Ngữ Văn 7: Ôn tập thơ hiện đại Việt Nam - Các dạng đề

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 19 Tháng tám 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Nhằm giúp các em hiểu và cảm nhận được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một số bài thơ hiện đại Việt Nam (Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Tiếng gà trưa qua nghệ thuật thể hiện tình cảm, cách sử dụng ngôn ngữ vừa hiện đại vừa bình dị, gợi cảm. Mời các em cùng ôn tập

    I. Ôn tập lý thuyết

    1. Bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh)

    * Giới thiệu về tác giả: Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Cách Mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh còn là một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà thơ lớn.

    * Giá trị nội dung bài thơ Cảnh khuya

    Cảnh núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng đẹp thật huyền ảo, lung linh, đầy sức sống. Có âm thanh của tiếng suối trong như tiếng hát xa, có ánh trăng lồng cổ thụ, có bóng lồng hoa.. Tạo bức tranh nhiều tầng bậc, màu sắc, đường nét. Cảnh vật sống động, có đường nét, có hình khối với hai mảng màu sáng tối. Trong bức tranh thiên nhiên đó, hình ảnh Bác – vị lãnh tụ cách mạng hiện lên thật đẹp, say mê ngắm thiên nhiên, đồng thời vẫn canh cánh một nỗi niềm lo cho dân cho nước.

    * Nghệ thuật: Sử dụng nhiều hình ảnh đẹp lung linh, huyền ảo. Các biện pháp: So sánh, điệp ngữ, miêu tả hình ảnh thực của âm thanh, vẻ đẹp của đêm trăng rừng Việt Bắc.

    2. Gợi ý trả lời một số dạng bài tập thường gặp

    (1). Bài thơ này được làm theo thể thơ nào? Nêu ngắn gọn đặc điểm của thể thơ được dùng để sáng tác bài thơ trên?


    Trả lời:

    - Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

    - Mỗi bài có bốn câu thơ, mỗi câu có bẩy tiếng, có niêm luật chặt chẽ.

    (2). Trình bày hoàn cảnh sáng tác bài thơ?

    Trả lời:

    - Bài thơ được viết ở chiến khu Việt Bắc vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947.

    (3). Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép tu từ được tác giả sử dụng trong bài thơ "Cảnh khuya".

    Trả lời:

    - Biện pháp tu từ: So sánh "Tiếng suối trong như tiếng hát xa"

    Tác dụng: So sánh tiếng suối với tiếng hát làm cho tiếng suối trở nên gần gũi hơn, thân mật với con người hơn. Âm thanh trong trẻo, tô đậm thêm sự thanh vắng của đêm khuya. Giúp lời thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm.

    So sánh: Cảnh khuya đẹp như vẽ

    Tác dụng: thể hiện bức tranh thiên nhiên đêm trăng đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình, qua đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.

    - Biện pháp điệp ngữ: Lồng

    Tác dụng: tạo nên bức tranh có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều đường nét hình khối. Ánh trăng bao trùm, lồng vào những vòm cây cổ thụ; ánh trăng, bóng cây lồng vào hoa làm cho cảnh trở nên huyền ảo hơn.

    - Biện pháp điệp ngữ: "Chưa ngủ"

    T ác dụng: Đồng thời góp phần lí giải nguyên nhân chưa ngủ của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Qua đó thể hiện lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Người.

    (4). Tìm và chép lại hai câu thơ khác của bác cũng có hình ảnh trăng?

    Trả lời: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

    (5). Hai câu thơ cuối trong bài thơ thể hiện tâm trạng gì của tác giả?

    - Hai câu thơ cuối thể hiện tâm trạng rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh vẽ của cảnh rừng Việt Bắc. Bác Hồ thao thức chưa ngủ vì lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc.

    (6) Phân tích vẻ đẹp của cảnh trăng trong rừng của tác giả trong bài thơ "Cảnh khuya".

    Bài làm cần có các ý chính (về nội dung, nghệ thuật) sau:

    - So sánh âm thanh "tiếng suối" với "tiếng hát xa" làm cho tiếng suối như gần gũi có sức sống trẻ trung hơn.

    - Với hai từ "lồng" trong câu thơ "trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa" đã gợi lên bức tranh mang vẻ lung linh chập chờn, lại ấm áp hòa hợp quấn quít.

    - Qua đó cho thấy niềm say mê cảnh thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, gắn bó với trăng, coi trăng là tri kỷ của Bác.

    II. Ôn tập bài thơ Rằm tháng Giêng (Hồ Chí Minh)

    *Giá trrị nội dung: Cảnh thiên nhiên đêm rằm thấng giêng trên sông sáng, lung linh, tràn ngập ánh trăng đêm rằm. Không gian bát ngát, cao rộng, sắc xuân hòa quyện trong từng sự vật, trong dòng nước, trong bầu trời. Trong đêm trăng đó, trên thuyền, xuôi trên dòng sông những người lãnh đạo Đảng đang bí mật bàn bạc việc quân với niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng của đất nước.

    * Nghệ thuật: Thể thơ Đường luật (nguyên tác), sử dụng điệp ngữ, từ ngữ gợi hình, gợi cảm xúc.

    *Gợi ý trả lời một số dạng bài tập thường gặp

    (1) Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ ?

    - Bài thơ được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ ác liệt và trường kì.

    (2) Xác định phương thức biểu đạt chính trong bài thơ.

    - Biểu cảm

    (3) Cảm nhận về hình ảnh không gian trong bài "Rằm tháng giêng".

    Gợi ý:

    - "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên" : Gợi khung cảnh bầu trời cao rộng trong trẻo nổi bật lên bầu trời ấy là vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng xuống khắp trời đất.

    - "Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên" : Không gian xa rộng như không có giới hạn con sông xuân, mặt nước xuân tiếp liền với bầu trời xuân đã gợi lên vẻ đẹp và sức sống mùa xuân đang tràn ngập cả đất trời.

    (4) Cảm nhận về phong thái ung dung và tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh trong cả hai bài thơ?

    - Mặc dù ngày đêm lo nghĩ việc nước, bận bịu việc quân nhưng tâm hồn Bác vẫn hòa nhập với cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

    - Qua đó thể hiện phong thái ung dung, lạc quan của vị lãnh tụ kính yêu.

    - Tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên tha thiết hòa quện với lòng yêu nước sâu nặng.

    (5) Điểm chung của hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng?

    - Thể hiện tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong Bác

    - Thể hiện chất nghệ sĩ hòa với chất chiến sĩ, chất lãng mạn hòa hợp với chất cách mạng, chất trữ tình và chất thép luôn nhất quán trong con người Bác.

    - Qua đó thể hiện phong thái ung dung, lạc quan của vị lãnh tụ kính yêu, tuy cuộc kháng chiến chống Pháp còn nhiều gian khổ nhưng bác vẫn luôn có một niềm tin tất thắng.

    II. Ôn tập bài thơ Tiếng Gà Trưa (Xuân Quỳnh)

    1 Giới thiệu .

    - Xuân Quỳnh (1942 – 1988) quê ở làng La Khê, tỉnh Hà Tây, là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

    - Bài thơ "tiếng gà trưa" được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, in lần đầu trong tập thơ "hoa dọc chiên hào" (1968)

    - Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu qua những chi tiết thật bình thường, giản dị nhưng vẫn xúc động bởi sự chân thành.

    2. Nội dung chính của bài thơ: Tiếng gà trưa đã gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.

    - Âm thanh tiếng gà trưa trên đường hành quân đã khơi nguồn kỉ niệm tuổi thơ của người chiến sĩ

    - Những hình ảnh và kỉ niệm tuổi thơ:

    +Hình ảnh con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như trong tranh.

    + Một kỉ niệm về tuổi thơ dại: Xem trộm gà đẻ bị bà mắng.

    + Hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm, lo cho cháu.

    + Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ được quần áo mới từ tiền bán gà, mong ước ấy đi cả vào giấc ngủ.

    Qua những kỉ niệm được gợi lại, tác giả đã biểu lộ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và tình cảm trân trọng, yêu quí đối với bà.

    - Hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu

    + Tần tảo chắt chiu trong cảnh nghèo.

    + Dành trọn vẹn tình yêu thương, chăm lo cho cháu.

    + Bảo ban nhắc nhở cháu.

    Qua đó có thể thấy tình bà cháu vô cùng sâu nặng, thiết tha.

    3. Nghệ thuật.

    - Bài thơ theo thể thơ 5 tiếng có cách diễn đạt tình cảm tự nhiên và nhiều hình ảnh bình dị, chân thực.

    - Câu thơ "tiếng gà trưa" được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ có tác dụng nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật trữ tình. Kết hợp ẩn dụ, điệp ngữ, từ ngữ trực tiếp bộc lộ cảm xúc.

    4. Một số câu hỏi thường gặp:

    (1) Vì sao tiếng gà trưa được tác gả lấy làm nhan đề cho bài thơ? Nhà thơ muốn thể hiện điều gì qua bài thơ trên?

    (2) Hình ảnh người bà hiện lên như thế nào trong bài thơ trên? Qua các hình ảnh đó em cảm nhận được gì về bà?

    (3) Tiếng gà trưa đã đánh thức những tình cảm, kỉ niệm nào trong lòng tác giả? Tại sao dòng thơ "Tiếng gà trưa" chỉ có ba chữ và được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ?

    (4) Bài thơ đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? Mối quan hệ giữa các phương thức biểu đạt đó?

    (5) Hình ảnh nổi bật xuyên suốt bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh là gì?

    (6) Bài thơ "Tiếng gà trưa" được in lần đầu tiên trong tập thơ nào của Xuân Quỳnh?

    (7) Kể tên các bài thơ và tác giả thuộc chủ đề Thơ hiện đại Việt Nam đã học trong sách Ngữ văn 7, tập một – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

    * Gợi ý trả lời:

    (1) Tiếng gà trưa được tác giả lấy làm nhan đề bài thơ, bởi vì:

    - Trước hết, tiếng gà là âm thanh quen thuộc, gần gũi của xóm làng.

    - Tiếng gà trưa còn là âm thanh, là tín hiệu nối mạch cảm xúc, liên tưởng giữa hiện tại và quá khứ, gợi lên trong tâm trí người chiến sĩ rất nhiều những kỉ niệm về tuổi thơ của mình. Đó là

    + Hình ảnh những con gà máo mơ, mái vàng và những quả trứng hồng.

    + Hình ảnh người bà tần tảo, chăm lo cho cháu.

    + Niềm vui và ước mơ tuổi thơ khi được quần áo mới.

    + Niềm hạnh phúc của tuổi thơ trong từng giấc mơ.

    Những kỉ niệm bình dị, gần gũi nhưng thiêng liêng.

    Tiếng gà trưa gợi lại những kỉ niệm êm đềm thời thơ ấu sóng với bà, bên xóm làng thân thuộc. Từ đó khẳng định cuộc chiến đấu hom nay chính là để giữ gìn những kỉ niệm ấu thơ giản dị mà rất đỗi thân thương, giữ gìn tình cảm gia đình, xóm làng thân yêu. Với tác giả, tình yêu nước được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị, gần gũi và đời thường đó

    (2) Hình ảnh người bà hiện lên hết sức cụ thể; bà chắt chiu, dành dụm trong cảnh nghèo, bà yêu thương, chăm lo cho cháu; bà lo toan, chăm sóc cháu, có mắng cháu nhưng là để bảo ban, yêu thương cháu.

    Tình cảm đó thật sâu đậm và thắm thiết.

    (3) Câu thơ chỉ có chữ "Tiếng gà trưa đứng đầu những khổ thơ xen giữa là những câu thơ 5 chữ là dụng ý nghệ thuật của tác giả, đó vừa là chìa khóa mở vào kí ức tuổi thơ, đồng thời là chìa khóa để giữ nhịp cảm xúc của toàn bộ bài thơ; vừa có tác dụng liên kết hàng loạt những kỉ niệm thời thơ ấu của tác giả.

    Tiếng gà trưa" xuyên suốt toàn bộ bài thơ như một niềm thương nhớ.

    (4) Trong bài thơ tác giả sử dụng phương thức biểu cảm kết hợp với phương thức miêu tả và tự sự. Hầu như toàn bộ bài thơ biểu cảm được biểu hiện gián tiếp qua miêu tả và tự sự. Riêng khổ thơ cuối, tác giả trực tiếp biểu lộ những tình cảm, suy tư của mình.

    ( 5) Hình ảnh nổi bật xuyên suốt bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh là gì?

    - Tiếng gà trưa

    (6) Bài thơ "Tiếng gà trưa" được in lần đầu tiên trong tập thơ nào của Xuân Quỳnh?

    - Hoa dọc chiến hào

    (7) Kể tên các bài thơ và tác giả thuộc chủ đề Thơ hiện đại Việt Nam đã học trong sách Ngữ văn 7, tập một – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

    Mời các em đọc bài viết tiếp theo:

    Ngữ văn 7: Ôn tập Truyện ký hiện đại Việt Nam - các đề thường gặp

    Chúc các em học tốt. Thân ái!
     
    Admin, meomeohh, nntc67616 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 26 Tháng tám 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...