Ngữ văn: Sóng - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 18 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    I. Tìm hiểu chung

    1. Tác giả

    - Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ.

    - Bà là nghệ sĩ đa tài: Làm diễn viên múa, sáng tác thơ, làm báo, biên tập viên.

    - Hồn thơ Xuân Quỳnh hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm, luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường, giàu lòng trắc ẩn.

    2. Tác phẩm

    A) Hoàn cảnh sáng tác

    - "Sóng" được sáng tác 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập "Hoa dọc chiến hào" ( 1968).

    B) Chủ đề

    - Qua hình tượng "sóng", trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa "sóng" và "em", bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thuỷ, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó, tác giả khẳng định tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

    II. Đọc hiểu văn bản

    1. Đặc điểm của sóng và những cung bậc cảm xúc trong tình yêu

    "Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể"

    - Tác giả liệt kê một loạt điểm đối lập nhau của "sóng". Những con sóng ngoài biển cả, con sóng của tự nhiên có những điểm trái ngược nhau.

    - Hình tượng của con sóng ngoài biển cả là hình ảnh ẩn dụ cho nhân vật trữ tình "em" – một người con gái đang yêu. Cũng như sóng, "em" cũng có những trạng thái tâm lí đối nghịch nhau.

    - Một loạt những từ láy và tính từ giàu sức gợi "dữ dội", "dịu êm", "ồn ào", "lặng lẽ" đặc tả được cảm xúc chân thực trái ngược nhau đang diễn ra trong tâm trạng người con gái đang yêu.

    - Nhân hóa "sông không hiểu nổi mình" : Những con sóng đã từ "sông" (phạm vi nhỏ hẹp) để tìm ra biển cả đến với không gian bao la, rộng lớn. Nhân vật trữ tình "em" luôn có khát vọng tìm đến cuộc đời để hiểu mình hơn.

    Thông qua những câu thơ ngắt nhịp ngắn, tác giả không chỉ đề cập đến quy luật tự nhiên, của sóng, không chỉ đề cập đến nội tâm của nhân vật "em" mà còn đề cập đến quy luật của tình yêu.

    2. Khát vọng tình yêu của tuổi trẻ

    "Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ"

    - Tác giả nói đến quy luật của tình yêu một cách trực tiếp.

    - Cụm từ chỉ thời gian "ngày xưa" và "ngày sau" : Những con sóng tồn tại vĩnh cửu từ ngày xưa cho đến ngày sau và mãi mãi.

    - Từ láy "bồi hồi" đặc tả những rung động trong con tim, trong tâm hồn con người. Đó có thể là nỗi nhớ, nỗi buồn vu vơ, những trăn trở của người con gái đang yêu.

    Như vậy, ở khổ thơ này, Xuân Quỳnh khẳng định một trong những quy luật của tình yêu. Tình yêu luôn gắn liền với cảm xúc, rung động, với tuổi trẻ.

    3. Tình yêu cần có sự hiện diện của lí trí

    "Trước muôn trùng sóng bể

    Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ nơi nào sóng lên?"

    - Hình ảnh ẩn dụ "Trước muôn trùng sóng bể" tượng trưng cho cuộc đời, những thử thách trong tình yêu.

    - Nhân vật "em" nghĩ về "anh" – người yêu, nghĩ về mình, nghĩ về cuộc đời.

    - Động từ "nghĩ" : Hoạt động của tư duy, của lí trí, của sự trăn trở, chiêm nghiệm.

    - Ẩn dụ "Biển lớn" : Nhân vật trữ tình còn nghĩ về cuộc đời. Tác giả nói lên mối quan hệ giữa tình yêu riêng tư với quê hương đất nước, với cộng đồng.

    - Câu nghi vấn "Từ nơi nào sóng lên?" : Tác giả như bâng khuâng về nguồn gốc của sóng, nguồn gốc của tình yêu, của rung động trong tâm hồn con người.

    Những lo âu trăn trở của một trái tim đang thổn thức vì yêu, của người con gái đang yêu.

    4. Tình yêu có quy luật riêng – nỗi băn khoăn về cội nguồn của tình yêu

    "Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu?

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau"

    - Câu đầu tiên ở khổ này là câu trả lời cho câu hỏi đã đặt ra ở khổ thơ trên. Cấu trúc khổ sau trả lời khổ trước làm cho hơi thơ liền mạch, gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau ngoài biển cả.

    - Một loạt những câu hỏi nối tiếp nhau gián tiếp đề cập đến một trong những quy luật của tình yêu, của những ai đang yêu. Tình yêu luôn gắn liền với những câu hỏi. Với quy luật của tự nhiên, nhân vật trữ tình có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời. Còn với quy luật của tình yêu thì đôi khi không phải vậy.

    - Nhân vật trữ tình "em" hồn nhiên thú nhận "Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau". Đôi khi, trong tình yêu, có những điều không thể giải thích bằng lí trí được, không lí giải được.

    Gián tiếp thể hiện một quy luật khác của tình yêu: Tình yêu hiện diện trong cuộc sống, trong những mối quan hệ.

    5. Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ

    "Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức"

    - Khổ 5 có 6 dòng thơ, là khổ dài nhất trong bài "Sóng". Như vậy, đây là khổ quan trọng, thể hiện rõ nhất về tình yêu.

    - Liệt kê một loạt những từ ngữ đối lập nhau: "Dưới lòng sâu", "trên mặt nước" : Tình yêu ở khắp mọi nơi, trải rộng ra khắp không gian.

    - Hình ảnh nhân hóa "sóng nhớ bờ" gợi liên tưởng đến hình ảnh nhân vật trữ tình thương nhớ người yêu. Một nỗi nhớ không nguôi, da diết, nhớ đến độ không ngủ được. Những con sóng suốt đêm dạt dào vỗ vào bờ như nhân vật trữ tình "em" đang nhớ về anh.

    - Xuân Quỳnh có cách diễn đạt mới mẻ và sáng tạo khi bày tỏ trực tiếp lòng mình "em nhớ anh". Ngày xưa, phụ nữ truyền thống không dám dùng cách nói trực tiếp nhưng Xuân Quỳnh lại nói ra nỗi lòng của mình một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

    - Từ "mơ" là thế giới ảo, còn "thức" là thế giới thực. Nếu tác giả nói "trong mơ" thì đó là nỗi nhớ bên trong tiềm thức.

    Cách diễn đạt đó thể hiện hồn thơ Xuân Quỳnh hồn nhiên, tươi mới, vừa có tính truyền thống, vừa mang hơi thở hiện đại.

    6. Tình yêu luôn gắn liền với lòng chung thủy

    "Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh - một phương"

    - Một loạt hình ảnh ẩn dụ quen thuộc và đối lập nhau "xuôi" – "ngược", "phương bắc" – "phương nam".

    - Hình ảnh ở câu 1, 2 đối lập với câu 3, 4: Tác giả khẳng định cuộc đời này có nhiều phương hướng, có nhiều lối đi, nhiều ngã rẽ nhưng cho dù là đi đâu, ở đâu, nơi nào thì lòng em cũng nghĩ, cũng hướng về anh – một phương.

    - Câu thơ giàu sức gợi "Hướng về anh – một phương" : Tác giả sáng tạo ra một tứ thơ rất đẹp về tình yêu. Theo quy luật tự nhiên, không gian chia làm bốn phương tám hướng nhưng theo quy luật tình cảm, trong lòng nhân vật trữ tình "em" chỉ hiện diện một phương duy nhất. Đó là phương có anh. Xuân Quỳnh khẳng định lòng chung thủy, luôn nghĩ về người mình yêu, một trong những phẩm chất tốt đẹp trong truyền thống người Việt Nam.

    Phẩm chất thủy chung sẽ mãi duy trì đến mai sau.

    7. Niềm tin tưởng vào tình yêu chân chính

    "Ở ngoài kia đại dương

    Trăm ngàn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở"

    - Tác giả nhắc đến một loạt những hình ảnh ẩn dụ "đại dương" là cuộc đời, "bờ" là bến bờ hạnh phúc. "Trăm ngàn con sóng" là trăm ngàn cuộc tình cũng đến bến bờ hạnh phúc dẫu có muôn nghìn cách trở.

    - Hình tượng "sóng" chính là biển, là em, là tình yêu.

    - Ẩn dụ "cách trở" : Không chỉ là cách trở về thời gian, không gian mà còn cách trở bởi những thử thách trong cuộc đời này.

    - Cấu trúc thơ theo mối quan hệ tương phản, đối lập giữa các hình ảnh thơ.

    Khát vọng tình yêu chính đáng không đi ngược lại với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, hoàn thành sứ mệnh dân tộc.

    8. Suy tư của nhân vật trữ tình

    "Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa"

    - Giọng thơ thay đổi trở nên suy tư trầm lắng.

    - Tác giả sử dụng một loạt những hình ảnh mang tính cổ điển: "Cuộc đời", "năm tháng", "mây", "biển". Những hình ảnh này giàu sức gợi, làm chúng ta liên tưởng đến thời gian, không gian vĩnh cửu.

    - Hai câu thơ chỉ thời gian "Cuộc đời tuy dài thế / Năm tháng vẫn đi qua" : Đời người tuy dài nhưng hữu hạn trong khi thời gian là vô hạn.

    - Hai câu thơ nhắc đến không gian: "Như biển kia dẫu rộng / Mây vẫn bay về xa" : Biển dẫu rộng lớn nhưng vẫn có giới hạn trong khi không gian là vô tận.

    Xuân Quỳnh muốn gửi gắm đến chúng ta một triết lí. Hãy sống sao cho ý nghĩa. Để những ngày mình tồn tại là những ngày tươi vui và góp phần làm đẹp thêm cho cuộc đời này.

    9. Triết lí về tình yêu vĩnh cửu

    "Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ"

    - Khổ 9 là câu trả lời cho những vấn đề được đặt ra ở khổ 8.

    - Tác giả sử dụng câu hỏi tu từ "Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ" cùng những hình ảnh mang tính ẩn dụ biểu tượng cho câu trả lời của Xuân Quỳnh.

    - Động từ "tan" tượng trưng cho sự hòa hợp tuyệt đối.

    - Cụm từ "Biển lớn tình yêu" tượng trưng cho tình yêu quê hương, đất nước, nhân loại.

    - Hình tượng "sóng" tượng trưng cho tình yêu riêng tư của đôi lứa. Theo Xuân Quỳnh, để tình yêu tồn tại vĩnh cửu, chúng ta phải biết tan ra, phải biết hòa nhập giữa biển lớn tình yêu. Chúng ta phải biết xử lí tình yêu chung – riêng, cá nhân – cộng đồng, giữa tình yêu – trách nhiệm.

    Con sóng chỉ có thể hòa hợp trong biển lớn tự nhiên, tình yêu chỉ có thể vĩnh cửu khi hòa hợp trong tình yêu đất nước, cộng đồng, xã hội.
     
    THG Nguyen thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...