Ngữ văn: Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 20 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    A. Hai phát hiện của Phùng trên bãi biển đối lập nhau

    1. Hình ảnh thiên nhiên tuyệt mĩ trên bãi biển

    A) Bức ảnh chụp cảnh thuyền và biển trong ánh bình minh

    - "Một cảnh" đắt "trời cho.. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối..".. Anh đã có được tấm ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" tuyệt đẹp trong buổi bình minh. Tấm ảnh đó phản ánh chân thực khung cảnh thiên nhiên của vùng biển miền Trung khi sương mù chưa tan, mặt trời chưa ló dạng.

    Quả là một bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.

    B) Cảm xúc hạnh phúc của người nghệ sĩ

    - Phùng cảm thấy hạnh phúc đến và "bối rối" . Trong giây phút này, Phùng có cảm giác anh đã khám phá, phát hiện sáng tạo ra cái đẹp. Phùng có cảm giác bản thân cái đẹp là đạo đức.

    Ngắm bức ảnh, Phùng có cảm giác tâm hồn mình trong sáng, thánh thiện.

    C) Ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật

    - Tác giả đề cập đến giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng phản ánh chân thực cuộc sống, cũng hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

    2. Hình ảnh hiện thực đau xót về gia đình người hàng chài trên bãi biển

    A) Người chồng lầm lì vũ phu

    - "Dùng chiếc thắt lưng (của lính ngụy ngày xưa) quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két:" Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ! "

    - " Đang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát ".

    - Người đàn ông đã hành hạ vợ con một cách dã man vô nhân tính khi đứa con bênh vực mẹ. Người đàn ông là trụ cột gia đình, có trách nhiệm chở che, bảo vệ cho gia đình. Vậy mà người đàn ông này đánh đập, nguyền rủa vợ con không thương tiếc.

    Tác giả xây dựng tình huống bất ngờ, tạo ấn tượng với người đọc.

    b) Người vợ nhẫn nhục cam chịu, vị tha

    - " Vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn ".

    - Người vợ lại tự nguyện để cho chồng đánh. Khi thấy Phác bênh vực mình, đánh trả lại cha, người đàn bà hàng chài lại sụp xuống lạy con mình. Những chi tiết này hé mở gia đình của người đàn bà đang lâm vào bi kịch nào đó mà chúng ta chưa hiểu hết được.

    Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ yêu thương chồng con và có số phận bất hạnh.

    c) Người con trai (Phác) yêu thương mẹ và có phản ứng mãnh liệt với cha

    - Yêu thương mẹ: " Cái thằng nhỏ, lặng lẽ đưa mấy ngón tay sờ trên khuôn mặt mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt ".

    - Phản ứng mãnh liệt với cha: " giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng ".

    - Việc con ngăn cha đánh mẹ là việc nên làm nhưng thằng Phác sau khi giành được thắt lưng lại dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt đánh cha. Còn đối với mẹ, Phác lại ân cần hỏi han. Điều này khiến người đọc bị lôi cuốn vào tác phẩm.

    Ông đã thành công trên phương diện kể chuyện và tạo tình huống bất ngờ trong tác phẩm.

    d) Nghệ sĩ Phùng ngạc nhiên, xót xa

    - Trước cảnh tượng ấy, trong Phùng trào lên một cảm xúc mạnh mẽ, ngỡ ngàng: " Như trong câu chuyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó biến mất ".

    - Sự việc đối với gia đình người đàn bà hàng chài xảy ra rất nhanh. Phùng chưa kịp suy nghĩ và hành động gì thì chiếc thuyền lưới vó chở gia đình người đàn bà đi xa. Một sự thật về cuộc sống, về con người đối lập với khung cảnh thiên nhiên, đối lập với hình ảnh con thuyền và biển tuyệt đẹp trong ánh sương mai.

    Vậy đâu mới là sự thật, là hiện thực cuộc sống trên bãi biển này.

    B. Câu chuyện ở tòa án: Lần thứ 2 chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ dã man.

    1. Người đàn bà hàng chài

    a) Ngoại hình thô kệch

    - " Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa ".

    - Ngay từ khi sinh ra, người không đàn bà hàng chài đã thiệt thòi về hình thức. Đã thế còn bị mắc bệnh đậu mùa nên rỗ mặt.

    b) Số phận bất hạnh, thường xuyên bị chồng bạo hành

    - Lớn lên, vì xấu nên người đàn bà hàng chài không có ai chịu cưới. Sau đó chị trót có mang với một anh thuyền chài nhưng không phải là người chồng hiện tại. Chị cũng có may mắn là người chồng hiện tại chấp nhận cưới chị nhưng thực tế: " Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu.. Giá mà lão uống được rượu.. thì tôi còn đỡ khổ.. ". Dường như bao nhiêu nỗi khổ đều trút lên người đàn bà xấu xí này. Đã thế, gia đình người đàn bà này rất đông con, có lẽ đến cả chục đứa. Với số con như vậy, gia đình người đàn bà hàng chài sẽ rất nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất.

    c) Phẩm chất tốt đẹp

    c1) Nhẫn nhục cam chịu, thương con, vị tha

    - " Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn ". Người đàn bà hàng chài vẫn tự nguyện để chồng đánh vì một lẽ đơn giản, bà muốn trong gia đình có một người đàn ông để cùng mình làm ăn nuôi con. Bà chịu đựng chỉ vì thương con, chỉ vì muốn các con mình có cha, mẹ.

    - " Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão.. đưa tôi lên bờ mà đánh ". Chắc chắn bà sợ tâm hồn con mình bị tổn thương, sợ các con không tôn trọng cha chúng. Dù ít học nhưng bà ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ, không chỉ nuôi con mà còn dạy dỗ con nên người.

    - Bà quan niệm: " Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình ". Đó là suy nghĩ của người mẹ hết mực thương con. Người đàn bà hàng chài trở thành biểu tượng cao đẹp của tình mẫu tử.

    - Bà biết chia sẻ nỗi nhọc nhằn với chồng. Bà xin: " Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó ". Lời van xin của bà nghe thật tội nghiệp nhưng ẩn sâu trong đó là sự yêu thương chân thành giành cho chồng mình. Bà hiểu chồng đánh mình vì cuộc sống quá khổ mà không thể chia sẻ cùng ai. Bà hiểu chồng bà là một con người có trách nhiệm với gia đình nên bà coi việc tự nguyện để cho chồng đánh là một cách chia sẻ nỗi nhọc nhằn của bà giành cho chồng.

    Người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con.

    c2) Thấu hiểu lẽ đời

    - Ngày xưa: " lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi ". Bà nhận ra đằng sau vẻ thô kệch về hình thức bên ngoài của chồng mình, ẩn giấu bên trong một tâm hồn cao cả, người đàn ông này là một người tốt, vị tha.

    - Bà không chấp nhận lời đề nghị li hôn mà chánh án Đẩu đã gợi ý rất thiện chí. " Chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn.. cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc ".

    - Bà hiểu " cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa "." Vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ "." Giá mà lão uống rượu.. thì tôi còn đỡ khổ ". Bà hiểu tầm quan trọng, vị trí không thể thay thế của người chồng trong gia đình. Để con mình lớn lên thành người tốt, có cuộc sống nhất định, gia đình đó phải trọn vẹn, có cha có mẹ. Bà là người từng trải, có suy nghĩ sâu sắc, có trách nhiệm, giàu đức hy sinh.

    Mặc dù khi mới chứng kiến tấn bi kịch, ta thấy cách xử sự của chị thật phi lí nhưng sau khi hiểu kĩ về cuộc sống của chị, ta thấy đó là việc hợp tình, hợp lí, giàu tính nhân văn.

    c3) Mơ ước giản dị

    - " Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn.. Vui nhất là lúc ngồi nhìn đám con chúng tôi nó được ăn no.. "

    - Mơ ước của bà thật giản dị tầm thường. Mơ ước đó là điều hiển nhiên, trở thành hiện thực với đại đa số nhưng lại là niềm hạnh phúc của gia đình hàng chài. Nơi Phùng chứng kiến được tấn bi kịch gia đình hàng chài phải chăng là nơi mà cuộc chiến chống ngoại xâm đã lùi xa. Nhưng ở đây, con người phải đấu tranh với cuộc chiến chống đói nghèo. Nguyễn Minh Châu đã phản ánh hiện thực một cách chân thực. Ông thấu hiểu và tán đồng những mơ ước chính đáng của nhân vật. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ biết chắt chiu hạnh phúc giữa cuộc đời đau khổ. Bà là người mẹ, người vợ biết cách xây dựng tổ ấm, làm cho gia đình hạnh phúc.

    - Quan niệm " Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ ". Quan niệm của bà là quan niệm của người mẹ, người vợ có trách nhiệm với con mình. Đó là quan niệm dựa trên nền tảng đạo đức. Trách nhiệm này cũng được quy định bởi luật pháp.

    Suy nghĩ của bà dưới cái nhìn của Phùng và Đẩu là lạc hậu nhưng bà vẫn hy sinh vì chồng, vì con.

    2. Nhận thức và bài học của Đẩu

    - Câu chuyện và thái độ của người đàn bà hàng chài khiến Đẩu ngạc nhiên: " Không thể nào hiểu được " nhưng sau đó, anh hiểu ra nhiều điều. " Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển " .

    - Anh khuyên người đàn bà nên li dị chồng với suy nghĩ sẽ giải thoát chị ra khỏi nạn bạo hành gia đình. Anh không hiểu được tầm quan trọng của người đàn ông trong gia đình hàng chài.

    - Lời khuyên của Đẩu xuất phát từ cách nhìn của người ngoài cuộc, của người xa rời thực tế. Sau khi hiểu rõ ngọn ngành, Đẩu tìm đến người chồng để khuyên giải. Đó là cách thức tốt nhất để giúp người đàn bà hàng chài không bị đánh. Đẩu nhận thức cuộc sống rất phức tạp, ta phải nhìn nhận sự việc trên nhiều phương diện, góc độ.

    Người đại diện chính quyền không chỉ là người nắm vững luật pháp mà còn là người có nhiều trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống. Có như thế, những người làm pháp luật mới có cách nhìn nhận đúng đắn và toàn diện.

    3. Bài học sau chuyến đi thực tế của Phùng

    - " Mỗi lần ngắm kĩ, tôi thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh.. tấm lưng bạc phếch có miếng vá.."

    - Phùng rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Hình ảnh màu hồng hồng của ánh sương mai tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên. Nó còn tượng trưng cho cái đẹp được quan sát từ xa. Còn hình ảnh người đàn bà hàng chài là tượng trưng cho con người trong cuộc sống hiện thực. Và nếu được quan sát, được nhìn ở góc độ gần, được nhìn kĩ càng thì người nghệ sĩ sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ mà ta không thể thấy được từ xa. Đôi khi được xem xét ở nhiều góc độ, chúng ta phát hiện được hạt ngọc ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí, số phận bất hạnh.

    - Phùng đã phát hiện được nhiều điều tưởng chừng như đối lập nhưng lại thống nhất với nhau. Phùng tượng trưng cho người nghệ sĩ yêu cái đẹp, khám phá, sáng tạo ra cái đẹp. Phùng còn là người nghệ sĩ tài năng và có tấm lòng biết yêu thương con người.

    - Phùng cũng muốn tác phẩm của mình phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực nhất. Tác phẩm của anh là tác phẩm toàn mĩ, hoàn bích, hướng con người đến với thế giới của Chân – Thiện – Mĩ. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa nghệ thuật và cuộc đời thì người nghệ sĩ chân chính phải biết vì con người, cuộc đời. Thông qua tình huống truyện, nhân vật Phùng tự nhận thức được mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

    Đó là người nghệ sĩ ngoài việc phải có cái nhìn cuộc sống con người một cách đa diện nhiều chiều, còn phải sáng tác theo quan điểm vị nhân sinh.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...