Tác phẩm: Người canh giữ phù dung Tác giả: Nguyệt Chu Reviewer: Ôn An Na Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ. Văn chương viết về lịch sử kén người viết, buộc họ phải có hiểu biết chính xác về thời cuộc cũng như nhân vật đó. Nhưng dấu vết của lịch sử được thế hệ sau tìm ra liệu có đúng hoàn toàn? Nó vẫn mang sự bí ẩn, mờ nhạt. Tác giả Nguyệt Chu là một cô giáo dạy văn khát khao tìm tòi lịch sử, chủ yếu là hình ảnh những người phụ nữ trong xã hội cũ. "Người canh giữ phù dung" được viết qua đôi mắt của cô gái trẻ, những người phụ nữ dường như được cảm thông, thấu hiểu, khác với sự khắc nghiệt của định kiến xã hội ngày đó. Mỗi thân phận người phụ nữ trong xã hội đều đầy rẫy đau thương. Nữ hoàng duy nhất của lịch sử Việt Nam - Lý Chiêu Hoàng có tình cảm ngang trái với Trần Cảnh, sau lại bị chính người chồng gả cho người khác, đối với nhà Lý, bà là tội nhân đánh mất quốc gia rơi vào tay kẻ khác, mấy ai hiểu được tình yêu son sắt, chung thủy của bà dành cho người chồng của mình? Tình yêu của bà đứng trước giang sơn quá nhỏ nhoi, quá bất công. Ta vẫn còn đau đáu câu hỏi "Trần Cảnh có thật sự yêu Lý Chiêu Hoàng?" Công chúa Mỵ Châu tin tưởng Trọng Thủy, nói cho chàng biết bí mật quốc gia, bị chàng phản bội, nước mất nhà tan, nàng là "con tốt" trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các quốc gia, ai thấu hiểu cho cuộc đời của nàng, cuộc đời chỉ mong "thiếp chỉ là đàn bà, thiếp không mong giấc mộng đế vương"? Phải chăng ước nguyện làm một đôi vợ chồng bình thường, bên nhau đến già quá là xa xỉ lúc bấy giờ? Cái chết của nàng thật đau đớn, bị chính cha ruột giết chết để đền tội cho non sông. Là nàng cung phi Điểm Bích xinh đẹp, tài hoa trở thành quân cờ cho vua Trần Anh Tông thử "đạo hạnh của thiền sư Huyền Quang". Vua Trần Anh Tông từng nhận xét: "Người đàn bà như nàng có thể đánh thức cả những cõi lòng đã tắt lửa đam mê nơi cửa Phật.. Nàng sẽ thử lửa với Phật" Nàng chẳng còn cách nào khác, phải nghe theo lệnh vua. Thân phận người phụ nữ bé nhỏ, mặc người ta sắp đặt, mặc người ta xâu xé, chẳng đáng giá một tí nào. Còn có những người phụ nữ không thua kém bậc nam nhân, xông pha chiến trường. Người con gái Sơn Tây dung nhan yêu kiều tên Cầm luôn đau đáu với vận mệnh nước nhà. Nàng từng nói với cha - Tiết chế Bắc kỳ quân vụ - Hoàng Kế Viêm: "Con hận chưa thể quyết liều sống mái một phen với chúng". Khí khái mạnh mẽ, can trường ấy đã va phải tình yêu với tướng quân Lưu Vĩnh Phúc, cuộc tình chẳng trọn vẹn nơi chiến trường khốc liệt, nay sống mai chết, chẳng biết được dài bao lâu. Nàng Tuyên phi Đặng Thị Huệ với khát khao quyền lực đã "can vào chính sự, điều mà cấm đối lúc bấy giờ, cung phi không được can chính. Những âm mưu thâm độc của nịnh thần đã hại chết thế tử Trịnh Tông cùng các tướng dưới trướng bà Đặng Thị Huệ, nàng phi xinh đẹp ngày nào đã bị cuốn vào âm mưu quyền lực, ngươi tranh ta đấu, cuối cùng bị bào mòn theo thời gian. Còn biết bao câu chuyện tình dang dở, chuyện tình của Trần Thị Thái và Nguyễn Ứng Long đã vượt qua rào cản định kiến xã hội" cha mẹ đặt đâu con ngồi đó "để theo đuổi tình yêu đích thực, nhờ đó một viên ngọc quý trong nền văn học Việt Nam, một danh nhân văn hóa nổi tiếng thế giới - Nguyễn Trãi ra đời. Hay nàng Nguyên Phi Ỷ Lan tài sắc vẹn toàn, biết cách chăm lo cho muôn dân, để vua tập trung lo quân sự, triều chính.. Giọng văn đầy nữ tính, mềm mại, ngọt ngào đem đến cái nhìn mới mẻ cho người đọc về lịch sử. Những thân phận người phụ nữ trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của đấng nam nhi trở nên nhỏ bé, nhưng nét đẹp bên ngoài lẫn bên trong vẫn tỏa ra mị hoặc rất lớn." Người canh giữ phù dung"với những câu chuyện sống động là tiếng nói cảm thông, thấu hiểu cho những người phụ nữ xưa, những giá trị đáng trân trọng cho đến hiện tại. Nguyệt Chu tự tin đánh dấu bản thân trong trường văn học bằng tác phẩm đầy sức sáng tạo về mảng lịch sử, đóng góp làm nên sự phong phú và đa dạng cho nền văn học, cũng như điểm tô cho lịch sử Việt Nam thêm đẹp đẽ.