Bạn đã từng mơ chưa? Chắc chắn là có rồi, những giấc mơ thoáng qua như cánh bướm lả lướt, như chuồn chuồn đậu trên mặt nước. Ai trong chúng ta đều có cho mình khoảnh khắc rơi vào ảo mộng trong khi ngủ, một giấc mơ khó lý giải, một giấc mơ đầy thú vị hoặc một giấc mơ đời thường đến mức khi tỉnh lại, bạn hoang mang không biết vẫn là mơ hay là thực. Mơ không phải một điều hiếm, nhưng khó ai kiểm soát được giấc mơ cũng ít người hiểu được mơ là gì. Từ cái tên của tôi, các bạn có thể nhận ra ngay tôi là một con mộng mơ rồi đó. Một Thoáng Mộng, giấc mơ thoáng chốc, nên như một lẽ hiển nhiên tôi rất quan tâm đến những thứ liên quan đến [Mộng - Giấc mơ] . Và bây giờ, sau cuộc bôn ba khắp Internet (ngắn hạn), các thông tin thu thập đã được sắp xếp kỹ lưỡng và bây giờ tôi đặc biệt muốn chia sẻ cho mọi người những kiến thức thú vị liên quan đến giấc mơ. Đương nhiên sẽ đi kèm góc độ giải mã cá nhân của tôi cùng nhận định mang tính chủ quan về [Mộng], Vì như tôi đề cập ở trên, tôi là một kẻ thích mộng mơ! Được rồi vô bài thôi! Hiển nhiên chúng ta sẽ bắt đầu từ định nghĩa. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi giấc mơ là gì chưa? Có lẽ rồi hoặc cũng có thể chưa, nhưng không sao! Dù cho có hay không, tôi cũng sẽ bắt ép bạn đọc tiếp mà thôi! Nên kháng cự vô hiệu nè. Theo góc độ khoa học giải thích: "Giấc mơ được mô tả như là một trạng thái của ý thức đặc trưng bởi cảm giác, nhận thức và cảm xúc xảy ra trong thời gian ngủ. Người mơ mộng thường bị giảm sự kiểm soát đối với nội dung, hình ảnh thị giác và kích hoạt bộ nhớ.". Từ định nghĩa suy ra, giấc mơ là một loại trạng thái đặc biệt chỉ xảy ra khi ta rơi vào trạng thái ngủ. Nhưng các kiến thức khoa học chỉ ra, ngủ không phải hoàn toàn mất đi nhận thức, mà nó là một trạng thái lấp lửng vì dù cho bạn có ngủ thì não bộ vẫn hoạt động, tức vẫn có ý thức nhất định đối với khu vực xung quanh song nó yếu hơn rất nhiều so với khi thức. Đơn giản dễ hiểu thì là thế này, do não bộ của bạn không chịu offline thậm chí cưỡng ép bạn vào nhóm mơ tương tác mà bạn không hay, do vậy bạn mới mơ. Và tiếp đến thì sao? Vâng, admin (Bộ não) cấp quyền truy cập cho bạn nhưng không cho bạn biết, sau khi xong thì đá bạn đi. Nó là như thế đó. Và một phần khác của định nghĩa giải thích: ".. Người mơ mộng thường bị giảm sự kiểm soát đối với nội dung, hình ảnh thị giác và kích hoạt bộ nhớ". Đây là nguyên nhân khiến chúng ta thường không thể tự do điều khiển mình trong mơ. Để rồi những hình ảnh, nội dung thường rất kỳ lạ và thú vị. Thậm chí trở thành những ý tưởng mang tính đột phá, sáng tạo đặc biệt giúp ích cho công việc của bạn, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật! Mơ cũng có ích lắm đó chứ, chỉ cần bạn còn nhớ những thứ mình vừa mơ là được. Theo khoa học nghiên cứu và lý giải, giấc mơ được phân tích theo hai hướng. Một theo thần kinh học vả một theo tâm lý học. Theo hướng thần kinh học đưa ra giải thích về mơ thường gắn liền với giai đoạn giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt (REM). Các nghiên cứu theo lĩnh vực này chỉ ra mối liên hệ giữa REM và giấc mơ, đặc biệt là giấc mơ sống động, thường xảy ra trong giai đoạn REM. Khi ở giai đoạn REM, não bộ tạo những hình ảnh, cảm xúc và câu chuyện phức tạp, tạo thành nội dung giấc mơ. Đối với những người không chuyên, hiển nhiên có tôi trong đó, sẽ rất khó hiểu đi. Vì chúng ta không hề biết đến REM. Vì vậy, để mọi người, đương nhiên bao gồm cả tôi, để hiểu sâu cũng như tiếp tục đề tài này, chúng ta bắt buộc phải khám phá thêm khái niệm mới! Vậy "Giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt (REM) là gì? Đó là một giai đoạn ngủ được đặc trưng bởi chuyển động mắt nhanh, tăng chuyển động cơ thể và nhịp thở nhanh. Bắt đầu khoảng 90 phút sau khi chúng ta chìm vào giấc ngủ và có thể kéo dài đến 1 giờ cho đến cuối giấc ngủ. Các nghiên cứu chỉ ra, trong giai đoạn này, khi mà sóng điện não hoạt động hệt như lúc chúng ta thức và khi như vậy diễn ra người ấy chính là đang mơ. Ngay khi đọc những dòng thông tin phía trên trong đầu tôi liền nảy ra một ý kiến, liệu REM có mối liên hệ nào bốn giai đoạn của giấc ngủ không? Thế là tôi đã lật đật dạo lên mạng search thông tin tiếp. Và bất ngờ chưa! Chúng có liên quan! Thậm chí còn là hai quá trình xen kẽ nhau nha! Từ bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng:" Giấc ngủ bình thường có hai chu kỳ: NREM (Giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh) và REM (Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh). Trong đó, chu kỳ NREM chia thành bốn giai đoạn. Chu kỳ REM xen kẽ giữa các giai đoạn của NREM) ". Mà bốn giai đoạn của NREM là bao gồm: 1. Ngủ yên; 2. Ngủ nông; 3. Ngủ sâu; 4. Ngủ cực sâu. Theo bài viết, Th. S, Bác sĩ đưa ra giải thích sau pha ngủ sâu kết thúc, người ngủ quay lại giai đoạn 2 và rồi đi vào trạng thái REM. REM chính là chu kỳ mà các giấc mơ xuất hiện. Hai chu kỳ NREM và REM có sự luân phiên, người ngủ sẽ có sự luân phiên giữa giấc ngủ REM và NREM. Nôm na thì, REM cũng là một phần của giấc ngủ, xảy ra sau khi cơ thể hoàn toàn rơi giai đoạn bốn của giấc ngủ NREM và khi ấy, nhiều trường hợp sóng não đồ giống hệt như lúc thức - hoạt động não mạnh - Đang mơ. Kết hợp cùng với giấc mơ ta đã tìm hiểu, mơ được đặc trưng bởi cảm giác, nhận thức và cảm xúc cùng với đó là sự giảm về mặt tự ý thức, kiểm soát nội dung, hình ảnh và tiềm thức vô tình nổi lên kết hợp với ký ức. Và với giai đoạn REM, giai đoạn có sóng điện não hoạt động như lúc bạn thức - kích hoạt bộ não hoạt động. Kết hợp hai thứ tạo nên thế giới giấc mơ, tức hiện tượng mơ của người ngủ. Đây là hướng nghiên cứu của phe thần kinh học đưa ra và nhận định. Hiển nhiên do được thuật lại theo góc nhìn của tôi sẽ có phần khiếm khuyết hoặc sai sót, nếu có bổ sung hoặc sửa chữa xin hãy để lại bình luận góp ý cho tôi. Hoan nghênh mọi người tiến vào con đường nghiên cứu cùng tôi về [Mộng - Giấc mơ] ; Tôi sẽ không nói là do tôi không muốn mình là người duy nhất ngụp lặn trong đống tài liệu và muốn tất cả cũng phải chịu khổ đau tương tự, nỗi khổ khi phải tìm các thông tin liên quan đâu. Tuy nhiên việc phân tích giấc mơ không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu xem nguyên do giấc mơ tạo thành mà còn nghiên cứu chúng phản ánh cái gì. Theo đó, các nhà nghiên cứu của thần kinh học cho rằng, các giấc mơ của một người thường phản ánh các hoạt động sinh lý của con người bao gồm: Đại diện cho ham muốn và mong muốn bất tỉnh, tín hiệu ngẫu nhiên từ não và cơ thể trong lúc ngủ, củng cố và xử lý thông tin thu thập được trong ngày, làm việc như một hình thức trị liệu tâm lý. Có thể lấy một ví dụ điển hình là việc đi tiểu trong giấc mơ (Đúng, tôi nói thô đấy. Nghiên cứu khoa học thì không cần quá mỹ miều đâu nhỉ), do bóng đái đã chứa lượng nước quá mức cần được xuất ra nhưng bản thân bạn lại đang ngủ, tín hiệu cầu cứu sẽ được đưa lên não bộ từ đó hình thành giấc mơ để bạn đi vệ sinh và khi bạn (trong mơ) thả lỏng và đang xả lũ thì.. Đúng rồi đó. Bùm! Cái giường của của bạn xong rồi đó. Tương tự là vấn đề ham muốn, quen thuộc nhất thì chắc là tình dục đi, nhu cầu tăng cao từ đó hình thành các giấc mơ ướt át - Mộng xuân. Về cơ bản, theo phái thần kinh học, giấc mơ là sự phản ánh của các nhu cầu sinh lý trong cơ thể, những tín hiệu của các cơ quan truyền lên não khi một người đang ngủ và để thỏa mãn các nhu cầu ấy, sóng điện não hoạt động mạnh như đang thức trong giai đoạn REM, hình thành nên mộng - giấc mơ. Thế còn bên hướng nghiên cứu tâm lý học thì sao? Nếu theo thần kinh học, hiện tượng mơ gắn liền với giai đoạn REM thì bên tâm lý học nhận định giấc mơ gắn với chức năng tâm thần bất tỉnh - trạng thái ý thức độc nhất kết hợp ba không gian - thời gian: Kinh nghiệm về hiện tại, quá trình xử lý quá khứ, và chuẩn bị cho tương lai. Cung cấp không gian tâm lý cho người nơi những quan niệm áp đảo, mâu thuẫn hoặc phức tạp được tập hợp bởi bản ngã mơ mộng mà khi tỉnh táo có thể gây bất ổn tinh thần và cơ thể. Theo hướng giải thích, chúng ta có thể xem giấc mơ như một loại thuốc điều hòa trong cảm xúc của con người, ví dụ bạn bị tổn thương, bị một cú sốc tinh thần mà khi tỉnh táo có thể dẫn đến bùng nổ cảm xúc, mất kiểm soát hành động thì chức năng tâm thần bất tỉnh sẽ can thiệp thông qua giấc mơ, điều hòa trạng thái tinh thần, làm cân bằng tâm lý. Theo đó, nhận định từ các nghiên cứu. Người mơ thường có xu hướng mơ nhiều hơn khi gặp các kích thích từ bên ngoài bởi các mối quan hệ xã hội. Giống như bạn suy sụp vì vừa mất người thân thì bạn sẽ mơ về người ấy, bằng các hình ảnh thông qua bộ nhớ não bộ để mà từ đó điều hòa hoặc làm vơi bớt cảm xúc quá tải trong bạn. Có thể nói, giấc mơ trong tâm lý học được diễn giải nhờ hình ảnh, bởi lẽ như đã đề cập:".. trạng thái ý thức độc nhất kết hợp ba không gian - thời gian: Kinh nghiệm về hiện tại, quá trình xử lý quá khứ, và chuẩn bị cho tương lai ". Có thể nhận định này được dẫn ra dựa trên lý thuyết biểu diễn không gian của Stephen Kosslyn? Việc đặt dấu chấm hỏi ở trên không phải là một việc làm cho vui đâu. Do bản thân tôi không phải một người chuyên về bên tâm lý học nên những gì được rút ra, đúc kết và thậm chí là liên tưởng đều được dựa theo các thông tin có liên quan có từ khóa, các tài liệu nghiên cứu và các bài phỏng vấn. Vì vậy trong quá trình viết bài này chắc chắn sinh ra những khiếm khuyết, góc độ mang tính cá nhân hóa. Nên nếu bạn có thể bổ sung, sửa lỗi thậm chí cung cấp những tài liệu liên quan giải thích rõ ràng hơn, tôi đặc biệt rất hoan nghênh! Chúng ta! Những công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa! Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước pháp quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam! Tinh thần ham học hỏi, nhiệt huyết, cùng nhau hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu tri thức nên được phát huy một cách sáng rực rỡ! Chứ không phải do tôi cũng muốn mọi người cũng phải ngụp lặn giữa biển tài liệu học thuật liên quan đến đề tài này đâu.. Chắc chắn là không đó! Tôi nào ích kỷ như thế đâu! Thôi, không lảm nhảm nữa. Chúng ta quay về chủ đề chính thôi. Tiếp nối vấn đề bên trên, vậy lý thuyết biểu diễn không gian của Stephen Kosslyn là như thế nào? Và có liên hệ thế nào đối với hướng nghiên cứu của tâm lý học trong việc giải mã giấc mơ? Dưới đây là phần trích giải thích về thuyết biểu diễn không gian (Stephen Kosslyn) : The primary role of this system is to organize spatial information in a general form that can be accessed by either perceptual or linguistic mechanisms. It also provides coordinate frameworks to describe object locations, thus creating a model of a perceived or described environment. The advantage of a coordinate representation is that it is directly analogous to the structure of real space and captures all possible relations between objects encoded in the coordinate space. These frameworks also reflect differences in the salience of objects and locations consistent with the properties of the environment, as well as the ways in which people interact with it. Thus, the representations created are models of physical and functional aspects of the environment. (Vai trò chính của hệ thống này là tổ chức thông tin không gian theo dạng chung có thể được truy cập bằng các cơ chế nhận thức hoặc ngôn ngữ. Nó cũng cung cấp các khuôn khổ tọa độ để mô tả vị trí của vật thể, do đó tạo ra một mô hình về môi trường được nhận thức hoặc mô tả. Ưu điểm của biểu diễn tọa độ là nó tương tự trực tiếp với cấu trúc của không gian thực và nắm bắt mọi mối quan hệ có thể có giữa các vật thể được mã hóa trong không gian tọa độ. Các khuôn khổ này cũng phản ánh sự khác biệt về mức độ nổi bật của các vật thể và vị trí phù hợp với các đặc tính của môi trường, cũng như cách mọi người tương tác với nó. Do đó, các biểu diễn được tạo ra là các mô hình về các khía cạnh vật lý và chức năng của môi trường) Dựa trên lý thuyết trên mà đi đến giải mã, trong đó tôi xin lấy từ nghiên cứu của Lynch và Golledge cùng các đồng nghiệp (1987) đã đưa ra như sau: " The rationale is as follows: We gain information about our external environment from different kinds of perceptual experience; by navigating through and interacting directly with geographic space as well as by reading maps, through language, photographs and other communication media. Within all of these different types of experience, we encounter elements within the external world that act as symbols. These symbols, whether a landmark within the real landscape, a word or phrase, a line on a map or a building in a photograph, trigger our internal knowledge representation and generate appropriate responses. In other words, elements that we encounter within our environment act as external knowledge stores. ". (" Cơ sở lý luận như sau: Chúng ta thu thập thông tin về môi trường bên ngoài của mình từ nhiều loại trải nghiệm nhận thức khác nhau; bằng cách điều hướng và tương tác trực tiếp với không gian địa lý cũng như bằng cách đọc bản đồ, thông qua ngôn ngữ, ảnh chụp và các phương tiện truyền thông khác. Trong tất cả các loại trải nghiệm khác nhau này, chúng ta gặp phải các yếu tố trong thế giới bên ngoài đóng vai trò là biểu tượng. Các biểu tượng này, cho dù là một điểm mốc trong cảnh quan thực, một từ hoặc cụm từ, một đường thẳng trên bản đồ hay một tòa nhà trong ảnh, đều kích hoạt biểu diễn kiến thức bên trong của chúng ta và tạo ra các phản ứng phù hợp. Nói cách khác, các yếu tố mà chúng ta gặp phải trong môi trường của mình đóng vai trò là kho lưu trữ kiến thức bên ngoài."). Dựa trên đó, giấc mơ là một sự tổng hợp dựa trên các kinh nghiệm và trải nghiệm từ thực tế sau được phản ánh vào trong giấc mơ. Hay nói một cách khác chính là trạng thái ý thức độc nhất kết hợp ba không gian - thời gian: Kinh nghiệm về hiện tại, quá trình xử lý quá khứ, và chuẩn bị cho tương lai mà như tôi đề cập ở phương hướng giải mã giấc mơ theo tâm lý học. Trong tâm lý học, giấc mơ chính là sự phản ánh cũng như điều hòa giữa cảm xúc, tiềm thức của người đang ngủ. Là một quá trình cần thiết cân bằng trong tâm lý (Liên hệ đến ứng dụng Giấc mơ sáng suốt - Lucid Dream để cải thiện tinh thần cho dễ hình dung). Có những khác biệt đáng kể giữa phương pháp thần kinh học và phân tích tâm lý đối với việc phân tích giấc mơ. Một nhà thần kinh học quan tâm đến các cấu trúc liên quan đến sản xuất, tổ chức và tính miêu tả. Tuy nhiên, tâm lý học tập trung vào ý nghĩa của những giấc mơ và đặt chúng trong bối cảnh các mối quan hệ trong lịch sử của người mơ mộng. Có thể kiên nhẫn đọc tới đây chắc chắn các bạn cũng đã hiểu được điểm nghiên cứu về [Mộng - Giấc mơ] ở bên thần kinh học và tâm lý học rồi nhỉ. Nhưng việc theo dõi một cách xuyên suốt theo chiều dọc của bài văn cũng ít nhiều ảnh hướng đến bộ nhớ lưu trữ đi. Chắc hẳn cũng đã có vài thứ bị quên đi một cách vụn vặt rồi. Vì sao tôi lại biết? Vì chính người đang viết cũng quên đi không ít thì nhiều như tôi (Nhiều lần còn phải lướt lên để xem nữa) thì bạn nghĩ sao tôi lại không biết? Hứ! Tổng kết lại thì như sau, [Mộng - Giấc mơ] là một đề tài nghiên cứu được chia thành hai hướng gồm: Thần kinh học và Tâm lý học. Trong đó có những khác biệt đáng kể giữa phương pháp thần kinh học và phân tích tâm lý đối với việc phân tích giấc mơ. Một nhà thần kinh học quan tâm đến các cấu trúc liên quan đến sản xuất, tổ chức và tính miêu tả. Tuy nhiên, tâm lý học tập trung vào ý nghĩa của những giấc mơ và đặt chúng trong bối cảnh các mối quan hệ trong lịch sử của người mơ mộng. Các nghiên cứu nhằm chỉ ra bản chất và nguồn gốc của [Mộng - Giấc mơ], diễn giải theo logic khoa học nhưng những nghiên cứu này, cho đến hiện tại, vẫn chỉ giải thích một phần sơ lược về chủ đề này. Bởi lẽ theo một chia sẻ, giấc mơ được chia thành 3 loại: Tiềm thức, tiên tri và báo mộng. Trong đó, nghiên cứu mà tôi nói trên đều là nghiên cứu về giấc mơ tiềm thức là chủ yếu. Có lẽ ở một thời điểm nào đó ở tương lai, tôi sẽ tiếp tục chủ đề về [Mộng - Giấc mơ] về hai loại còn lại. Bởi bạn biết đó, tôi là một giấc mộng - Một Thoáng Mộng - Việc tôi đi tìm hiểu cũng đâu phải là một điều kỳ lạ đâu, phải không? Thôi được rồi, cũng đã dài dòng rồi. Tôi xin phép lặn đi. Cuộc bôn ba khắp cõi mạng và các nơron đã làm việc một cách năng suất đã là quá tải đối với một con cá mặn chỉ muốn mơ muốn giấc như tôi rồi. Tạm biệt và hẹn gặp lại!