Ngữ văn: Phân tích bài thơ Chiều tối - Mộ - Hồ Chí Minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 15 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Bác cũng là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trong giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại. "Chiều tối" trích trong "Nhật kí trong tù" của Người cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt, phong thái tự tại và niềm lạc quan của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh.

    Thu 1942, Người sang Trung Quốc tranh thủ sự viện trợ của quốc tế thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ vô cớ. "Nhật ký trong tù" là tập thơ Người sáng tác trong hơn một năm bị giam tại đây. Bài thơ "Chiều tối" được sáng tác vào thu 1942, là bài thứ 31 trong 134 bài của tập thơ trên. "Chiều tối" là một trong nhiều bài thơ viết về thiên nhiên của Hồ Chí Minh trong "Nhật kí trong tù". Bài thơ được sáng tác trong khoảng bốn tháng đầu của thời gian Người bị cầm tù.

    Hai câu đầu miêu tả bức tranh thiên nhiên, đậm đà màu sắc cổ điển, phảng phất tinh thần hiện đại:

    Phiên âm:

    "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

    Cô vân mạn mạn độ thiên không"

    Dịch thơ:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

    Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

    Bài thơ mở ra với khung cảnh thiên nhiên một chiều muộn vùng sơn cước được cảm nhận qua hai hình ảnh: Cánh chim và chòm mây. Không một chữ "chiều", chỉ bằng hai nét vẽ, tả ít gợi nhiều đã làm hiện lên cái hồn của cảnh vật. Cánh chim nhỏ bé, nhẹ bay mỏi và áng mây đơn lẻ nhẹ trôi. Tác giả đã vận dụng thi pháp cổ rất sáng tạo, lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh, gợi một bầu trời bao la, một không gian tĩnh lặng vắng vẻ. Hình ảnh "quyện điểu quy lâm" cho thấy cánh chim bay mỏi như mang bóng tối phủ dần lên cảnh vật. Câu thơ mang phong vị thơ cổ. Bởi để tả cảnh chiều, thi nhân xưa vẫn thường tả hình ảnh cánh chim. Nhưng những cánh chim trong thơ cổ thường bay về chốn vô tận, gợi cảm giác xa xăm, chia lìa. Ngược lại cánh chim trong thơ Bác là cánh chim đang tìm về sự sống thường ngày. Nhà thơ cảm nhận được vẻ mệt mỏi của cánh chim chiều bằng một hồn thơ tinh tế dù đang trong cảnh tù đày. Hỉnh ảnh "cô vân" như một nét chấm phá làm cho bức tranh thêm hoang vắng. Lời dịch khá uyển chuyển nhưng đã làm mất đi vẻ lẻ loi trôi nổi của áng mây, khi người dịch bỏ đi chữ "cô" và chưa thể hiện hết nghĩa của từ láy "mạn mạn" – trôi lững lờ. Áng mây trôi chậm chạp trên bầu trời mênh mông, gợi liên tưởng đến tâm trạng người tù cũng cô đơn, mệt mỏi trên đường chuyển lao xa xôi. Con đường chuyển lao càng xa, khung trời càng rộng càng khiến lòng người khao khát một chốn dừng chân. Câu thơ không chỉ mang nỗi buồn man mác lúc chiều buông của một tâm hồn nghệ sĩ mà còn là nỗi buồn cụ thể, rất cô đơn mệt mỏi của người tù. Nghệ thuật thơ mang nhiều nét cổ điển. Chỉ qua vài nét chấm phá bằng những hình ảnh mang tính ước lệ quen thuộc, phong cảnh thiên nhiên đã hiện lên rất cụ thể, sinh động. Nó không chỉ phù hợp đề tài cảnh chiều mà còn phù hợp với tâm trạng người tù bị giải đi đường xa. Hình ảnh thơ toát lên tình yêu thiên nhiên của một nhà thơ – chiến sĩ. Tâm hồn nghệ sĩ của Bác luôn hòa vào bầu trời rộng lớn của tinh thần mặc dù đang mất tự do về thể xác.

    Hai câu sau miêu tả bức tranh sinh hoạt của con người, phảng phất màu sắc cổ điển, đậm đà tinh thần hiện đại:

    Phiên âm:

    "Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

    Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng"

    Dịch thơ:

    "Cô em xóm núi xay ngô tối,

    Xay hết, lò than đã rực hồng"

    Hình tượng thơ vận động hướng về sự sống, hướng về ánh sáng. Cảnh chiều buồn chuyển sang buổi tối ấm áp với sinh hoạt gần gũi, đầm ấm ở một sơn thôn. Hình ảnh "sơn thôn thiếu nữ" chính là cô gái lao động vùng sơn cước nổi bật thành trung tâm của cảnh chiều tối tĩnh lặng, gợi sự ấm áp của cuộc sống, nhất là với người tù đang bị đày ải nơi đất khách quê người. Lời dịch "cô em" làm mất đi vẻ trẻ trung, khỏe khoắn của hình ảnh người thiếu nữ và cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình đối với con người. Hình ảnh cô gái xay ngô được đặt ở vị trí trung tâm của bức tranh phong cảnh chiều tối đã làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc sống ấm áp. Cô gái đang miệt mài xay ngô bên bếp lửa gia đình, khung cảnh bình dị nhưng thật đầm ấm, thân thương. Nghệ thuật điệp liên hoàn, hoán chuyển trong nguyên bản "ma bao túc – bao túc ma" gợi được vòng quay nặng nề của chiếc cối xay ngô, sự vất vả của công việc lao động, nhưng cô gái vẫn miệt mài xay xong. Trong nguyên bản không có chữ "tối" nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời gian chuyển dịch từ chiều sang tối qua hình ảnh bếp lửa hồng. Hình ảnh "lô dĩ hồng" là ngọn lửa hồng rực sáng. Chính ngọn lửa này càng tôn lên vẻ đẹp trẻ trung khỏe khoắn của người thiếu nữ lao động, vừa xua bớt bóng tối đang phủ lên cảnh vật và xua tan cái lạnh cô đơn trong lòng người tù đang bị đày ải. Từ "hồng" không chỉ là màu sắc mà còn là ánh sáng và sự ấm áp. Từ "hồng" lại được kết hợp với một từ mạnh "dĩ" (rực) nên hình ảnh thơ càng nổi bật. Nó là sự hội tụ, kết tinh ánh sáng của toàn bài, là hình ảnh của sự sống thường nhật và niềm vui lao động. Vì thế, từ "hồng" chính là thi nhãn của bài thơ. Hình ảnh người tù, dù đang cô đơn, mệt mỏi trên đường chuyển lao nhưng trong khoảnh khắc dừng chân bên xóm núi đã nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống bình dị của người lao động. Bác quên đi khó nhọc của bản thân nơi đất khách quê người, vẫn gắn bó với cuộc sống thường nhật, cảm thông chia sẻ với người lao động. Bài thơ tuy viết trong cảnh ngộ riêng rất khổ đau, nhưng Bác đã quên đi đau khổ của mình, vẫn dành một chỗ trong tâm hồn cho tình yêu thiên nhiên và vẫn nặng tình thương mến chia sẻ niềm vui và công việc rất đỗi bình thường của người lao động. Chính tình yêu cuộc sống ấy đã giúp Bác vượt qua được những chặng đường gian nan nhất của cuộc đời cách mạng. Nghệ thuật thơ mang nhiều nét hiện đại. Vẻ đẹp của con người trong lao động đã khơi dậy sức sống khỏe khoắn và làm bừng sáng cho cả bức tranh. Con người trong lao động là vẻ đẹp trung tâm, là cái thần thái, là chân dung về vẻ đẹp cuộc sống giản dị đời thường.

    Bài thơ có sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển thể hiện ở bút pháp tả cảnh ngụ tình; hình ảnh, từ ngữ chọn lọc tinh tế. Tinh thần hiện đại thể hiện ở tinh thần lạc quan cách mạng: Luôn hướng về ánh sáng, về sự vận động phát triển. Hình ảnh thơ có sự vận động từ tĩnh sang động, từ bóng tối ra ánh sáng, từ lạnh lẽo sang ấm áp, từ cao xuống thấp, từ xa đến gần, từ hiu quạnh, vắng vẻ sang tươi vui. Ngôn ngữ thơ cô đọng và hàm súc. Quan điểm của Hồ Chí Minh: Con người luôn ở vị trí làm chủ hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh. Bài thơ cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: Yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống; kiên cường vượt lên hoàn cảnh, luôn ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi cảnh ngộ của đời sống.

    "Chiều tối" khắc họa bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt con người qua cảm nhận hết sức tinh tế của Hồ Chí Minh. Bài thơ đậm sắc thái cổ điển mà hiện đại. "Chiều tối" như gửi gắm đến mọi người: Hãy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng tư 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...