Tên truyện: Người cha nhặt bánh bao Thể loại: Truyện ngắn Năm 16 tuổi, tôi thi đỗ vào trường trung học danh tiếng nhất huyện. Nghe người ta nói vào được đấy cũng giống như đã bước một chân vào cổng trường đại học. Cha tôi vui mừng khôn xiết. Đúng lúc đó, nhà một người bà con của chúng tôi ở huyện muốn dọn lên tỉnh ở. Họ nhờ cha tôi đến giúp xem chừng nhà cửa, lại còn gợi ý rằng cha tôi nên nuôi thêm heo. Đó là con đường rất dễ làm giàu, bởi vì người ở huyện nhiều, chi tiêu lại cao, thịt heo bán có giá hơn ở nông thôn. Cha tôi đồng ý ngay. Thứ nhất đó quả là một cách hay, thứ hai, lên huyện ông dễ dàng chăm sóc tôi hơn. Tôi học xong kỳ một, cha tôi cũng xây xong chuồng và mua được heo giống. Ngày thường tôi ở ký túc xá của trường, đến thứ bảy lại đến chỗ cha tôi, nhân tiện thay ông chăm sóc bầy heo. Trong hai ngày cuối tuần, cha tôi quay về nhà ở quê để đem thêm thức ăn lên. Heo ngày một lớn, ăn nhiều, số thức ăn gia súc mà người bà con để lại cũng cạn dần, chúng tôi phải mua thêm. Phải bỏ tiền ra, cha tôi đâm ra ưu tư lo lắng. Tôi cũng vì việc này mà buồn bã trong lòng. Một hôm, khi đến căn tin của trường ăn cơm, tôi phát hiện rất nhiều bạn học vứt bánh bao, đổ cơm thừa, tôi chợt nghĩ có thể gom những thức ăn đó lại cho heo ăn thì hay biết bao. Tôi về nhà nói ý định này với cha, ông vui mừng vỗ tay vào đùi bôm bốp. Hôm sau, cha tôi bắt đầu đi gom bánh bao và cơm thừa. Tôi vui mừng khôn xiết vì đã giúp được cha. Nhưng cách này lại đem đến cho tôi vô số chuyện đau đầu khác. Chiếc khăn đội đầu đen nhẻm, quần áo dơ bẩn cùng với đôi bàn tay thô ráp của cha hóa thành chuyện cười của đám bạn học. Chúng gọi cha tôi bằng những cái tên rất khó nghe như bang chủ cái bang, đại ca ve chai. Sinh ra ở nhà quê, tôi không sợ khó sợ khổ hay những cú vấp ngã trong đời mà chỉ sợ bị người ta chế nhạo. Cũng còn may là lũ bạn vẫn chưa biết người đàn ông nhặt bánh bao, cơm thừa đó là cha tôi. Tôi cũng cố hết sức tránh ông, mỗi khi ông đến, tôi lại lánh mặt. Nhưng nỗi sợ hãi trong lòng tôi ngày một tăng. Tôi sợ mọi người sẽ phát hiện ra và chế nhạo tôi. Cho đến một ngày, tôi đành nói với cha: - Cha ơi, cha đừng đi gom đồ ăn thừa nữa, mọi người mà biết sẽ cười con.. Sự vui vẻ trên gương mặt cha tôi biến mất. Trong đêm tối, chỉ còn điếu thuốc của cha lúc đỏ lúc tăt hồi lâu sau cha mới nói: - Cha nghĩ vẫn phải đi thôi! Cha không gặp mặt hay nói chuyện với con là được rồi. Hiện giờ đàn heo đang độ lớn, không có thức ăn là không được. Nước mắt tôi rơi lã chã. Xin lỗi cha, con thật lòng rất yêu cha, nhưng cha lại nhặt bánh bao thừa ở trường con học, con sợ mọi người sẽ coi thường con! Những ngày tiếp theo, cha tôi vẫn tiếp tục đi gom bánh bao, tôi vẫn cứ âm thầm đi học, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi thấy cha thường đứng ngây người ở trước tấm bảng dán thành tích học tập của trường. Tôi nghĩ kết quả học tập xuất sắc của tôi chắc đã phần nào an ủi ông. Mùa đông năm ấy, vào cuối học kỳ một, tôi đứng trong ba hạng đầu của trường. Nhà trường tổ chức họp phụ huynh, cô giáo nói tôi mời cha đến. Cả người tôi bỗng chốc lạnh băng, tôi không biết đám bạn sẽ cười nhạo tôi ra sao khi biết người đàn ông hay đến căn tin nhặt bánh bao là cha tôi. Mang theo tâm trạng nặng nề trở về nhà, tôi nói với cha: - Cha ơi, cha đừng đi, con đã nói với cô giáo rằng cha đang bệnh.. Sắc mặt của cha không vui, nhưng ông không nói gì. Hôm sau, tôi đi đến trường dưới trời đầy gió tuyết. Tôi vào lớp, buổi họp phụ huynh đã bắt đầu, tiếng vỗ tay và tiếng cười không ngớt, tôi cứ ngẩn người ra, trong lòng lạnh giá. Cha ơi, tại sao cha lại là một nông dân nghèo, lại đến nhặt bánh bao ở trường của con! Tôi không còn lòng dạ nào để nghe cô giáo và các phụ huynh nói chuyện, mắt chỉ biết nhìn ra cửa sổ. Trời ơi! Người cha nhặt bánh bao của tôi đang đứng trong hành lang bên ngoài cửa sổ lớp, đang chăm chú lắng nghe. Một lớp tuyết phủ trên tấm khăn đội đầu màu đen của cha. Nước mắt tôi rơi lã chã, tôi chạy ra ngoài lớp, kéo cha tôi vào và nói với cô giáo: - Thưa cô, đây là cha em! Tiếng vỗ tay vang lên.. Trên đường trở về, cha tôi vẫn gánh trên vai hai thùng cơm thừa và bánh bao mà ông gom được. Cha nói: - Con chớ tự ti. Là nam nhi, con chỉ cần nỗ lực thì sau này chúng ta cũng sẽ có cái người khác có. Sau này, các bạn cũng không còn cười chê cha tôi nữa, mà còn tự giác đổ cơm thừa vào thùng thiếc của cha tôi. Hai năm sau, cha đưa tôi lên tỉnh học đại học, cách ăn mặc của người thôn quê chúng tôi khiến người khác chướng mắt, nhưng lòng tôi rất thản nhiên, không còn bận tâm nữa. Tôi hiểu, ở trên đời này, khó tránh khỏi bị ai đó chế nhạo, quan trọng là mình tôn trọng bản thân và nỗ lực như cha tôi từng nói. (Theo internet)