Nghiện cờ bạc

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Nguyễn Khắc Dũng, 25 Tháng tư 2020.

  1. Nguyễn Khắc Dũng

    Bài viết:
    12
    Nghiện là sự lệ thuộc, thèm muốn 1 tác nhân (1 chất, 1 thứ gì đó) mà khi giảm hoặc ngừng có thể dẫn đến các triệu chứng đặc thù về cơ thể, sinh lý và tâm thần.

    Nói về nghiện, thường thì mọi người chỉ hay nghe tới nghiện rượu, nghiên thuốc là, nghiện ma túy nhưng không chỉ có nghiện chất, còn có những loại hình nghiện hành vi (nghiện cờ bạc, nghiện Game, nghiện tình dục)

    Dân gian có câu: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" – nghĩa là người ta chơi đằng đẵng cả tháng trời. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại rủ nhau lập vài chiếu "lấy may" đầu năm. Túm tụm đủ mọi loại hình: Chắn, phỏm, xóc đĩa, tổ tôm, bầu cua cá..

    Khi thiếu thốn tài chính hoặc tình cảm, khi chán nản hay đang khao khát thử vận may, khi thừa thãi thời gian hoặc "bỗng dưng muốn sát phạt", đôi lúc vì cả nể, đôi lúc vì cay cú.. đó là muôn vàn lý do và lối tắt toan lôi kéo bạn vào vòng xoáy mê muội của chiếu bạc.

    Đánh bạc có thể gặp ở bất cứ đâu: Lề đường, bãi cỏ, trong nhà, ngoài ngõ, ký túc xá và ai cũng có thể tham gia: Ông già, bà cả, thanh niên, phụ nữ, công chức, thậm chí cả những học sinh, sinh viên đang cắp sách tới trường.

    Nghiện cờ bạc ban đầu chỉ là 1 thói quen, dần dần sẽ trở thành 1 cung phản xạ, 1 nhịp sinh học khiến cho khi không có sẽ tạo thành 1 cảm giác thèm nhớ mãnh liệt giống như việc lệ thuộc vào 1 chất nào đó.

    Các loại hình cờ bạc ngày càng mở rộng về hình thức lẫn cách thức tham gia: Từ ngồi chơi tú lơ khơ, xóc đĩa, tới cá độ bóng đá, lô đề. Từ việc sử dụng tiền mặt trực tiếp đến chơi cá độ qua mạng internet.

    Các biểu hiện chính của nghiện cờ bạc

    1-Có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn liên quan tới lạm dụng chất. Trong bệnh sử về những hành vi nguy cơ cao trong quá trình đánh giá và điều trị nghiện chất hoặc nghiện rượu đã được báo cáo có các xung động đánh bạc kèm theo. Ở những người có trong bệnh sử tái nghiện chất nhiều lần, thường có ghi xung động đánh bạc, chơi bí mật và tách biệt xã hội.

    2- Có hiện tượng khủng hoảng tài chính và sự biến mất không lý do của 1 số lượng tiền lớn hoặc các đồ vật sở hữu có giá trị. Cá nhân cũng có thể dính líu tới hành động cầm cố hoặc yêu cầu gia đình hay người khác giúp đỡ đối phó với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do đánh bạc gây ra.

    3 Rối loạn trầm trọng trong quan hệ gia đình, phát sinh do bị phát hiện tiêu xài vụng trộm quá lớn tài sản của gia đình hoặc các tài sản bị tiêu xài thông qua cầm cố hoặc bị đòi nợ. Ngoại tình ít gặp, người bệnh thường tự trình bày các mỗi quan hệ cá nhân và gia đình tốt đẹp đã bị phá hủy do họ đã lợi dụng tài chính và tình cảm của mọi người.

    4- Có những hậu quả về pháp luật, xuất phát từ việc mất khả năng chi trả các món nợ hoặc bị cưỡng chế về mặt tài chính. Trong tình hình đó, người bệnh thường phải gánh chịu sự cạn kiệt nguồn lực tài chính và sự thiếu kiên nhẫn của chủ nợ. Các cách để có tiền là khai thác từ bạn bè và họ hàng cũng như cầm cố cửa hàng và thẻ tín dụng đã tăng lên tột cùng. Trong tình thế tuyệt vọng, người bệnh có thể sử dụng hành vi chống xã hội như: Giả mạo, lừa đảo, ăn trộm hoặc biển thủ để có tiền.

    5- Có những hậu quả liên quan tới công việc và nghề nghiệp. Cá nhân có thể mất các mối quan hệ, mất việc làm hoặc mất các cơ hội học tập, nghề nghiệp vì nghiện cờ bạc. Điều này làm người bệnh cảm thấy mất mát và là nỗi buồn không thể tiết lộ, người bệnh trở nên yếu đuối và mong muốn được giúp đỡ.

    6- Có nhiều rối loạn do hậu quả của hành vi nghiện cờ bạc gây ra. Các rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu và rối loạn trong kiểm soát xung động có thể trở nên cấp diễn và đòi hỏi phải được quan tâm, săn sóc ngay lập tức. Các rối loạn cơ thể liên quan tới stress (Khủng hoảng về sức khỏe, rối loạn đau) có thể là triệu chứng khó kiểm soát, mặc dù đã được chỉ định thuốc.

    Những biểu hiện kèm theo

    1-Các biểu hiện cơ thể

    Những người nghiện cờ bạc có thể có những than phiền về cơ thể các rối loạn liên quan tới stress (như tăng huyết áp hoặc loét dạ dày), các rối loạn liên quan tới nghiện chất (như rượu, thuốc lá thậm chí là ma túy), hoặc chấn thương cơ thể do chống cự (như là một hậu quả không có tiền để trả cho chủ nợ).

    2- Các rối loạn tâm thần kết hợp

    Thường kết hợp với các rối loạn trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn phân ly, rối loạn lo âu và rối loạn sự điều chỉnh. Các nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ toan tự sát DO NGHIỆN CỜ BẠC khoảng 15-24%. Các rối loạn nghiện cờ bạc thường kết hợp với rối loạn nhân cách như rối loạn sự thích ứng, rối loạn phân ly, tự yêu, trạng thái phụ thuộc hoặc nhân cách bệnh chống xã hội.

    3-Các rối loạn nghiện chất kết hợp

    Nhiều bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn nghiện chất và đòi hỏi phải được điều trị đồng thời cả hai chứng nghiện để dự phòng tái nghiện cho cái kia. Các số liệu đã cho thấy có 47-52% những người nghiện cờ bạc có đồng thời nghiện rượu và nghiện các chất khác.

    Tiêu chuẩn chẩn đoán về nghiện cờ bạc trong chuyên khoa Tâm thần:

    Trong ICD-10, nghiện cờ bạc được phân loại trong chương F6- (F63: Các rối loạn thói quen và xung động). Tiêu chuẩn chẩn đoán của đánh bạc bệnh lý (F63.0) được ghi mã là:

    A. Hai giai đoạn đánh bạc hoặc nhiều hơn xảy ra trong khoảng thời gian ít nhất 1 năm.

    B. Các giai đoạn này không hề đem lại lợi nhuận cho bệnh nhân, nhưng chúng vẫn được tiếp diễn mặc dù có sự suy sụp thể chất và tinh thần của cá nhân bệnh nhân và làm suy giảm chức năng chức năng trong cuộc sống hàng ngày.

    C. Bệnh nhân mô tả một sự thôi thúc mạnh mẽ đi đánh bạc, cảm giác này khó kiểm soát và bệnh nhân nói rằng họ không thể dừng đánh bạc bằng nỗ lực hoặc ý chí cá nhân.

    D. Bệnh nhân luôn bận tâm về những ý nghĩ hoặc những hình ảnh về hành vi đánh bạc hoặc các tình huống xung quanh việc đánh bạc

    Chẩn đoán phân biệt:

    - Cờ bạc và cá cược (Z72.6) (Đánh bạc thường do sự kích thích hay do ý đồ kiếm tiền, những người thuộc loại này có thể kiềm chế được thói quen khi bị thua to hoặc có những hậu quả tai hại khác)

    - Đánh bạc quá mức của những bệnh nhân hưng cảm (F30)

    - Đánh bạc của nhân cách bệnh chống xã hội (F60.2)

    Theo DSM-IV

    * Có 5/10 loại hành vi được nhận diện và không có biểu hiện hưng cảm. Các nét lâm sàng chủ yếu của nghiện cờ bạc: Bệnh lý tồn tại dai dẳng và hành vi không thích hợp tái diễn làm rối loạn cuộc sống cá nhân, gia đình hoặc nghề nghiệp.

    * Các biểu hiện lâm sàng

    1. Tiến triển và bận tâm thái quá về cờ bạc.

    2. Trạng thái dung nạp.

    3. Hội chứng cai.

    4. Hành vi mang tính lệ thuộc.

    5. Tiêu sạch tiền cho cờ bạc tương tự như uống rượu hay sử dụng ma túy.

    6. Nói dối và lừa đảo

    7. Có những hành vi bất hợp pháp

    8. Ngừng quan hệ gia đình và/hoặc ngừng lao động

    9. Mong muốn được cứu vớt

    10. Mất kiểm soát bản thân

    * Cá nhân phải có trạng thái mất hết hoặc tuyệt vọng về hành vi nghiện trong giai đoạn ít nhất 6 tháng

    Những biến đổi sinh học do nghiện cờ bạc

    Triệu chứng của hệ adrenergic (mạch nhanh, huyết áp tăng, bồn chồn) thường biểu hiện trong giai đoạn chờ đợi 1 kết quả chiến thắng hoặc trong giai đoạn chuẩn bị tham gia vào cuộc chơi. Điều này dẫn tới những rối loạn về cơ thể của người bệnh (như tăng huyết áp hoặc loét dạ dày).

    Nồng độ Norephinephrine tăng cao đã được tìm thấy ở những người có xung động đánh bạc và tăng adrenergic khi cá cược

    Các nhà điều tra tại Đại học Minnesota và Đại học Y khoa Mount Sinai New York (Hoa Kỳ) tìm thấy sự suy giảm chất opioid và chất N-methyl-D-aspartate glutamate ở trong não của những người nghiện cờ bạc và sự gia tăng các chất dopamine, serotonin, norepinephrine, glutamate. Sự mất cân bằng này dẫn đến ham muốn cờ bạc. Nếu ngăn chặn các chất trong não như dopamine, serotonin, norepinephrine, và glutamate sẽ làm giảm hứng thú và giảm cơn nghiện. Đây là cơ chế để tác động và điều trị nghiện cờ bạc

    Điều trị nghiện cờ bạc (cai nghiện cờ bạc)

    Kết hợp 3 phương pháp quan trọng trong điều trị nghiện: Dùng thuốc, tâm lý liệu pháp và giám sát chống tái nghiện.

    Thuốc

    Một người nghiện cờ bạc trong 16 năm đã được điều trị bằng thuốc carbamazepine. Ban đầu với 200mg/ngày và sau đó tăng lên 600mg/ngày đã đạt hiệu quả tốt.

    Thuốc lithium carbonate cũng đã được sử dụng nhưng không cho hiệu quả cao như thuốc carbamazepine.

    Các thuốc chống trầm cảm SSRIs (loại ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin trong não) như clomipramine với liều dùng 175mg/ngày và fluvoxamine liều dùng 100-300mg/ngày cũng được xem là hiệu quả. Bên cạnh đó các thuốc giải lo âu có thể mang lại kết quả cho một số trường hợp

    Điều trị tâm lý – vị trí của gia đình trong việc trợ giúp người bệnh nghiện cờ bạc

    Điều chỉnh những rối loạn tâm thần (về cảm xúc và nhân cách) cho người bệnh

    Người bệnh cần phải có sự quyết tâm cao và phải tác động lâu dài, thường xuyên, từ đó sẽ tạo dựng được cơ chế phòng bệnh-chống tái nghiện.

    Quản lý trợ giúp người bệnh theo các kía cạnh: Kinh tế, thời gian và các mối quan hệ. Thời gian giám sát và quản lý phụ thuộc vào thời gian nghiện cờ bạc của người bệnh (tối thiểu bằng ½ thời gian nghiện).

    Dựa theo cơ chế: Thay đổi hành vi bằng một hành vi. Thực hiện việc trợ giúp cho người bệnh thay thế một hành vi mới (có lợi) thay cho hành vi đánh bạc. Đặc biệt vào các khung giờ người bệnh rảnh rỗi, hay những lúc buồn chán. Nên hướng tới những hành vi đơn giản có thể thực hiện được hàng ngày, hoặc những hành vi có lợi cho sức khỏe (tập thể dục), những hành vi tạo ra lợi ích nhìn thấy được (làm việc nhà, làm ra sản phẩm) hoặc kết hợp với tăng cường mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình (chơi với con, đưa con đi học). Hành vi mới thay đổi cần thời gian để thay thế hành vi cũ (đánh bạc) (bằng ½ đến 2/3 thời gian nghiện).

    Cũng như các hình thức nghiện khác, biện pháp tốt nhất vẫn nên là không thử, dù chỉ một lần. Dân ta có câu "Cờ bạc đãi tay mới", đừng vì một số lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh mất đi tương lai của chính mình và gia đình.

    Đối với những ai đang chơi cờ bạc, hãy dừng lại trước khi quá muộn, sẽ có những mùa xuân tươi đẹp hơn đến với các bạn mà không cần ở trong chiếu bạc.​
     
    Nguyễn Thị Linh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...