1. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác A) Hồn Trương Ba đau khổ, bế tắc khi lâm vào bi kịch phải sống nhờ thân xác hàng thịt - Hoàn cảnh trớ trêu: Hồn Trương Ba sống trong nghịch cảnh không là chính mình, sống nhờ sống tạm. - Trương Ba muốn rời khỏi xác hàng thịt: "Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi tức khắc!" - Trương Ba ghê tởm xác hàng thịt: "Mày.. chỉ là xác thịt âm u đui mù.. chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc". - Trương Ba bị xác hàng thịt lấn át: "Mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?". Trong cuộc đối thoại, hồn Trương Ba nói những câu ngắn, lập luận thiếu chặt chẽ, thiếu dẫn chứng nên không có tính thuyết phục cao. Nhân vật Trương Ba rơi vào bi kịch. Mâu thuẫn kịch ngày càng phát triển, đòi hỏi hồn Trương Ba phải giải quyết. Cách kể chuyện thắt nút của tác giả tạo sự hấp dẫn và đặt ra vấn đề có tính triết lí sâu sắc. Khi sống nhờ, sống tạm, con người luôn phải đối diện với dằn vặt, đau khổ. B) Xác hàng thịt khẳng định sức nặng của mình - Xác thịt có "tiếng nói", có sức mạnh: "Xác thịt có tiếng nói đấy.. có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!" · Xác hàng thịt đưa ra những dẫn chứng cụ thể, lí lẽ mà hồn Trương Ba không chối cãi được: "Tôi đã cho ông sức mạnh! Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóc máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi". - Xác hàng thịt khuyên hồn Trương Ba nên chấp nhận: "Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản." - Xác hàng thịt đề cao tầm quan trọng của thân xác: "Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cái cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác.." Mâu thuẫn kịch cần phải đẩy lên đỉnh điểm. Trong cuộc đối thoại với hồn, xác hàng thịt nói những câu thoại dài, ý tứ rõ ràng, dẫn chứng cụ thể, lập luận chặt chẽ, lời lẽ có tính thuyết phục cao. Xác hàng thịt tỏ ra thắng thế, tin vào sức mạnh bản năng sẽ chi phối được phần hồn. Qua đối thoại giữa hồn và xác, tác giả đề ra triết lí sâu sắc. Con người là thể thống nhất giữa hồn và xác, phần con và người. Hồn và xác có tác động qua lại, chi phối lẫn nhau. 2. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân A) Vợ Trương Ba vì quá đau khổ nên muốn bỏ đi thật xa.. · Vợ Trương Ba đau khổ trước nghịch cảnh khi thấy chồng mình sống trong xác hàng thịt: "Có lẽ tôi phải đi.. Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được, đi biệt". Vợ Trương Ba không chấp nhận được nghịch cảnh, không thể sống chung với hồn Trương Ba, da hàng thịt. Suy nghĩ và hành động của vợ Trương Ba rất hợp tình hợp lí. B) Cái Gái không còn nhận hồn Trương Ba là ông nội · Cái Gái có cách ứng xử thẳng thắn: "Tôi không phải là cháu của ông!" · Cách xưng hô chứng tỏ Cái Gái khước từ tình thân, đưa ra những dẫn chứng cụ thể chứng minh da hàng thịt không phải là ông mình: "Bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên lát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy!", "Còn cái diều của cu Tị nữa.. ông cầm lấy đòi chữa cho nó, thế là ông làm gãy cả nan rách cả giấy. Cút đi!.. lão đồ tể" Vì là trẻ con nhưng Cái Gái nói thẳng cái suy nghĩ của mình. C) Chị con dâu hiểu nỗi khổ của hồn Trương Ba và vợ Trương Ba từ khi hồn Trương Ba mượn xác hàng thịt - Chị con dâu tỏ ra hiểu được nghịch cảnh của hồn Trương Ba: "Khổ thân thầy! Con biết giờ thầy khổ hơn xưa nhiều lắm. Mà u con cũng khổ hơn nhiều lắm", "Con cảm thấy, đau đớn thấy.. mỗi ngày thầy một đổi khác dần.. Làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?" Lời lẽ của chị con dâu rất hợp lí hợp tình tỏ ra thông cảm, thấu hiểu trước nghịch cảnh hồn Trương Ba nhưng cũng đủ để cho Trương Ba hiểu, chị con dâu cũng đang rất đau khổ. D) Trương Ba hiểu được nỗi khổ của bản thân mình và của người thân. - Trương Ba nhận ra việc mình phải sống nhờ trong thân xác hàng thịt đang làm mọi người trong gia đình đau đớn, khổ sở, phá vỡ những quy tắc của xã hội, gây ra nhiều hậu quả. Hồn Trương Ba và người thân đau khổ khi Trương Ba phải sống nhờ vào thân xác hàng thịt. Xung đột kịch ngày càng cao, đòi hỏi phải có hướng giải quyết. Tính cách của các nhân vật được khắc họa qua lời thoại, hành động, cử chỉ. 3. Cuộc đối thoại với Đế Thích A) Đế Thích · Đế Thích thừa nhận bản thân mình chưa được sống là mình: "Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo cái điều tôi nghĩ bên trong." Đế Thích đưa ra lí lẽ để thuyết phục hồn Trương Ba tiếp tục sống trong xác hàng thịt. - Đế Thích đề nghị hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị: "Tôi sẽ làm cho hồn ông nhập vào xác cu Tị. Như vậy là anh hàng thịt được sống, hồn ông vẫn có chỗ trú, mà cái thân thể bé nhỏ của cu Tị sẽ không bị mất đi". Lời đề nghị có vẻ rất hợp lí, nhiều lợi ích nhưng chưa giải quyết mâu thuẫn nhân vật. Hồn Trương Ba phải sống nhờ tạm trú thân xác người khác. Hồn Trương Ba không chấp nhận. B) Hồn Trương Ba - Hồn Trương Ba xin Đế Thích cho hồn Trương Ba thoát khỏi xác hàng thịt · Hồn Trương Ba khẳng định: "Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được! Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". · Trương Ba đưa ra những giả thiết nếu phải trú ngụ trong xác cu Tị: "Bà nhà tôi, bạn bè tôi cùng lứa với tôi.. lần lượt nằm xuống.. Mình tôi giữa đám người hậu sinh.. Tôi sẽ như ông khách ngồi dai ở nhà người ta, mọi khách khứa đã về cả rồi, mình vẫn dầm dề nán lại. Tôi sẽ bơ vơ lạc lõng, hoặc sẽ trở nên thảm hại đáng ghét như kẻ tham lam.." · Hồn Trương Ba suy tư trước lời đề nghị: "Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ. Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi!" - Hồn Trương Ba từ chối kiểu sống chắp vá gượng ép, không nhập vào xác cu Tị: "Từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi trở lại thanh thản, trong sáng như xưa.." - Hồn Trương Ba xin Đế Thích cho hồn Trương Ba thoát khỏi cuộc sống giả tạo, chết thật để hoàn thiện nhân cách, để được là chính mình. · Hồn Trương Ba quyết định chết để cu Tị được sống. Đây là quyết định thể hiện được sự chiến thắng của lối sống thanh cao. Hồn Trương Ba đề cập đến vấn đề có tính triết lí sâu sắc. Được làm người đã quý nhưng phải là cái tôi toàn vẹn. Lưu Quang Vũ sử dụng hàng loạt câu cảm thán và những dẫn chứng thuyết phục cho thấy sự đau khổ của Trương Ba. Mâu thuẫn đã được hóa giải nhờ vào quyết định của Trương Ba. Tính cách nhân vật bộc lộ cụ thể qua độc thoại và đối thoại. 4. Đoạn kết: Trương Ba mất nhưng ông vẫn sống trong lòng những người thân yêu A) Xác Trương Ba không còn nhưng hồn Trương Ba vẫn bất tử: "Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu". Thông qua những chi tiết miêu tả cuộc sống thường ngày, Lưu Quang Vũ cho thấy Trương Ba ra đi nhưng hình ảnh của ông vẫn luôn hiện diện trong trái tim của người thân trong gia đình. Trương Ba không còn nhưng những kỉ niệm về ông vẫn hiện hữu. Trương Ba vẫn là người chồng, người cha, người ông đáng kính trọng của tất cả mọi người trong gia đình. - Hồn Trương Ba cảm thấy bản thân được giải thoát: "Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây Cái Gái nâng niu.." Trương Ba ra đi thật sự nhưng trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Ông vẫn tồn tại trong từng ngóc ngách thân thuộc của ngôi nhà và sống mãi trong lòng mọi người. B) Trương Ba là niềm tự hào của thế hệ sau · "Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi.." Hành động của Cái Gái cho thấy Trương Ba sống mãi trong các câu chuyện của những thế hệ sau. Dấu ba chấm ở cuối tác phẩm như rót vào lòng người xem sự nhớ thương và cũng là lời đồng tình với sự lựa chọn của Trương Ba. Vở kịch đã khép lại và mang đến cho người xem một triết lí sống thấm đẫm giá trị nhân văn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống một cách tự nhiên, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. III. Tổng kết 1. Giá trị nội dung Đoạn trích đề cập đến bi kịch của hồn Trương Ba khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu thanh cao bị tha hóa trước sự lấn át của thể xác thô lỗ, phàm tục. Qua đó, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc một thông điệp. Đó là được sống làm người quý giá thật nhưng phải là cái "tôi toàn vẹn". Sự sống thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. 2. Giá trị nghệ thuật - Mâu thuẫn kịch được đẩy lên cao trào, đời hỏi phải có hướng giải quyết. - Tính cách nhân vật được khắc họa qua độc thoại và đối thoại. - Vở kịch giàu chất trữ tình và tự sự. - Tác giả sử dụng chất liệu dân gian để sáng tạo nên một bi kịch mang giá trị triết lí sâu sắc. - Hồn Trương Ba, da hàng thịt là sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và màu sắc hiện đại. Tiêu biểu cho thể loại bi kịch.