Ngữ văn: Phân tích khổ thơ thứ hai bài Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 10 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    "Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

    Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.."

    (Trăng vàng trăng ngọc
    - Hàn Mặc Tử)​

    Có lẽ khi nhắc đến ánh trăng, người ta nghĩ ngay đến nhà thơ "tài hoa bạc mệnh" Hàn Mặc Tử. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều nghịch cảnh éo le khi độ tuổi vẫn còn đang xuân xanh. Và những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông chỉ biết làm bạn với ánh trăng, vui vầy cùng trăng sáng. Chính vì lẽ đó, ông đã đưa người bạn tri âm tri kỷ của mình vào những vần thơ đầy mất mát và đâu thương. Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" được xem là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Đặc biệt, trong khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử đã gói ghém nỗi lòng của mình gửi vào cảnh đêm trăng nơi thôn Vĩ cùng với những niềm đau cô lẻ chia lìa:

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?"

    "Đây thôn Vĩ Dạ" cũng được coi như là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được gợi cảm hứng từ một tấm thiệp của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử để động viên, an ủi khi bà nghe tin nhà thơ bị bệnh phong. Lúc đầu có tên "Ở đây thôn Vĩ Dạ" (1938) in trong tập "Đau thương". Đồng thời bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

    Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh sông, nước, mây trời thôn Vĩ Dạ và niềm đau cô lẻ, chia lìa của tác giả:

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

    Từ hình tượng, điệp từ "Gió theo lối gió, mây đường mây" cho thấy một sự sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử. Hình ảnh thơ có một sự phi lí, một nghịch lí không theo quy luật của tự nhiên. Nhưng hình ảnh lại hợp lí theo quy luật của tâm trạng. Theo quy luật tự nhiên, mây phải theo lối gió, nhưng ở đây, gió thổi xuôi, mây trôi ngược, mây và gió như ngăn cách nhau. Sự chuyển động buồn tẻ, tản mạn như khắc họa hình ảnh gió mây hững hờ bay mỗi thứ một đường. Dường như lúc này, Hàn Mặc Tử cảm thấy đau xót khi đang gặp phải cảnh ngộ chia li, xa cách, khó lòng quay trở lại được. Từ chỉ tâm trạng kết hợp với nghệ thuật nhân hóa "Dòng nước buồn thiu" như nhấn mạnh nỗi buồn trĩu nặng tâm tư. Hình ảnh "hoa bắp" kết hợp với động từ "lay" cho thấy sự chuyển động nhẹ, khẽ khàng. Cảnh vật như u buồn theo tâm trạng của tác giả. Với hai câu thơ này, Hàn Mặc Tử thể hiện một nỗi buồn trĩu nặng tâm tư. Đó là tâm trạng không yên tĩnh của nhà thơ: Nỗi buồn, cô đơn hiu hắt, mặc cảm lan rộng ra trong cõi lòng nhà thơ.

    Hai câu sau khắc họa cảnh đêm trăng nơi thôn Vĩ và niềm khát khao mong đợi, sự phấp phỏng lo âu của Hàn Mặc Tử:

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?"

    Nhà thơ cảm thấy như mình đang bị bỏ rơi, bị quên lãng. Trong khoảnh khắc đơn côi ấy, dường như chỉ còn biết bám víu trông chờ vào trăng. Trăng là điểm tựa, là niềm an ủi duy nhất, nhà thơ đặt toàn bộ niềm hy vọng vào trăng, vào con thuyền chở trăng về kịp tối nay. Trong khổ thơ, chỉ có một mình trăng là đi ngược lại xu thế chảy đi đó để về với thi sĩ. Từ "kịp" rất bình dị, nó hé mở cho người đọc về cảm nhận và tâm thế sống của Hàn Mặc Tử. Hiện tại ngắn ngủi, sống là chạy đua với thời gian, tranh thủ từng ngày, từng bước trong quỹ thời gian còn lại quá ít ỏi của số phận mình. Hàn Mặc Tử rất lo âu vì sự sống chẳng còn bao lâu. Với Hàn Mặc Tử, cái chết đã cận kề, lưỡi hái của tử thần đã giơ lên. Chữ "kịp" gợi nỗi xót thương sâu sắc ở người đọc. Nếu như trong "Vội vàng", Xuân Diệu lo âu vì thời gian trôi mau, con người không kịp tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên thì Hàn Mặc Tử trong "Đây thôn Vĩ Dạ" lại mang một niềm đau khó tả hơn. Câu hỏi tu từ "Có chở trăng về kịp tối nay?" thể hiện tâm trạng phấp phỏng, lo âu, khắc khoải trăn trở, thực và ảo hòa quyện, đan xen. Hai câu thơ tả dòng sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo vừa thực vừa mộng. Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.

    Khổ thơ thứ hai cho thấy bức tranh thôn Vĩ đẹp nhưng buồn và khát vọng sống mãnh liệt nhưng đầy u uẩn của tác giả. Bút pháp hiện thực, lãng mạn đan xen hài hòa, có phảng phất chất siêu thực. Nghệ thuật nhân hóa, câu hỏi tu từ được vận dụng khéo léo. Hình ảnh thơ vừa bình dị, gần gũi; vừa sáng tạo đầy mới lạ. Cảnh có sự hòa quyện giữa thực và mơ..

    "Đây thôn Vĩ Dạ" hiện lên như khắc họa tâm trạng u uất và cô đơn của Hàn Mặc Tử. Đồng thời, thi sĩ còn bộc bạch khát khao sống mãnh liệt. Thời gian đối với nhà thơ là vô cùng quý giá. Hàn Mặc Tử đau khổ khi thời gian trôi mau và cái chết cận kề. Thi sĩ đau đớn tuyệt vọng nhưng vẫn trân trọng từng giây từng phút mà mình đang sống. Bởi lẽ, nhà thơ hy vọng những ngày cuối đời của mình sẽ là những ngày thật ý nghĩa.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...