1. Nhân vật Việt A) Hoàn cảnh B) Tính cách: b. 1) Việt giàu lòng yêu nước, xung phong đi bộ đội - "Tôi tên là Việt, anh cho tôi đi bộ đội với" - "Rồi Việt trách chị.. Sao hồi nãy chị ngăn tôi? Người ta mười tám rồi mà nói chưa..". Dù Việt chưa đủ tuổi tòng quân đi bộ đội nhưng Việt vẫn xung phong đi cùng chị. Việt muốn tự tay mình trả thù cho ba má. Kẻ thù của gia đình Việt chính là bọn giặc xâm lược. À Đây có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ giữa ước muốn cá nhân với lí tưởng chung của dân tộc. b. 2) Việt rất kiên cường, dũng cảm - "Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng" . Điều đó được thể hiện rõ qua lời miêu tả của nhà văn khi nghe thấy tiếng súng. Việt bị thương nặng, mắt không nhìn thấy gì, không đi được, bàn tay chỉ cử động được ngón cái nhưng Việt luôn trong tư thế chuẩn bị chiến đấu. Điều này chứng tỏ trong anh có nghị lực phi thường. Việt kiên cường dũng cảm đối diện với hiện thực. b. 3) Việt có sức sống mãnh liệt, có lòng căm thù giặc sâu sắc - "Phía đó là sự sống. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong." - Trong Việt luôn tiềm tàng khát vọng sống mãnh liệt. Bởi vì trong anh luôn có ý chí quyết tâm trả thù kẻ đã giết hại ba má mình. Lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm trả thù nhà đền nợ nước tạo cho Việt một sức mạnh sẵn sàng chiến đấu hướng về phía có tiếng nổ vì Việt biết rằng: Phía đó có đồng đội. b. 4) Việt sống rất tình cảm, thương yêu gia đình và quê hương - Thương má: "Việt khẽ ngóc đầu lên dòm bàn thờ. Từ nãy giờ đang mải với ý nghĩ má đã về, nghe chị hỏi, Việt lại tin má đã về ngồi đâu đó thật". - Hai chị em đưa bàn thờ má sang nhà chú Năm: "Việt đi câu ít con cá về làm bữa cúng má trước khi dời bàn thờ sang nhà chú.. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về" - Thương chị: "Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ". - Lần tỉnh dậy thứ 4, trong đầu Việt vẫn thoáng qua hình ảnh người mẹ. Việt ước bây giờ gặp má gọi dậy, xoa đầu lấy xoong cơm cho Việt ăn. Những chi tiết rất giản dị nhưng không phải ai cũng nghĩ được. Việt luôn có cảm giác má hiện diện quanh mình để chứng kiến mọi hành động, suy nghĩ của bản thân mình. Từ tình yêu thương đấng sinh thành, Việt đã sống chiến đấu vì cuộc sống. Tất cả những suy nghĩ đó chứng tỏ Việt kính trọng yêu thương má của mình biết chừng nào. b. 5) Tuy vậy, Việt cũng rất trẻ con - Nghe chị Chiến tính toán mọi việc chu đáo để hai chị em lên đường nhập ngũ. Việt ngây thơ hỏi chị: "Bộ trước khi má chết má dặn lại chị như vậy hả?" . Đang nói chuyện với chị, Việt ngủ quên lúc nào không biết. Nhà văn Nguyễn Thi đã miêu tả tâm lí nhân vật Việt rất chân thực, phù hợp với tính cách nhân vật. Hình ảnh nhân vật Việt tượng trưng điển hình cho người anh hùng của thời đại. 2. Nhân vật Chiến A) Yêu nước a. 1) Chiến xung phong đi bộ đội, quyết tâm trả thù nhà đền nợ nước - "Đề nghị mấy anh xét cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành.. Đến Tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước". - Mặc dù là gái nhưng Chiến vẫn giành đi bộ đội. Bình thường Chiến rất hay nhường nhịn em. Còn Việt thì hay tranh giành với chị nhưng việc xung phong đi bộ đội, Chiến kiên quyết không nhường. Phải chăng Chiến muốn tự tay giết giặc để trả thù cho ba má xứng đáng với truyền thống gia đình? Cũng có thể do Chiến ý thức được trách nhiệm của người chị cả trong gia đình. a. 2) Chiến rất căm thù giặc - "Tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à". - Bọn giặc chặt đầu ba của Chiến. Sau đó, má của chiến cũng chết vì bom của giặc khiến chị em Chiến mồ côi. Trên phương diện gia đình, bọn giặc chính là kẻ thù không đội trời chung của chị em Chiến. Trên phương diện quốc gia, bọn giặc chính là bọn cướp nước, chúng không cho dân ta quyền sống, quyền tự do, hưởng quyền lợi chính đáng. Bọn giặc xâm lược đã trở thành kẻ thù chung. Lòng thù hận đã biến đau thương thành sức mạnh để chiến đấu để đền nợ nước. a. 3) Chiến luôn có ý thức giữ gìn truyền thống gia đình, quê hương, đất nước - "Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy". - "Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày ở trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác." - Chi tiết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, gợi liên tưởng đến sự tiếp nối truyền thống gia đình. Má Việt tượng trưng cho thế hệ trước. Chị em Chiến và Việt tượng trưng cho hiện tại. Chị em Chiến luôn ý thức giữ gìn truyền thống gia đình. Mọi việc đều được ghi trong cuốn sổ gia đình. B) Chiến sớm lo toan việc nhà, việc nước - "Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học. Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đặng chia cho cô bác khác mần nghen. Còn bàn thờ má em tính gửi đâu? Gởi sang chú Năm cho thằng Út nó coi chừng hay là để chị Hai về đem đi?" - Chiến có suy nghĩ lo toan rất chu đáo, tỉ mỉ như sớm già trước tuổi. Chiến sớm trưởng thành như vậy có lẽ do hoàn cảnh, vừa thay mẹ để dạy dỗ và chăm sóc các em chu đáo. Chiến đã trở thành niềm tự hào của gia đình, của chú Năm. Chú Năm rất hài lòng về Chiến. "Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non". C) Chiến rất thương má và thương em - "Trong đêm vui náo nức này.. Chị Chiến cũng không ngủ được. Cả chị cả em cũng nhớ đến má. Hình như má cũng đã về đâu đây". Lúc nào chị em Chiến cũng thấy má luôn hiện diện, quan sát, dõi theo chị em mình. Điều đó chứng tỏ Chiến rất thương má và má có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của Chiến. - Chiến cũng rất thương em, luôn nhường nhịn em trừ việc đi bộ đội. Chiến thay mẹ chăm sóc các em chu đáo. Chiến gọi bằng em, xưng chị rất ngọt ngào. Những chi tiết nhỏ nhưng ẩn chứa tình cảm, tình yêu thương chân thành của Chiến giành cho Việt. Chiến là một người con, người chị trong gia đình rất giàu tình cảm, trách nhiệm với gia đình. D) Chiến cũng rất nữ tính - Chiến đảm đang, chăm sóc gia đình, nhà cửa rất chu đáo. Chiến là nội tướng trong nhà, trước khi đi bộ đội, trong ba lô Chiến có gương lược. Hai chi tiết rất nhỏ nhưng cũng thể hiện được đặc điểm nữ tính với những phẩm chất của mình. Chiến đã có đủ các phẩm chất của Bác Hồ gửi tặng cho người phụ nữ Việt Nam: Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. 3. Nhân vật chú Năm - "Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng.." - "Thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu." - "Tao vẫn giữ (cuốn sổ gia đình).. tao sẽ ghi cho hai đứa bây từng ngày." - Truyền thống yêu nước mãnh liệt, căm thù bọn xâm lược sâu sắc cho nên tinh thần chiến đấu anh dũng đã gắn kết những con người trong gia đình với nhau. Lời chú Năm: "Chuyện gia đình nó cũng dài như sông, để rồi chú chia cho mỗi đứa một khúc mà ghi vào đó." - Thế hệ con là sự tiếp nối không chỉ là huyết thống mà còn là sự tiếp nối truyền thống. Chú Năm là người đại diện cho truyền thống và lưu giữ truyền thống (trong câu hò, trong cuốn sổ). Chú Năm là khúc sông thượng nguồn trong dòng sông truyền thống của gia đình Việt. 4. Má Việt - Đó là một con người chắc khỏe, cần cù. Ấn tượng sâu đậm ở má Việt là khả năng cắn răng ghìm nén đau thương để sống và duy trì sự sống, che chở cho đàn con và tranh đấu. - Má Việt là hiện thân của truyền thống, người phụ nữ mang đậm chất Nam Bộ, bộc trực, thẳng thắn. Má Việt đã vất vả lam lũ nhưng cũng ánh lên sự kiên cường, vẻ đẹp cao cả của người phụ nữ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con ngay khi không còn nữa.