Ngữ văn: Phân tích chặng đường hành quân gian khổ trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 4 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Cảm nhận về chặng đường hành quân gian khổ mà thơ mộng của người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau. Từ đó nêu nhận xét về phong cách sáng tác của Quang Dũng.

    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

    (Tây Tiến – Quang Dũng)
     
    ĐINH MAI PHƯƠNG thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng ba 2022
  2. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    BÀI LÀM

    Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, ông có khả năng làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Thơ của ông mang vẻ phóng khoáng, hồn hậu và lãng mạn. Trong đó, nổi bật là bài thơ "Tây Tiến". Tác phẩm thể hiện sự hòa quyện của chất bi và chất hùng. Đoạn thơ sau cho thấy chặng đường hành quân gian khổ mà thơ mộng của người lính Tây Tiến. Từ đó làm nổi bật lên phong cách sáng tác của nhà thơ Quang Dũng.

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."


    Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào mùa xuân 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh Pháp, bảo vệ biên giới Việt – Lào. Địa bàn hoạt động của Tây Tiến khá rộng. Quang Dũng là đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là tri thức Hà Thành. Tuy chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, địa bàn hoạt động hiểm trở, vật chất thiếu thốn, bệnh tật hoành hành.. nhưng các anh vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn, anh hùng. Năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Nhớ đơn vị cũ, Quang Dũng viết "Tây Tiến" in trong tập "Mây đầu ô". Đoạn thơ thể hiện chặng đường hành quân gian khổ mà thơ mộng của người lính Tây Tiến. Tác giả đề cập đến những khó khăn, thử thách của thiên nhiên Tây Bắc nhưng vẫn làm người đọc cảm nhận được vẽ quyến rũ, nên thơ nên họa của thiên nhiên nơi đây qua cách miêu tả tài tình, chất hiện thực hòa cùng chất lãng mạn, bi hòa với hùng.

    Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ sâu sắc về nét đẹp thơ mộng ẩn chứa trong từng khoảnh khắc gian nguy của chặng đường hành quân:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi."


    Địa danh "Sông Mã" gắn liền với địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Cụm từ "xa rồi" chất chứa tình cảm nhớ thương, luyến tiếc, vang vọng trong tiếng "ơi". Tiếp đó là điệp từ "nhớ" càng khắc sâu hơn nỗi nhớ của tác giả về những tháng ngày hành quân cùng đồng đội. Quang Dũng đã khéo léo khi sử dụng phép hoán dụ "núi rừng" để chỉ thiên nhiên Tây Bắc, địa bàn hành quân của Tây Tiến. Nỗi nhớ lúc này đây, trở nên "chơi vơi" hơn bao giờ hết, tác giả đã miêu tả thật cụ thể tính chất của nỗi nhớ. Cách gieo vầng "ơi" làm nỗi nhớ thêm da diết, khắc khoải về một thời đã xa. "Sài Khao", "Mường Lát" đối với chúng ta thật xa lạ, bởi đó là vùng đất hoang sơ, không dấu chân người nhưng lại chứa đựng biết bao kỉ niệm với người chiến sĩ Tây Tiến. Không gian nơi đây mới huyền ảo làm sao qua cụm từ "sương lấp". Vẽ nên một khung cảnh được bao trùm bởi lớp sương mù đặc cùng không khí lạnh giá. Hình ảnh "sương lấp" cùng với hình ảnh "đoàn quân mỏi" cho người đọc thấy được chất hiện thực và lãng mạn như hòa quyện vào nhau. Cuối câu thơ là cách dùng từ độc đáo, sáng tạo qua hình ảnh "hoa về trong đêm hơi". Tất cả được cảm nhận bằng các giác quan từ thị giác, khứu giác đến xúc giác. Mặc dù phải hành quân trong đêm tối, giá rét, đoàn quân vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc.

    Nếu bốn câu thơ đầu là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, thì bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh thiên nhiên có phần trắc trở, hiểm nguy hơn:

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."


    Điệp từ "dốc" cho thấy con đường hành quân vô cùng gian khổ, địa thế hiểm trở. Lại có từ láy "khúc khủyu" miêu tả sự ngoằn ngoèo, khó đi. Cùng với đó là từ láy "thăm thẳm" gợi độ cao của con dốc. Từ láy "heo hút" chỉ vùng đất hoang vu, vắng lặng. Những từ láy gợi hình đã vẽ nên khung cảnh cheo leo, hoang sơ của chặng đường hành quân. Độc đáo thay hình ảnh nhân hóa "sung gửi trời" ẩn chứa ý nghĩa về khát vọng, niềm tin vào tương lai chiến thắng. Câu thơ "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" có nhịp bốn ba chuyển dòng. Câu thơ như được bẻ đôi ra thể hiện tính tạo hình cao. Điệp từ "ngàn thước" cùng các từ đối lập "lên", "xuống" gợi hình ảnh những con dốc vừa cao, vừa khó đi, vừa nguy hiểm. Kết thúc đoạn thơ là câu thơ nhẹ nhàng, êm ái với thanh bằng giàu chất lãng mạn. Hình ảnh trong câu thơ cho thấy hiện thực dữ dội của thời tiết khắc nghiệt. Đoạn thơ thể hiện chất hiện thực hòa cùng chất lãng mạn, bi hòa với hùng.

    Đoạn thơ trên cho thấy chặng đường hành quân gian khổ mà thơ mộng của người lính Tây Tiến. Từ đó làm nổi bật lên phong cách sáng tác của nhà thơ xứ Đoài - Quang Dũng. Đó là hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Từ việc miêu tả cảnh vật, tác giả nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ Tây Tiến. Đồng thời còn cho thấy sự lạc quan, yêu đời, vui đùa trong gian khó, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, hào hoa của người chiến sĩ Tây Tiến. Đoạn thơ mang đậm chất bi hùng, thể hiện rõ khuynh hướng sử thi, vừa đậm chất hiện thực vừa rất lãng mạn. Đoạn thơ thể hiện rõ hồn thơ của một nghệ sĩ đa tài. Chất thơ, chất nhạc, chất họa hòa quyện trong tứ thơ mới mẻ và độc đáo. Bài thơ mang phong cách sáng tác của Quãng Dũng.

    Đoạn thơ trên cho thấy chặng đường hành quân gian khổ mà thơ mộng của người lính Tây Tiến. Từ đó đã làm nổi bật lên phong cách sáng tác phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa của nhà thơ Quang Dũng. Tình yêu nước và hình ảnh thơ mộng của núi rừng Tây Bắc vẫn in sâu trong tâm trí người qua năm tháng. Là học sinh cùng với trách nhiệm công dân, mỗi chúng ta cần thêm lên ngọn lửa của tình yêu thiên nhiên, đất nước và chăm chỉ phấn đấu rèn luyện trong học tập cũng như đạo đức để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
     
    ĐINH MAI PHƯƠNG thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...