Truyện Ngắn Ngoại Tôi - Ngọc Trai

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Ngoctrai, 14 Tháng mười 2019.

  1. Ngoctrai Ngọc Trai

    Bài viết:
    195
    NGOẠI TÔI

    Thể loại: Truyện ngắn

    Tác giả: Ngọc Trai


    [​IMG]

    Khi tôi còn học tiểu học thì ngoại tôi đã già, những nếp nhăn thi nhau nở đầy trên gương mặt hiền từ, khắc khổ của ngoại. Một phần vì ngoại tuổi đã cao, nhưng phần quan trong hơn hết là sương gió cuộc đời đã len lỏi trong từng ngóc ngách và in hằn lên số phận của ngoại.

    Ông ngoại tôi qua đời trong chiến tranh và để lại cho bà ngoại một mình chăm sóc, nuôi dưỡng năm người con cả thảy, trong đó dì út của tôi còn bốn tháng nữa mới chào đời. Sau này có người hỏi tôi đã gặp ông ngoại lần nào chưa, tôi chỉ biết mỉm cười và tự nhủ: Dì tôi còn chưa được gặp sao đến lượt tôi chứ.

    Mẹ tôi kể lại rằng, ngày ông ngoại mất mẹ chẳng hề biết, chỉ thấy có người đến nói với bà ngoại điều gì đó rồi bà khóc ngất đi. Qua hôm sau quan tài của ông ngoại được đưa về nhà. Mẹ còn nghĩ chết chỉ là tạm thời đi xa một thời gian, khi nào mẹ lớn lên thì ông ngoại sẽ trở về. Trẻ con thật ngây thơ, chưa thể cảm nhận hết nỗi đau nhưng nỗi đau cứ ùa đến chẳng trừ một ai.

    Người ta vẫn nói chiến tranh là chuyện của những người đàn ông nơi chiến trường. Nhưng phụ nữ mới là những người bị tổn thương nhiều nhất. Bởi họ bị chiến tranh cướp mất tình yêu, gia đình và hạnh phúc.

    Ngày tháng cứ thế trôi qua, ngoại tôi lam lũ, tần tảo mặc cho bao khó khăn, vất vả và sự dày xéo của nỗi đau mất mát. Đôi bàn tay nhỏ bé của người phụ nữ như lớn thêm gấp bội để ghánh phần việc mà người đàn ông duy nhất trong gia đình để lại. Ngoại làm việc nhiều thật nhiều để trang trải cuộc sống và cũng để quên đi những thương tổn trong lòng mình. Từ làm ruộng, đi cấy thuê, nuôi lợn nái, đang võng cho đến vá lưới. Hễ việc gì tạo ra được thu nhập thì ngoại tôi đều làm hết. Ngoại chỉ sợ không có việc làm chứ không ngại công việc khó khổ. Một mình vừa làm mẹ, vừa làm ba của những đứa trẻ. Vì cuộc cuộc sống khó khăn nên hai dì lớn và mẹ tôi phải nghĩ học sớm (khi mẹ tôi chỉ mới mười một tuổi) đi làm phụ ngoại lo cho gia đình. Ông ngoại mất khi bà ngoại ba mươi bảy tuổi. Ấy vậy mà bức ảnh chụp bà ngoại của bảy năm sau đó vào ngày giải phóng lại rất giống một người phụ nữ sắp bước sang tuổi năm lăm. Trong ánh mắt của bà ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm, như chiếc thuyền lênh đênh giữa biển cả không nơi chốn đậu.

    Năm tháng qua đi rồi chiến tranh cũng qua đi nhưng những mất mát và đau thương về thể xác lẫn tinh thần như một vết sẹo dài còn mãi với thời gian.

    Khi tôi học lớp năm ba mẹ gửi tôi về nhà ngoại để tiện đi học (vì nhà tôi ở xã miền núi, mùa lũ nước sông dâng cao ngập cầu nên không đi học được). Mỗi buổi tối ngoại hay nhờ tôi đưa đi chùa giúp vì mắt ngoại cũng đã mờ dần. Ngôi chùa nằm cách nhà gần năm trăm mét, giữa lòng thị trấn đông đúc người qua lại. Lúc đầu tôi không vui lắm. Bởi một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở núi rừng xa xôi không có điện thì còn điều gì hấp dẫn hơn ti vi nữa chứ. Nhà dì tôi có một cái ti vi. Thế là kể từ khi về ngoại hễ học xong tôi lại xem ti vi. Buổi tối có rất nhiều chương trình hay nên tôi không đành lòng. Nhưng dần dà đi chùa với ngoại lại là một niềm vui. Trên đừng đi ngoại hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích và hát những câu cải lương trong những vở diễn nổi tiếng như: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Phạm Công – Cúc Qua.. Chính vì vậy, con đường từ nhà đến chùa trở nên rất ngắn. Thỉnh thoảng ngoại mua bánh cho tôi từ tiền ngoại dành dụm được. Cuộc sống bao giờ cũng cần có những niềm vui nho nhỏ.

    Sau này, khi tôi lớn thêm một chút thì ngoại cũng già thêm một chút và không còn đi chùa được nữa. Lưng ngoại khòm đi thấy rõ. Vóc dáng ngoại vốn đã nhỏ bé nay còn nhỏ bé hơn. Có lẽ những gánh nặng trên vai ngày cáng quá sức đối với ngoại tôi. Thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần tôi về thăm ngoại trong căn nhà lợp ngói đã rêu phong. Hai bà cháu nói hết chuyện này đến chuyện khác. Người già rất cần được tâm sự. Khi còn trẻ công việc là niềm vui, còn về già được trò chuyện là một động lực để sống tiếp. Đợi một ngày để được gặp một đứa con hay một đứa cháu là đủ để vui cả ngày. Một ngày kia ngoại ốm nặng, tôi về thăm, ngoại không thấy rõ mặt tôi nữa nên cứ sờ soạng khắp người. Sờ để biết xem tôi có cao thêm chút nào hay mập thêm chút nào nữa không? Ngoại nói, ngoại sẽ sống mãi cho đến ngày tôi đi lấy chồng. Ấy vậy mà ngoại tôi qua đời được hơn mười năm nhưng đến nay tôi vẫn chưa lấy chồng. Cuộc đời thật nghiệt ngã ngoại đã rời xa tôi mãi mãi và để lại lời hứa dang dở.

    Hơn mười năm đã qua đi như một cơn gió. Cô bé ngày nào đi theo ngoại giờ đã tự bước tiếp một mình. Tôi muốn làm thật nhiều điều cho ngoại thân yêu nhưng khi chưa thể làm được gì thì ngoại đã không cho tôi cơ hội nữa rồi. Kể từ khi đi làm, tôi dần dần thấu hiểu những đắng cay trong cuộc đời mà người phụ nữ tôi luôn yêu thương đã trải qua. Cuộc sống chẳng bao giờ dễ dàng. Mỗi một người có một cuộc sổng riêng, số phận riêng. Đã có lúc cuộc sống của tôi trở nên vô cùng mệt mỏi. Mọi việc đều không như ý muốn. Nhưng cứ nghĩ về ngoại, nghĩ về tất cả những gì đã đi qua trong cuộc đời ngoại, tôi thấy mình thật quá ấu trĩ. Những khó khăn của tôi có đáng là bao so với những mất mát, hao gầy, tổn thương mà chiến tranh và hoàn cảnh sống đã mang đến cho ngoại.

    Mạnh mẽ và kiên cường là những gì tôi đã học được từ người bà thân yêu của mình. Mạnh mẽ để đối mặt giông tố và kiên cường để trụ vững. Năm tháng đi qua thật nhiều, tôi đã nhận ra một điều, con đường gian nan nhất chính là đường đời. Tôi sẽ không bao giờ nản lòng trước những khó khăn. Vì tôi biết có rất nhiều người cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn hơn tôi nhưng họ vẫn luôn cố gắng sống tốt.

    Ngoại vẫn mãi là người bà đáng kính, giàu lòng vị tha và sống mãi trong trái tim tôi.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...