Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống: Chùm thơ Hai - Cư Nhật Bản

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 23 Tháng chín 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cảm nhận về chùm thơ Hai-cư - Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống

    * * *

    Xem thêm: Vẻ đẹp của chùm thơ Hai-cư, Ngữ văn 10

    Thơ Hai- cư là thể thơ nổi tiếng của đất nước Nhật Bản, một thể thơ đặc biệt, "một hình thức thơ ca cô đọng bậc nhất trên thế giới" : Mỗi bài chỉ có 3 dòng, 17 âm tiết nhưng sức gợi thì vượt ra khỏi số câu chữ hạn hẹp. Chính vì thế, thơ Hai-cư có sức sống rộng rãi, vượt ra khỏi khuôn khổ của thơ ca Nhật Bản.

    Thơ Hai-cư gợi nhiều hơn tả. Tác giả thường đặt hình ảnh thơ và trong các mối tương quan ngầm ẩn thay vì được xác định bởi các mối liên kết rõ ràng. Thơ Hai-cư chỉ trình bày trên bề mặt các hình ảnh mà hầu như không giải thích, diễn giải gì cả, tạo nên nhiều khoảng trống trong lòng người đọc. Điều đó tạo nên tính hàm súc đa nghĩa - đặc trưng của thơ Hai-cư.

    Thơ Hai-cư Nhật Bản kết tinh trong nó những cảm thức thẩm mĩ đặc trưng của người Nhật Bản.

    Đó là nỗi buồn trước trạng thái mong manh, không vĩnh viễn ngay cả những gì đẹp nhất. Nỗi buồn ấy không bi lụy, bi tráng mà thâm trầm, u uẩn.

    Đó là cảm thức về sự bí ẩn, sâu thẳm của thế giới. Tuy nhiên, sự bí ẩn, sâu thẳm ấy không làm con người sợ hãi mà ngược lại thêm trân trọng, nâng niu.

    Đó là cảm thức về sự tĩnh lặng, cô tịch của thế giới khách quan và thế giới nội tâm của con người.

    Đó là cảm thức về cái dung dị, thanh đạm. Thơ Hai-cư không cần lấy cái lộng lẫy, trác tuyệt để khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ. Đó có thể là những gì gần gũi xung quanh nhưng bao giờ cũng gợi vẻ đẹp ban sơ, thuần khiết.

    Đó là cảm thức về sự nhẹ nhàng. Thơ Hai-cư hướng tới cái nhẹ nhàng, thanh thoát, làm toát lên phong thái ung dung, tự tại của người làm thơ hoặc của các sự vật trong thế giới..

    Những cảm thức thẩm mĩ này làm nên điều đặc biệt của thơ Hai-cư.

    [​IMG]

    Bài số 1:

    Tác giả: Ba-sô

    Trên cành khô

    cánh quạ đậu

    chiều thu.

    Cảm nhận: Bài thơ là nét phác họa mang màu sắc u trầm về khung cảnh chiều thu. Buổi chiều thường gợi buồn, chiều thu lại càng gợi cảm giác hiu hắt, tàn úa. Phải chăng vì vậy mà Ba-sô đã chọn buổi chiều làm thời gian nghệ thuật cho bài thơ?

    Hình ảnh trung tâm được phác họa trong bài thơ là con quạ. Cánh quạ lặng lẽ đậu trên một cành cây khô trong buổi chiều thu. Cảnh vật chỉ có vậy. Nhưng những nét phác thảo đơn sơ ấy lại gợi lên cả một không gian vắng lặng, u huyền. Tất cả đều tĩnh. Cái tĩnh của thiên nhiên như khơi dậy cái tĩnh trong lòng người. Không diễn giải bất cứ một điều gì về những hình ảnh miêu tả, Ba-sô đã thành công trong việc tạo ấn tượng về một khoảng lặng trong thế giới tự nhiên. Vậy khoảng lặng ấy nói lên điều gì? Nói lên nỗi u hoài trong lòng nhà thơ, hay cảm giác yên bình khi chiêm ngưỡng khung cảnh bình yên của cuộc sống? Có lẽ là cả hai? Cũng có thể nhà thơ hướng tới việc khẳng định ý nghĩa của những khoảng lặng trong cuộc sống. Những khoảng lặng là cần thiết để ta nhận ra chiều sâu, sự bí ẩn của thế giới quanh ta, để ta cảm nhận và khám phá. Thơ Hai-cư là thế, gợi rất nhiều suy tưởng. Mỗi người đều có thể có những cảm nhận riêng khi tiếp cận thể thơ này.

    Bài số 2:

    Tác giả: Chi-ô

    Ôi hoa triêu nhan

    dây gàu vương hoa bên giếng

    đành xin nước nhà bên.

    Hình ảnh được miêu tả trong bài thơ của Chi-ô là những bông hoa triêu nhan vương trên dây gầu. Những bông hoa xinh đẹp ấy đã đánh thức rung cảm thẩm mĩ trong lòng người lấy nước. Trước cái đẹp bạn sơ, thuần khiết của hoa triêu nhan, con người đã có cách ửng xử thật nhân văn: Xin nước nhà bên, để không phải dùng đến dây gầu, không làm tan biến vẻ đẹp kia. Bài thơ ca ngợi cách ứng xử đầy nâng niu trân trọng của con người đối với thiên nhiên. Đó là cách để con người kết nối với thiên nhiên, để thiên nhiên luôn là bạn của con người.

    Không những vậy, bài thơ còn mở ra một hướng tiếp cận ở phương diện khác: Hoa triêu nhan tượng trưng cho vẻ đẹp thanh sơ, thuần khiết; dây gầu lạ gợi lên ấn tượng về sự thô nhám, sần sùi. Vậy mà hoa lại quấn quýt bên dây gầu. Cái đẹp không bị cái xấu làm lu mờ mà ngược lại, cái xấu kia là nơi tựa nương của những bông hoa đẹp, cái đẹp lại làm mờ đi sự xù xì, thô ráp của sợi dây. Mối tương quan bạn bè ấy khiến ta ngẫm ra nhiều điều sâu sắc: Mọi sự vật trong thế giới không chia cắt, tách rời như chúng ta thường nghĩ. Chúng có mối tương quan, giao hòa với nhau. Cũng giống như hình ảnh con ốc và ngọn núi Fu-ji trong bài thơ sau đây:

    Bài số 3:

    Tác giả: Ít-sa

    Chậm rì, chậm rì

    kìa con ốc nhỏ

    trèo núi Fu-ji.

    Bài thơ miêu tả hành trình trèo núi Fu-ji của con ốc nhỏ. Trong cả ba bài thơ, hình ảnh trong bài thơ này có sự đối lập rõ rệt nhất: Con ốc nhỏ bé, ngọn núi thì hùng vĩ; con ốc là một sinh linh yếu ớt với sự sống hữu hạn, ngọn núi lại là biểu tượng của sự kì vĩ, vững bền.. Vậy nhưng con ốc vẫn kiên trì với hành trình của mình, để chạm dần tới đỉnh núi. Cũng có thể hành trình của nó không kịp tới đích do sự sống hữu hạn, nhưng cái phong thái bình tĩnh, tự tại của con ốc trên hành trình kia khiến ta phải suy ngẫm. Con ốc không coi ngọn núi kia là trở ngại, nó vẫn ung dung trèo lên. Chú ốc nhỏ có một sự tự do trong tinh thần mà không phải con người ai cũng có được trong cuộc sống nhiều chông gai. Tâm thế của chú ốc khiến ta hiểu được chân lí của thành công: Không phải ở kết quả mà ở quá trình.

    Như trên đề cập, bài thơ còn gợi lên sự tương quan, giao hòa giữa các sự vật trong thế giới tự nhiên: Các sự vật dù đối lập nhau nhưng không tách biệt mà tác động lẫn nhau, giống như cánh hoa đào mỏng manh có thể làm gợn sóng mặt hồ rộng lớn, hay tiếng ve vô hình có thể ngấm sâu vào đá như chúng xuất hiện trong các bài thơ Hai-cư khác.

    Tóm lại, trong ba bài thơ trên, mỗi bài chỉ phác họa một hình ảnh trọng tâm. Chúng hiện diện trong thơ với vẻ đẹp thuần khiết, như tự mình xuất hiện, không cần bất cứ một sự tô điểm nào của tác giả. Theo đó, người đọc bước vào bài thơ như bước vào một cảnh trí do thiên nhiên tự sắp đặt, phô bày. Và khi tiếp cận bài thơ, mỗi người lại có thể thỏa mình tưởng tượng, rút ra những chiêm nghiệm thú vị từ những cách tiếp cận khác nhau.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng mười 2022
  2. hy2732003

    Bài viết:
    0
    Điều thú vị nhất ở thể thơ hai-cư: Hai-cư là một thể loại thơ của văn học Nhật Bản. Với cấu trúc ngắn, chỉ có 3 dòng thơ và số lượng âm tiết không quá 15 từ, hai-cư là một trong những hình thức cô đọng nhất của thơ ca thế giới. Thơ hai-cư được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và được sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Khi đọc thơ, ta dễ dàng nhận thấy được sự ngắn gọn, xúc tích nhưng lại mang trong mình nhiều ẩn ý, ý nghĩa sâu xa về triết lý nhân sinh và cuộc sống. Thơ hai-cư đưa người đọc đắm mình vào những vần thơ với âm hưởng huyền bí, đòi hỏi độc giả khám phá ra nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Tóm lại, đây là một thể thơ hay và đem đến cho chúng ta những cung bậc cảm xúc riêng của mỗi người.
     
    Last edited by a moderator: 10 Tháng mười 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc thơ Hai-cư, càng đọc càng thấy thú vị là vì thế! Nếu người phương Tây ưa hành động, thích hướng ngoại thì người phương Đông lại thích lắng mình trong những suy tư. Triết học phương Tây thiên về lí giải xã hội, tự nhiên bằng tư duy, người phương Đông khi lí giải xã hội lại thiên về đời sống tâm linh. Cái thâm trầm kín đáo của người phương Đông cùng với tư tưởng "thiên nhân hợp nhất" (thiên nhiên và con người hòa hợp), "vạn vật hữu linh" (mọi vật đều có linh hồn) đã thể hiện rất rõ trong thơ hai-cư.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng mười 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...