần sấy tóc. Có chuyện gì vậy mẹ?

    – Mẹ đang có mặt ở một làng cách thành phố khoảng hai mươi cây số. Ở đây đã xảy ra một việc khủng khiếp. Có nhiều người bị giết. Chắc chắn sẽ có cuộc "nổi loạn" lớn. Mẹ không có được lấy một phút yên ổn.

    – Chuyện gì đã xảy ra vậy?

    – Mười chín người bị giết. Chỉ còn hy vọng thủ phạm là một kẻ điên khùng.

    – Tại sao mẹ lại hy vọng như vậy?

    – Vì sự việc hoàn toàn không thể nào hiểu nổi nếu lại do một người bình thường gây ra.

    – Mẹ không thể nói rõ hơn là mẹ đang ở đâu ư?

    – Không có thời gian. Mẹ chỉ muốn nhờ con một việc, gọi điện đến văn phòng du lịch báo hoãn chuyến đi Lenos mà mẹ đã đặt vé trong tuần vừa rồi. Bây giờ báo hoãn sẽ không bị mất tiền.

    – Vâng, con sẽ làm ngay. Ở đó mẹ có gặp nguy hiểm không?

    – Ở đây còn có nhiều người khác quanh mẹ. Thôi, con hãy chú ý đến hai cô khách hàng kẻo họ bị bốc hơi đấy.

    – Mẹ quên ngày mai có hẹn làm đầu ở chỗ con à?

    – Con hủy cuộc hẹn ấy đi. Chuyện ở đây cũng đã đủ làm cho mẹ bạc tóc rồi.

    Bà nhét máy điện thoại vào túi rồi ra khỏi nhà. Lúc này không còn thì giờ mà lãng phí nữa. Hai người đàn ông của nhóm khám nghiệm hiện trường cùng nữ bác sĩ pháp y đang chờ bà trên đường.

    – Tôi sẽ không tả lại nữa, các vị phải tự chứng kiến lấy. Chúng ta bắt đầu với người đàn ông nằm trong tuyết ở bên ngoài nhà. Sau đó chúng ta sẽ đi đến từng nhà một. Các vị phải tự quyết định có cần tăng viện hay không. Đây là một hiện trường rộng. Có lẽ là rộng nhất mà các vị từng thấy từ trước đến nay. Mặc dù nó khủng khiếp tới mức chúng ta hầu như không thể hiểu nổi trước mặt mình là cái gì, nhưng chúng ta vẫn cần phải cố gắng xem đó như là một vụ điều tra bình thường.

    Mọi người ai cũng muốn hỏi, nhưng Vivi Sundberg gạt đi. Bây giờ quan trọng nhất là mỗi người tự nhìn bằng mắt của mình. Bà dẫn mọi người từ hiện trường này sang hiện trường khác. Lúc họ đến ngôi nhà thứ ba, Lonngren, người lớn tuổi hơn trong hai kỹ thuật viên hình sự, nói rằng mình cần có ngay tăng viện. Đến ngôi nhà thứ tư, nữ bác sĩ pháp y cũng có yêu cầu như vậy. Mọi người tạm dừng công việc khi Sundberg gọi điện thoại. Sau đó họ đi qua những ngôi nhà còn lại và cuối cùng tụ lại trên đường làng. Lúc này nhà báo đầu tiên đã có mặt. Vivi Sundberg đề nghị Ytterström chú ý không để ai nói chuyện với nhà báo này. Bà sẽ tự làm việc đó chừng nào có thời gian.

    Những người đứng xung quanh bà trên con đường phủ tuyết đều im lặng, mặt mày xanh lợt. Không ai nhận biết được đầy đủ mức độ nghiêm trọng của những điều họ vừa nhìn thấy.

    – Tình huống là thế đấy, Vivi Sundberg nói. Tất cả kinh nghiệm cũng như khả năng của chúng ta gộp lại sẽ bị đặt trước một thử thách cam go, tới mức thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Cuộc điều tra này sẽ chiếm vị trí trọng tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Thụy Điển. Người ta sẽ đòi hỏi chúng ta đưa ra kết quả điều tra trong một thời gian ngắn. Chúng ta chỉ còn biết hy vọng hung thủ hoặc các hung thủ để lại dấu vết nào đó, giúp chúng ta nhanh chóng bắt được chúng. Chúng ta phải cố gắng tập trung và cần có thêm lực lượng chuyên môn mà chúng ta cho là cần thiết. Công tố viên Robertsson đang trên đường đến đây. Tôi muốn cá nhân ông ấy tận mắt nhìn thấy cảnh tượng ở đây và nhận chỉ đạo cuộc điều tra sơ bộ. Nếu không ai hỏi gì, chúng ta cần phải bắt tay ngay vào công việc.

    – Tôi có một câu hỏi, Lonngren nói.

    Đó là một người đàn ông nhỏ bé, gầy gò. Vivi Sundberg biết ông là một kỹ thuật viên hình sự có năng lực, nhưng thường làm việc chậm đến khổ sở đối với những người phải chờ thông tin của ông ta.

    – Anh nói đi!

    – Liệu có nguy cơ kẻ điên khùng này, nếu đó là một kẻ điên khùng, lại gây án?

    – Có nguy cơ này, Vivi Sundberg nói. Vì chúng ta hoàn toàn không biết gì, nên phải nghĩ rằng mọi thứ đều có thể.

    – Đây rồi sẽ là nỗi khiếp sợ bao trùm lên mọi làng mạc, Lonngren nói tiếp. Lần đầu tiên tôi thấy mừng là mình sống ở thành phố.

    Mọi người giải tán: giữa lúc đó Sten Robertsson đến. Tay nhà báo đứng đợi trước dây chắn hiện trường lập tức tiến lại phía Robertsson khi thấy ông bước ra khỏi xe.

    – Không phải lúc này, Vivi Sundberg gọi giật ông ta lại. Anh phải chờ đã.

    – Chị không nói gì được sao, Vivi? Chị chẳng đã luôn tạo điều kiện cho cánh nhà báo chúng tôi đó sao?

    – Nhưng hôm nay thì không được.

    Sundberg không mấy ưng tay nhà báo làm việc cho tờ Hudiksvalls Tidning này. Ông ta có thói quen bình luận công việc của cảnh sát với cái giọng tự phụ. Điều khiến bà bực mình nhất, đó là những chỉ trích của ông ta thường có căn cứ.

    Robertsson rét run trong chiếc áo khoác mỏng. Ông ấy hơi thích phô trương, Sundberg thầm nghĩ. Robertsson không đội mũ vì người ta đồn rằng những kẻ đội mũ thường bị hói sớm.

    – Bây giờ chị tường trình đi! Ông nói.

    – Không. Bây giờ anh cần phải đi cùng tôi!

    Đây là lần thứ ba trong buổi sáng hôm nay Vivi Sundberg phải đi một lượt khắp các hiện trường. Hai lần Robertsson phải bỏ ra ngoài vì buồn nôn. Sundberg kiên nhẫn chờ. Để Robertsson hiểu rằng lúc này ông phải chỉ đạo một cuộc điều tra khó khăn như thế nào là việc rất quan trọng. Bà không mấy chắc chắn liệu ông có kham nổi công việc này không. Nhưng trong số những công tố viên đương quyền, thì ông là người phù hợp nhất, nếu như cấp trên không quyết định giao cho một ai đó có nhiều kinh nghiệm hơn.

    Cuối cùng khi họ lại ra đến ngoài đường, Sundberg đề nghị Robertsson vào trong xe ngồi. Bà rót cà phê từ bình giữ nhiệt ra mời ông.

    Robertsson kinh hoàng, tay còn run khi đón lấy cốc cà phê.

    – Chị đã bao giờ nhìn thấy cảnh tương tự thế này chưa? Ông hỏi.

    – Chưa một ai trong chúng tôi.

    – Kẻ nào, nếu không phải là một gã điên, lại có thể làm việc này?

    – Điều này chúng tôi còn chưa biết. Trước hết chúng ta cần khám nghiệm hiện trường và làm việc mà không có định kiến gì. Tôi đã đề nghị bên kỹ thuật tăng thêm người nếu cần thiết. Bên pháp y cũng vậy.

    – Bác sĩ pháp y là ai vậy?

    – Một người thay thế. Đây có lẽ là hiện trường đầu tiên của cô ấy. Cô ấy đã yêu cầu cho thêm người.

    – Thế còn chị? Chị cần gì không?

    – Ý kiến chỉ đạo đầu tiên của anh, liệu chúng ta có nên tập trung vào một cái gì cụ thể không. Sau đó thì tất nhiên là Ban trọng án quốc gia phải vào cuộc.

    – Chị nghĩ chúng ta nên tập trung vào cái gì?

    – Anh là người phụ trách, chứ không phải tôi.

    – Điều duy nhất mà tôi nghĩ đến là chúng ta phải tìm cho ra thủ phạm đã gây ra vụ này.

    – Hoặc là những thủ phạm. Chúng ta không nên loại trừ khả năng có nhiều người tham gia vào vụ này.

    – Những kẻ điên ít khi hành động theo nhóm.

    – Nhưng chúng ta cũng không nên loại trừ.

    – Còn có gì mà chúng ta có thể loại trừ?

    – Hoàn toàn không. Kể cả nguy cơ việc này tái diễn.

    Robertsson gật đầu. Cả hai đều im lặng. Trên đường làng và giữa các ngôi nhà đã có người đi lại. Ở chỗ này, chỗ kia thỉnh thoảng nhoáng lên đèn chớp của máy ảnh. Chỗ xác người nằm trên tuyết đã được căng lều che. Thêm một vài nhà báo và nhiếp ảnh đã có mặt ở đây cùng cả nhóm phóng viên truyền hình nữa.

    – Tôi muốn anh cùng đến cuộc họp báo. Chứ tôi không thể đến đó một mình được. Chúng ta phải tiến hành vào hôm nay. Chậm nhất là buổi chiều.

    – Chị đã nói chuyện này với Lulu chưa?

    Tobias Ludwig (Lulu) là cảnh sát trưởng vùng Hudiksvall. Anh ta còn trẻ và chưa từng làm cảnh sát viên. Sau khi tốt nghiệp đại học luật, anh ta lập tức theo học khóa đào tạo cảnh sát trưởng và bỗng nhiên được đề bạt. Không những Sten Robertsson mà cả Vivi Sundberg đều không ưng anh ta. Ludwig ít quan tâm đến các công việc của cảnh sát ở những nơi xảy ra vụ việc mà chỉ chú trọng vào việc quản lý hành chính.

    – Tôi chưa trao đổi với anh ta, Sundberg nói. Điều duy nhất anh ta sẽ yêu cầu chúng ta là hãy điền thật đúng vào các mẫu khai.

    – Anh ta đâu đến mức tồi tệ như vậy.

    – Không ư, anh ta còn tồi tệ hơn là đằng khác. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ gọi điện cho anh ta.

    – Chị gọi ngay đi!

    Sundberg gọi về sở. Người ta báo cho bà biết hiện Tobias Ludwig đang đi công tác ở Stockholm. Bà đề nghị họ liên lạc vào máy cầm tay của Ludwig.

    Trong lúc Robertsson nói chuyện với mấy kỹ thuật viên hình sự tăng cường vừa từ Gavle đến thì Vivi Sundberg tới chỗ Tom Hansson và Ninni. Họ đã khoác lên mình những chiếc áo da cũ kỹ của quân đội và ra sân đứng quan sát cảnh sát làm việc.

    Mình phải bắt đầu với những người còn sống, bà thầm nghĩ. Với Julia, người ta không thể nói chuyện được nữa, bà lão đã lui về thế giới nội tâm của mình. Hoặc ít ra là mình không thể tiếp cận bà lão được nữa. Nhưng Tom Hansson và Ninni có thể đã chứng kiến điều gì đó mà chính họ cũng không biết.

    Đó là một trong những cân nhắc ít ỏi mà cho đến giờ này bà có thể dựa vào. Một hung thủ định diệt trừ cả ngôi làng nhỏ, cho dù hắn có điên loạn đi chăng nữa, thì cũng phải có một kế hoạch cụ thể.

    Bà ra đứng giữa đường, đưa mắt nhìn quanh. Mặt hồ đóng băng, cánh rừng, những ngọn núi như những làn sóng nhô lên ở phía chân trời. Hắn đến từ đâu? Bà tự hỏi. Mình gần như chắc rằng đó không phải là một phụ nữ. Nhưng rõ ràng hung thủ hoặc các hung thủ phải đến từ một hướng nào đó và rồi lại biến mất về một hướng nào đó.

    Bà vừa định đi qua cổng vườn để vào trong thì có một chiếc xe dừng lại bên cạnh bà. Đó là người huấn luyện cảnh khuyển mà bà yêu cầu cử đến.

    – Chỉ có một thôi ư? Bà hỏi, không giấu vẻ bực bội của mình.

    – Karpen bị ốm, viên cảnh sát dẫn chó nói.

    – Chó của cảnh sát cũng bị ốm sao?

    – Đương nhiên. Tôi phải bắt đầu từ đâu? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Nghe nói có nhiều người chết.

    – Anh ra nói chuyện với Huddén. Rồi tìm cách xem con chó có đánh hơi được gì không.

    Viên cảnh sát còn muốn hỏi thêm, nhưng bà đã bỏ đi. Đáng lẽ mình không nên làm như vậy, bà thầm nghĩ. Chính vào lúc này mình cần phải dành thời gian cho mọi người mới phải. Mình không được phép để họ thấy mình khó chịu và mất bình tĩnh. Ai đã nhìn thấy cảnh tượng ở đây, chắc sẽ không bao giờ quên được. Rất nhiều người sẽ bị chấn động tâm thần.

    Bà bảo Tom và Ninni Hansson cùng vào nhà với mình, nhưng họ chưa kịp ngồi xuống thì điện thoại di động của bà đã đổ chuông.

    – Tôi nghe nói chị tìm tôi? Tobias Ludwig nói. Chị biết là tôi không muốn bị quấy rầy mà, nhất là khi tôi đang dự một cuộc họp của Cục Hình sự quốc gia.

    – Đáng tiếc lần này tôi không thể tránh được.

    – Có chuyện gì thế?

    – Chúng ta có một số người chết ở làng Hesjövallen.

    Sau đó bà nhanh chóng báo cáo lại những gì đã xảy ra ở đây. Tobias Ludwig im lặng. Bà chờ đợi.

    – Chuyện này khủng khiếp tới mức khiến tôi khó mà tin được những gì chị vừa nói.

    – Tôi cũng thấy vậy. Nhưng đó là sự thật. Anh phải có mặt ở đây.

    – Chị nói đúng. Tôi sẽ đi ngay, nhanh hết mức.

    Vivi Sundberg nhìn đồng hồ đeo tay.

    – Chúng ta cần phải họp báo, bà nói. Chúng tôi dự định làm vào lúc sáu giờ chiều. Cho tới lúc đó tôi sẽ chỉ nói là đã xảy ra một vụ giết người. Còn mức độ như thế nào, tôi sẽ không nhắc tới. Anh hãy tìm cách đến càng nhanh càng tốt. Nhưng hãy phóng xe cẩn thận.

    – Tôi sẽ xem có chiếc xe trực nào không.

    – Tốt nhất là nên kiếm trực thăng. Ở đây có mười chín người bị chết, Tobias.

    Cuộc trao đổi kết thúc. Tom và Ninni nghe thấy rõ từng câu nói của Sundberg. Bà nhìn thấy vẻ hoang mang khó tin của họ, một nỗi hoang mang tương tự mà bà đã cảm thấy.

    Mọi chuyện giống như thể đang dấn sâu vào một cơn ác mộng. Một cảm giác không thực cứ bủa vây.

    Bà ngồi xuống ghế sau khi đã xua con mèo đang ngủ đi.

    – Tất cả mọi người trong làng đều bị giết chết. Chỉ có ông bà và bà Julia còn sống. Thậm chí cả những con thú nuôi trong nhà cũng bị giết. Tôi hiểu đây là một cú sốc đối với ông bà. Chúng tôi cũng thấy vậy. Nhưng tôi buộc phải đặt ra cho ông bà vài câu hỏi. Ông bà hãy cố gắng trả lời chính xác hết mức những câu hỏi của tôi. Tôi cũng muốn ông bà nhớ đến cả những thứ mà tôi bỏ sót không hỏi. Tất cả những gì ông bà nhớ được đều có thể sẽ quan trọng đối với việc điều tra. Ông bà hiểu chứ?

    Bà nhận được cái gật đầu câm lặng và hoảng sợ thay cho câu trả lời. Vivi Sundberg dự định làm việc này thật thận trọng. Bà bắt đầu nói về buổi sáng hôm nay. Họ thức dậy vào lúc nào? Họ có nghe thấy tiếng động nào không? Và trong đêm? Có chuyện gì xảy ra không? Có gì khác thường so với mọi khi không? Họ cần phải lục tìm ký ức. Tất cả có thể mang một ý nghĩa nào đó.

    Họ thay nhau trả lời, người nọ bổ sung cho người kia. Vivi Sundberg thấy rằng họ thật sự cố gắng để giúp bà.

    Cuộc trao đổi của họ bị gián đoạn khi Erik Huddén bước vào. Anh ta muốn biết mình phải làm gì với cánh nhà báo. Lúc này đã có thêm vài nhà báo nữa, và không lâu nữa họ sẽ biến thành những tay nổi loạn tức giận, mất kiên nhẫn.

    – Chờ cho một chút, bà nói. Tôi sẽ ra ngay. Hãy nói với họ rằng sáu giờ chiều chúng ta sẽ có họp báo ở Hudiksvall.

    – Chúng ta có làm được không?

    – Chúng ta phải làm.

    Erik Huddén lại biến mất. Vivi Sundberg tiếp tục cuộc trao đổi của mình. Lùi lại thêm một bước, về ngày hôm qua. Lần này Ninni trả lời.

    – Hôm qua, mọi thứ vẫn như mọi khi, bà ta nói. Tôi bị cảm lạnh. Ông Tom thì bổ củi cả ngày.

    – Bà có nói chuyện với hàng xóm không?

    – Tom có nói một vài câu với bà Hilda. Nhưng lúc trước chúng tôi kể rồi.

    – Ngoài ra ông bà có còn nói chuyện với ai nữa không?

    – Không.

    – Ông bà có nhìn thấy ai không?

    – Có. Hôm qua tuyết rơi nên mọi người đều ra khỏi nhà để dọn tuyết, tôi đã nhìn thấy nhiều người mà chẳng để ý.

    – Bà có nhìn thấy ai lạ mặt không? Người không thuộc làng này. Hoặc một chiếc ô tô lạ nào không?

    – Hoàn toàn không.

    – Thế còn ngày hôm trước nữa.

    – Cũng tương tự như những ngày khác, ở đây ít xảy ra chuyện lạ lắm.

    – Hoàn toàn không có gì khác thường?

    – Hoàn toàn không.

    Vivi Sundberg lấy ra quyển sổ ghi chép và chiếc bút bi.

    – Bây giờ đến việc khó hơn, bà nói. Tôi muốn ông bà cho biết tên tất cả những người hàng xóm.

    Vừa nói bà vừa xé một tờ giấy từ quyển sổ ghi chép của mình rồi đặt lên mặt bàn.

    – Ông bà hãy vẽ sơ đồ ngôi làng này. Nhà của ông bà và những ngôi nhà khác. Sau đó chúng ta sẽ đánh số thứ tự. Nhà ông bà sẽ là số 1. Tôi cần biết tên tất cả những người sống trong những ngôi nhà này.

    Bà Ninni đứng dậy lấy ra một tờ giấy lớn hơn và vẽ sơ đồ ngôi làng. Vivi Sundberg có cảm tưởng rằng bà Ninni rất hay vẽ.

    – Ông bà sống bằng nghề gì? Vivi Sundberg hỏi. Nghề nông à?

    Câu trả lời của Ninni khiến bà ngạc nhiên.

    – Chúng tôi có một gói chứng khoán. Không đặc biệt lớn lắm, nhưng chúng tôi giao dịch rất thận trọng. Chúng tôi bán ra khi thị giá tăng, mua vào khi giảm. Chúng tôi là những nhà đầu tư ngắn hạn.

    Vivi Sundberg thầm nghĩ không còn gì có thể làm cho bà ngạc nhiên hơn được nữa. Tại sao một cặp vợ chồng già trốn tránh cảnh xô bồ tại một ngôi làng hẻo lánh ở tận cùng Hälsingland lại có thể giao dịch cổ phiếu được chứ?

    – Ngoài ra chúng tôi cũng nói nhiều, Ninni tiếp tục. Chúng tôi kể chuyện với nhau. Ngày nay người ta ít làm chuyện đó, thậm chí là không làm nữa.

    Vivi Sundberg có cảm giác cuộc trao đổi của họ đang vuột khỏi tầm tay bà.

    – Ông bà viết tên những người hàng xóm ra đi, nếu có thể thì cả tuổi của họ nữa. Ông bà cứ nghĩ cho kỹ, đừng để sai sót gì nhưng cũng đừng quá lâu.

    Bà nhìn hai vợ chồng họ đang cúi đầu xuống tờ giấy và bắt đầu lẩm bẩm viết tên của những người hàng xóm. Bất chợt một ý nghĩ đến với bà. Trong tất cả những khả năng có thể nghĩ tới đối với vụ thảm sát này, tất nhiên cũng có khả năng một ai đó trong làng là kẻ thủ ác.

    Mười lăm phút sau danh sách đã được viết xong. Bà đếm tên. Có cả thảy hai mươi mốt người, trong đó gồm cả tên bà Julia và vợ chồng nhà Hansson. Con số này không đúng. Hay là họ không biết tên đứa bé. Bà đến bên cửa sổ và đọc danh sách này một lần nữa. Hình như trong làng này chia ra làm ba dòng họ. Một nhóm mang họ Andren, nhóm thứ hai là Andersson và cuối cùng hai người mang họ Magnusson. Bà đứng đó với bản danh sách trên tay và nghĩ đến tất cả những người con, người cháu đã rời khỏi ngôi làng này không lâu nữa sẽ nhận được một cú sốc, khi biết chuyện gì đã xảy ra ở đây. Phải cần đến sự giúp đỡ đáng kể mới có được những thông tin cần thiết mà thông báo cho họ, bà thầm nghĩ. Đây là một thảm họa đụng chạm đến nhiều người hơn là mình hình dung.

    Bà hiểu rõ rằng với nhiệm vụ này bà sẽ phải gánh vác phần lớn. Bà cảm thấy bất lực, đồng thời cũng lo sợ khi nghĩ đến điều ấy. Những gì đã xảy ra ở đây thật quá khủng khiếp nên một người bình thường khó có thể hiểu để rồi có thể xử sự thích hợp.

    Tất cả những cái tên riêng chập chờn lướt qua, Elna, Sara, Brita, August, Herman, Hilda, Erik, Johannes, Gertrud, Vendela... Bà cố gắng hình dung ra khuôn mặt họ, nhưng những khuôn mặt ấy lu mờ, méo mó.

    Bỗng bà nhớ ra một điều mà cho đến giờ bà hoàn toàn không để ý tới. Bà đi ra ngoài sân và gọi Erik Huddén đang đứng nói chuyện với một kỹ thuật viên hình sự, đến chỗ mình.

    – Erik, thực ra ai là người đã phát hiện tất cả việc này?

    – Đó là một người đàn ông đã gọi điện đến. Rồi lên cơn đau tim và đâm vào xe chở bàn ghế do một tài xế người Bosnia lái.

    – Đâm vào xe rồi chết?

    – Không. Hình như do bị nhồi máu cơ tim.

    – Có thể ông ta là hung thủ?

    – Tôi chưa nghĩ đến khả năng này. Ông ta có nhiều máy ảnh ở trong xe. Hình như là một nhà nhiếp ảnh.

    – Hãy tìm thêm thông tin về ông ta, càng nhiều càng tốt. Chúng ta sẽ biến ngôi nhà này thành một dạng tổng hành dinh. Cần lần lượt điểm qua tên các nạn nhân và tìm kiếm người nhà của họ. Thế còn người lái chiếc xe chở bàn ghế thì đâu rồi?

    – Tôi đã kiểm tra nồng độ cồn của ông ta. Nhưng ông ta không uống rượu. Vì ông ta nói tiếng Thụy Điển quá tồi nên cảnh sát đã đưa ông ta về trụ sở để thẩm cung, thay vì làm thế trên đường cái. Hình như ông ta không biết gì cả.

    – Chuyện này chúng ta không thể biết được. Chẳng phải là cách đây không lâu, người Bosnia cũng vừa huynh đệ tương tàn đó hay sao?

    Erik Huddén lại biến mất. Bà định đi vào nhà thì nhìn thấy một cảnh sát đang chạy về phía mình. Bà đi ra cổng vườn và nhận thấy anh ta hoảng sợ.

    – Chúng tôi đã tìm thấy cái cẳng chân, anh ta nói. Con chó đã đánh hơi được, nằm sâu trong rừng đến năm chục mét.

    Viên cảnh sát chỉ về phía bìa rừng. Vivi Sundberg có cảm giác anh ta còn muốn nói thêm nữa.

    – Tất cả chỉ có vậy thôi à?

    – Tôi nghĩ, tốt nhất là chị hãy tự nhìn lấy.

    Nói xong anh ta quay đi nôn mửa. Sundberg không có thời gian để quan tâm đến anh ta, mà vội chạy vào rừng. Bà bị trượt chân và ngã hai lần.

    Khi đến nơi bà mới hiểu ra vì sao viên cảnh sát nọ lại bị sốc. Chiếc cẳng chân có chỗ đã bị gặm đến tận xương, bàn chân thì đã rời hẳn ra.

    Bà nhìn Ytterström và viên cảnh sát huấn luyện chó đứng ngay bên cạnh chiếc cẳng chân tìm thấy.

    – Một kẻ ăn thịt người, Ytterström nói. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, nhưng không phát hiện thêm được gì nữa.

    Vivi Sundberg cảm thấy có cái gì đó rơi xuống bàn tay mình. Bà giật nẩy người. Đó chỉ là một bông tuyết nhanh chóng tan đi.

    – Chúng ta phải dựng thêm một chiếc lều ở chỗ này. Không được để mất bất cứ dấu vết gì, bà nói với hai cảnh sát.

    Bà nhắm mắt và bỗng nhiên nghĩ đến một mặt biển trong xanh, những ngôi nhà màu trắng nằm trên triền núi ngập nắng. Rồi bà quay về ngôi nhà của vợ chồng người đầu tư cổ phiếu và ngồi xuống bên bàn bếp với danh sách họ tên các nạn nhân.

    Phải có một cái gì ở đâu đó mà mình vẫn chưa phát hiện được, bà thầm nghĩ.

    Bà từ từ lần theo danh sách, hết tên này sang tên khác. Xem ra như thể bà đang phải dò dẫm trên một bãi mìn.
     
  7. Nyanko

    Bài viết:
    380
    4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vivi Sundberg cảm thấy như mình đang đứng nhìn tấm bia ghi danh các nạn nhân chết trong một thảm họa. Khi một chiếc máy bay bị rơi, một chiếc tàu thủy bị đắm, người ta sẽ dựng một tấm bia tưởng niệm khắc tên những người đã chết. Nhưng ai sẽ là người dựng bia tưởng nhớ đến những người bị giết tại Hesjövallen trong một đêm tháng Giêng năm 2006?

    Bà đẩy tờ danh sách ra xa và nhìn vào hai bàn tay mình. Bà không thể giữ yên được chúng. Bà đang run rẩy. Nếu có ai để bà có thể trút gánh nặng này sang cho người đó, bà cũng sẽ không do dự. Bà cũng muốn làm tốt công việc nhưng không phải để đột nhiên được cất nhắc vào vị trí cảnh sát trưởng. Bà không hám quyền lực. Tuy nhiên, vào giờ phút này, trách nhiệm dẫn dắt cuộc điều tra lại thuộc về bà. Bà thấy dễ dàng trong việc hợp tác với công tố viên Robertsson. Còn Tobias Ludwig, không lâu nữa sẽ có mặt ở đây, hẳn nhiên là trên một chiếc trực thăng, thì lại không có khả năng chỉ huy một cuộc điều tra hình sự. Anh ta là công chức cạo giấy, chỉ biết cần mẫn tính toán, từ chối làm thêm giờ và luôn cử nhân viên cấp dưới của mình đi tham dự các khóa học vô nghĩa. Bà thấy người ớn lạnh rồi lại kéo tờ giấy về phía mình.

    Erik August Andersson
    Vendela Andersson
    Hans-Evert Andersson
    Elsa Andersson
    Gertrud Andersson
    Viktoria Andersson
    Hans Andrén
    Lars Andrén
    Klara Andrén
    Sara Andrén
    Elna Andrén
    Brita Andrén
    August Andrén
    Herman Andrén
    Hilda Andrén
    Johannes Andrén
    Tora Magnusson
    Regina Magnusson

    Mười tám cái tên. Ba cái họ. Bà đứng dậy đi sang phòng bên, nơi vợ chồng Hansson đang ngồi thì thầm nói chuyện với nhau. Hai người lặng im khi bà bước vào.

    – Ông bà nói là trong làng này không có trẻ em, đúng vậy không?

    Cả hai người đều gật đầu.

    – Trong mấy ngày gần đây ông bà không nhìn thấy đứa trẻ nào ư?

    – Thỉnh thoảng khách khứa về thăm cũng đem theo con cái. Nhưng cũng không thường xuyên.

    Vivi Sundberg ngập ngừng một lúc trước khi tiếp tục:

    – Đáng tiếc trong số người bị giết còn có một bé trai.

    Bà chỉ tay vào một trong những ngôi nhà. Bà Ninni trợn tròn mắt:

    – Nó cũng chết ư?

    – Phải, nó cũng chết. Nếu đúng như bà vẽ, thì đứa bé đó ở trong ngôi nhà của Hans-Evert và Elsa Andersson. Ông bà có chắc là mình không biết đứa bé đó chứ?

    Hai người nhìn nhau rồi cùng lắc đầu. Vivi Sundberg đứng dậy quay trở lại bếp. Người thứ mười chín không có tên. Một ngoại lệ, bà thầm nghĩ. Nó, cũng như hai người trong ngôi nhà này cùng bà lão Julia, cơn điên loạn đã chừa họ ra khỏi thảm họa này. Mười tám người, đêm hôm qua lên giường đi ngủ, bây giờ đã chết. Cộng thêm đứa bé. Nó không thuộc vào vụ này theo cách nào đó.

    Bà gấp tờ giấy lại, nhét vào túi rồi đi ra ngoài. Những bông tuyết lẻ tẻ rơi lên mặt đất. Xung quanh bà tất cả đều im ắng. Thỉnh thoảng mới lại có tiếng nói, tiếng một cánh cửa được đóng lại và tiếng động của dụng cụ. Erik Huddén đi lại chỗ bà. Trông anh ta rất xanh xao. Tất cả mọi người ở đây đều xanh xao như thế.

    – Bác sĩ pháp y đâu? Bà hỏi.

    – Ở chỗ chiếc cẳng chân ngoài kia.

    – Cô ấy ra sao?

    – Bị sốc. Thoạt đầu cô ấy lao vào phòng vệ sinh. Rồi bắt đầu khóc. Nhưng đang có thêm các bác sĩ trên đường đến đây. Chúng ta cần phải làm gì với cánh nhà báo?

    – Tôi sẽ nói chuyện với họ.

    Bà lấy từ trong túi ra bản danh sách.

    – Cậu bé đó không có tên trong danh sách này. Chúng ta phải tìm ra nó là ai. Anh có thể đem copy bản danh sách này. Nhưng không được phân phát cho ai.

    – Thật không thể nào tưởng tượng được, Erik Huddén nói. Mười tám con người.

    – Mười chín. Cậu bé chưa có trong danh sách.

    Bà lấy ra chiếc bút bi và viết "Cậu bé chưa biết tên" vào hàng dưới cùng của bản danh sách.

    Rồi bà triệu tập các nhà báo đã rét run với những khuôn mặt dò hỏi đứng thành nửa vòng tròn trước mặt mình.

    – Tôi chỉ có một thông báo ngắn gọn, bà bắt đầu. Các vị có thể đặt câu hỏi, nhưng vào lúc này chúng tôi chưa có câu trả lời. Tuy vậy, chiều tối nay chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo trong thành phố. Thời gian tạm thời ấn định vào lúc sáu giờ tối. Bây giờ tôi chỉ có thể thông báo rằng đêm hôm qua ở đây đã xảy ra một tội ác khủng khiếp.

    Một phụ nữ trẻ, mặt tàn nhang, giơ tay xin nói.

    – Dù sao bà cũng có thể cho biết thêm một chút thông tin chứ! Chuyện nghiêm trọng xảy ra ở đây, chúng tôi cũng tự hiểu được, khi các vị đã cho vây kín cả một làng.

    Vivi Sundberg không biết người phụ nữ này. Nhưng trên áo khoác của cô ta có in tên một nhật báo quốc gia lớn.

    – Cô có đặt bao nhiêu câu hỏi cũng vô ích thôi. Vì những lý do riêng của việc điều tra, tôi không thể nói thêm được gì vào lúc này.

    Một ký giả đài truyền hình ghé sát micro vào mặt bà. Bà đã nhiều lần nhìn thấy người đàn ông này.

    – Bà có thể nhắc lại điều bà vừa nói ra được không?

    Bà nhắc lại câu nói của mình theo đề nghị của anh ta. Nhưng khi anh ta tiếp tục đưa ra câu hỏi khác, bà đã bỏ đi. Bà chỉ dừng lại khi tới bên chiếc lều vừa mới được dựng xong. Bà thấy khó chịu, như muốn nôn. Bà bước sang bên cạnh, hít sâu một vài lần rồi bước tiếp khi cơn khó chịu đã lắng xuống.

    Trong năm đầu tiên làm cảnh sát, bà đã bị ngất xỉu khi cùng đồng nghiệp bước vào ngôi nhà có một người đàn ông treo cổ tự tử. Bà không muốn sự cố này tái diễn.

    Người phụ nữ đang ngồi quỳ trên một chân, ngẩng lên khi thấy bà bước vào trong lều. Bóng đèn cao áp làm nóng rực căn lều. Vivi Sundberg gật đầu với người phụ nữ đó và giới thiệu tên mình. Đó là nữ bác sĩ pháp y Valentina Miir, chừng bốn mươi tuổi, giọng nói nặng trọng âm:

    – Chị có thể nói gì?

    – Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái gì như thế này, Valentina trả lời. Đôi khi người ta cũng chạm phải những phần cơ thể bị chặt đứt, nhưng cái ở đây...

    – Có phải ai đó đã gặm cẳng chân này?

    – Rất có thể là do một con thú. Nhưng ở đây có những dấu vết làm cho tôi lo lắng.

    – Dấu vết nào?

    – Mỗi loài thú gặm nhấm và ăn theo một cách riêng. Gần như người ta có thể đoán ngay ra được nó là con gì. Tôi cho rằng đây là một con sói. Nhưng chị nên xem cái này.

    Bác sĩ Valentina nhấc chiếc túi nilon trong suốt lên. Trong đó có một chiếc giày da.

    – Chúng ta có thể phỏng đoán rằng nó đã ăn bàn chân này. Tất nhiên con thú phải lôi chiếc giày ra khỏi chân để gặm được thịt. Nhưng điều làm cho tôi sợ là dây giày lại được cởi ra.

    Vivi Sundberg nhớ là chiếc giày ở chân kia của người đàn ông ấy vẫn còn buộc dây.

    Bà lục lại trong đầu danh sách những nạn nhân và sơ đồ nhà của họ. Nếu bà nhớ đúng thì người đàn ông bị chặt hoặc cắn đứt chân này chính là Lars Andren.

    – Chị có thể cho biết thêm được gì không?

    – Còn quá sớm để có thể nói được gì.

    – Tôi muốn chị cùng đi với tôi. Tất nhiên tôi không muốn can thiệp vào kế hoạch công việc của chị, nhưng lúc này tôi cần đến sự giúp đỡ của chị.

    Hai người rời khỏi lều và đi đến ngôi nhà trong đó là xác chết của cậu bé và hai người lớn, có lẽ đó là Hans-Evert và Elsa Andersson. Hai người bị trói chặt vào nhau. Sự im ắng đến lạnh người bao trùm trong ngôi nhà. Cậu bé nằm úp mặt trên giường. Căn phòng áp mái nên rất hẹp. Vivi Sundberg cắn chặt hai hàm răng để không bật khóc. Trong nháy mắt, một cuộc đời vừa mới chớm đã vụt tắt. Hai người đứng im lặng trong phòng.

    – Tôi không thể hiểu nổi, tại sao người ta lại có thể làm một điều khủng khiếp như thế này đối với một đứa bé, cuối cùng Valentina cũng lên tiếng.

    – Chính vì không hiểu nổi nên chúng ta cần phải cố gắng để biết thật sự đã xảy ra chuyện gì.

    Nữ bác sĩ im lặng. Trong tiềm thức của Vivi Sundberg bắt đầu hình thành một ý nghĩ mơ hồ. Thoạt đầu bà không biết đó là cái gì. Một kế hoạch, bà nghĩ. Và rồi một điểm bất thường. Bỗng bà nhận ra điều gì đã khiến mình lưu tâm.

    – Chị có thể cho biết nó bị giết chết bởi bao nhiêu nhát chém không?

    Nữ bác sĩ cúi xuống, xoay chiếc đèn bàn rọi sáng lên thân thể đứa bé. Mấy phút sau cô trả lời.

    – Xem ra nó chỉ bị một nhát chém là đã chết.

    – Biết thêm gì nữa không?

    – Có thể nó hoàn toàn bị bất ngờ. Nhát chém đã làm đứt cột sống của nó.

    – Chị đã khám nghiệm các tử thi chưa?

    – Tôi mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc xem họ đã thực sự chết chưa. Tôi muốn chờ các đồng nghiệp đến rồi mới bắt đầu khám nghiệm chi tiết.

    – Theo chị, có nạn nhân nào khác cũng bị chém một nhát mà chết không?

    Thoạt đầu bác sĩ Valentina Miir hình như không hiểu câu hỏi của bà Sundberg. Rồi cô nghĩ lại trong đầu những gì mình đã nhìn thấy.

    – Hình như không. Nếu tôi không nhầm, tất cả những người khác đều bị chém nhiều nhát.

    – Nhưng hình như không trực tiếp gây chết người?

    – Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Nhưng có thể chị nói đúng.

    – Cảm ơn chị.

    Khi bác sĩ pháp y đi khỏi, Vivi Sundberg bắt đầu lục lọi căn phòng và đồ đạc của đứa bé để tìm tên nó. Hoàn toàn không thấy được gì, thậm chí đến cả một chiếc vé xe bus. Bà đi xuống dưới nhà và bước ra sân. Vì không muốn bị quấy rầy, bà đi về phía sau nhà trông ra mặt hồ đã đóng băng. Bà cố hiểu rõ hơn phát hiện của mình. Đứa bé chết bởi một nhát chém duy nhất, còn những người khác thì lại bị chém nhiều nhát theo một kịch bản dựng sẵn. Điều này có nghĩa là gì? Bà chỉ thấy có một cách giải thích có lý, đồng thời lại cực kỳ kinh sợ: kẻ giết đứa bé không muốn hành hạ nó, ngược lại vết thương của những người kia khiến người ta nghĩ đến một màn tra tấn kéo dài.

    Bà nhìn sang dãy núi đã chìm trong làn hơi nước ở phía bên kia hồ. Hắn muốn hành hạ họ, bà thầm nghĩ. Người đàn ông cầm trong tay thanh kiếm hoặc con dao muốn họ ý thức được rằng họ sẽ phải chết.

    Tại sao? Vivi Sundberg không tìm được câu trả lời. Tiếng động cơ khiến bà quay trở về phía trước ngôi nhà. Một chiếc trực thăng đang hạ thấp độ cao trên quả đồi rợp bóng cây rồi đậu xuống một thửa ruộng phủ đầy tuyết. Tobias Ludwig nhảy ra khỏi trực thăng và ngay lập tức chiếc trực thăng nhấc mình lên bay về hướng Nam.

    Vivi Sundberg đi về phía sếp. Tobias Ludwig đi giày thấp cổ lội qua lớp tuyết ngập đến cổ chân. Nhìn từ xa, Vivi Sundberg cảm giác anh ta trông như một con côn trùng mắc kẹt trong tuyết và đập cánh loạn xạ.

    Hai người gặp nhau trên đường làng, Ludwig vừa giũ tuyết vừa nói:

    – Tôi đang cố hiểu những gì chị nói.

    – Trong những ngôi nhà này có đầy xác người. Tôi muốn anh nhìn thấy họ, Sten Robertsson cũng đã có mặt ở đây. Tôi đã điều động tới tất cả các lực lượng thuộc quyền, nhưng bây giờ anh là người chịu trách nhiệm gọi thêm trợ giúp.

    – Tôi vẫn chưa hiểu. Chị nói có đầy xác người? Toàn là người già?

    – Có một đứa bé không thuộc người làng này. Chỉ một đứa bé. Nhưng nó cũng đã chết.

    Đây là lần thứ tư trong ngày bà phải đi một lượt khắp các ngôi nhà. Tobias Ludwig vừa theo sau bà vừa rên rỉ. Hai người kết thúc chuyến đi ở căn lều có chiếc cẳng chân. Nữ bác sĩ pháp y không còn ở trong đó.

    Tobias Ludwig lắc đầu.

    – Thật ra ở đây đã xảy ra chuyện gì vậy? Kẻ làm điều này chắc chắn phải là một thằng điên.

    – Chúng ta còn chưa biết liệu chỉ có một hay còn nhiều kẻ khác nữa.

    – Vậy là cả một đám điên khùng?

    – Giá như chúng ta biết được.

    Ludwig nhìn bà dò hỏi.

    – Chúng ta đã biết được gì?

    – Thực ra chưa biết được gì cả.

    – Sự việc ở đây quá sức chúng ta. Chúng ta cần giúp đỡ.

    – Đó là nhiệm vụ của anh. Ngoài ra tôi cũng đã nói với cánh nhà báo rằng chúng ta sẽ tiến hành họp báo vào lúc sáu giờ chiều hôm nay.

    – Chúng ta sẽ nói gì?

    – Điều này còn phụ thuộc vào việc cho đến lúc đó chúng ta đã liên lạc được với bao nhiêu người thân của các nạn nhân. Đó cũng là nhiệm vụ của anh.

    – Tìm người thân của họ?

    – Erik đã có bản danh sách. Trước hết anh cần phải tổ chức công việc. Giao việc cho các nhân viên của sở. Anh là sếp mà.

    Robertsson đến chỗ hai người.

    – Thật khủng khiếp và đáng sợ, Tobias Ludwig nói. Tôi đang tự hỏi liệu đã có khi nào ở Thụy Điển xảy ra một vụ tương tự thế này chưa.

    Robertsson lắc đầu. Vivi Sundberg quan sát hai người đàn ông. Cảm giác cần phải khẩn trương ngày càng tăng lên trong bà: có thể còn có điều gì đó tồi tệ hơn xảy ra nếu như không bắt tay ngay vào việc.

    – Hãy bắt đầu với tên của các nạn nhân, bà nói với Tobias Ludwig. Tôi thật sự cần sự trợ giúp của anh.

    Nói rồi bà túm lấy cánh tay Robertsson kéo ông đi xuống phía dưới đường.

    – Anh nghĩ sao?

    – Tôi thấy sợ. Còn chị, không sợ à?

    – Tôi chẳng có thời gian để nghĩ đến điều đó.

    Sten Robertsson nheo mắt nhìn bà.

    – Nhưng chị đã có phỏng đoán rồi chứ? Chị thường đưa ra phỏng đoán mà.

    – Nhưng lần này thì không. Có thể có tới mười hung thủ, chúng ta không biết chắc được. Chúng ta không loại trừ điều gì. Vả lại, cả anh cũng phải đến họp báo.

    – Tôi ghét phải nói chuyện với cánh nhà báo.

    – Ghét hay không ghét lúc này hoàn toàn chẳng giúp gì được cho anh cả.

    Robertsson bỏ đi. Bà đang định vào xe của mình thì nhìn thấy Erik Huddén vẫy tay. Anh ta chạy lại phía bà, trên tay cầm một cái gì đó. Có lẽ đã tìm thấy hung khí, bà nghĩ. Nếu đúng vậy thì quá tốt, chúng ta rất cần có được thứ đó. Nhưng dù sao vẫn phải bắt được hung thủ.

    Nhưng Erik không có hung khí trong tay, mà chỉ là một chiếc túi nilon. Anh đưa nó cho bà. Trong đó là một dải lụa đỏ.

    – Con chó đã tìm thấy cái này, Erik nói.

    – Ở đâu?

    – Trong rừng. Cách chỗ cẳng chân khoảng ba chục mét.

    – Có dấu vết gì không?

    – Chúng tôi đang kiểm tra. Nhưng con chó đã tìm thấy dải băng này mà không có biểu hiện muốn sục sạo sâu vào trong rừng nữa.

    Bà giơ chiếc túi gần sát mặt. Để quan sát được kỹ dải băng ở trong túi, bà nheo một bên mắt lại.

    – Dải băng mỏng, bà nói. Hình như là vải lụa. Còn tìm thấy gì đặc biệt nữa không?

    – Chỉ có cái đó. Nó óng ánh trong tuyết.

    Bà trao lại cái túi cho Erik.

    – Quá ít, bà nói. Ở cuộc họp báo chúng ta có thể thông báo cho thế giới biết rằng chúng ta có mười chín người chết và hướng tìm kiếm duy nhất là một dải lụa màu đỏ.

    – Có thể chúng ta còn tìm được những thứ khác nữa.

    – Tìm đi. Tốt nhất là tóm được kẻ đã gây ra vụ này. Hoặc là một con quái vật, có thể nói như vậy.

    Khi Erik Huddén đi khỏi, bà ngồi vào xe để suy nghĩ một mình. Qua kính chắn gió, bà nhìn thấy bà lão Julia được hai nhân viên lưu động của viện dưỡng tế dìu ra xe. Bà lão thật may mắn khi không còn biết gì, Sundberg thầm nghĩ. Julia sẽ không bao giờ hiểu được cái gì đã xảy ra vào cái đêm tháng Giêng ấy trong những ngôi nhà xung quanh bà.

    Bà nhắm mắt hồi tưởng bản danh sách tên những người đã chết. Cho đến lúc này bà vẫn chưa thể nối kết được những cái tên đó với những khuôn mặt mà bà đã nhìn thấy nhiều lần trong ngày. Cuộc tàn sát đã bắt đầu từ đâu? Trước tiên là một ngôi nhà, và một ngôi nhà trong số còn lại phải là ngôi nhà cuối cùng. Còn hung thủ, dù có hành động một mình hay không, phải biết mình làm gì. Hắn không chọn tấn công các ngôi nhà một cách ngẫu nhiên. Hắn không vào nhà của cặp vợ chồng đầu tư cổ phiếu, không vào nhà của bà lão ốm yếu, suy nhược. Hắn đã để yên cho hai nhà này.

    Bà mở mắt, trân trân nhìn qua kính chắn gió. Nó được lên kế hoạch, bà nghĩ. Chắc là phải thế. Nhưng một kẻ điên có đủ khả năng chuẩn bị một hành động như vậy? Liệu có thể không?

    Bà thực sự tin rằng một kẻ điên khùng cũng có thể hành động rất hợp lý. Kinh nghiệm này, bà đã có trước đây. Bà nhớ đến nhân vật Michael Kohlhaas cách đây nhiều năm trong một phiên tòa đã rút súng bắn chết thẩm phán và nhiều người khác không liên can đến vụ án. Sau đó, khi khám xét ngôi nhà nằm sâu trong rừng của hắn, cảnh sát phát hiện ra hắn đã gài mìn khắp nơi. Hắn là một kẻ điên với một kế hoạch điên cuồng.

    Bà rót nốt chỗ cà phê còn lại trong bình giữ nhiệt vào cốc. Động cơ, bà nghĩ. Ngay cả một kẻ tâm thần cũng có động cơ. Có thể tiếng nói nội tâm đã kêu gọi hắn giết chết tất cả những ai hắn gặp. Nhưng liệu tiếng nói đó có khả năng dẫn hắn tận tới Hesjövallen? Và nếu đúng thế, thì tại sao? Sự ngẫu nhiên sắm vai chính trong thảm kịch này ư?

    Ý nghĩ ấy đưa bà trở lại với xuất phát điểm của mình. Không phải tất cả dân làng này đều bị giết chết. Hung thủ đã để cho ba người được sống, mặc dù hắn có thể giết chết họ nếu muốn. Ngược lại, hắn đã giết chết một đứa bé dường như chỉ tình cờ ghé thăm ngôi làng bị nguyền rủa này.

    Đứa bé có thể là chìa khóa, bà nghĩ. Nó không phải là người làng này. Vậy mà nó cũng bị giết. Trong khi đó, hai người đã sống ở đây hai chục năm và một bà lão ốm yếu thì lại được bỏ qua.

    Điều này đã làm nảy ra một câu hỏi mà bà cần câu trả lời, nhất thiết phải tìm ra.

    Nhà của bà lão Julia không khóa. Bà đi vào và đọc tờ giấy mà Erik Huddén đã thấy ở trên mặt bàn bếp. Câu trả lời mà bà có được cho câu hỏi của mình khiến tim bà đập nhanh hơn. Bà ngồi xuống ghế và tìm cách tập hợp những suy nghĩ của mình lại.

    Kết quả thật khó tin, tuy vậy có thể là đúng. Bà bấm số máy di động của Erik. Anh ta lập tức lên tiếng.

    – Tôi đang ngồi trong bếp nhà bà Julia. Bà lão mặc áo choàng tắm, sáng nay đứng ở trên đường ấy. Anh qua đây ngay, được không?

    – Tôi đến đây.

    Erik Huddén ngồi xuống bên bàn, đối diện với bà, nhưng ngay lập tức nhảy dựng lên và nhìn kỹ mặt ghế, hít mũi ngửi rồi tìm cho mình một chiếc ghế khác. Bà nhìn Erik như muốn hỏi.

    – Nước tiểu, anh nói. Chắc là bà lão mắc chứng đái són. Chị muốn nói gì với tôi?

    – Tôi muốn anh lắng nghe một suy luận. Nó có vẻ khó tin, nhưng lại có gì đó logic.

    – Tôi cần ghi lại không?

    – Chỉ nghe thôi. Chúng ta cùng tắt điện thoại để khỏi bị quấy rầy.

    Hai người đặt điện thoại di động lên mặt bàn, như thể giao nộp vũ khí, bà nghĩ.

    – Tôi sẽ cố nói vắn tắt, dù rằng điều này chưa chắc đã đúng. Tuy thế, tôi linh cảm thấy có một logic kỳ lạ trong các sự kiện xảy ra ở đây đêm qua. Tôi muốn anh lắng nghe, rồi sau đó nói cho tôi biết có phải tôi đã nghĩ hoàn toàn sai hay không, hoặc sai lầm nằm ở chỗ nào.

    Cửa mở. Một nhân viên kỹ thuật hình sự bước vào bếp.

    – Những người chết đâu?

    – Trong nhà này không có người chết.

    Anh ta bỏ đi.

    – Việc này có liên quan đến những cái họ, bà nói tiếp. Chúng ta vẫn chưa biết họ tên đứa bé. Nhưng nếu tôi không nhầm, nó có họ hàng với gia đình Andersson và đã bị giết trong ngôi nhà đó. Một trong những chìa khóa cho những gì đã xảy ra ở đây vào đêm hôm qua, chính là những cái họ. Những gia đình, ở làng này hình như có ba dòng họ lớn: Andersson, Andrén và Magnusson. Còn bà Julia sống trong ngôi nhà này lại mang họ Holmgren. Bà ấy sống sót. Ngoài ra chúng ta còn có Tom và Ninni Hansson. Họ cũng sống sót, vì mang họ khác? Căn cứ vào đó chúng ta có thể đưa ra một kết luận.

    – Hung thủ vì một lý do nào đó đã giết chết những người cùng họ với nhau.

    – Tiếp một bước nữa. Đây là một làng nhỏ. Sự xáo động không cao. Rất có thể giữa các gia đình này có nhiều vụ kết hôn với nhau. Tôi không có ý nói gì đến chuyện loạn luân mà chỉ cho rằng có lý do để tin rằng sự việc không liên quan đến cả ba dòng họ mà có lẽ chỉ với hai thôi. Hoặc thậm chí chỉ liên quan đến một dòng họ. Điều này giải thích tại sao Julia Holmgren và hai vợ chồng Hansson còn sống.

    Vivi Sundberg chờ phản ứng của Erik. Bà chưa bao giờ đánh giá Erik là người đặc biệt thông minh, nhưng bà khâm phục khả năng của anh ta, tìm ra được giải pháp đúng bằng trực giác của mình.

    – Nếu điều đó đúng thì có nghĩa là hung thủ biết rõ về những người này. Vậy ai đã gây án?

    – Có thể là một người họ hàng? Cũng có thể là một kẻ điên.

    – Một người họ hàng bị điên? Nhưng vì sao kẻ đó lại làm chuyện này?

    – Điều này chúng ta chưa biết. Tôi chỉ cố gắng để hiểu xem tại sao tất cả mọi người trong làng không bị giết hết.

    – Chị giải thích như thế nào về cẳng chân bị chặt đứt và bị lôi đến chỗ khác.

    – Tôi không giải thích nổi. Nhưng tôi cần bắt đầu từ đâu đó. Suy luận chưa rõ ràng của tôi và dải lụa màu đỏ là tất cả những gì chúng ta có.

    – Tôi hy vọng chị biết cái gì sẽ đến với chúng ta?

    – Rằng chúng ta sẽ bị giới truyền thông tấn công ư?

    Erik Huddén gật đầu.

    – Việc này đã có Tobias lo.

    – Anh ấy sẽ ùn nó cho chị.

    – Lúc đó tôi sẽ ùn sang anh.

    – Dưới quyền chị.

    Hai người đứng dậy.

    – Tôi muốn anh trở về thành phố, bà nói. Tobias đang muốn triển khai nhân sự đi tìm kiếm người thân của các nạn nhân. Anh hãy lo để việc ấy thật sự được làm và tìm ra những mối liên hệ giữa ba gia đình ở đây. Nhưng trước hết lúc này hãy coi nó chỉ là một việc giữa hai chúng ta thôi.

    Erik Huddén ra khỏi nhà. Vivi Sundberg đến bên vòi nước rót nước vào cốc. Bà tự hỏi suy luận của mình có đi đến đâu không, nhưng vào lúc này bất luận thế nào thì như thế cũng tốt hơn là không có gì.

    Gần sáu giờ chiều, một số cảnh sát đã tụ tập trong văn phòng của Tobias Ludwig. Họ thảo luận với nhau nên nói những gì trong cuộc họp báo. Không nên đưa ra danh sách tên các nạn nhân, nhưng số lượng nạn nhân sẽ được công bố và phải thừa nhận cho đến nay cảnh sát vẫn còn đang dò dẫm trong bóng tối. Hơn bao giờ hết họ kêu gọi sự cảnh giác của tất cả các lực lượng.

    Tobias Ludwig sẽ khai mạc cuộc họp báo rồi sau đó sẽ giao cho Vivi Sundberg chủ trì.

    Bà tạt vào phòng vệ sinh trước khi bước vào phòng họp đã đông đủ các nhà báo. Bà nhìn khuôn mặt mình trong gương. Giá như thức dậy, tất cả những việc này chẳng có gì xảy ra, bà thầm nghĩ.

    Rồi bà bước ra ngoài, đấm tay lên tường hành lang hai lần và bước vào phòng họp báo đã quá nóng. Bà bước lên bục nhỏ, ngồi xuống bên cạnh Tobias Ludwig.

    Anh ta nhìn bà. Bà gật đầu ra hiệu đã có thể bắt đầu.
     
  8. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Nữ thẩm phán

    * * *

    5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một con thiêu thân vụt bay ra từ bóng tối, đập cánh loạn xạ quanh ngọn đèn bàn. Birgitta Roslin đặt chiếc bút sang một bên, ngả người ra sau ghế trong khi quan sát con thiêu thân cố gắng một cách vô ích để chui vào bên trong chiếc đèn sứ. Tiếng đập cánh của nó làm cho bà nhớ lại tiếng động từ thời còn nhỏ mà không thể nói chính xác đó là tiếng động gì.

    Mỗi khi thấy mệt mỏi, ấy là lúc ký ức của bà được kích thích, trở nên đặc biệt rõ ràng, như lúc này. Những kỷ niệm không với tới được của quá khứ xa vời có thể xuất hiện từ một cõi hư vô như trong giấc ngủ.

    Như con thiêu thân.

    Bà nhắm mắt, đưa tay day day hai bên thái dương. Lúc này đã quá nửa đêm một vài phút. Đã hai lần bà nghe thấy tiếng người gác đêm đi kiểm tra khu nhà tòa án. Bà thích làm việc vào buổi tối, khi tòa nhà vắng người. Cách đây nhiều năm, ngày đó bà còn là một tập sự viên ở Varnamo, vào buổi tối, bà thường tới các phòng xử án vắng bóng người trong tòa án, thắp một vài ngọn đèn, ngồi lên ghế, lắng nghe sự tĩnh lặng. Khi ấy bà đã hình dung những phòng xử ấy như là một sân khấu nhà hát. Những dấu vết còn lại trên tường, những tiếng thì thầm gợi nhắc những hồi bi kịch của các phiên xử đã qua. Ở đây những tên giết người, những kẻ hiếp dâm, những tay trộm cướp đã bị kết án. Và những người đàn ông trong một hàng dài vô tận những phiên xử đánh mất quyền làm cha của mình. Những người khác lại được trắng án, tìm lại được phẩm cách.

    Khi Birgitta Roslin nộp đơn xin vào làm ở tòa án, bà đã nhận được đề nghị làm tập sự viên ở Varnamo, khi ấy bà vẫn còn giữ ý định sẽ trở thành công tố viên. Nhưng bà đã dần tìm ra con đường cho mình, phần lớn là nhờ vào ấn tượng khó quên mà Anker, một thẩm phán cao tuổi, đã đem đến cho bà. Ông đã lắng nghe những người đàn ông trẻ tuổi, bằng những dối trá nhìn thấy rõ, tìm mọi cách kháng nghị quyền làm cha, rồi lắng nghe những kẻ bạo hành chai sạn không hề tỏ ra ăn năn về những tội ác của mình, với cùng thái độ kiên nhẫn giống nhau. Mọi việc giống như là ông muốn chỉ cho bà, một nữ tập sự trẻ, thấy rõ ngành tư pháp có một ý nghĩa như thế nào. Ở ông, Roslin đã được thấy rõ điều đó, không chỉ bằng lời nói mà cả trong hành động. Công lý có nghĩa là hành động. Khi rời khỏi Varnamo, bà đã quyết định trở thành thẩm phán.

    Bà đứng dậy bước đến bên cửa sổ. Trên phố, một người đàn ông đang đứng đái bên một bức tường nhà. Ban ngày ở Helsingborg có tuyết rơi, một lớp bột tuyết mỏng lúc này đang xoáy tròn dọc theo đường phố. Trong khi lơ đễnh quan sát người đàn ông ở dưới tường, đầu óc bà tiếp tục nghĩ đến bản án mà bà đang thảo ra. Bà tự đặt cho mình thời hạn đến ngày hôm sau phải viết xong.

    Người đàn ông dưới đường đã biến mất từ lúc nào. Birgitta Roslin quay trở lại bàn làm việc, cầm lấy cây bút. Bà đã nhiều lần thử soạn thảo các bản án trên máy tính, nhưng chưa bao giờ bà thành công. Dường như các phím bấm chạy trốn ý nghĩ của bà. Bà lại luôn phải quay về với cây bút của mình. Chỉ cho tới trước khi bản nháp được viết xong, được sửa chữa, thì màn hình máy tính vẫn kêu ro ro kiên nhẫn chờ đợi và tự động chuyển sang chế độ chờ với hình ảnh bể cá cùng đám cá vàng bơi lội tung tăng.

    Bà cúi xuống mấy tờ giấy đầy những chỗ gạch xóa, bổ sung. Đây là một vụ án đơn giản với luận chứng thuyết phục, tuy thế nó lại khiến bà vô cùng khó nghĩ.

    Bà muốn đưa ra một hình phạt, nhưng lại không thể.

    Một nam giới và một phụ nữ gặp nhau trong một vũ trường ở Helsingborg. Người phụ nữ còn trẻ, gần như chưa tới hai mươi tuổi và đã uống quá nhiều. Người đàn ông quãng bốn mươi tuổi, hứa đưa cô về nhà và chỉ uống một cốc nước trong căn hộ của cô ta. Cô gái ngủ thiếp đi trên tràng kỷ. Người đàn ông đã hiếp cô gái khi cô chưa tỉnh ngủ rồi bỏ đi. Sáng hôm sau cô gái chỉ còn lờ mờ nhớ sự việc đã xảy ra vào đêm hôm trước trên tràng kỷ. Cô ta đến bệnh viện khám và nhận được giấy xác nhận mình đã bị hiếp dâm. Sau một cuộc điều tra cẩn thận của cảnh sát, người đàn ông đó bị đưa ra tòa. Phiên tòa được tiến hành một năm sau ngày xảy ra vụ cưỡng dâm. Birgitta Roslin ngồi ghế thẩm phán. Bà quan sát cô gái. Bà đọc được trong tài liệu điều tra sơ bộ cho thấy cô gái này làm nhân viên phụ quầy thu tiền ở nhiều siêu thị khác nhau. Trong bản khai về nhân thân cho thấy cô là người uống quá nhiều rượu bia. Ngoài ra cũng đã nhiều lần ăn cắp vặt, bị đuổi việc vì làm việc không cẩn thận.

    Người đàn ông bị khởi tố lại rất khác cô gái trên nhiều phương diện. Anh ta làm môi giới bất động sản chuyên về các cửa hàng buôn bán, có danh tiếng tốt, chưa lập gia đình và có thu nhập cao. Anh ta chưa có tiền án. Nhưng Birgitta Roslin có cảm giác đã nhìn thấu anh ta trong bộ com lê đắt tiền được là ủi cẩn thận. Với bà, không có gì phải nghi ngờ: anh ta đã hiếp dâm cô gái khi cô ngủ thiếp đi trên tràng kỷ. Xét nghiệm ADN đã đưa ra bằng chứng anh ta có quan hệ tình dục với cô gái. Nhưng anh ta phủ nhận việc lạm dụng và mọi hình thức bạo lực. Cô gái đã đồng ý. Không những anh ta mà cả luật sư bào chữa cũng nói như vậy. Birgitta Roslin biết viên luật sư đến từ Malmö này qua các vụ trước đây. Ông ta có thể dùng những lý lẽ trơ trẽn nhất để bào chữa cho thân chủ của mình. Toàn bộ sự việc này như rơi vào ngõ cụt. Lời khai đối lại lời khai, một người môi giới bất động sản có uy tín chống lại một cô thu ngân nghiện rượu đúng là đã cho anh ta vào nhà mình giữa đêm khuya.

    Bà phẫn nộ vì không thể buộc tội được anh ta. Bà có cố bám vào nguyên tắc cơ bản là tuyên bố trắng án tốt hơn là kết án trong các trường hợp người ta không biết phải quyết định như thế nào cũng vô ích, bà không thể nào ngăn được ý nghĩ rằng trong vụ này, một kẻ mắc tội lạm dụng tồi tệ nhất đối với người khác sẽ được thoát tội. Bà không thể bấu víu vào điều luật nào, không có khả năng diễn giải cáo trạng của công tố viên theo cách nào khác: người đàn ông phải được trắng án.

    Liệu trong trường hợp này, ông thẩm phán Anker thông minh có thể làm được gì? Ông có thể cho bà một lời khuyên như thế nào? Chắc chắn ông ấy cũng sẽ chia sẻ quan điểm của mình, bà thầm nghĩ. Một kẻ có tội sẽ được tuyên bố trắng án. Chắc chắn ông già Anker cũng sẽ phẫn nộ như mình thôi. Và ông cũng sẽ im lặng như mình. Đó chính là sự hành hạ, giày vò của người thẩm phán, rằng chúng tôi phải tuân thủ pháp luật và miễn cưỡng không trừng phạt một kẻ có tội và thả hắn ra. Còn cô gái, không hẳn đã là một con chiên vô tội, sẽ phải sống trong sự bất công ưu phiền.

    Bà đứng dậy đến nằm trên chiếc sofa trong phòng làm việc của mình. Bà đã mua nó bằng tiền riêng thay cho chiếc ghế bành không tiện lợi, nhưng thuộc trang bị tiêu chuẩn của tòa án. Ông thẩm phán già đã dạy cho bà một mẹo: cầm trong tay chùm chìa khóa rồi nhắm mắt lại. Khi chùm chìa khóa tuột khỏi tay rơi xuống sàn nhà là đã đến lúc phải thức dậy. Bà cần phải nằm nghỉ ngơi một lúc. Rồi sau đó sẽ viết cho xong bản án, trở về nhà và ngày hôm sau sẽ viết lại nó thật sạch sẽ. Bà đã xem rất kỹ hồ sơ và không thể là một bản án nào khác ngoài lời tuyên bố trắng án.

    Bà chìm vào giấc ngủ và mơ thấy người cha mà bà không có lấy một kỷ niệm nào về ông. Ông là thợ máy tàu thủy. Trong một trận bão lớn giữa tháng Giêng năm 1949, chiếc tàu thủy chạy bằng động cơ hơi nước Runskär đã bị đánh chìm trong vịnh Gavle cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn. Xác của ông không được tìm thấy. Birgitta Roslin còn chưa ra đời khi xảy ra sự kiện đắm tàu ấy. Hình ảnh về người cha mà bà có được là nhờ những tấm ảnh. Nhất là tấm chụp người cha với mái tóc rối bù vì gió, ống tay áo xắn cao, đứng bên cạnh lan can tàu. Ông đang cười với ai đó trên bến tàu, có lẽ là với người thủy thủ chụp tấm ảnh này cho ông. Mẹ của bà kể cho bà nghe như vậy. Nhưng Birgitta Roslin lại luôn tưởng tượng rằng mình chính là người mà bố nhìn, mặc dù bức ảnh này được chụp trước khi bà được sinh ra. Người cha thường trở về trong những giấc mơ của bà. Lúc này ông lại mỉm cười với bà giống như trong tấm ảnh, rồi lại biến mất như thể bị một lớp sương mù xô tới làm cho ông trở nên vô hình.

    Bà giật mình thức giấc. Ngay lập tức, bà biết là mình đã ngủ quên. Cái mẹo cầm chùm chìa khóa trong tay không có tác dụng. Nó đã rơi xuống nền nhà mà bà không biết. Bà ngồi dậy, nhìn đồng hồ. Lúc này đã hơn sáu giờ sáng. Như vậy là bà đã ngủ được hơn năm tiếng đồng hồ. Mình kiệt sức mất rồi, bà nghĩ. Mình ngủ quá ít, như nhiều người khác. Mình đã dành quá nhiều thời gian sống cho những lo lắng. Vào lúc này, chủ yếu vẫn là bản án bất công làm cho mình bực bội và nản lòng.

    Birgitta Roslin gọi điện thoại cho chồng. Chắc ông cũng đã tự hỏi đêm qua vợ mình ẩn náu ở đâu. Thực ra việc này cũng không hoàn toàn bất bình thường. Bà thường ngủ lại trên chiếc sofa trong phòng làm việc của mình vào những lần cãi nhau. Nhưng ngày hôm qua họ đâu có cãi nhau.

    Chuông điện thoại vừa reo tiếng đầu tiên, ông đã nhấc ống nghe lên.

    – Em đang ở đâu vậy?

    – Em ngủ thiếp đi trong phòng làm việc.

    – Liệu có cần thiết phải làm việc suốt đêm không?

    – Em đang phải đánh vật với một bản án phức tạp.

    – Anh đoán em phải tuyên trắng án cho người đàn ông đó?

    – Khó khăn chính là ở chỗ đó.

    – Em hãy về nhà ngủ tiếp đi. Bây giờ anh phải đi. Anh đang vội.

    – Khi nào thì anh về?

    – Khoảng chín giờ. Nếu như không bị hoãn chuyến. Ở Halland tuyết đang rơi.

    Bà gác ống nghe và bỗng nhiên mãn nguyện bởi tình cảm trìu mến dành cho chồng. Họ gặp nhau khi còn rất trẻ ở Lund trong những năm học đại học luật. Staffan học trước bà một năm. Lần đầu tiên họ gặp nhau là tại buổi liên hoan của một người bạn chung của cả hai. Sau đó thì Birgitta không thể tưởng tượng được cuộc sống với một người đàn ông khác nào nữa. Bà đã bị đôi mắt của ông, thân hình của ông, hai bàn tay lớn của ông và cái kiểu đỏ mặt bất lực của ông quy phục.

    Staffan trở thành luật sư. Nhưng vào một ngày ông trở về nhà và nói mình không thể tiếp tục làm luật sư được nữa và muốn bắt đầu một cuộc sống khác. Bà đã không được báo trước và đã phản ứng một cách không thông cảm, vì ông chưa một lần bóng gió cho bà biết rằng hằng ngày ông phải đến văn phòng luật sư ở Malmö với bước chân nặng nề. Một ngày sau đó bà ngạc nhiên thấy ông bắt đầu học nghề mới để trở thành người soát vé tàu và rồi một hôm, đứng trước bà ở phòng khách trong bộ quần áo đồng phục xanh, đỏ, ông tuyên bố bắt đầu từ hôm nay, vào lúc mười hai giờ mười chín phút sẽ đi theo đoàn tàu 212 từ Malmö qua Alvesta và Växjö đến Kalmar.

    Không bao lâu sau, ông hoàn toàn trở thành một con người vui vẻ. Khi ông bỏ nghề luật sư, họ đã có bốn đứa con, một trai, một gái, và sau cùng là cặp song sinh, hai cô con gái. Những đứa trẻ được sinh ra rất sát nhau, bà chỉ có thể nghĩ về khoảng thời gian ấy với nỗi kinh ngạc lớn lao. Làm sao họ có thể làm được những điều đó? Bốn đứa con trong vòng sáu năm. Khi bà nhận được vị trí thẩm phán, cả gia đình chuyển từ Malmö về Helsingborg.

    Những năm qua, các con của họ đã lớn. Hai cô gái song sinh năm ngoái đã chuyển khỏi nhà, ở chung với nhau trong một căn hộ. Điều làm cho bà vui là chúng không học ngành luật như bà, sẽ không trở thành những luật gia. Siv, ra đời trước Louise mười chín phút đồng hồ, sau một thời gian suy nghĩ rất dài đã quyết định theo học ngành thú y. Louise, khác với chị gái ở tính khí sôi nổi, xông xáo trong cuộc sống, quyết định đi bán hàng cho một cửa hàng quần áo đàn ông rồi sau đó mới bắt đầu theo học ngành khoa học chính trị và lịch sử tôn giáo. Birgitta Roslin đã nhiều lần ướm hỏi con gái xem cô định làm gì. Nhưng Louise, là đứa kín đáo nhất trong bốn đứa con của bà, chẳng bao giờ nói cho bà biết về dự định của cô. Birgitta Roslin cảm thấy Louise là cô bé giống mình nhất. Đứa con đầu của bà, David, làm việc cho một công ty dược phẩm lớn, thì gần như lại rất giống cha trên mọi phương diện. Anna, đứa con thứ hai của bà là một mối lo lắng của cha mẹ khi luôn tham gia những chuyến đi dài ngày ở châu Á mà họ không biết thực ra là cô làm gì.

    Gia đình của mình, bà thầm nghĩ. Lo lắng lớn và niềm vui lớn. Không có gia đình, hẳn cuộc đời mình chẳng còn ý nghĩa gì.

    Trong hành lang trước phòng làm việc của bà có treo một tấm gương. Bà quan sát gương mặt và thân hình mình. Mái tóc cắt ngắn của bà ở hai bên thái dương đã có những sợi bạc. Thói quen xấu luôn mím chặt hai môi tạo ra cho bà một vẻ không mấy cởi mở. Nhưng điều làm cho bà khổ sở, đó là trong mấy năm qua bà đã tăng cân. Ba cân, bốn cân, không nhiều hơn. Nhưng cũng đủ để người ta nhận ra.

    Điều bà nhìn thấy làm cho bà không vừa lòng. Nhìn chung bà là một phụ nữ hấp dẫn nhưng giờ đây bà đang bắt đầu mất đi vẻ rạng rỡ của mình. Và bà không chống lại.

    Bà để lại trên bàn nữ thư ký của mình lời nhắn hôm nay sẽ đến muộn. Trời đã ấm lên, tuyết bắt đầu tan. Bà đi đến chỗ xe của mình đậu trên phố ngang.

    Nhưng bỗng nhiên bà quyết định khác. Giờ bà không còn cần ngủ. Quan trọng hơn là để đầu óc được sảng khoái và nghĩ đến một việc khác. Birgitta Roslin quay người đi xuống phía bến tàu. Trời không gió. Đám mây của ngày hôm qua đã tan đi. Bà đi xuống bến phà chạy sang Helsingborg. Chuyến phà sang bờ bên kia chỉ kéo dài ít phút, nhưng bà muốn được ngồi lại trên mạn phà uống một tách cà phê hoặc một cốc rượu nho, quan sát những người cùng đi đang xem lại những túi xách đầy rượu mà họ đã mua ở Đan Mạch. Bà ngồi xuống bên chiếc bàn kê ở góc phà. Mặt bàn dính bẩn, bỗng nhiên bà thấy bực mình, gọi cô gái phục vụ lại phía mình. Cô ta đang dọn dẹp các bàn ở trên phà.

    – Thật không thể chấp nhận được. Chiếc bàn tuy đã được dọn, nhưng không được lau sạch. Nó vẫn còn nhớp nháp quá.

    Cô gái nhún vai rồi dùng khăn lau mặt bàn. Birgitta Roslin kinh tởm nhìn khăn lau bàn. Nhưng bà không nói thêm gì nữa. Cô phục vụ này có gì đó làm cho bà nhớ tới người phụ nữ trẻ bị hiếp dâm. Nhưng vì sao thì bà lại không biết. Có lẽ vì cái vẻ dửng dưng, thiếu ý thức hoàn thành tốt công việc ở cô ta. Hoặc có gì đó như là vẻ dễ bị tổn thương mà Birgitta Roslin không thể diễn tả được?

    Chiếc phà bắt đầu rung lên bần bật. Nó đem đến cho bà một cảm giác khoan khoái, thậm chí có thể là thích thú. Bà nhớ tới chuyến ra nước ngoài đầu tiên của mình. Ngày đó bà mới mười chín tuổi. Cùng đi chung với một bạn nữ sang Anh tham dự một khóa học ngoại ngữ. Chuyến đi cũng bắt đầu bằng việc đi phà, từ Göteborg đến Harwich. Birgitta Roslin không bao giờ quên được cảm giác được giải phóng khi đứng trên boong tàu trên đường đến với một nơi xa lạ.

    Lúc này bà lại nhận thấy cảm giác tự do tương tự khi lại được ngồi trên chuyến phà chạy qua lại từ Thụy Điển sang Đan Mạch trên eo biển nhỏ hẹp này. Ý nghĩ về một bản án khó chịu đã lùi lại phía sau.

    Mình thậm chí không còn ở đỉnh dốc cuộc đời nữa, bà nghĩ. Mình đã đi qua cái điểm người ta vẫn vượt qua nó mà không hề hay biết. Không còn nhiều quyết định quan trọng cần phải đưa ra cho cuộc đời mình nữa. Mình sẽ làm thẩm phán cho tới ngày hồi hưu. Có thể mình sẽ có cháu có chắt trước khi tất cả kết thúc.

    Tuy nhiên bà biết rằng cái cảm giác bất an luôn quấy rầy bà đến từ chính cuộc hôn nhân của bà với Staffan, cảm giác cuộc hôn nhân đang héo tàn dần. Họ là những người bạn tốt của nhau, sát cánh bên nhau khi cần thiết. Nhưng còn tình yêu, niềm khát khao nhục dục được gần gũi nhau, đã hoàn toàn biến mất.

    Còn bốn ngày nữa là tròn một năm kể từ lần cuối hai người làm tình với nhau trước khi chìm vào giấc ngủ. Ngày đó càng đến gần, bà lại càng cảm thấy bất lực. Và ngày đó không còn lâu nữa sẽ đến. Hết lần này đến lần khác bà cố tìm cách nói với Staffan về nỗi cô đơn mà bà cảm thấy. Nhưng Staffan không sẵn sàng nói chuyện, ông lẩn tránh, trì hoãn cuộc trò chuyện mà tất nhiên ông biết là cần thiết. Ông cam đoan không một người đàn bà nào khác hấp dẫn, mà chỉ vì thiếu đi niềm hứng thú, nhưng chắc chắn sẽ sớm tìm lại được nó. Chỉ cần bà kiên nhẫn.

    Bà thấy buồn vì đã mất đi sự thân mật ấy với chồng mình một nhân viên hỏa xa thanh lịch, với hai bàn tay to và khuôn mặt dễ ửng đỏ. Nhưng bà không có ý định từ bỏ cuộc chơi, để cho cuộc hôn nhân của mình biến thành một mối quan hệ bằng hữu thuần túy.

    Bà gọi thêm một tách cà phê nữa và chuyển sang ngồi ở bàn khác sạch hơn. Một số thanh niên, tuy còn sớm, đã ngà ngà say, đang tranh luận với nhau về chuyện Hamlet hay Macbeth là tù nhân bị giam trong lâu đài Kronborg gần Helsingborg. Bà thích thú theo dõi câu chuyện của họ và cảm thấy muốn được tham gia.

    Có hai cậu bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi ngồi bên chiếc bàn góc. Hình như chúng trốn học. Tại sao chúng lại không làm thế khi hình như chẳng có ai chê bai, chỉ trích gì việc đó? Bà cũng không một chút buồn nhớ hệ thống giáo dục độc đoán mà bà đã trải qua. Đồng thời bà nhớ lại một việc xảy ra vào năm ngoái. Sự việc đó đã làm cho bà phải hoài nghi về hệ thống pháp luật của Thụy Điển và dẫn bà đến với nhu cầu mãnh liệt hơn bao giờ hết: được tranh luận với ông Anker, cố vấn của bà, đã qua đời cách đây ba mươi năm.

    Trong một khu cư dân ở ngoại thành Helsingborg, có một bà lão gần tám mươi tuổi bị mắc bệnh tim ngã trên vỉa hè. Hai thằng bé, một đứa mười ba tuổi, một đứa mười bốn tuổi, đi qua. Thay vì giúp bà lão, chúng đã không do dự, trước tiên lấy chiếc ví đựng tiền trong túi xách tay, sau đó chúng tìm cách hãm hiếp bà. Giá như không có người đàn ông dắt chó xua đuổi, thì rất có thể đã xảy ra một vụ cưỡng dâm. Sau đó cảnh sát đã tóm được hai thằng bé đó. Nhưng vì chúng còn là vị thành niên nên đã được thả ra.

    Birgitta Roslin nghe vụ này qua một công tố viên được một cảnh sát kể lại. Bà rất phẫn nộ và tìm cách để biết vì sao ở sở xã hội lại không có báo cáo. Không bao lâu bà được biết mỗi năm có hàng trăm trẻ em phạm tội mà không bị truy tố hình sự. Không một ai trao đổi với bố mẹ chúng, các sở xã hội không được báo cáo. Tội mà chúng gây ra không chỉ là những vụ ăn cắp đơn giản mà còn là những vụ trấn lột, đánh người gây thương tích, rất may mà không gây ra án mạng.

    Điều này, như đã nói, khiến bà nghi ngờ toàn bộ hệ thống pháp luật của Thụy Điển. Thực ra hệ thống pháp luật này phục vụ cho ai? Cho công lý hay cho sự thờ ơ? Và hậu quả sẽ ra sao, một khi cứ để mặc ngày càng có thêm nhiều trẻ em gây án mà không có ai phản ứng? Vấn đề còn có thể tiến xa đến đâu khi hệ thống dân chủ bị đe dọa, bị tổn hại bởi một hệ thống pháp luật lỏng lẻo?

    Bà uống cạn cốc cà phê và nghĩ mình còn phải làm việc mười năm nữa. Liệu bà có thể chịu đựng được tới cùng? Người ta còn có thể là một thẩm phán công minh khi đã bắt đầu hoài nghi sự vận hành của chính Nhà nước pháp quyền?

    Bà không biết điều này. Để rũ bỏ những suy nghĩ này, bà đi thêm một lần nữa qua eo biển. Lúc bà lên khỏi phà bên bờ Thụy Điển đã là chín giờ. Bà băng qua đường phố chính rộng rãi chạy dọc giữa Helsingborg. Lúc rẽ vào góc phố, bà lơ đễnh liếc qua măng sét của các báo buổi chiều đang được một người đàn ông dán lên cột báo. Bà dừng khựng lại trước những dòng tít lớn: "Vụ tàn sát ở Hälsingland", "Tội ác khủng khiếp", "Cảnh sát không tìm ra dấu vết", "Không ai biết có bao nhiêu người chết".

    Bà tiếp tục đi đến chỗ đỗ xe. Bà hiếm khi mua các báo buổi chiều. Bà thấy những tít bài mơ hồ và đầy tính chèo kéo thường tìm cách công kích hệ thống luật pháp của Thụy Điển trên những tờ báo này thật gây phiền nhiễu và đôi khi thậm chí còn sỗ sàng. Ngay cả khi bản thân cũng tán thành một vài điểm nhưng bà không thích mấy tờ báo buổi chiều này. Bà thấy rằng những nhà báo ấy đã hoàn toàn quên mất óc phê phán, cho dù có thể ý định thì tốt.

    Birgitta Roslin sống trong khu đô thị ở Kjellstorp, ở cửa ô phía Bắc thành phố. Bà dừng xe bên một cửa hàng. Chủ cửa hàng là một người Pakistan nhập cư, luôn chào bà với một tiếng cười vui vẻ. Ông ta biết bà là thẩm phán nên tỏ ra rất kính trọng bà. Bà không dám chắc liệu phụ nữ ở Pakistan nói chung có thể trở thành thẩm phán được không. Nhưng bà chưa bao giờ hỏi ông ta điều đó.

    Về đến nhà, bà chui vào bồn tắm và sau đó leo lên giường. Bà thức dậy vào lúc một giờ chiều và cảm thấy cuối cùng đã ngủ được đẫy giấc. Sau khi đã ăn xong mấy lát bánh mì và uống hết tách cà phê, bà trở lại với công việc. Vài tiếng đồng hồ sau bà đã soạn thảo xong bản án trên máy tính: người đàn ông có tội được trắng án, rồi để nó lên bàn của nữ thư ký, có vẻ như cô thư ký đang tham dự một lớp tập sự nào đó. Rõ ràng trong khu nhà tòa án này đang diễn ra một khóa nâng cao nghiệp vụ mà bà không được thông báo hoặc - có lẽ đúng hơn - bà đã hoàn toàn quên bẵng. Lúc trở về nhà, bà hâm nóng lại món ragu gà của ngày hôm trước. Bà để phần còn lại vào tủ lạnh cho Staffan.

    Bà ngồi xuống ghế sofa với một tách cà phê, bật vô tuyến xem mục Teletext. Lúc này bà lại nhớ tới những tít báo đã nhìn thấy sáng nay. Cảnh sát chưa tìm được hướng điều tra cụ thể nào, không muốn nêu số người bị giết, tên tuổi của họ vì chưa thông báo được cho người thân của họ.

    Một kẻ điên, bà thầm nghĩ. Một là hắn mắc chứng cuồng ám, hoặc cho rằng mình đã bị đối xử tồi tệ.

    Kinh nghiệm nhiều năm làm thẩm phán đã dạy cho bà biết rằng có rất nhiều dạng điên rồ đẩy con người đến chỗ phạm vào những tội ác kinh tởm. Nhưng bà cũng biết rằng các bác sĩ tâm thần ở tòa án không phải lúc nào cũng có khả năng nhìn thấu được những kẻ giả mang bệnh để được giảm án.

    Bà tắt vô tuyến và đi xuống hầm, nơi có một kho chứa các loại rượu vang. Bà có nhiều catalog đặt hàng của các công ty nhập khẩu rượu nho khác nhau. Mãi cách đây một vài năm bà mới nhận ra rằng việc các con ra ở riêng đã giúp cho tình trạng tài chính của hai vợ chồng bà khá hơn. Bây giờ bà cho rằng mình đã có thể mua sắm được món này món khác đặc biệt một chút. Và bà đã quyết định mỗi tháng đặt mua một vài chai vang đỏ. Bà thích nghiên cứu kỹ lưỡng những lời chào hàng của các nhà nhập khẩu rượu vang và dò xét trước giá cả. Phải trả đến gần năm trăm krona chỉ để mua một chai vang, với bà điều này giống như một kiểu thú vui bị cấm đoán. Bà đã hai lần lôi kéo được Staffan cùng đi Ý thăm những cánh đồng nho với mình. Nhưng bà đã thất bại khi muốn làm cho ông hứng thú với rượu vang hơn mức bình thường. Đổi lại, bà đã cùng đi với ông đến dự các buổi hòa tấu nhạc Jazz ở Copenhagen, mặc dù đó không phải loại nhạc bà yêu thích.

    Hầm nhà lạnh. Bà kiểm tra để nhiệt độ ở mức mười bốn độ rồi ngồi lên chiếc ghế đẩu nằm giữa các giá để rượu. Ở đây, giữa những chai rượu bà cảm thấy vô cùng tĩnh tại. Nếu như phải lựa chọn giữa một bồn nước nóng và một hầm rượu, chắc chắn bà sẽ chọn căn hầm, nơi lúc này đã có tới 114 chai rượu trên giá.

    Ngày bà còn trẻ, nếu ai đó bảo với bà rằng đến một ngày nào đó bà sẽ sưu tầm rượu vang, chắc chắn bà sẽ không tin. Bà không những phủ nhận khả năng này mà thậm chí còn phẫn nộ nữa. Trong thời gian học đại học ở Lund, bà cảm thấy gắn bó với nhóm cánh tả cấp tiến, vào cuối những năm 1960 họ không những chỉ đặt ra câu hỏi về vấn đề giáo dục đại học mà cả về vấn đề xã hội nữa. Ngày đó, có lẽ bà sẽ cho rằng sưu tầm rượu vang là một sự lãng phí thời gian và sức lực, một trò tư sản, một thú tiêu khiển thời gian vô luân.

    Bà đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ thì nghe có tiếng bước chân của Staffan ở bên trên. Bà vội cất cuốn catalog, bước lên cầu thang để lên tầng. Chồng bà đang mở tủ lạnh lấy ra món ragu gà. Trên bàn là mấy tờ báo buổi chiều mà ông đem từ tàu hỏa về.

    – Em đã đọc chưa?

    – Vụ xảy ra ở Hälsingland phải không?

    – Mười chín người chết.

    – Trên ti vi không nói đến số lượng người chết.

    – Đây là số báo ra muộn. Chúng đã giết gần như tất cả mọi người trong một ngôi làng. Thật không thể tưởng tượng nổi. Còn bản án của em thế nào rồi?

    – Nó đã được viết xong. Trắng án. Không thể khác được.

    – Báo chí rồi lại xôn xao.

    – Tốt thôi.

    – Họ sẽ phê phán em.

    – Chắc chắn. Nhưng khi đó em có thể yêu cầu đám nhà báo xem lại luật, rồi sau đó hỏi họ liệu họ có muốn ở đất nước này sẽ chuyển sang áp dụng kiểu luật do đám đông quyết định không thông qua tòa án hay không.

    – Vụ thảm sát này sẽ thu hút sự quan tâm của họ và họ sẽ bỏ qua bản án của em.

    – Đương nhiên. Vụ hiếp dâm tầm thường này so với vụ thảm sát thì ăn nhằm gì.

    Đêm nay họ đi ngủ sớm. Ngày mai ông có ca sớm, còn bà thấy chương trình truyền hình hoàn toàn chẳng có gì đáng quan tâm. Bà cũng đã quyết định mua loại rượu nho nào. Một thùng Barolo Arione 2002, giá 252 krona một chai.

    Bà choàng tỉnh giấc lúc nửa đêm. Staffan vẫn ngủ say bên cạnh bà. Đôi khi bà bị cảm giác đói bụng bất ngờ đánh thức dậy.

    Bà đi xuống dưới bếp, pha một cốc trà đen và làm một vài lát bánh mì quệt bơ.

    Mấy tờ báo buổi chiều còn nằm trên bàn ăn. Bà lơ đãng lật các trang báo. Dù bà không có thói quen mua báo, nhưng lại đọc chúng, nếu như tiện tay. Thật khó mà hình dung được rõ ràng những gì đã xảy ra ở Hälsingland. Nhưng với số lượng nạn nhân như vậy thì đúng là một cuộc thảm sát dã man.

    Bà giật mình khi vừa định gấp tờ báo lại. Trong số các nạn nhân có nhiều người mang họ Andrén. Bà đọc kỹ bài báo lại một lần nữa, rồi lại giở các tờ báo buổi chiều khác. Ở trong đó cũng tương tự như vậy.

    Birgitta Roslin trân trân nhìn vào trang báo. Lẽ nào đây lại là sự thật? Hay là bà không nhớ kỹ? Bà đi sang phòng làm việc, lấy từ trong ngăn kéo ra một chồng tài liệu được cột chặt bằng một dải lụa đỏ. Bà bật đèn bàn và mở cặp tài liệu ra. Bà không tìm thấy kính của mình nên phải dùng tạm kính của Staffan. Tuy không rõ bằng nhưng bà vẫn có thể đọc được.

    Trong cặp này bao gồm tất cả những giấy tờ có liên quan đến cha mẹ bà mà bà đã thu thập được. Mẹ của bà qua đời cũng đã hơn mười lăm năm nay, bị ung thư lá lách và qua đời sau ba tháng phát bệnh.

    Cuối cùng Birgitta Roslin cũng tìm thấy tấm ảnh mình cần trong chiếc phong bì màu nâu. Bà cầm kính lúp soi kỹ vào bức ảnh chụp một vài người ăn mặc quần áo kiểu cổ đứng trước một ngôi nhà.

    Bà cầm theo tấm ảnh đi sang phòng bếp. Trong một tờ báo có in bức ảnh chụp toàn cảnh ngôi làng nơi xảy ra thảm kịch. Bà chú ý quan sát tấm ảnh qua kính lúp. Bà dừng lại ở ngôi nhà thứ ba và bắt đầu so sánh hai tấm ảnh với nhau.

    Cuối cùng bà tin rằng ký ức đã không lừa dối bà. Đó không phải là một ngôi làng chung chung nào đó bỗng nhiên bị cái ác bất thình lình tấn công. Đó chính là ngôi làng nơi mà mẹ bà đã lớn lên. Tất cả đều đúng. Tuy hồi còn bé mẹ bà mang họ Lööf, nhưng vì cha mẹ ruột của bà ấy đều suy nhược và nghiện rượu nên người ta đã đưa mẹ bà đến gia đình Andrén làm con nuôi. Mẹ ít khi kể về thời gian này. Mẹ được đối xử và chăm sóc tốt, nhưng lúc nào cũng nhớ đến cha mẹ ruột của mình. Họ đã chết trước khi mẹ bước sang tuổi mười lăm. Vậy là mẹ ở lại trong ngôi làng đó cho tới lúc người ta cho rằng bà đã đủ lớn để tìm việc làm và tự đứng trên đôi chân của mình. Khi mẹ gặp cha của Birgitta, cái họ Lööf và Andrén đã biến mất. Vậy mà lúc này, một trong hai họ ấy đã quay trở lại với sức mạnh trọn vẹn của nó.

    Tấm ảnh lưu lại trong số giấy tờ của mẹ bà được chụp trước một ngôi nhà trong làng, nơi xảy ra vụ thảm sát. Mặt tiền ngôi nhà với khung cửa sổ có những họa tiết chạm khắc trang trí bằng gỗ trong bức ảnh cũ này hoàn toàn giống như bức ảnh được in trong báo.

    Không còn nghi ngờ gì nữa. Trong ngôi nhà, nơi mẹ bà trải qua tuổi thơ của mình đã có những người bị giết chết cách đây một vài đêm. Liệu những người bị giết đó có phải là cha mẹ nuôi của mẹ bà hay không? Báo chí đã viết rằng nạn nhân phần lớn là người già.

    Bà tính thử liệu có khả năng như vậy không, và đến với kết quả là cha mẹ nuôi của mẹ bà nếu còn sống đến bây giờ đã trên chín mươi tuổi. Như vậy có thể là đúng. Nhưng cũng có thể là thế hệ sau này.

    Bà rùng mình với ý nghĩ này. Bà ít khi nghĩ đến cha mẹ mình. Thậm chí phải cố gắng lắm bà mới có thể hồi tưởng khuôn mặt của mẹ. Còn lúc này, quá khứ lại ùa về với bà.

    Staffan đi vào bếp. Lúc nào ông cũng đi rất nhẹ nhàng.

    – Anh làm em giật mình, bà nói, em không nghe thấy tiếng anh đến.

    – Sao em lại thức dậy?

    – Em đói bụng.

    Ông nhìn vào đống giấy tờ trên bàn. Càng kể cho ông nghe bao nhiêu về những gì mình nghĩ, bà lại càng tin rằng nó đúng là như thế.

    – Tuy vậy nó cũng tương đối xa rồi, ông nói khi bà dừng kể. Nó là một sợi chỉ mỏng manh buộc em vào với ngôi làng này.

    – Mỏng manh, nhưng đầy ý nghĩa. Anh phải thừa nhận với em như vậy.

    – Bây giờ em nên đi ngủ. Hãy nghĩ rằng ngày mai em cần phải tỉnh táo, nếu như muốn tống những kẻ phạm tội vào tù.

    Bà còn nằm thức rất lâu, sợi chỉ mỏng manh cứ kéo dài ra cho tới khi có nguy cơ bị đứt. Bà lại giật mình trong lúc nửa ngủ nửa thức và nghĩ đến mẹ mình. Mẹ bà mất cách đây hơn mười lăm năm, nhưng bà vẫn rất khó khăn mới tự nhìn thấy mình trong mẹ, mới vun đắp được những ký ức mình có về mẹ.

    Cuối cùng bà cũng ngủ thiếp đi và chỉ thức dậy khi Staffan với mái tóc còn ướt đứng bên giường và mặc quần áo đồng phục. "Anh là ông tướng của em," ông thường hay nói với bà như vậy. Trong tay không có súng, mà chỉ có chiếc bút chì dùng để viết thông báo vi phạm.

    Bà vẫn giả đò ngủ và chờ cho tới khi nghe thấy tiếng cánh cửa sập lại. Rồi bà đứng dậy, ngồi vào bên máy tính trong phòng làm việc. Bà tìm thông tin trên các trang web khác nhau. Sự việc xảy ra ở Hälsingland xem ra vẫn tiếp tục khó hiểu. Điều rõ ràng duy nhất mà người ta được biết là hung khí rất có thể là một con dao to hoặc một thanh kiếm.

    Mình cần phải biết nhiều hơn về sự việc này, bà nghĩ. Ít ra cũng phải biết được liệu trong số người bị giết chết đó có bố mẹ nuôi của mẹ mình không.

    Đến tám giờ, bà không nghĩ đến vụ thảm sát nữa. Ngày hôm nay bà phải xử vụ hai người Iran đưa người vượt biên trái phép.

    Mười giờ, bà sắp xếp mọi giấy tờ của mình, lật giở các trang trong hồ sơ điều tra sơ bộ, và ngồi vào ghế thẩm phán. Hãy giúp tôi lúc này, ông bạn già Anker, để tôi vượt qua được ngày hôm nay, bà thầm nghĩ.

    Rồi bà gõ nhẹ chiếc búa lên mặt bàn và yêu cầu công tố viên đọc cáo trạng.

    Phía sau bà là những khung cửa sổ cao. Trước khi ngồi xuống, bà nhìn thấy mặt trời đang xuyên qua những đám mây nặng nề đêm qua đã kéo qua bầu trời Thụy Điển.
     
    Khánh Đoan, Libra1110Aquafina thích bài này.
  9. Nyanko

    Bài viết:
    380
    6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai ngày sau, khi kết thúc phiên tòa, Birgitta Roslin đã biết bản án sẽ như thế nào. Abdul Ibn-Yamed, người đàn ông lớn tuổi hơn, đứng đầu đường dây đưa người, sẽ lãnh án ba năm hai tháng tù. Người đàn ông ít tuổi hơn, Yassir al-Habi, bị tuyên án một năm tù. Cả hai sau khi thụ án xong sẽ bị trục xuất.

    Bà so sánh những bản án trước đây trong các trường hợp tương tự và không thể đi đến cách đánh giá nào khác: đây là một tội nghiêm trọng. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc là đúng đắn. Nhiều người được đưa vào Thụy Điển bị đe dọa, bị ngược đãi nếu như họ không trả khoản tiền làm giấy tờ nhập cảnh giả và các chi phí khác cho chuyến đi. Birgitta cảm thấy ghê tởm đối với bị cáo lớn tuổi hơn. Bằng những lý lẽ giàu tình cảm ông ta van xin bà và công tố viên rồi quả quyết rằng không bao giờ giữ riêng cho mình một đồng nào trong số tiền của những người lánh nạn, mà chỉ quyên góp số tiền đó cho các mục đích từ thiện ở quê hương mình. Trong lúc nghỉ giải lao giữa phiên xử, công tố viên đã đến uống cà phê trong phòng của bà. Ông ta như tiện mồm nhắc đến việc đã nhìn thấy Adbul Ibn-Yamed phóng lung tung khắp mọi nơi với chiếc xe Mercedes gần một triệu krona.

    Thủ tục kiện tụng trong tòa án rất căng thẳng và mệt nhọc. Ngày như kéo dài, bà hầu như chẳng còn có thể làm được việc gì khác ngoài ăn, ngủ, nghiên cứu ghi chép của mình, trước khi lại phải ngồi lên chiếc ghế thẩm phán. Hai đứa con gái sinh đôi của bà gọi điện bảo bà đến Lund với chúng nó, nhưng bà đâu có thời gian. Sau vụ những kẻ đưa lậu người, lại một mớ bòng bong hầu như không gỡ ra được đang chờ bà - đó là mấy tay lừa đảo thẻ tín dụng người Rumani.

    Vào lúc này bà không còn có thể tiếp tục theo dõi được những gì đang diễn ra ở Hälsingland nữa. Sáng sáng bà giở qua các tờ báo, buổi tối thì đã quá mệt mỏi, đến mức không còn có thể xem chương trình thời sự trên ti vi được nữa.

    Vào buổi sáng, giữa lúc chuẩn bị cho phiên xử mấy tay lừa đảo người Rumani, bà phát hiện trong lịch làm việc của mình có ghi hẹn thăm khám ở chỗ bác sĩ gia đình. Đây là cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Bà nghĩ không biết có nên lui hẹn này lại hai tuần nữa hay không. Ngoài việc thấy mệt mỏi, thiếu tập trung trong công việc và đôi khi cảm thấy hoang mang lo sợ, bà không nghĩ rằng mình bị bệnh. Bà vẫn sinh hoạt đều đặn, không hề bị cảm lạnh. Nhưng bà quyết định không gọi điện xin hoãn lại, mà giữ đúng hẹn khám.

    Phòng mạch nằm không xa nhà hát thành phố. Bà không dùng xe mà đi bộ đến đó. Trời không có gió, lạnh và trong veo. Đợt tuyết rơi mấy ngày trước đến nay đã bắt đầu tan. Bà dừng lại trước một tủ kính bày hàng, ngắm nhìn bộ trang phục phụ nữ. Cái giá của nó làm bà giật mình. Với số tiền đó bà có thể mua được mấy chai rượu nho loại ngon.

    Trên trang nhất tờ báo để trên bàn trong phòng chờ có đăng tin mới về vụ thảm sát ở Hälsingland. Bà chưa kịp đọc đã được gọi vào phòng khám. Bác sĩ là một người đàn ông đã nhiều tuổi làm cho bà nhớ đến những nét ở ông thẩm phán vừa là sếp vừa là đồng nghiệp trước đây của bà. Bà đến khám bệnh ở chỗ ông đã được hơn mười năm nay qua một đồng nghiệp giới thiệu. Ông hỏi bà thấy trong người thế nào, có được khỏe không, có hay bị đau thắt cơ không, và sau khi nghe bà trả lời, ông bảo bà sang phòng cô y tá để lấy mẫu máu. Xong việc bà trở lại phòng chờ. Tờ báo vừa rồi đã có một bệnh nhân mới đến đang cầm đọc. Birgitta Roslin nhắm mắt lại chờ đợi. Bà nghĩ đến gia đình mình, cố gắng hình dung xem mỗi người đang làm gì vào lúc này, hoặc ít ra thì cũng đang ở đâu. Staffan đang có mặt trên con tàu chạy về Hallsberg. Ông ấy sẽ về nhà muộn. David đang làm việc trong phòng thí nghiệm ở AstraZeneca gần Göteborg. Còn Anna hiện đang có mặt ở đâu thì thật khó nói. Theo như lần cuối bà nhận được tin tức của con gái đã cách đây vài tháng thì nó đang ở Nepal. Hai cô con gái song sinh thì đang ở Lund và mong muốn bà đến thăm chúng.

    Bà thiu thiu ngủ thiếp đi và giật mình tỉnh dậy khi cô y tá giúp việc bác sĩ vỗ nhẹ lên vai bà.

    – Bà có thể vào phòng của bác sĩ.

    Mình đâu đã kiệt sức đến mức phải ngủ gật trong phòng đợi, Birgitta Roslin thầm nghĩ khi đi vào phòng bác sĩ rồi ngồi xuống ghế.

    – Kết quả xét nghiệm máu của bà không hoàn toàn ổn, ông bác sĩ lên tiếng. Số lượng hồng cầu quá thấp. Chúng ta có thể tìm cách khắc phục nó bằng thuốc bổ sung sắt.

    – Sau đó nghĩa là tôi sẽ không bị thiếu hồng cầu nữa? Và ngoài vấn đề này ra, tôi không sao chứ?

    – Tính đến giờ, tôi đã theo dõi bà được nhiều năm. Trên khuôn mặt bà, người ta có thể nhận thấy rất rõ cảm giác mệt mỏi mà bà có nhắc đến, xin thứ lỗi vì tôi nói thẳng như vậy.

    – Ông nói vậy nghĩa là thế nào?

    – Huyết áp của bà quá cao. Có lẽ bà đã làm việc quá sức. Bà ngủ có ngon giấc không?

    – Tôi nghĩ là có, nhưng thường hay bị thức giấc.

    – Cảm giác chóng mặt?

    – Không.

    – Sợ sệt?

    – Vâng.

    – Thường xuyên?

    – Đôi khi thậm chí tôi bị hoảng loạn. Lúc đó tôi phải tựa người vào tường, vì tôi nghĩ nếu không làm thế sẽ ngã mất. Hoặc có thể trái đất này sẽ sụp đổ.

    – Tôi sẽ viết giấy nghỉ ốm cho bà. Bà cần phải được nghỉ ngơi. Các chỉ số của bà cần phải được tốt hơn, nhất là huyết áp phải được ổn định. Điều này chúng tôi cần phải kiểm tra kỹ hơn.

    – Ông không thể viết giấy nghỉ ốm cho tôi được. Tôi còn quá nhiều việc phải làm.

    – Chính vì lẽ đó đấy.

    Bà nhìn ông dò hỏi:

    – Nghiêm trọng đến thế sao?

    – Đủ để phải điều trị.

    – Tôi có cần phải lo ngại không?

    – Nếu như bà không làm theo những gì tôi nói, thì có đấy. Trường hợp khác thì không.

    Vài phút sau, Birgitta Roslin đã ở trên phố và ngạc nhiên nghĩ mình không được làm việc trong hai tuần tới. Ông bác sĩ đã khiến cuộc sống của bà bị xáo trộn theo cách đầy bất ngờ.

    Bà đến nơi làm việc và nói chuyện với Hans Mattsson, cấp trên của mình. Họ cùng nhau tìm được một giải pháp, cách giải quyết với hai phiên tòa mà Birgitta Roslin phải tiến hành. Sau đó, bà nói chuyện với nữ thư ký của mình, gửi đi vài bức thư còn đang đợi, rồi bà đến hiệu thuốc và trở về nhà.

    Bà ăn bữa trưa rồi sau đó ngồi xuống ghế sofa, lấy báo ra đọc. Đã hơn bốn ngày mà vẫn chưa thấy đăng tên của những người chết ở Hesjövallen. Một cảnh sát hình sự có tên là Sundberg lên tiếng kêu gọi cộng đồng cung cấp cho cảnh sát bằng chứng. Cho đến nay, người ta vẫn chưa có được những dấu vết cụ thể. Dù khó có thể tin được nhưng đến giờ người ta vẫn cho rằng không có nhiều thủ phạm tham gia vụ thảm sát này.

    Ở một đoạn khác là ý kiến của một công tố viên tên là Robertsson. Cuộc điều tra được tiến hành trên diện rộng và khách quan. Cảnh sát Hudiksvall yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan trung ương và đã nhận được sự hỗ trợ.

    Robertsson gây một ấn tượng chắc thắng: "Chúng tôi sẽ bắt được kẻ gây án. Chúng tôi không đầu hàng."

    Bài báo tiếp theo nói về nỗi sợ hãi đang lan rộng trong các khu rừng Hälsingland. Ở vùng này, có nhiều làng ít người sinh sống. Nghe nói mọi người ở đó đã sắm vũ khí, nuôi chó, lắp đặt thiết bị báo động và chặn cửa bằng chướng ngại vật.

    Birgitta Roslin đặt tờ báo sang bên cạnh. Ngôi nhà trống trải, lặng im. Cảnh nhàn rỗi bất ngờ của bà như đến từ cõi hư vô. Bà đi xuống hầm lấy lên một cuốn catalog rượu vang. Bà đặt qua mạng một thùng Barolo Arione đã chọn. Thực ra đối với bà đây cũng là một khoản tiền lớn, nhưng bà muốn tự cho phép mình hưởng thụ một chút. Sau đó bà dự định dọn dẹp nhà cửa, việc mà bà hầu như không đủ thời gian để làm. Nhưng khi lấy máy hút bụi ra, bà lại nghĩ khác. Bà ngồi xuống bên bàn bếp suy nghĩ mình nên làm gì. Bà được nghỉ ốm mà lại không ốm thật. Bác sĩ đã kê đơn cho bà ba loại thuốc viên khác nhau để hạ huyết áp và cải thiện các chỉ số. Bà phải thừa nhận rằng bác sĩ đã thấy vấn đề của bà rõ hơn là bà dám tự thân nhìn nhận. Thực sự bà không còn cách xa hội chứng suy nhược trầm trọng là mấy. Việc ngủ không ngon giấc, cảm giác sợ hãi hoảng loạn đôi khi tấn công bà rất có thể sẽ có lần xuất hiện khi bà đang ngồi trên ghế thẩm phán: gây ra cho bà những vấn đề lớn hơn là những gì cho đến nay bà thừa nhận.

    Birgitta Roslin nhìn mấy tờ báo nằm trên bàn và tiếp tục nghĩ đến mẹ và thời trẻ của bà ấy. Bỗng nhiên một ý nghĩ đến với bà. Bà kéo máy điện thoại về phía mình rồi gọi đến sở cảnh sát đề nghị cho nối máy nói chuyện với thanh tra Hugo Malmberg. Hai người quen biết nhau đã nhiều năm nay.

    Birgitta Roslin nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng của ông trong ống nghe. Một khi người ta hình dung ra cảnh sát thường gắt gỏng như thế nào thì thật sự Hugo Malmberg không phù hợp với sự chờ đợi. Ông giống như người đã về hưu, ngồi trên ghế băng cho chim ăn hơn là một cảnh sát.

    Bà hỏi thăm sức khỏe của ông và muốn biết ông có thời gian gặp bà một chút hay không.

    – Về vụ nào vậy?

    – Chẳng vụ nào cả. Ít ra thì cũng không phải là vụ liên can đến chúng ta. Vấn đề chỉ ở chỗ, anh có thời gian không?

    – Một cảnh sát nghiêm túc với nghề nghiệp và nói có thời gian thì có nghĩa là anh ta nói dối. Nhưng khi nào thì chị qua chỗ tôi được?

    – Tôi sẽ đi bộ từ nhà đến chỗ anh. Khoảng một tiếng đồng hồ nữa.

    – Tôi chờ chị.

    Khi Birgitta Roslin bước vào phòng làm việc của Hugo Malmberg, thì cũng là lúc ông đang nói chuyện điện thoại. Ông ra hiệu cho bà ngồi. Bà nghe cuộc trao đổi của ông liên quan đến vụ đánh người gây thương tích xảy ra vào ngày hôm qua. Có thể vào một lúc nào đó vụ này sẽ "hạ cánh" ở chỗ mình cũng nên, bà thầm nghĩ. Chừng nào mình uống hết các viên sắt, huyết áp tụt xuống và mình lại có thể làm việc.

    Cuộc điện thoại kết thúc. Hugo Malmberg vui vẻ cười với bà:

    – Chị uống cà phê nhé?

    – Tốt hơn là không.

    – Chị nói thế là thế nào?

    – Cà phê ở sở cảnh sát chỗ anh chắc cũng chẳng ngon nghẻ gì như ở chỗ chúng tôi.

    Ông đứng dậy:

    – Chúng ta sang bên phòng họp, ông nói. Ở đây, điện thoại réo không ngừng. Giống như mọi cảnh sát Thụy Điển khác, tôi cũng có cảm giác rằng chỉ có mình tôi là thực sự làm việc.

    Hai người ngồi vào bên chiếc bàn bầu dục, trên đó còn ngổn ngang đủ loại cốc uống nước bằng giấy bồi và vỏ chai nhựa. Malmberg lắc đầu vẻ không tán thành.

    – Mọi người không bao giờ thu dọn sạch sẽ khi họ rời khỏi phòng họp. Người ta ngồi trao đổi công việc, họp hành với nhau và sau đó thì bỏ lại tất cả mọi thứ không còn dùng đến nữa ở trên bàn. Nào, tôi có thể giúp gì chị đây?

    Birgitta Roslin kể lại cho ông nghe về phát hiện của mình, rằng hình như có một mối liên hệ lờ mờ nào đó giữa bà với vụ thảm sát mới xảy ra.

    – Tóm lại là tôi tò mò, bà nói. Qua báo chí và truyền hình, người ta chỉ được biết có nhiều người bị chết và cảnh sát chưa lần ra được dấu vết nào.

    – Tôi phải thú nhận rằng tôi thấy mừng vì không phải làm nhiệm vụ ở đó. Sự kiện này thật khủng khiếp đối với những đồng nghiệp của tôi ở đó. Chưa bao giờ tôi được nghe về một vụ tương tự như vậy. Sẽ ầm ĩ đấy. Đây là vụ lớn, chỉ xếp sau vụ thủ tướng Palme bị sát hại.

    – Anh có biết gì hơn những điều báo chí đã đưa tin không?

    – Có lẽ ở đất nước này, không có một cảnh sát nào lại không muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi trao đổi với nhau về vụ này trong hành lang. Mọi người ai cũng có giả thuyết riêng. Đó là một chuyện huyễn hoặc mà cảnh sát chúng tôi không tưởng tượng ra được một cách hợp lý và theo nguyên tắc. Lập tức chúng tôi bắt đầu phỏng đoán cái gì đã xảy ra.

    – Còn anh tin vào cái gì?

    Ông nhún vai và ngẫm nghĩ một lúc trước khi trả lời.

    – Tôi không biết nhiều hơn chị. Đó là nhiều người chết, là tàn bạo. Nhưng không một thứ gì bị lấy đi, nếu như tôi nhìn nhận đúng. Có thể một kẻ bệnh hoạn đã làm chuyện này. Về những gì ẩn sau sự điên khùng ấy, người ta chỉ có thể phỏng đoán. Tôi cho rằng các đồng nghiệp ở trên đó đang tìm kiếm trong bọn bạo hành nổi tiếng có kẻ nào mắc chứng rối loạn tâm thần hay không. Chắc chắn họ đã có liên lạc với Interpol hoặc Europol để giúp tìm ra dấu vết. Nhưng việc này sẽ mất thời gian. Ngoài ra tôi hoàn toàn không biết gì nữa.

    – Anh quen biết nhiều cảnh sát trong nước. Anh có quan hệ với người nào trên Hälsingland không? Một ai đó mà tôi có thể gọi điện thoại đến được?

    – Tôi đã có lần gặp sếp của họ, Malmberg nói. Một người có tên là Ludwig. Nói thật là anh ta không gây cho tôi một ấn tượng nào đặc biệt. Chị cũng biết là tôi hay hoài nghi những công chức cảnh sát chưa bao giờ có mặt ở hiện trường. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ gọi điện và hỏi han anh ta.

    – Tôi hứa sẽ không quấy rầy ai một cách không cần thiết. Tôi chỉ muốn biết, có phải bố mẹ nuôi của mẹ tôi đã chết không, hay đó là con của họ. Hoặc tôi đã hoàn toàn nhầm lẫn.

    – Đó là một lý do hợp lý. Tôi sẽ xem mình có thể làm được gì. Còn bây giờ chị phải thứ lỗi cho tôi. Tôi có một cuộc thẩm cung không mấy vui vẻ với một gã bạo hành.

    Buổi tối bà kể cho Staffan nghe chuyện đã xảy ra. Ông vồn vã bảo rằng bác sĩ đã làm đúng và có lẽ bà nên hưởng thụ một chuyến du lịch về phương Nam. Sự thiếu quan tâm của ông làm cho bà thấy tủi thân. Nhưng bà không hề nói gì.

    Hôm sau, ngay trước bữa trưa, lúc Birgitta Roslin ngồi bên máy tính, nhấn chuột tìm các mục mời chào du lịch, thì nghe có tiếng chuông điện thoại.

    – Tôi đã có một cái tên cho chị, Hugo Malmberg nói. Đó là Sundberg, một nữ thanh tra hình sự.

    – Tôi đã đọc thấy cái tên này trong các báo. Nhưng tôi không biết đó lại là một phụ nữ.

    – Tên của bà ấy là Vivian, gọi tắt là Vivi. Ludwig bảo sẽ nói cho bà ấy biết tên của chị để bà ấy biết chị là ai, một khi chị gọi điện thoại đến. Tôi có số điện thoại rồi.

    – Tôi ghi đây.

    – Tôi đã hỏi công việc của họ tiến triển ra sao. Họ vẫn chưa có được dấu vết nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ này có liên quan đến một kẻ điên khùng. Ludwig đã nói như vậy.

    Bà nhận ra vẻ hoài nghi của Malmberg trong câu nói cuối cùng.

    – Nhưng anh không tin Ludwig?

    – Tôi hoàn toàn không tin. Nhưng tối hôm qua tôi đã lục lọi trên mạng. Trong vụ này có một cái gì đó rất kỳ lạ.

    – Anh nói cái gì lạ là sao?

    – Nó đã được lên kế hoạch rất chu đáo.

    – Ngay cả những kẻ điên khùng vẫn có thể chuẩn bị rất tốt cho các tội ác của chúng.

    – Tôi không muốn nói như vậy. Đúng ra đây chỉ là cảm giác của tôi: theo một cách nào đấy, mọi chuyện quá điên, nên khó có thể là thật được. Nếu như ở vị trí của họ, tôi sẽ suy nghĩ về điều này, liệu hung thủ có tìm cách ngụy trang hành động của mình như là hành động của một kẻ điên không.

    – Thế là thế nào?

    – Tôi không biết. Chẳng phải chị là người sẽ gọi điện báo cho họ biết chị là người nhà của một trong những gia đình nạn nhân đó hay sao?

    – Cảm ơn sự giúp đỡ của anh. À, có thể tôi sẽ đi xuống phía Nam. Anh đã có lần nào đến Tenerife chưa?

    – Chưa bao giờ. Chúc chị may mắn!

    Birgitta Roslin lập tức gọi điện vào số máy mà bà đã ghi lại. Hộp thư trả lời tự động yêu cầu người gọi để lại tin nhắn. Bà bắt đầu cảm thấy không yên. Bà lại cầm lấy máy hút bụi mà không quyết định nổi mình có bắt tay vào dọn dẹp hay không. Bà trở lại bên chiếc máy tính và sau khoảng một tiếng đồng hồ, bà quyết định đi Tenerife, khởi hành hai ngày sau ở Copenhagen. Bà lục ra tập bản đồ thời học trò và bắt đầu e dè mơ đến biển xanh cùng nho Tây Ban Nha.

    Có lẽ mình cần đến những thứ đó, bà thầm nghĩ. Một tuần lễ không có Staffan, không có các bản án, không có cả những ngày làm việc trong tuần. Mình không có tài trong việc phân tích nội tâm, nhưng đến tuổi này rồi, mình cũng có khả năng nhìn nhận khá rõ về bản thân để biết nó khiếm khuyết ở đâu và thay đổi hướng đi như thế nào. Khi còn trẻ, mình thường mơ mộng sẽ là người phụ nữ đầu tiên giong thuyền buồm đi vòng quanh thế giới. Ước mơ này không thực hiện được. Nhưng bất luận thế nào, mình vẫn còn nhớ được một vài khái niệm hàng hải và biết cách cho con thuyền của mình lách qua những luồng hẹp. Có thể mình cần đến một vài ngày ngược xuôi trên eo Oresund hoặc qua một bãi biển ở Tenerife để tự hỏi xem liệu có phải tuổi già đã đến hay mình vẫn có thể tự thoát khỏi đầm lầy. Mình đã vượt qua thời kỳ mãn kinh nhưng mình không rõ chuyện gì đang xảy ra với mình lúc này. Mình sẽ cố tìm ra nó. Nhưng trước hết mình phải biết, liệu huyết áp của mình, những cơn sợ hãi của mình có liên quan đến Staffan hay không. Chuyện này không thể kéo dài lâu hơn nữa, nhất thiết cả hai cùng phải đưa cuộc sống vợ chồng ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.

    Bà lập tức bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Vì gặp khó khăn trong việc đăng ký trực tuyến, nên bà gửi qua email tên tuổi, số điện thoại và nơi mình định đến. Lập tức bà nhận được trả lời: Trong vòng một tiếng đồng hồ nữa, sẽ có người liên lạc với bà.

    Một tiếng đồng hồ sắp qua thì điện thoại của bà đổ chuông. Nhưng đó không phải là cuộc điện thoại của văn phòng du lịch.

    – Tôi là Vivi Sundberg. Tôi muốn nói chuyện với bà Birgitta Roslin.

    – Tôi đây.

    – Tôi được thông báo cho biết về bà. Nhưng tôi không biết chính xác là bà muốn hỏi về việc gì. Như bà có thể hình dung ra, ở đây chúng tôi có nhiều việc phải làm. Bà là thẩm phán?

    – Đúng vậy. Tôi xin nói ngắn gọn. Mẹ của tôi, bà đã qua đời từ lâu, được một gia đình mang họ Andrén nhận làm con nuôi. Tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh cho thấy mẹ tôi từng sống trong một ngôi nhà ở nơi xảy ra vụ thảm sát.

    – Tôi không phụ trách việc báo tin cho người thân của nạn nhân. Tôi đề nghị bà nói chuyện với ông Erik Huddén.

    – Nhưng trong làng có những người mang họ Andrén phải không?

    – Thực tế gia đình Andrén là gia đình lớn nhất trong làng.

    – Tất cả đã chết ư?

    – Về việc này tôi không trả lời bà được. Bà có biết tên riêng cha mẹ nuôi của mẹ bà không?

    Cặp đựng giấy tờ ở ngay bên cạnh Roslin. Bà mở ra và bắt đầu tìm trong đó.

    – Tôi không thể chờ được, Vivi Sundberg nói. Bà hãy gọi lại khi nào tìm thấy tên của họ.

    – Tôi đã thấy rồi. Brita và August Andrén. Họ hẳn đã ngoài chín mươi. Có thể là chín mươi lăm tuổi.

    Một lúc sau, Sundberg mới trả lời. Birgitta Roslin nghe có tiếng giấy sột soạt.

    – Tôi đã có tên của họ, đáng tiếc là cả hai người đã chết. Người lớn tuổi hơn năm nay chín mươi sáu. Tôi đề nghị bà không cung cấp thông tin này cho báo chí.

    – Vì sao tôi lại phải làm việc đó?

    – Bà là thẩm phán. Hẳn bà biết đôi khi sự việc sẽ diễn biến như thế nào. Và tại sao tôi lại đề nghị bà như vậy.

    Birgitta Roslin biết rất rõ điều ấy. Bà thường hay nói chuyện với các đồng nghiệp của mình về việc họ hãn hữu hoặc không bao giờ bị các nhà báo quấy rầy, vì cánh nhà báo hầu như không tính đến khả năng nhận được từ các thẩm phán những thông tin cần phải giữ bí mật.

    – Thế cuộc điều tra tiến triển đến đâu rồi? Birgitta đánh liều hỏi.

    – Tất cả chúng tôi đáng tiếc đều không có thời gian để trả lời từng câu hỏi của cá nhân bà. Ở đây, chúng tôi đang bị các cơ quan truyền thông đại chúng bao vây. Nhiều người không tôn trọng lấy một lần đến rào cản của chúng tôi. Thậm chí hôm qua chúng tôi còn thấy một người đàn ông cầm máy ảnh trong một ngôi nhà ở đây. Đề nghị bà liên hệ với ông Huddén, bà có thể gọi điện đến Hudiksvall để gặp được ông ấy.

    Giọng nói của Vivi Sundberg nghe ra đã có vẻ hết kiên nhẫn và bực bội. Birgitta Roslin hiểu được tâm trạng của Vivi. Bà nhớ lại lời nói của Hugo Malmberg rằng ông biết ơn vì mình không nằm ở trung tâm của cuộc điều tra.

    – Cảm ơn bà đã gọi điện cho tôi. Tôi sẽ không tiếp tục quấy rầy bà nữa.

    Cuộc trao đổi kết thúc. Birgitta Roslin nghĩ lại những điều mình đã nói. Bây giờ bà đã chắc chắn được rằng bố mẹ nuôi của mẹ bà nằm trong số những người bị giết hại. Bà cũng như người thân của những nạn nhân khác cần phải kiên nhẫn, trong khi cảnh sát làm việc.

    Bà suy nghĩ không biết có nên gọi điện đến sở cảnh sát ở Hudiksvall để liên hệ với người đàn ông có tên là Erik Huddén hay không. Nhưng liệu người đó có thể cho bà biết thêm được gì khác? Bà quyết định từ bỏ ý định này. Thay vì thế, bà bắt đầu đọc kỹ những giấy tờ của bố mẹ để trong chiếc cặp bìa giấy cứng. Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ lần cuối bà mở nó ra. Trong cặp này có những tài liệu mà thậm chí bà còn chưa đọc.

    Bà phân loại giấy tờ trong cặp ra làm ba chồng. Một chồng gồm những chuyện của người cha đã yên nghỉ trong vịnh Gävle. Dưới làn nước lợ của biển Baltic, hài cốt của ông không bị phân hủy ngay, nó nằm đâu đó dưới đáy biển, trong bùn đất. Chồng thứ hai đề cập đến cuộc sống chung của cha mẹ, trước và sau khi bà ra đời. Cuối cùng, còn lại xấp dày nhất nói về Gerda Lööf, người con gái sau này mang họ Andrén. Bà từ từ đọc qua hết những ghi chép này. Khi đọc đến những tài liệu nói về thời gian mẹ trở thành con nuôi của gia đình Andrén, bà đọc chậm hơn. Nhiều trang giấy đã úa vàng, thậm chí soi kính lúp vẫn thấy khó đọc.

    Bà lấy ra một cuốn sổ, ghi lại những cái tên và ngày tháng.Bà được sinh ra vào năm 1948. Ngày đó mẹ của bà mới mười tám tuổi. Trong số giấy tờ này bà cũng tìm thấy ngày sinh của August và Brita. Bà Brita sinh vào tháng Tám năm 1909, còn ông August sinh vào tháng Mười hai năm 1910. Như vậy, khi hai người ở tuổi hai mươi mốt và hai mươi hai, thì Gerda ra đời và làm con nuôi của họ khi họ gần ba mươi tuổi.

    Bà hoàn toàn không phát hiện được điều gì cho thấy họ đã sống ở Hesjövallen, nhưng tấm ảnh mà bà so sánh lại một lần nữa với tấm ảnh in trong báo đã thuyết phục bà. Nó không thể là một sự nhầm lẫn được.

    Bà bắt đầu nhìn kỹ những người đứng thẳng và cứng đơ tạo dáng để chụp trong tấm ảnh. Trong đó có hai người còn trẻ, một đàn ông và một đàn bà, đứng hơi chếch sang một bên, bên cạnh là một cặp đã có tuổi đứng ở giữa. Phải chăng đó là Brita và August? Phía sau tấm ảnh không có ghi chú cũng không ghi ngày tháng. Bà tìm cách xác định tấm ảnh được chụp khi nào. Những bộ quần áo họ mặc trên người nói lên được điều gì? Những người trong tấm ảnh ăn mặc rất diện, nhưng họ sống ở nông thôn, nơi một bộ com lê theo con người ta suốt cả cuộc đời.

    Bà gạt tấm ảnh sang một bên rồi tiếp tục đọc các bức thư và các tài liệu khác. Năm 1942, Brita được đưa đến bệnh viện ở Hudiksvall vì bệnh đau dạ dày. Gerda viết thư cho bà, chúc bà chóng khỏi bệnh. Ngày đó Gerda mới mười hai tuổi, chữ viết còn cứng. Một vài câu viết sai, bên lề bức thư được trang trí một bông hoa cánh không đều.

    Birgitta Roslin xúc động khi thấy bức thư này và ngạc nhiên vì sao trước đây mình chưa từng nhìn thấy nó. Nó được kẹp trong một bức thư khác. Nhưng vì sao bà lại chưa khi nào mở nó ra? Phải chăng vì nỗi buồn sau cái chết của Gerda mà một thời gian rất lâu bà không muốn động đến bất cứ một cái gì có thể gợi nhớ tới mẹ?

    Bà ngả người tựa ra sau ghế và nhắm mắt lại. Bà biết ơn mẹ về tất cả. Gerda, bản thân chưa từng học hết chương trình tiểu học, đã không mệt mỏi thúc đẩy con gái mình tiếp tục học hết đại học. Bây giờ đến lượt chúng ta, mẹ bà đã nói vậy. Bây giờ đã đến lúc con cái của giai cấp công nhân có cơ hội theo học ở các trường đại học. Điều này Birgitta Roslin đã làm được. Đó là trong những năm 1960, cách đó không lâu, chỉ có con cái các gia đình tư sản mới vào được các trường đại học. Giao du với các nhóm cánh tả cấp tiến đã trở thành một điều hiển nhiên với bà. Người ta sống không chỉ để hiểu, mà còn để thay đổi.

    Bà lại mở mắt. Sự việc diễn biến không như mình nghĩ, bà tự nhủ. Tuy đã trở thành luật gia, nhưng mình đã từ bỏ quan điểm cấp tiến của mình mà không thực sự biết vì sao. Ngay cả bây giờ, khi đã gần sáu mươi, bà cũng chưa một lần dám tự hỏi cuộc đời mình đã thành ra thế nào rồi.

    Bà lại xem tiếp tài liệu. Đây lại là một bức thư nữa. Chiếc phong bì màu xanh nhạt đã bạc màu được đóng dấu bưu điện Mỹ. Những dòng chữ rất nhỏ được viết kín trên tờ giấy mỏng. Bà xoay đèn bàn rọi lên bức thư cho sáng và bắt đầu đọc từng chữ qua chiếc kính phóng đại. Bức thư được viết bằng tiếng Thụy Điển, nhưng kèm theo khá nhiều từ tiếng Anh. Một người có tên Gustaf kể về công việc làm chủ trại chăn nuôi lợn của mình. Đứa con của ông ta tên là Emily vừa mới qua đời, trong nhà tràn đầy "sorrow lớn". Ông ta muốn biết ở Hälsingland hiện nay ra sao, gia đình như thế nào, rồi về mùa màng, gia súc. Bức thư đề ngày 19 tháng Sáu năm 1896.

    Địa chỉ người nhận ghi ngoài phong bì: August Andrén, Hesjövallen, Thụy Điển.

    Nhưng ngày đó bố nuôi của mẹ mình vẫn chưa sinh, bà nghĩ. Có lẽ bức thư này gửi cho August Cha, tức là bố của bố nuôi của mẹ vì nó được lưu giữ trong gia đình Gerda. Nhưng vì sao nó lại nằm ở chỗ mình?

    Ở phần cuối bức thư có ghi địa chỉ người gửi: Mr. Gustaf Andrén, Bưu điện Minneapolis, Minnesota, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

    Bà lại giở quyển bản đồ. Minnesota là một vùng nông thôn. Như vậy là trước đây hơn một trăm năm, một thành viên của gia đình Andrén từ Hesjövallen đã di cư đến đó.

    Nhưng bà còn thấy một bức thư khác, qua đó mới biết còn có một người nữa tên là Jan August Andrén đã đến một vùng khác của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Hình như ông ta tham gia xây dựng hệ thống đường sắt nối liền miền duyên hải phía Đông với phía Tây của đất nước khổng lồ này. Trong thư ông ta hỏi thăm họ hàng, những người còn sống, những ai đã chết. Nhưng bức thư có những đoạn dài không đọc được, chữ viết bị nhòe.

    Địa chỉ của Jan August Andrén là: Bưu điện Reno, Nevada, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

    Bà tiếp tục đọc nhưng không thấy gì hơn trong chồng giấy có liên quan đến gia đình Andrén.

    Bà đẩy chồng giấy sang bên cạnh, vào mạng Internet và bắt đầu tìm địa chỉ ở Minneapolis mà Gustaf Andrén đã ghi trong thư dù không mấy hy vọng. Bà chờ đợi và rơi vào ngõ cụt. Sau đó bà tìm địa chỉ ở Nevada. Bà nhận được một chỉ dẫn về một tờ báo với cái tên Reno Gazette Journal. Giữa lúc này, điện thoại đổ chuông. Đó là văn phòng du lịch. Một thanh niên trẻ vui vẻ, giọng Đan Mạch, nói với bà mọi chi tiết của chuyến du lịch, miêu tả các khách sạn. Bà không do dự, đồng ý cho đăng ký tạm thời và hứa đến sáng hôm sau sẽ xác nhận.

    Bà lại tìm cách nhấn chuột lên địa chỉ Reno Gazette Journal một lần nữa. Ở mép bên phải trang chủ có một loạt các chủ đề cùng các bài báo mà bà có thể lựa chọn. Khi định nhấn bỏ qua thì bà chợt nhớ ra là mình đã gõ cả cái tên Andrén cùng với tên tờ báo này vào ô tìm kiếm. Phải có một mối liên quan nào đó giữa cái tên này và tờ báo. Vậy nên bà bắt đầu đọc lần lượt tất cả các mục trên trang báo.

    Bà giật nẩy mình khi trang báo ấy xuất hiện trên màn hình. Thoạt đầu bà đọc mà không hiểu gì cả, rồi đọc lần thứ hai, từ từ và hoài nghi. Bà đứng dậy, lùi xa máy tính một vài mét. Nhưng bài viết và những tấm ảnh trong đó không biến mất.

    Bà in chúng ra và cầm theo vào phòng bếp. Bà từ từ đọc lại tất cả một lần nữa.

    Ngày 4 tháng Giêng ở Ankersville, một thành phố nhỏ nằm ở phía Đông Bắc Reno đã xảy ra một vụ giết người dã man. Vào buổi sáng, người hàng xóm phát hiện thấy ông chủ xưởng cơ khí cùng toàn bộ gia đình của ông ta đã chết, ông lấy làm lạ vì thấy xưởng này không mở cửa như thường lệ. Cảnh sát không tìm ra được dấu vết. Nhưng sự việc thì đã quá rõ ràng, toàn bộ gia đình Andrén, Jack, vợ của ông ta, bà Connie, cùng hai đứa con Steven và Laura bị chém chết bằng dao, kiếm. Không có hiện tượng cho thấy đây là một vụ trộm, cướp, không có lấy một động cơ. Gia đình ông Andrén được mọi người quý mến và không có kẻ thù. Cảnh sát hướng sự truy tìm vào những đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc những kẻ nghiện ngập trong tình thế tuyệt vọng đã gây ra hành động khủng khiếp này.


    Bà ngồi im lặng ở đó. Tiếng ồn ào của chiếc xe chở rác từ bên ngoài lọt qua cửa sổ vào trong nhà.

    Đó không phải là một kẻ điên khùng, bà nghĩ. Cảnh sát ở Hälsingland cũng lầm lẫn y hệt cảnh sát ở Nevada. Đó là một thủ phạm quỷ quyệt - nếu không phải là nhiều thủ phạm - biết rõ hắn phải làm gì.

    Lần đầu tiên bà cảm thấy một nỗi sợ hãi ngấm ngầm, như thể mình đang bị theo dõi mà không hay biết.

    Bà đi ra ngoài hành lang, kiểm tra xem cửa nhà đã được khóa lại chưa. Rồi bà lại ngồi vào bên máy tính và tìm những bài báo trước đó trong Reno Gazette Journal.

    Chiếc xe chở rác đã biến mất. Bóng tối đã phủ lên buổi chiều muộn.
     
  10. Nyanko

    Bài viết:
    380
    7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mãi sau này, khi mọi sự kiện đã bắt đầu mờ nhạt, đôi khi bà tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu bà cứ đi Tenerife, sau đó trở về, lại tiếp tục đi làm với huyết áp giảm, lượng sắt trong máu đã đủ và cảm giác suy nhược đã biến mất. Còn bây giờ, cứ để mọi việc như nó sẽ diễn ra. Ngày hôm sau, Birgitta Roslin gọi điện thoại đến văn phòng du lịch hủy bỏ chuyến đi.

    Buổi tối, Staffan về muộn vì đoàn tàu của ông bị hỏng đầu máy, phải nằm lại trên đoạn ray tránh tàu. Hai tiếng đồng hồ ông cùng đồng nghiệp tìm mọi cách xoa dịu các hành khách đã mất kiên nhẫn, ngoài ra ông còn phải chăm sóc cho một bà lão bị ốm. Khi về đến nhà, ông đã mệt lử và dễ nổi nóng. Bà để yên cho ông ăn bữa tối, rồi sau đó kể cho ông nghe về phát hiện của mình: Ở Nevada xa xôi đã xảy ra một cái gì đó rất giống với vụ giết người hàng loạt ở Hälsingland, dường như còn có gì đó liên quan nữa. Bà thấy ông có vẻ hoài nghi, nhưng không biết liệu đó có phải do ông mệt mỏi hay là ông thực sự nghi ngờ câu chuyện của bà. Sau khi ông lên giường đi ngủ, bà lại ngồi vào bên máy tính và chuyển đi chuyển lại giữa Hälsingland và Nevada. Đến nửa đêm, bà ghi lại những gì mình thấy lên một tờ giấy, y như bà thường làm mỗi khi phải soạn một bản án. Dù sự việc xem ra có vẻ trừu tượng, nhưng bà không thể không phỏng đoán rằng giữa hai sự kiện này có gì đó liên quan đến nhau. Bà nghĩ, bản thân mình cũng thuộc gia đình Andrén, mặc dù bây giờ bà mang họ Roslin.

    Điều đó có nghĩa là bà cũng gặp nguy hiểm? Bà nhìn vào trong giấy ghi chép suy nghĩ rất lâu mà không tìm được câu trả lời. Rồi bà đi ra ngoài dưới bầu trời đêm tháng Giêng trong veo, nhìn lên các vì sao. Mẹ bà đã có lần kể cho bà nghe, cha của bà là một người si mê ngắm sao đêm. Lâu lâu mẹ mới lại nhận được thư của ba, trong đó ba kể về, nói đúng hơn là tả lại, đêm đêm ba đứng trên boong tàu tìm hiểu những vì sao và vị trí của chúng như thế nào. Ba có một niềm tin gần như thần bí rằng người chết sẽ biến thành tro bụi để rồi trở thành những vì sao mới. Những ngôi sao mới này ở rất xa mà mắt của người còn sống không nhìn thấy được. Birgitta Roslin thầm hỏi ba đã nghĩ gì khi con tàu Ms Runskär chìm xuống trong lòng vịnh Gävle. Con tàu chở đầy hàng đó đã bị sóng của cơn bão dữ dội đánh vào mạn và chỉ trong một vài phút đã bị lật chìm. Một tín hiệu SOS duy nhất được phát đi trước khi đài phát câm lặng. Liệu ba có nhận thấy mình sẽ chết, hoặc cái chết đã trùm lên ông trong làn nước lạnh, khiến ông không còn có thể nghĩ đến điều đó được nữa? Một nỗi kinh hoàng bất ngờ, rồi lạnh giá và cái chết.

    Bầu trời đêm nay rất gần, những vì sao long lanh sáng tỏ. Mình mới chỉ thấy bề ngoài của sự việc, bà thầm nghĩ. Nó có một mối liên hệ, những sợi chỉ mỏng manh nối với nhau. Nhưng cái gì nằm bên dưới đó? Đã có lý do nào để phải giết chết mười chín con người trong một ngôi làng nhỏ tại Thụy Điển và xóa sạch một gia đình trên sa mạc Nevada? Lại là điệp khúc thông thường: trả thù, tham lam, ghen tức. Nhưng sự bất công nào lại có thể dẫn tới một hành động báo thù quá trớn đến như vậy? Người ta được lợi gì khi giết những ông già bà lão đã ở vào cái tuổi thập tử nhất sinh ấy? Và ai có thể là người ghen tức với họ?

    Bà trở vào nhà khi thấy người đã ớn lạnh. Thông thường bà cũng hay đi ngủ sớm vì bà thấy mệt mỏi vào buổi tối và cũng không muốn đi làm mà không được ngủ đẫy giấc, đặc biệt vào những ngày bà phải xử án. Bây giờ bà không cần phải nghĩ đến chuyện đó nữa. Bà nằm xuống sofa và bật nhạc nhỏ để không làm Staffan thức giấc. Đó là đĩa tập hợp những bản nhạc pop Thụy Điển. Birgitta Roslin có một bí mật mà bà không chia sẻ với bất kỳ ai. Bà ước mơ có ngày sẽ viết được một ca khúc giành được giải trong Eurovision. Đôi lúc bà thấy ngượng vì có mong ước này, nhưng đồng thời lại muốn làm được điều đó. Cách đây nhiều năm bà đã mua một cuốn từ điển vần điệu, và khóa nó trong ngăn kéo bàn làm việc kèm với hàng loạt bản nháp lời bài hát. Có lẽ một thẩm phán vẫn đang tại vị lại đi viết lời bài hát thì không được phù hợp cho lắm. Nhưng dù sao, cũng chẳng có luật nào cấm bà làm thế.

    Mong ước lớn nhất của bà là viết được một bản tình ca. Một bài hát về chim muông, về tình yêu, với đoạn điệp khúc không thể nào quên. Cha của bà là một người say mê ngắm sao, nên bà cũng có thể xem mình như là một người say mê tìm kiếm điệp khúc. Cả hai đều là những con người đam mê, nhưng chỉ có cha là người trân trân nhìn lên vòm trời.

    Bà lên giường vào lúc ba giờ sáng, khẽ lay người Staffan để ông không ngáy nữa. Ông xoay người nằm nghiêng và thôi ngáy. Bà cũng chìm vào giấc ngủ.

    Sáng hôm sau, Birgitta Roslin nhớ lại giấc mơ của mình đêm hôm trước. Bà đã gặp mẹ. Mẹ nói với bà mà bà không hiểu được mẹ nói gì, như thể mẹ đang đứng đằng sau một tấm kính. Tình huống đó xem ra tiếp tục kéo dài vô tận, mẹ càng lúc càng tỏ ra bực bội ở phía bên kia khi thấy đứa con gái không thể hiểu được mình. Bản thân bà cũng ngạc nhiên về thứ đã chia cách mẹ con bà với nhau.

    Ký ức trong như tấm kính. Ai đã chết, người đó vẫn được nhìn thấy, rất gần. Nhưng chúng ta không còn đến được với nhau. Cái chết câm lặng, nó ngăn cấm trò chuyện, đòi hỏi im lặng.

    Birgitta đứng dậy. Một ý nghĩ thành hình trong đầu bà. Nó bỗng nhiên ở đây và rất rõ ràng. Thực ra bà không hiểu tại sao trước đây mình không nghĩ tới điều đó. Mẹ của bà đã tự để quá khứ của mình lại phía sau. Mẹ chưa bao giờ đòi hỏi Birgitta, đứa con duy nhất của mình, cần phải quan tâm đến cuộc sống trước kia của mẹ.

    Bà lấy ra tập bản đồ giao thông Thụy Điển. Trước kia, vào mùa hè, ông bà thường cùng lái xe với các con đến nhà nghỉ mà họ đã thuê, phần nhiều thuê cho cả một tháng trời. Rất hãn hữu, như trong hai mùa hè mà họ đến nghỉ ở Gottland, họ đi bằng máy bay. Họ chưa bao giờ đi bằng tàu hỏa, và ngày đó Staffan cũng chưa bao giờ có ý nghĩ vào một ngày nào đó ông sẽ đánh đổi cuộc sống của một luật sư với một người soát vé tàu.

    Bà lật tấm bản đồ tổng quát. Hälsingland nằm chếch về hướng Bắc hơn là bà nghĩ. Bà không tìm thấy địa danh Hesjövallen trên bản đồ, vì đó là một làng nhỏ.

    Khi gập bản đồ lại, bà đã quyết định mình phải làm gì. Bà sẽ lái xe lên Hesjövallen. Trước hết là để tận mắt nhìn thấy hiện trường vụ án, nhưng cũng là để thấy được ngôi làng, nơi mẹ bà đã lớn lên.

    Khi còn trẻ, bà đã dự định làm một chuyến đi khắp đất nước Thụy Điển. Bà thường gọi đó là "chuyến hành hương về quê". Chuyến đi đó sẽ đến tận cực Bắc, tới Treriksröset, sau đó quay trở lại miền duyên hải phía Nam, vùng Scanie, nơi gần với lục địa và phần đất còn lại nằm ở phía sau lưng. Trên đường về phương Bắc, bà muốn đi theo đường bờ biển, còn khi quay về sẽ đi theo đường quốc lộ nằm sâu trong nội địa. Nhưng chuyến đi đó đã không thành hiện thực. Khi bà nói chuyện với Staffan ông tỏ ra không hứng thú. Rồi sau khi có con, dự định đó lại càng trở nên bất khả thi.

    Còn bây giờ, cuối cùng thì bà ít ra cũng có thể thực hiện được một phần của chuyến đi đó.

    Khi Staffan ăn sáng và chuẩn bị xong cho chuyến tàu hỏa đi Alvesta, chuyến cuối cùng trước khi ông được nghỉ mấy ngày, bà thông báo với ông dự định của mình. Ông ít khi phản đối những ý tưởng của bà và lần này cũng vậy. Ông chỉ hỏi bà sẽ đi bao lâu và liệu bác sĩ có phản đối vì chuyến đi xa như vậy sẽ quá vất vả và khó nhọc hay không.

    Mãi tới lúc ông đã ra đến cửa, bà mới thấy mất bình tĩnh. Hai người đã tạm biệt nhau trong bếp, nhưng lúc này bà lại đuổi theo, tức giận ném tờ báo sáng vào lưng ông.

    – Có chuyện gì vậy?

    – Anh không quan tâm đến việc vì sao em lại muốn đi ư?

    – Em chẳng đã giải thích cho anh biết rồi đó sao?

    – Anh không hiểu rằng có thể em cũng cần phải có thời gian để nghĩ về những gì đã xảy ra giữa hai chúng ta sao?

    – Lúc này, chúng ta chưa thể nói với nhau về điều đó được. Nếu không anh sẽ bị nhỡ chuyến tàu.

    – Vậy thì sẽ chẳng có lúc nào thích hợp cả. Buổi tối thì không đúng lúc, buổi sáng cũng không đúng lúc. Anh không bao giờ có nhu cầu nói chuyện với em xem cuộc sống của chúng ta đã thành ra thế nào hay sao?

    – Em biết rõ rằng anh không trầm trọng hóa mọi chuyện như em.

    – Trầm trọng hóa ư? Anh cho đó là trầm trọng hóa, khi em phản ứng về việc hơn một năm nay chúng ta không hề gần gũi nhau?

    – Anh chỉ nói lúc này chúng ta không thể nói chuyện được. Vì anh không có thời gian.

    – Đã đến lúc anh cần phải có thời gian rồi đấy.

    – Em nói thế nghĩa là sao?

    – Là sự kiên nhẫn của em không lâu nữa sẽ kết thúc.

    – Đây là một lời đe dọa à?

    – Em chỉ biết rằng mình không muốn tiếp tục như thế này nữa. Bây giờ thì hãy cút đi với con tàu khốn khiếp của anh!

    Bà quay vào bếp và nghe có tiếng sập cửa. Bà cảm thấy như trút được gánh nặng khi cuối cùng cũng nói ra được những gì mình nghĩ, những gì mình cảm thấy, nhưng đồng thời bà cũng thấy lo, không biết ông ấy sẽ phản ứng ra sao.

    Buổi tối ông gọi điện thoại về nhà. Không ai nhắc lại chuyện cãi cọ xảy ra hồi sáng. Nhưng bà thấy giọng nói của ông có vẻ bứt rứt. Có lẽ cuối cùng bây giờ họ đã có thể nói thẳng với nhau mọi chuyện chăng?

    Sáng sớm hôm sau, bà lên xe đi về phương Bắc. Bà đã thông báo cho các con về chuyến đi nhưng không nhắc đến mối liên hệ giữa bà với việc xảy ra ở Hesjövallen.

    Staffan trở về nhà vào đêm qua, ông đã chuyển va li của bà ra xe và để lên hàng ghế sau.

    – Em sẽ ngủ lại ở đâu?

    – Ở Lindesberg có một khách sạn nhỏ. Em sẽ gọi điện thoại về cho anh. Sau đó có thể em sẽ ngủ lại khách sạn ở Hudiksvall.

    Staffan vuốt nhanh má vợ và vẫy tay theo bà. Bà có nhiều thời gian, nên thường dừng lại dọc đường và đến Lindesberg vào lúc gần tối. Gần cuối hành trình, bà đã phải chạy trên đoạn đường phủ tuyết. Bà cho xe chạy đến khách sạn, ăn tối trong một tiệm ăn vắng khách và đi ngủ sớm. Trong một tờ báo buổi chiều vẫn đăng tin về thảm kịch khủng khiếp, bà đọc thấy ngày mai trời lạnh hơn, nhưng không có tuyết rơi.

    Bà ngủ say, lúc thức dậy, không nhớ lại được những giấc mơ tối qua nữa, rồi tiếp tục lái xe về bờ biển Hälsingland. Bà không mở radio, mà thưởng thức sự tĩnh lặng cùng những khu rừng trải dài như vô tận. Bà nghĩ đến thời thơ ấu của mẹ bà ở vùng đất này. Còn bản thân bà chưa biết đến gì khác ngoài những cánh đồng gợn sóng trải rộng. Trong trái tim mình, ta là một người du mục, bà nghĩ. Mà người du mục không đi tìm rừng, họ chỉ tìm những vùng đồng bằng rộng lớn.

    Bà bắt đầu nghĩ tìm những từ có vần với du mục. Có thể là một bài hát về chính mình, bà nghĩ. Một nữ thẩm phán lên đường kiếm tìm phần du mục trong con người mình.

    Khoảng trước mười giờ sáng, bà dừng tại một trạm nghỉ bên đường quốc lộ nằm ở phía Nam của Njutänger và uống cà phê. Bà là người khách duy nhất. Một tờ báo địa phương của Hudiksvall nằm trên bàn. Vụ giết người hàng loạt vẫn được chạy những dòng tít lớn, nhưng bà không biết thêm được tin gì mới. Cảnh sát trưởng Tobias Ludwig tuyên bố danh sách tất cả các nạn nhân sẽ được công bố vào ngày tiếp theo. Trên tấm ảnh chụp không rõ nét trông anh ta quá trẻ so với trách nhiệm to lớn của mình.

    Một phụ nữ có tuổi đi quanh phòng tưới nước cho những chậu hoa để trên bệ cửa sổ. Birgitta Roslin gật đầu chào bà ta.

    – Ở đây quá vắng vẻ, bà nói. Tôi cứ nghĩ ở vùng này phải tràn ngập nhà báo và cảnh sát sau những gì đã xảy ra.

    – Tất cả đang ở Hudiksvall, bà ta trả lời, giọng đặc âm sắc địa phương. Nghe nói ở đó khách sạn không còn chỗ trống.

    – Mọi người ở đây nói gì về chuyện xảy ra?

    Bà ta đứng lại bên bàn của Birgitta Roslin và chằm chằm nhìn bà vẻ ngờ vực.

    – Bà cũng là nhà báo à?

    – Không. Hoàn toàn không. Tôi chỉ là người đi qua vùng này thôi.

    – Người khác nghĩ thế nào thì tôi không rõ, nhưng tôi thì nghĩ rằng sự tàn bạo xảy ra ở những vùng nông thôn rồi cũng không bỏ qua các thành phố đâu.

    Điều này như đã được học thuộc lòng, bà Birgitta Roslin nghĩ. Bà ta đã đọc được câu này ở đâu đó, hoặc có ai đó đã nói câu này trên vô tuyến và bà ta đã biến nó thành ra của mình.

    Bà trả tiền cà phê, đi ra xe và giở bản đồ ra xem. Đoạn đường đến Hudiksvall không còn xa nữa. Chỉ cần đi thêm một đoạn về hướng Bắc rồi rẽ vào hướng nội địa, bà sẽ tới Hesjövallen. Bà thoáng do dự, cảm thấy mình như một con linh cẩu, nhưng lại quăng ngay ý nghĩ này. Bà thực sự có lý do để tới đó.

    Đến Iggesund, bà rẽ sang phải rồi lại rẽ phải một lần nữa khi đến được ngã tư ở Olsund. Một chiếc xe cảnh sát chạy ngược chiều lúc sau lại thêm một chiếc nữa. Bỗng cánh rừng như mở ra bên một hồ nước. Những ngôi nhà nằm ở hai bên đường, xung quanh là những hàng rào dây chắn màu trắng pha đỏ. Trên đường có nhiều cảnh sát đi lại.

    Bà nhìn thấy một căn lều ở bìa rừng và một căn nữa trên mảnh sân của một ngôi nhà nằm không xa. Bà có đem theo ống nhòm. Trong những căn lều ấy có gì? Cánh nhà báo chưa bao giờ nhắc đến chúng. Phải chăng họ đã tìm thấy một hoặc nhiều nạn nhân nằm trong đó? Hoặc chỉ là một dấu vết mà cảnh sát muốn bảo vệ?

    Bà đưa ống nhòm lướt qua ngôi làng. Có nhiều người mặc áo bảo hộ liền quần hoặc đồng phục đang đi đi lại lại từ nhà này sang nhà khác, hoặc đang đứng hút thuốc bên cổng vườn, một mình hoặc thành từng nhóm nhỏ. Bà từng có dịp đến hiện trường một vài vụ án để theo dõi công việc của cảnh sát trong một vài giờ. Bà biết rằng ở đó, sự hiện diện của những người đại diện cho tòa án không được hoan nghênh. Cảnh sát luôn thận trọng để không bị phê phán. Nhưng Birgitta Roslin biết cách nhận ra điểm khác biệt giữa một cuộc điều tra theo phương pháp với một cuộc điều tra chểnh mảng. Cái bà nhìn thấy ở đây gây cho bà ấn tượng về một công việc lặng lẽ và được tổ chức tốt. Đồng thời bà cũng ý thức được rằng họ đang làm việc khẩn trương. Thời gian là kẻ thù. Người ta muốn tìm ra được sự thật càng nhanh càng tốt, trước khi lại có cái gì đó tái diễn - đó sẽ là điều tồi tệ nhất.

    Một cảnh sát mặc sắc phục gõ lên cửa kính làm gián đoạn ý nghĩ của bà.

    – Bà làm gì ở đây?

    – Tôi không biết là mình đã vượt quá dây chắn.

    – Bà không vượt quá dây chắn. Nhưng chúng tôi phải để mắt tới những ai có mặt ở đây. Đặc biệt là với những người có đem theo ống nhòm. Chúng tôi có tổ chức họp báo trong thành phố, nếu như bà chưa được biết về việc này.

    – Tôi không phải là nhà báo.

    Viên công chức trẻ măng nghi ngờ quan sát bà:

    – Vậy bà là ai? Một người hiếu kỳ?

    – Thực tế tôi là một người họ hàng.

    Viên cảnh sát rút từ trong túi ra một cuốn sổ ghi chép:

    – Người nhà của ai?

    – Của ông bà Brita và August Andrén. Tôi đang trên đường về Hudiksvall, nhưng tôi không biết cần phải nói chuyện với ai ở đó.

    – Chắc chắn là với Erik Huddén. Ông ấy là người chịu trách nhiệm giữ liên lạc với thân nhân những người bị hại. Tôi thành thật chia buồn với bà.

    – Cảm ơn.

    Viên cảnh sát làm động tác chào, còn bà thì cảm thấy mình như một kẻ đần độn, quay đầu xe và phóng đi. Khi đến Hudiksvall, bà mới thấy rõ rằng ở đây khó mà có thể còn phòng trống trong các khách sạn, không chỉ do số lượng nhà báo đổ đến quá đông. Một người trực trong khách sạn Grand giải thích với bà rằng ở đây có một hội nghị về khai thác rừng tập trung các đại biểu của toàn Thụy Điển. Bà tìm chỗ đỗ xe rồi đi lang thang trong thành phố nhỏ, tìm chỗ trọ trong một khách sạn hoặc một quán trọ, nhưng tất cả đều đã có người đăng ký ở.

    Bà đi tìm một quán ăn trưa và cuối cùng đã bước vào quán ăn Trung Quốc. Trong quán lúc này rất đông thực khách. Bà tìm thấy chiếc bàn nhỏ bên cửa sổ. Phòng ăn được trang trí giống như tất cả các quán ăn Trung Quốc khác bà từng đến. Những chiếc lọ lộc bình, những con sư tử bằng sứ, những chiếc đèn lồng với tua màu xanh, đỏ, tất cả đều y hệt những nơi khác. Nhiều lúc bà rất muốn tin rằng tất cả các quán ăn Trung Quốc trên khắp thế giới đều nằm trong một chuỗi nhà hàng, thậm chí của cùng một ông chủ.

    Một cô gái Trung Quốc cầm trong tay cuốn thực đơn đến chỗ bà. Khi Birgitta Roslin đặt món ăn bà mới biết cô gái trẻ này hầu như không biết tiếng Thụy Điển.

    Sau khi vội vàng ăn xong bữa trưa, bà gọi điện đi khắp nơi và cuối cùng cũng nhận được một câu trả lời tích cực. Khách sạn Andbacken ở Delsbo có một phòng cho bà. Ở đó cũng đang diễn ra một hội nghị của những người làm trong ngành quảng cáo. Thụy Điển đã trở thành một đất nước mà ở đó mọi người bỏ ra một phần lớn thời gian đến hết khách sạn này sang trung tâm hội nghị khác để nói chuyện với nhau, bà nghĩ. Bản thân bà rất ít khi tham gia vào các khóa bổ túc nâng cao trình độ chuyên môn do bộ tư pháp tổ chức.

    Khách sạn Andbacken là một ngôi nhà lớn quét sơn màu trắng nằm bên một hồ nước phủ băng tuyết. Trong lúc đứng chờ bên quầy lễ tân, bà đọc thấy thông báo các đại biểu dự hội nghị ngành quảng cáo chiều nay thảo luận theo tổ, buổi tối thì có yến tiệc và trao giải thưởng. Mong sao đêm nay không có những người say xỉn đi khắp hành lang, đập cửa ầm ầm suốt đêm, bà thầm nghĩ. Thực ra mình hoàn toàn không biết gì về những người làm quảng cáo. Vậy tại sao mình lại cho rằng họ sẽ gây ồn khi họ liên hoan với nhau?

    Bà nhận được phòng nhìn ra hồ nước đã đóng băng và khu rừng trên triền đồi. Bà nằm lên giường và nhắm mắt lại. Hôm nay đáng lẽ mình có phiên xử, bà nghĩ, và phải lắng nghe bài thuyết trình buồn ngủ qua một công tố viên chán ngắt. Thay vì thế, mình lại được nằm trên giường khách sạn, xung quanh là tuyết, cách xa Helsingborg.

    Bà đứng dậy, mặc áo khoác rồi phóng xe quay lại Hudiksvall. Trong phòng thường trực của sở cảnh sát, người đi ra, đi vào tấp nập. Bà biết rõ rằng rất nhiều người đang chen chúc nhau ở đây là các nhà báo. Thậm chí bà còn nhận ra một người đàn ông thường hay xuất hiện trên truyền hình, đặc biệt ở những sự kiện bi đát như các vụ cướp nhà băng và bắt cóc con tin. Với vẻ ngạo mạn, anh ta đi chen qua chỗ hàng người đang đứng mà không thấy có ai dám phản ứng. Cuối cùng thì Birgitta Roslin cũng tới được chỗ người phụ nữ tiếp khách đã gần như kiệt sức, và hỏi về Vivi Sundberg.

    – Bà Vivi Sundberg không có thời gian.

    Lời từ chối dứt khoát khiến bà ngạc nhiên.

    – Ít nhất thì chị cũng nên hỏi tôi có việc gì chứ?

    – Chắc bà cũng muốn đặt câu hỏi như những người khác. Bà phải chờ đến cuộc họp báo sau. Nó cũng sắp được bắt đầu.

    – Tôi không phải là nhà báo. Tôi là người nhà của một trong những gia đình ở Hesjövallen.

    Người phụ nữ đứng sau quầy lập tức thay đổi thái độ.

    – Tôi xin lỗi. Vậy thì bà phải gặp ông Erik Huddén.

    Chị ta quay số điện thoại và thông báo có khách. Rõ ràng chị ta không cần thiết phải nói thêm điều gì nữa. "Khách" là một mật khẩu chỉ người nhà của các nạn nhân.

    – Ông ấy sẽ xuống, bà vui lòng chờ bên chỗ cửa kính kia.

    Bỗng nhiên có một thanh niên trẻ bước lại bên bà.

    – Tôi nghe được bà là họ hàng với một trong những người bị giết hại. Tôi có được phép đưa ra một vài câu hỏi với bà không?

    – Vì sao tôi lại có thể cho phép được. Tôi không biết anh là ai.

    – Tôi viết báo.

    – Viết cho ai?

    – Cho tất cả những ai quan tâm.

    Bà lắc đầu.

    – Tôi không có gì để nói với anh.

    – Đương nhiên là tôi muốn chia buồn với bà.

    – Không cần. Anh không cần phải làm việc đó. Anh nên nói khẽ để những người đứng gần đây không nghe thấy là anh đã phát hiện được một con mồi mà họ chưa kịp đánh hơi thấy.

    Cánh cửa kính được một người đàn ông đeo phù hiệu có tên là Erik Huddén mở ra. Hai người bắt tay nhau. Ánh đèn chớp phản chiếu lên cánh cửa kính khi nó được khép lại.

    Trên hành lang có rất nhiều người. Ở đây mang một nhịp điệu hoàn toàn khác với ở ngoài Hesjövallen. Erik Huddén đưa bà vào một phòng họp. Trên bàn là những cặp tài liệu và một loạt các danh sách. Mỗi cặp tài liệu đều được ghi tên ở gáy. Những người chết được kẹp chặt trong những chiếc cặp đó, bà thầm nghĩ như vậy. Erik Huddén mời bà ngồi và anh cũng ngồi xuống đối diện với bà. Bà kể lại mọi chuyện từ đầu, về mẹ của mình, người đã hai lần đổi họ và bà đã phát hiện ra mối quan hệ họ hàng như thế nào. Bà nhận thấy Huddén có vẻ thất vọng như thể anh ta đã nhận ra rằng sự có mặt của bà ở đây hầu như không giúp gì được cho công việc điều tra của cảnh sát.

    – Tôi cũng biết rõ rằng, ông cần những thông tin khác, bà nói. Tôi là thẩm phán và cũng hiểu được ít nhiều với các thủ tục tố tụng khi người ta phải truy lùng thủ phạm trong các vụ trọng án.

    – Đương nhiên chúng tôi rất biết ơn bà đã đến gặp chúng tôi, anh đặt bút xuống và nheo mắt nhìn bà. Nhưng chẳng lẽ thật sự bà đi từ Scanie lên đây chỉ là để kể cho chúng tôi nghe chuyện này? Nếu chỉ có vậy, bà có thể gọi điện thoại được mà.

    – Tôi cũng có điều cần phải nói, điều mà thực ra có liên quan đến công việc điều tra. Tôi muốn được nói chuyện với đồng nghiệp của ông, bà Sundberg.

    – Bà không thể nói với tôi được sao? Bà Sundberg hiện nay rất bận.

    – Tôi đã gọi điện thoại cho bà Sundberg và muốn tiếp tục được nói chuyện với bà ấy.

    Anh ta ra khỏi phòng và khép cửa lại sau lưng. Birgitta Roslin kéo chiếc cặp đựng tài liệu có ghi tên "Brita và August Andrén" về phía mình. Điều đầu tiên nhìn thấy khiến bà giật mình. Đó là những tấm ảnh được chụp ở trong nhà. Mãi tới lúc này bà mới hình dung được mức độ của vụ chém giết đẫm máu này. Bà trân trân nhìn vào những tấm ảnh chụp những thân thể bị chém nát, bị rạch bụng. Người đàn bà trong tấm ảnh hầu như không còn có thể nhận ra được nữa vì nhát chém làm cho khuôn mặt của bà gần như bị chẻ làm đôi. Cánh tay của người đàn ông chỉ còn được dính vào người bởi mấy sợi gân.

    Bà gấp cặp tài liệu lại và đẩy nó về chỗ cũ. Nhưng những tấm ảnh đó còn đọng lại trong bà, bà sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi chúng. Mặc dù trong những năm làm thẩm phán, đã nhiều lần nhìn thấy những tấm ảnh bạo hành, nhưng chưa bao giờ bà thấy có tấm nào có thể so sánh được với những gì có trong cặp tài liệu của Erik Huddén.

    Anh quay lại và gật đầu ra hiệu cho bà cùng đi với mình.

    Vivi Sundberg ngồi sau chiếc bàn làm việc chất đầy tài liệu. Khẩu súng ngắn và chiếc điện thoại di động được đặt trên một cặp tài liệu đầy cứng tưởng như sắp nứt ra được. Sundberg chỉ vào chiếc ghế dành cho khách.

    – Bà muốn nói chuyện với tôi? Vivi Sundberg lên tiếng chào hỏi. Nếu tôi hiểu không sai, bà đã đi cả một đoạn đường từ Helsingborg đến đây. Chắc bà cho rằng điều bà muốn kể hẳn là phải rất quan trọng, nếu không bà đã chẳng phải đi xa đến như vậy.

    Điện thoại đổ chuông, Vivi Sundberg tắt máy và nhìn khách như đòi hỏi một câu trả lời.

    Birgitta Roslin kể mà không quá đi vào chi tiết. Khi ngồi trên ghế thẩm phán, bà luôn mong muốn các công tố viên, luật sư, bị cáo hay nhân chứng làm như thế biết chừng nào. Bản thân bà nắm được nghệ thuật tóm lược sự việc một cách rõ ràng.

    – Có thể là bà cũng đã biết về vụ ở Nevada, bà kết luận.

    – Điều này chưa bao giờ được nhắc tới trong các cuộc họp của chúng tôi. Mà mỗi ngày chúng tôi phải họp tới hai lần.

    – Bà nghĩ gì về chuyện tôi vừa kể?

    – Tôi hoàn toàn không nghĩ gì cả.

    – Nó có thể nghĩa là việc này không phải do một kẻ điên khùng gây ra.

    – Tôi sẽ coi thông tin của bà như tất cả các thông tin khác. Chúng tôi đang ngập đầu ngập cổ với những thông tin kiểu này. Có thể là trong hàng đống hàng tá những cuộc điện thoại, những lá thư hay email chúng tôi nhận được, có ẩn chứa một chi tiết mà sau này sẽ giữ vai trò quyết định trong cuộc điều tra. Chúng tôi còn chưa biết.

    Sundberg lấy ra một tập giấy và đề nghị bà Roslin kể lại một lần nữa. Sau khi đã ghi chép xong, bà đứng dậy đưa bà Roslin ra lối cửa.

    Bà dừng lại ngay trước cửa kính.

    – Bà có muốn nhìn thấy ngôi nhà nơi mẹ bà đã lớn lên không? Có lẽ bà đến đây cũng vì điều đó?

    – Liệu có được không?

    – Các xác chết đã được chuyển đi rồi. Tôi có thể để bà vào trong nhà, nếu bà muốn. Khoảng nửa tiếng nữa, tôi sẽ đi ra ngoài đó. Bà chỉ cần hứa với tôi là không lấy một thứ gì ra khỏi nhà là được. Có những người mơ lấy được tấm thảm mà trên đó một trong các nạn nhân bị chém chết!

    – Tôi không phải là người như vậy.

    – Giờ bà có thể ngồi chờ trong xe, rồi sau đó đi theo xe của tôi.

    Vivi Sundberg bấm vào một công tắc mở cửa. Birgitta Roslin bước ra ngoài đường phố, không một phóng viên nào trong số những người đang chen chúc trong phòng thường trực nhìn thấy.

    Khi ngồi vào trong xe của mình, bà mới ngộ ra rằng mình đã không thuyết phục được Sundberg. Bà ấy đã không tin. Có thể đến một lúc nào đó sẽ có một điều tra viên xem xét đến hướng điều tra này, nhưng sẽ không nhiệt tâm.

    Bà không thể trách Sundberg được. Có thể đó sẽ là một sự đòi hỏi quá lớn khi phải mở rộng phạm vi điều tra từ Hesjövallen tới một thành phố mãi tận Nevada.

    Một chiếc xe màu đen không có biển số cảnh sát đỗ lại bên cạnh xe của bà. Vivi Sundberg vẫy bà.

    Lúc họ đến được ngôi làng, Vivi Sundberg dẫn bà đến ngôi nhà và nói:

    – Tôi sẽ để bà ở lại đây để bà được tĩnh tâm.

    Birgitta Roslin hít sâu một hơi rồi bước vào nhà, trong nhà đèn đóm được bật hết.

    Như thể bà từ phía sau hậu trường bước ra, ngay trên sân khấu rực ánh đèn. Và trong vở kịch này, bà chỉ có một mình.
     
  11. Nyanko

    Bài viết:
    380
    8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Roslin cố không nghĩ đến những người chết. Thay vì thế, bà hình dung đến hình ảnh mơ hồ của mẹ trong ngôi nhà này. Một phụ nữ trẻ với ước vọng được đi đây đi đó, ước vọng mà mẹ không thể chia sẻ cùng ai, hầu như cũng không dám tự thú nhận với chính mình mà lương tâm không dằn vặt đối với cha mẹ nuôi chất phác có tấm lòng nhân từ và rất sùng đạo của mình.

    Bà đứng ở lối vào và lắng nghe. Trong những ngôi nhà bỏ không, có một sự tĩnh mịch rất riêng, bà thầm nghĩ. Có người nào đó đã rời khỏi đây và đem theo hết thảy mọi tiếng động. Ngay cả đến tiếng đồng hồ tích tắc.

    Bà đi vào phòng khách. Những mùi lạ phả vào mặt bà, mùi bàn ghế, mùi tranh thảm treo tường, mùi những chiếc bình hoa sứ nhạt màu được để chen chúc giữa các chậu hoa cảnh trên giá. Bà đưa ngón tay nắn đất trong chậu hoa, rồi đi vào bếp, tìm một chiếc bình tưới nước cho tất cả những chậu hoa và cây cảnh. Đây là một việc bà có thể làm được cho những người chết. Xong việc, bà ngồi xuống ghế và nhìn quanh phòng. Có bao nhiêu thứ đã có từ thời mẹ bà sống ở đây? Mọi thứ đều đã cũ kỹ, đồ đạc cũng già đi cùng với người đã sử dụng chúng.

    Sàn nhà, nơi họ nằm chết, vẫn còn phủ những tấm nilon. Bà bước lên cầu thang dẫn lên tầng trên. Trên chiếc giường trong phòng ngủ rộng, chăn gối vẫn bề bộn. Một chiếc dép đi trong nhà thò ra khỏi gầm giường. Còn chiếc nữa nằm ở chỗ nào, bà không nhìn thấy. Ở tầng này còn có hai phòng nữa. Trong căn phòng nằm ở bên trái, giấy dán tường được vẽ những con thú dễ thương. Bà lờ mờ nhớ lại đã có lần mẹ bà nhắc tới giấy dán tường này. Trong phòng có một chiếc giường, một chiếc tủ nhỏ, một chiếc ghế tựa và một chồng thảm xếp sát tường. Bà mở tủ quần áo, thành tủ được dán báo lót. Bà đọc được thời gian phát hành là năm 1969. Thời điểm ấy, mẹ bà đã rời khỏi ngôi nhà này được hơn hai mươi năm.

    Bà ngồi lên chiếc ghế gần cửa sổ. Lúc này trời đã gần tối, những quả đồi phủ cây cối ở phía bên kia hồ đã biến mất. Ở bìa rừng có một cảnh sát đang đi đi lại lại, một đồng nghiệp rọi đèn pin lên người anh ta. Anh ta nhiều lần dừng lại, cúi xuống như tìm kiếm một cái gì đó.

    Birgitta Roslin có cảm giác kỳ lạ là đang đến rất gần bên mẹ. Chỗ này, mẹ đã ngồi - ở đây, ở chỗ này, trong một căn phòng, trong một thời gian khác. Có ai đó đã cắt khấc vào bệ cửa sổ. Có lẽ đó là mẹ khi đếm lùi ngày được rời khỏi đây?

    Bà đứng dậy đi xuống tầng dưới. Bên cạnh bếp là một phòng có một chiếc giường, một đôi nạng dựng dựa vào tường và một chiếc xe lăn kiểu cổ. Dưới chân bàn đầu giường là một chiếc bô tiểu tiện bằng sứ. Căn phòng gây ấn tượng từ lâu đã không được dùng đến.

    Bà quay trở lại phòng khách với bước chân lặng lẽ như sợ sẽ làm phiền nó. Ngăn kéo của bàn viết được kéo ra nửa chừng. Một ngăn chứa đầy khăn trải bàn và giấy lau miệng, còn ngăn khác đầy những cuộn len màu sẫm. Trong ngăn kéo thứ ba, ngăn dưới cùng, là hàng bó thư và những cuốn sổ ghi chép bìa nâu. Bà cầm lên một cuốn và mở ra. Bên trong không thấy đề tên. Nó được viết chật kín bằng nét chữ viết tay thanh mảnh. Bà lấy cặp kính đọc sách từ túi xách tay ra, đến bên cửa sổ để có thể dễ dàng đọc những dòng chữ nhỏ li ti. Cuốn sổ đã cũ, những câu được viết trong đó nghe cũng rất cổ. Ai đó đã viết nhật ký. Những gì được viết ra có liên quan đến đầu tàu, toa tàu và những đường ray tàu hỏa.

    Sau đó bà phát hiện thấy một từ khiến bà giật mình: Nevada. Bà nín thở. Có cái gì đó bỗng nhiên như đang thay đổi, ngôi nhà bỏ không và câm lặng đã trao cho bà một thông báo. Bà cố đọc những dòng chữ được viết ra trong cuốn sổ, nhưng cửa nhà mở ra. Bà để lại quyển sổ vào ngăn kéo và đóng lại. Vivi Sundberg bước vào phòng:

    – Tôi đoán là bà đã thấy những xác chết từng nằm ở chỗ nào, bà nói. Vì vậy mà tôi không cần phải chỉ cho bà nữa.

    Birgitta Roslin gật đầu.

    – Ban đêm chúng tôi khóa cửa nhà. Cho nên đáng tiếc là đã đến lúc bà phải rời khỏi đây.

    – Bà đã tìm được người nhà của ông bà cụ này chưa?

    – Tôi cũng đang định nói với bà chuyện đó. Xem ra, ông bà Brita và August Andrén không có con riêng, cũng không có họ hàng thân thích, ngoại trừ những người cùng sống trong làng này và cũng đã bị giết. Ngày mai chúng tôi sẽ đưa tên họ vào danh sách tên nạn nhân được công khai.

    – Sau đó thì sao?

    – Về điều này bà cũng nên suy nghĩ đến, vì kể ra bà cũng là họ hàng của họ.

    – Tôi không có họ hàng với họ. Nhưng dù sao tôi cũng thấy mình có liên quan.

    Cả hai cùng rời khỏi ngôi nhà. Vivi Sundberg treo chùm chìa khóa vào một cái đinh móc ở ngoài cửa.

    – Chúng tôi không nghĩ có ai đó sẽ lẻn được vào nhà. Vào thời điểm này, ngôi làng được bảo vệ chẳng kém gì gia đình hoàng gia.

    Hai người chia tay nhau trên đường làng. Những ngọn đèn pha sáng chói rọi lên những ngôi nhà. Birgitta Roslin lại có cảm giác đang đứng trên sân khấu.

    – Ngày mai bà trở về nhà phải không? Vivi Sundberg hỏi.

    – Có lẽ thế. Bà đã suy nghĩ về những gì tôi kể chưa?

    – Trong cuộc họp sáng mai tôi sẽ trình bày những thông tin bà cung cấp, rồi nó sẽ được xử lý như mọi thông tin khác.

    – Nhưng chắc chắn bà cũng thống nhất với tôi rằng có thể tin được, thậm chí rất có thể tin được, là có một mối liên quan giữa hai vụ án.

    – Còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó. Nhưng tôi tin bây giờ tốt nhất là bà không nên bận tâm về vấn đề này nữa.

    Birgitta Roslin nhìn theo Vivi Sundberg ngồi vào xe rồi phóng đi. Bà ấy không tin mình, bà tự nói thành tiếng với chính mình trong bóng tối. Bà ấy không tin mình, và tất nhiên mình hiểu được điều đó.

    Nhưng đồng thời điều đó lại làm cho bà bực bội. Nếu cũng là cảnh sát, bà sẽ ưu tiên xem xét thông tin cho biết về mối liên quan với một sự việc tương tự, ngay cả khi sự việc đó lại xảy ra ở một địa lục khác.

    Bà định sẽ nói chuyện với công tố viên phụ trách điều tra sơ bộ. Anh ta sẽ hiểu ra quan sát của bà quan trọng đến mức nào.

    Bà phóng rất nhanh về Delsbo và vẫn chưa thấy hết tức giận lúc về tới khách sạn. Những người làm quảng cáo tổ chức một bữa tiệc linh đình trong phòng ăn của khách sạn, còn bà lại phải ngồi ăn một mình bên quầy bar vắng bóng người. Bà gọi món ăn và một cốc rượu vang.

    Sau bữa ăn, bà lên phòng mình. Nỗi bực bội của bà cũng lắng xuống. Bà uống một viên sắt và nghĩ đến cuốn nhật ký mà mình mới chỉ được giở lướt qua. Đáng lẽ bà nên kể cho Vivi Sundberg biết phát hiện của mình, nhưng không rõ vì lý do nào mà bà lại không làm việc đó. Có nguy cơ cuốn nhật ký đó cũng sẽ trở thành một chi tiết vô nghĩa trong tài liệu điều tra phong phú của cảnh sát.

    Là thẩm phán, bà đánh giá cao những cảnh sát tinh ý. Họ là những người có khả năng đặc biệt, phát hiện ra được những mắt xích quan trọng trong một tài liệu mà những người khác thấy lộn xộn và rối rắm.

    Vậy Vivi Sundberg thuộc tip cảnh sát nào? Một phụ nữ to béo, trung tuổi, hình như không có khả năng lĩnh hội nhanh một cách đặc biệt.

    Nhưng lập tức Birgitta Roslin lại thấy hối hận về ý nghĩ ấy của mình. Như vậy thật là bất công, bởi lẽ bà chưa biết gì về Vivi Sundberg.

    Bà lên giường nằm, bật vô tuyến và nghe tiếng rung của những cây guitar bass vọng lên từ phòng ăn, nơi cuộc liên hoan đang vào lúc sôi nổi.

    Tiếng chuông điện thoại đánh thức bà dậy. Bà nhìn đồng hồ và nhận ra mình đã ngủ được hơn một tiếng đồng hồ. Người gọi điện thoại đến là Staffan:

    – Thực ra em đang ở đâu vậy?

    – Ở Delsbo.

    – Anh không biết Delsbo nằm ở chỗ nào cả.

    – Phía Tây Hudiksvall.

    Bà kể lại cho chồng nghe về chuyến đi đến làng Hesjövallen. Bà nghe có tiếng nhạc Jazz như làm nền cho cuộc nói chuyện của hai người. Ông ấy thấy thoải mái khi được ở một mình, bà thầm nghĩ. Lúc này, ông có thể nghe nhạc Jazz trong yên tĩnh, dòng nhạc mà mình không thích.

    – Bây giờ mọi việc sẽ thế nào? Ông hỏi khi thấy bà im lặng.

    – Ngày mai em mới quyết định được. Em vẫn chưa quen có nhiều thời gian rảnh rỗi như thế này. Bây giờ thì anh lại có thể tiếp tục nghe nhạc Jazz rồi đấy.

    – Đó là Charlie Mingus.

    – Ai cơ?

    – Em muốn nói rằng mình không biết Charlie Mingus là ai, có phải không?

    – Đôi khi em thấy, hình như tất cả các nhạc sĩ nhạc Jazz đều có chung một cái tên thì phải.

    – Bây giờ em xúc phạm đến anh rồi đấy.

    – Em không có ý ấy.

    – Em có hoàn toàn chắc vậy không?

    – Anh nói vậy nghĩa là sao?

    – Anh chỉ muốn nói về căn bản em coi thường âm nhạc mà anh thích nghe.

    – Vì sao em lại phải coi thường chúng chứ?

    – Điều này thì chỉ tự em biết.

    Cuộc nói chuyện kết thúc bất ngờ. Ông dập mạnh ống nghe. Thái độ này khiến bà tức giận. Bà gọi lại, nhưng ông không nhấc máy. Cuối cùng, bà cũng buông chiếc máy di động. Bà hồi tưởng lại những suy nghĩ của mình khi ở trên chuyến phà vào cái hôm đi sang Oresund. Không chỉ có riêng mình mệt mỏi, bà nghĩ. Ông ấy chắc chắn cũng thấy mình sống lạnh nhạt, lơ đãng như mình thấy ở ông ấy. Cả mình lẫn ông ấy đều không biết làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng sống mòn này. Nhưng làm sao có thể tìm thấy một lối thoát khi mà chúng ta không thể nói chuyện được với nhau mà không cãi vã gay gắt?

    Mình có thể viết một bài hát về chủ đề này, bà nghĩ. Hai con người làm tổn thương lẫn nhau.

    Trong ý nghĩ, bà lập ra một danh mục các từ có âm vần với từ "vết thương": tai ương, đáng thương, chán chường, vấn vương, nửa đường... Có thể viết được một bài hát từ những từ ấy, nhưng làm thế nào để nó không tầm thường, nhạt nhẽo đây?

    Rồi bà chuẩn bị đi ngủ. Nhưng cũng phải mất một hồi lâu bà mới thiếp đi. Gần sáng bà thức dậy vì ở đâu đó có tiếng đập cửa. Bà nằm trong bóng tối và nhớ lại giấc mơ đêm qua của mình. Bà đã có mặt trong ngôi nhà của Brita và August Andrén. Bà nói chuyện với họ, hai người ngồi trên chiếc ghế sofa màu đỏ thẫm, còn bà thì đứng bên cạnh. Bỗng nhiên bà nhận ra mình đang trần truồng. Bà tìm cách che người lại và bỏ đi, nhưng không thể nào làm được. Hai chân bà như bị liệt. Lúc nhìn xuống, bà thấy hai bàn chân mình dính chặt vào nền nhà.

    Đến đó thì bà thức dậy. Bà lắng tai nghe trong bóng tối.

    Những tiếng lè nhè say rượu đến gần rồi biến mất. Bà nhìn vào đồng hồ. Năm giờ kém mười lăm. Còn lâu trời mới hửng sáng. Bà nằm ngay ngắn và tìm cách ngủ tiếp thì một ý nghĩ chợt đến trong đầu.

    Chiếc chìa khóa được móc vào một cái đinh. Bà ngồi dậy trên giường. Đương nhiên điều này bị cấm và cũng không thể lấy được quyển sổ nằm trong ngăn kéo. Nhưng cũng không thể chờ tới khi một cảnh sát nào đó tình cờ quan tâm đến việc này.

    Bà đứng dậy và đến bên cửa sổ. Vắng vẻ và yên tĩnh. Mình có thể làm được việc này, bà nghĩ. Trong trường hợp thuận lợi, mình sẽ góp phần để vụ điều tra này không bị sa lầy như vụ điều tra kém cỏi của cảnh sát liên quan đến thủ tướng Olof Palme. Nhưng mình sẽ phạm pháp bởi việc làm tự ý này và có thể một công tố viên hay bắt bẻ nào đó sẽ buộc mình tội làm cản trở công tác điều tra.

    Tệ hơn nữa là tối qua bà đã uống rượu vang. Là một thẩm phán mà lại uống rượu lái xe rồi bị bắt thì sẽ là thảm họa. Bà tính lại thời gian kể từ khi ăn bữa tối. Nồng độ cồn hẳn đã giảm xuống. Nhưng bà không dám chắc chắn.

    Mình không được phép làm việc này, bà nghĩ. Ngay cả khi cảnh sát bảo vệ ngôi làng đó còn đang ngủ. Mình không thể làm điều đó được.

    Vậy mà không hiểu sao bà vẫn mặc quần áo rồi rời khỏi phòng. Hành lang vắng vẻ. Một vài người dự tiệc về vẫn còn đang làm ồn trong phòng họ. Bà như thoảng nghe thấy có tiếng bước chân.

    Quầy lễ tân không có người. Nhưng bà thoáng thấy lưng của một phụ nữ tóc vàng phía sau quầy.

    Ngồi vào trong xe bà lại thấy do dự. Nhưng sức cám dỗ quá mạnh - bà muốn được đọc cuốn nhật ký đó.

    Không thấy có chiếc ô tô nào chạy ngược chiều. Một lần bà phải thắng phanh khi tưởng phía sau đống tuyết được ủi sang hai bên đường có một con tuần lộc. Nhưng đó chỉ là mớ rễ chùm của một thân cây bị bật gốc.

    Lúc lên tới con dốc cuối cùng dẫn xuống làng, bà cho xe dừng lại, tắt đèn. Bà lấy chiếc đèn pin để trong cốp xe rồi thận trọng đi dọc theo con đường, thỉnh thoảng lại dừng bước, lắng nghe. Một cơn gió nhẹ xào xạc trong tán cây. Khi lên đến đỉnh đồi bà nhìn thấy hai ngọn đèn pha chói sáng, một chiếc xe cảnh sat đỗ trước ngôi nhà nằm sát bìa rừng. Bà có thể tiếp cận ngôi nhà của Brita và August mà không ai nhìn thấy. Bà che ánh sáng ngọn đèn pin, đi qua sân nhà hàng xóm để đến được phía sau ngôi nhà. Trong chiếc xe cảnh sát vẫn không thấy có động tĩnh gì. Bà đưa tay lần tìm chìa khóa nhà.

    Khi bước vào trong hành lang, bà thấy rùng mình. Bà lấy từ trong túi áo khoác ra một chiếc túi nilon, thận trọng mở ngăn kéo bàn.

    Bỗng nhiên đèn pin của bà tắt ngấm. Bà lắc lắc cho nó sáng lại, nhưng không được, tuy vậy, bà vẫn lấy những bức thư và những cuốn sổ nhật ký nhét vào chiếc túi nhựa. Một bọc thư tuột khỏi tay bà, làm bà phải quờ tay lên sàn nhà lạnh băng để tìm lại nó.

    Rồi bà vội vàng trở lại xe. Người phụ nữ trực bên quầy lễ tân ngạc nhiên khi thấy bà từ bên ngoài đi vào khách sạn.

    Bà chỉ muốn được đọc ngay những thứ vừa đem về, nhưng rồi lại quyết định ngủ thêm hai tiếng nữa. Bà thức dậy vào lúc chín giờ sáng, đi xuống quầy lễ tân mượn một chiếc kính lúp rồi ngồi xuống bên chiếc bàn mà bà đã kéo đến sát bên cửa sổ trong phòng mình. Những người làm quảng cáo kết thúc hội nghị, bắt đầu lục tục lên đường, chui vào những chiếc xe con, hoặc xe bus của họ. Bà treo tấm biển "Đề nghị không làm phiền" vào quả đấm cửa ở bên ngoài và bắt đầu đọc mấy quyển sổ. Công việc tiến triển rất chậm, có những từ, thậm chí cả câu, không thể luận ra được.

    Bà cũng nhanh chóng nhận ra đằng sau chữ viết tắt J.A. ẩn náu một người đàn ông. Tại sao ông ta không xưng là "tôi" một khi nói về bản thân mình mà lại phải dùng các chữ đầu của tên họ. Ông ta là ai, thoạt đầu bà còn chưa rõ, nhưng rồi bà nhớ đến bức thư thứ hai mà bà tìm thấy trong số giấy tờ của mẹ. Jan August Andrén. Hẳn là ông ta. Ông ta là cai thợ của một công trường xây dựng đường sắt khổng lồ đang từ từ vượt qua sa mạc Nevada vươn tới miền Đông, ông ta tả rất tỉ mỉ và cầu kỳ về trách nhiệm của mình. J.A. kể về những thanh tà vẹt, những thanh ray và ông ta đã phải sẵn sàng cúi đầu trước những người đàn ông thuộc giai tầng trên, những người đã khiến ông ta sợ hãi với quyền lực của họ. Ông ta tả về những bệnh tật đã tấn công mình, trong đó có đợt sốt dai dẳng đã làm ông ta mất sức lao động trong một thời gian dài.

    Thời kỳ ấy có thể nhận thấy qua chữ viết của ông ta, chúng bỗng nhiên trở nên run rẩy. J.A. đã viết: "Sốt cao, thường nôn ra máu rất đau đớn". Birgitta Roslin gần như có thể chia sẻ nỗi sợ chết hiển hiện trong những trang viết ấy. Vì J.A. không ghi ngày tháng khi viết, nên bà cũng không biết ông ta bị ốm bao lâu. Vài trang sau bỗng ông ta lại viết một bản di chúc: "Herbert, người bạn tốt của tôi nhận được một đôi ủng và những thứ quần áo khác, ông Harrisson nhận được khẩu súng trường và khẩu súng ngắn với lời đề nghị thông báo cho họ hàng của tôi ở Thụy Điển biết rằng tôi đã qua đời. Tiền của tôi được dành cho linh mục ngành đường sắt, để ông có thể lo cho tôi một lễ an táng đàng hoàng với ít nhất là hai bài thánh vịnh. Tôi không nghĩ rằng cuộc đời của mình lại sớm kết thúc đến vậy. Chúa phù hộ tôi."

    Nhưng J.A. không chết. Bất ngờ, không có đoạn chuyển tiếp, ông ta đã khỏe lại.

    "Chúng tôi làm việc cực nhọc, và công việc tiến triển nhanh, vì khu vực này dễ làm. Ở đây có quá nhiều rắn lục lạc làm cho những người Hoa sợ hãi. Nhưng họ làm việc rất nhanh nhẹn, mặc dù họ khiến tôi không hài lòng."

    Lúc này hình như J. A. làm cai thợ cho một công ty có tên là "Central Pacific", có nhiệm vụ xây dựng tuyến đường sắt chạy từ Thái Bình Dương đến điểm giao với tuyến đường xuất phát từ miền duyên hải phía Đông do một công ty cạnh tranh xây dựng cùng lúc. Ngôn ngữ của ông ta pha trộn cả tiếng Anh, ông ta phàn nàn rằng "cánh thợ rất lazy", nếu như ông ta không nghiêm khắc giám sát họ. Ông ta đặc biệt không hài lòng với đám thợ người Ái Nhĩ Lan, vì họ uống quá nhiều rượu và buổi sáng thường không đến đúng giờ. Ông ta nhẩm tính cứ trong bốn người Ái Nhĩ Lan thì phải đuổi bớt một người, điều này cũng gây không ít khó khăn cho công việc. Còn tuyển dụng người da đỏ thì không thể, vì họ từ chối làm việc nặng nhọc như vậy. Còn người da đen thì đơn giản hơn, nhưng những người nô lệ này, một là bỏ trốn hoặc được trả tự do, hoàn toàn không muốn để bị ra lệnh. J.A. Viết: "Ở đây cần có nhiều chàng trai Thụy Điển tráng kiện, thay vì những gã cu li người Hoa láu cá và những gã Ái Nhĩ Lan say rượu."

    Birgitta Roslin phải căng mắt ra mới đọc nổi những dòng chữ trong cuốn nhật ký. Thỉnh thoảng bà lại phải nằm lên giường một lúc và nhắm mắt lại. Rồi sau đó bà lại tiếp tục đọc một trong các bó thư. Lại là J.A. Viết, lại là những con chữ hầu như không còn có thể đọc được nữa. Ông ta viết cho cha mẹ, kể cho họ nghe về cuộc sống của mình. Giữa những điều ông ta ghi trong nhật ký với những gì viết trong thư gửi về nhà có những trái ngược đến kỳ lạ. Giả sử những gì ông ta viết trong nhật ký là sự thật, thì ông ta đã nói dối trong những bức thư. Trong nhật ký ghi tiền lương mỗi tháng của ông ta là mười một đô la. Trong bức thư bà đọc đầu tiên, ông ta viết: "Các ông chủ của con đều tỏ ra hài lòng với con, nên con bây giờ được trả hai mươi lăm đô la một tháng, có lẽ tương đương với đồng lương của một viên thu thuế ở nhà mình bên ấy." Ông ta khoe khoang, bà thầm nghĩ. J.A. ở quá xa nên sẽ chẳng ai có thể kiểm chứng được những gì ông ta nói ra.

    Bà tiếp tục đọc và phát hiện thấy những điều dối trá mới, càng lúc chúng càng đáng ngạc nhiên hơn. Bỗng nhiên ông ta đính hôn với một người làm bếp tên là Laura "đến từ một gia đình khá giả ở New York". Căn cứ vào ngày tháng đề trong thư thì thấy cũng chính thời gian này ông ta đang nằm trên giường chờ chết và vô cùng sợ hãi viết di chúc. Có lẽ Laura đến với ông ta trong cơn mê sảng vì sốt cao.

    Người đàn ông mà Birgitta Roslin cố tìm cách mường tượng ra cứ trườn mất như một con lươn. Càng lúc bà càng thiếu kiên nhẫn, đến mức bà chỉ lướt qua những trang nhật ký và những bức thư.

    Sau nhiều tiếng đồng hồ ngồi bên những trang viết rất khó đọc, bà bắt gặp một tờ giấy được kẹp giữa những trang nhật ký. Đó là một phiếu trả lương, chứng thực rằng vào tháng Tư năm 1864, Jan August Andrén nhận được một khoản lương mười một đô la. Lúc này bà mới biết rằng đây chính là người đàn ông đã viết bức thư kẹp trong số giấy tờ của mẹ bà để lại.

    Bà đứng dậy đi đến bên cửa sổ. Một người đàn ông đang xúc tuyết. Trước kia đã có một người đàn ông từ Hesjövallen di cư đi, dưới cái tên là Jan August Andrén, bà thầm nghĩ. Ông ta đến Nevada làm công nhân xây dựng đường sắt, rồi trở thành cai thợ, ông ta không ưa cả người Ái Nhĩ Lan lẫn đám người Hoa dưới quyền chỉ huy của mình. Người vợ chưa cưới mà ông ta tưởng tượng ra có thể chỉ là một trong "những người đàn bà lang chạ lảng vảng quanh công trường xây dựng đường sắt" như ông ta đã viết ở những đoạn khác trong cuốn nhật ký. Họ lây truyền các bệnh hoa liễu trong đám thợ. Đám đĩ điếm lần theo bước tiến của các công trường xây dựng đường sắt thường gây ra những chuyện lộn xộn và phức tạp. Không những chỉ chuyện phải thải hồi những người bị mắc bệnh, mà còn có những trận ẩu đả thường xuyên bùng nổ do tranh giành phụ nữ.

    Đến phân nửa cuốn nhật ký, J.A. kể lại một người Ái Nhĩ Lan tên là O'Connor đã bị kết án tử hình vì giết một người thợ Tô Cách Lan. Hai gã đó say rượu và đánh lộn nhau vì một người đàn bà. O'Connor bị treo cổ, vị thẩm phán từ nơi khác đến đã đồng ý không thi hành án trong thành phố, mà tiến hành trên một quả đồi gần nơi đang có công trường xây dựng đường sắt. Jan August Andrén viết: "Tôi thấy việc này rất tốt, mọi người đều sẽ thấy rượu và dao sẽ dẫn họ tới đâu."

    Ông ta tả rất tỉ mỉ về cái chết của người thợ Ái Nhĩ Lan. "Đó là một chàng trai còn rất trẻ, gần như chưa có lông tơ mép."

    Đó là một buổi sáng sớm. Việc thi hành án được diễn ra ngay trước khi bắt đầu ca sáng. Ngay cả một vụ hành quyết cũng không được khiến một thanh tà vẹt, một thanh ray bị rải muộn. Các cai thợ đã nhận được lệnh, tất cả thợ thuyền đều phải có mặt trong buổi hành quyết. Gió lạnh buốt. Jan August Andrén buộc một chiếc khăn che kín mồm, mũi khi đi vòng quanh các lán trại và kiểm tra xem thợ của mình đã ra khỏi lều đi đến bãi hành quyết chưa. Giá treo cổ được dựng trên một chồng tà vẹt mới được quét hắc ín. O'Connor chết là người ta sẽ ngay lập tức tháo tà vẹt xuống để rải. Các thừa tác viên của tòa án mang theo vũ khí giải tử tù đến bãi hành quyết. Một vị cha cố cũng có mặt. Jan August Andrén tả cảnh tượng: "Một tiếng rì rầm nổi lên trong đám người. Thoạt đầu, người ta có thể tưởng rằng tiếng ồn ào kia là hướng vào gã đao phủ. Rồi sau đó người ta cho rằng đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm của mỗi kẻ đang có mặt ở đây vì mình không phải ở vào vị trí của người sắp bị treo cổ. Khi ấy tôi thầm nhủ rằng rất nhiều người trong số họ căm thù công việc hằng ngày thì lúc này đây lại cảm thấy mê đi với ý nghĩ rằng vẫn sẽ được tiếp tục khiêng vác những thanh ray, vẫn còn được xúc đá dăm, đặt các thanh tà vẹt lên đường tàu."

    Trong phần miêu tả tỉ mỉ vụ hành quyết, Jan August Andrén giống như là một phóng viên tư pháp, Birgitta Roslin thầm nghĩ. Nhưng có phải ông ta viết cho chính mình hay viết lại cho hậu thế vô danh. Nếu không phải vậy, có lẽ ông ta đã không sử dụng cách diễn đạt "cảm thấy mê đi".

    Câu chuyện được thuật lại mang màu sắc bi thảm, khủng khiếp. O'Connor lê chân bước như một kẻ mộng du, nhưng bất thình lình, khi đến chân giá treo cổ, cậu ta bừng tỉnh, bắt đầu gào thét và chiến đấu cho cuộc sống của mình. Tiếng rì rầm trong đám người có mặt tăng lên. Tất cả được Jan August Andrén miêu tả là một "cảnh tượng khủng khiếp khi phải nhìn thấy chàng trai này đấu tranh cho mạng sống mà anh ta biết rằng không lâu nữa mình sẽ mất. Chàng thanh niên giãy giụa, gào thét được dẫn đến bên sợi dây thừng và anh ta gầm lên cho tới lúc chiếc nắp hố dưới chân mình mở ra và xương sống cổ bị gãy." Lúc này tiếng rì rầm của đám đông cũng im bặt, Jan August Andrén viết: "giống như là những người có mặt ở đây bị câm và cảm thấy như chính xương sống cổ của họ đã gãy."

    Ông ta tả thật chính xác, Birgitta Roslin nghĩ, một người đàn ông viết bằng cảm xúc thực của mình.

    Giá treo cổ được tháo dỡ, xác chết và các thanh tà vẹt được chuyển đi các hướng khác nhau. Rồi xảy ra vụ đánh lộn giữa đám người Hoa với nhau. Ai cũng muốn giành được sợi dây thừng đã treo cổ O'Connor. Andrén viết: "Người Hoa không giống như chúng ta. Chúng bẩn thỉu, chỉ quần tụ với nhau, thốt ra những câu phù chú kỳ lạ, bày ra các trò trừ tà ma huyền bí. Hình như họ sẽ dùng sợi dây treo cổ để sắc một thứ thuốc nước." Đây là lần đầu tiên ông ta đưa ra một ý kiến cá nhân: "Người Hoa không như chúng ta. Chúng bẩn thỉu."

    Chuông điện thoại reo. Đó là Vivi Sundberg.

    – Tôi có làm bà thức giấc không?

    – Không.

    – Bà có thể xuống dưới này được không? Tôi đang ở bên quầy lễ tân.

    – Có chuyện gì vậy?

    – Lúc bà xuống đây, tôi sẽ nói cho bà biết.

    Vivi Sundberg đứng chờ trước lò sưởi mở.

    – Chúng ta ngồi vào chỗ kia, Vivi Sundberg nói và chỉ vào bộ bàn ghế kê ở góc phòng.

    – Do đâu bà biết được tôi ở khách sạn này?

    – Tôi đã hỏi.

    Birgitta Roslin linh cảm thấy một điều hoàn toàn không tốt. Vivi Sundberg thận trọng, lạnh lùng. Bà đi thẳng vào vấn đề.

    – Chúng tôi không mù và điếc lắm đâu, bà bắt đầu. Dù chúng tôi chỉ là những cảnh sát tỉnh lẻ. Chắc bà rõ tôi muốn nói đến điều gì?

    – Không.

    – Chúng tôi bị mất những thứ để trong ngăn kéo bàn của ngôi nhà mà tôi đã tạo điều kiện để bà vào được trong đó. Tôi đã đề nghị bà không động chạm vào bất kể một cái gì. Đêm hôm qua hẳn bà đã trở lại đó. Trong ngăn kéo mà bà đã lấy hết đi chứa những cuốn nhật ký và thư từ. Tôi chờ bà ở đây trong khi bà lên lấy chúng xuống. Tổng cộng là năm hay sáu cuốn nhật ký? Bao nhiêu bó thư? Bà hãy mang cả xuống đây. Sau đó tôi sẽ quên việc này. Và bà phải biết ơn tôi, vì tôi đã bỏ công đến đây.

    Birgitta Roslin cảm thấy mặt mình đỏ lên. Bà bị tóm quả tang đang thò ngón tay vào hộp đựng bánh. Bà hoàn toàn không thể làm gì được nữa. Bà thẩm phán bị buộc tội.

    Bà đứng dậy, đi lên phòng. Bà chần chừ định giữ lại cuốn nhật ký đang đọc giở. Nhưng bà không biết thật sự Vivi Sundberg đã biết được những gì. Việc Vivi Sundberg tỏ ra không biết chính xác có bao nhiêu cuốn nhật ký hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Rất có thể đó là cách để kiểm tra sự thật thà của bà. Birgitta Roslin đã đem xuống tất cả những thứ bà đã lấy về. Vivi Sundberg nhét những bó thư và những cuốn nhật ký vào trong một chiếc túi giấy.

    – Vì sao bà lại làm chuyện này? Bà hỏi.

    – Tôi tò mò. Tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi.

    – Bà có giấu tôi điều gì không đấy?

    – Tôi không có lý do giấu giếm.

    Vivi Sundberg nhìn bà dò xét. Birgitta Roslin lại cảm thấy mặt mình đỏ lên. Sundberg đứng dậy. Mặc dù có thân hình nặng nề, nhưng bà vận động rất nhẹ nhàng.

    – Bà hãy để việc này cho cảnh sát chúng tôi giải quyết. Tôi không muốn để mọi người biết rằng đêm hôm qua bà đã đột nhập vào trong ngôi nhà đó. Chúng ta sẽ quên chuyện này. Bà trở về nhà mình, tôi lại tiếp tục với công việc ở đây.

    – Tôi xin được tha lỗi.

    – Bà đã làm điều đó rồi.

    Vivi Sundberg biến mất qua khung cửa và bước lên chiếc xe cảnh sát đỗ ở bên ngoài. Birgitta Roslin lên phòng lấy áo khoác rồi đi dạo bên bờ hồ nước đóng băng. Gió lạnh thổi thành từng cơn. Bà cúi đầu, giấu cằm vào cổ áo. Một nữ thẩm phán đêm hôm lẻn vào một ngôi nhà, trong đó vừa mới có hai người già bị giết hại, và lấy đi những bó thư cùng những cuốn nhật ký, bà nghĩ và tự hỏi mình, liệu Vivi Sundberg có kể lại chuyện này cho các đồng nghiệp không hay bà ấy sẽ giữ kín cho mình.

    Birgitta Roslin đi vòng quanh hồ một lượt, người nóng ran, đổ mồ hôi rồi trở về khách sạn. Sau khi đã tắm xong và thay quần áo, bà nghĩ lại tất cả những gì mới xảy ra.

    Bà tìm cách ghi lại những suy nghĩ của mình, nhưng rồi lại vo tròn những tờ giấy đó, vứt chúng vào sọt đựng rác. Vậy là bà đã đến thăm ngôi nhà nơi mẹ bà lớn lên, đã nhìn thấy căn phòng của mẹ và biết bố mẹ nuôi của mẹ nằm trong số những người đã bị giết ở đây. Cũng đã đến lúc trở về nhà, bà thầm nghĩ.

    Bà đi xuống quầy lễ tân báo sẽ rời đi vào hôm sau. Sau đó bà phóng xe tới Hudiksvall, tìm một hiệu sách, mua một cuốn viết về rượu vang. Bà do dự định vào lại quán ăn Trung Quốc hôm trước đã vào, nhưng thay vì thế bà lại chọn một quán ăn Ý. Bà ngồi lại rất lâu, giở xem qua mấy tờ báo, nhưng không còn để ý đến những gì viết về Hesjövallen nữa.

    Điện thoại di động của bà đổ chuông. Bà nhìn vào màn hình và biết đó là Siv, một trong hai cô con gái sinh đôi.

    – Mẹ đang ở đâu vậy?

    – Ở Hälsingland. Mẹ đã chẳng nói cho con biết rồi sao?

    – Nhưng mẹ làm gì ở Hälsingland mới được chứ?

    – Đơn giản là mẹ muốn ngao du một chút. Thay đổi không khí ấy mà. Ngày mai mẹ về nhà.

    Bà nghe rõ tiếng con gái thở dài.

    – Ba và mẹ, hai người lại cãi nhau, phải không?

    – Sao con lại nghĩ vậy?

    – Sự việc càng ngày càng tồi tệ hơn. Về nhà là bọn con đã cảm thấy.

    – Cái gì cơ?

    – Chuyện của ba mẹ ấy. Ba đã nói chuyện đó với con.

    – Ba con đã nói về việc của ba mẹ?

    – So với mẹ, ba có lợi thế hơn. Ba có câu trả lời, khi người ta hỏi ba. Nhưng mẹ thì lại không làm thế. Mẹ nên nghĩ lại về điều này, con thấy vậy, nếu như bây giờ mẹ trở về nhà. Thôi, con phải dừng lại thôi. Thẻ của con sắp hết tiền rồi.

    Cạch. Cuộc trao đổi kết thúc. Những điều con gái nói ra làm cho bà thấy đau đớn. Đồng thời bà cũng thấy đó là sự thật. Bà trách Staffan sống thu mình. Nhưng trong mối quan hệ với các con bà cũng xử sự y như vậy.

    Bà quay về khách sạn, đọc cuốn sách vừa mua, ăn nhẹ vào bữa tối và đi ngủ sớm.

    Tiếng chuông điện thoại làm bà thức trong bóng tối. Khi bà lên tiếng lại không thấy ai ở bên kia đầu dây. Trên màn hình không hiện số.

    Một cảm giác không lành chợt đến bất thình lình với bà. Ai đã gọi điện cho bà?

    Trước khi ngủ tiếp, bà xem lại cửa phòng đã được khóa cẩn thận chưa. Rồi bà nhìn ra ngoài qua cửa sổ. Đường xe ra vào khách sạn vắng tanh. Bà trở vào giường và nghĩ rằng ngày hôm sau sẽ làm một việc duy nhất phải lẽ.

    Trở về.
     
    Khánh ĐoanNgọc Thiền Sầu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...