Nghị luận xã hội về vấn nạn: Ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 2 Tháng một 2021.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Nghị luận xã hội về vấn nạn: "Ăn chặn" tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái.

    Tác giả: YenOanh099

    Xã hội hiện nay tuy ngày càng phát triển nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những mảnh đời bất hạnh đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Vì vậy, nhiều nhà hảo tâm có điều kiện, với tấm lòng nhân ái của mình đã quyên góp của cải, vật chất vào các tổ chức, các quỹ từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền từ thiện cũng được gửi tận tay những người nghèo, người thiếu thốn mà lại rơi vào tay những kẻ "Lấy từ thiện làm kế mưu sinh".

    Để hiểu rõ hơn vấn đề, cần phải biết: Từ thiện là gì?

    Từ thiện là hành động trợ giúp người yếu kém. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay là cứu trợ nhân đạo, chăm sóc sức khỏe hoặc những hành động trợ giúp tinh thần như an ủi. Từ thiện có thể là hoạt động của cá nhân hay của tập thể, cộng đồng, thông qua các tổ chức từ thiện. Việc từ thiện tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần xoa diệu nỗi đau, chia sẻ khó khăn với những số phận có hoàn cảnh thiệt thòi. Song, cái gì cũng có mặt trái của nó và làm từ thiện cũng vậy. Đâu phải ai cũng làm từ thiện với mục đích tốt, nhiều người làm từ thiện theo phong trào để tạo dựng tên tuổi hay tệ hại hơn là biến từ thiện thành một cái "Nghề" để kiếm sống. Và hiện nay đang nhan nhản một hiện tượng đó là kiếm sống bằng nghề "Làm từ thiện" online. Kẻ gian sẽ lấy danh nghĩa là những nhà hảo tâm tìm đến những mảnh đời thật sự khó khăn, thiếu thốn, sau đó chia sẻ với mọi người để gây quỹ từ thiện. Nhưng khi có được tiền từ thiện, những "Nhà hảo tâm rởm" này lại trích một phần bỏ vào túi riêng, người ta gọi đó là "Ăn chặn".

    "Ăn chặn" tiền từ thiện, rồi còn kiếm sống bằng nghề "Làm từ thiện". Hơi khó tin, bởi vì chữ "Nghề" được hiểu là công việc kiếm sống của bản thân, gia đình. Nên mới nói từ thiện là "Đi cho" chứ ai lại "Cá kiếm" bao giờ. Nhưng khó tin là thế mà sự thật vẫn là sự thật. Ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái và dựa vào tiền từ thiện để kiếm sống đang tràn lan ngoài xã hội.

    Vậy, nguyên nhân. Vì sao, do đâu mà dẫn đến tình trạng trên?

    Thứ nhất là do xã hội chưa thật sự quan tâm, chưa có biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề, làm cho việc ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái ngày càng nghiêm trọng và xảy ra nhiều trong xã hội. Cho nên, để giải quyết vấn đề trên đòi hỏi xã hội phải quan tâm hơn, cụ thể là các nhà chức trách phải có biện pháp tuyên truyền thích đáng để mọi người được biết những hậu quả nghiêm trọng do ăn chặn tiền từ thiện gây ra và đồng thời phải xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm.

    Thứ hai là nguyên nhân xuất phát từ khâu quản lí của tổ chức quỹ từ thiện. Thường thì làm từ thiện là do các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện và trong tổ chức sẽ có ít nhiều những cá nhân không trung thực. Vì vậy, một tổ chức lỏng lẻo, quản lí chưa tốt, không chặt chẽ về mọi mặt thì những kẻ gian sẽ có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo của chúng. Đã có rất nhiều trường hợp các tổ chức từ thiện bị kẻ xấu ăn chặn, những người này có thể là người ngoài hay chính các thành viên của tổ chức đó. Nên một khi đã gây quỹ từ thiện thì phải có cơ chế quản lí chặt chẽ, không để bất kì kẻ nào có cơ hội ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

    Thứ ba là do ý thức của con người, đây cũng là nguyên nhân cơ bản nhất. Như chúng ta đã biết, lòng tham của con người là vô đáy. Sự tham lam, ích kỉ dẫn con người ta đến những hành động sai trái, mà ở đây là ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái. Một số người chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà quên đi lợi ích của người khác, số tiền từ thiện làm họ mờ mắt, lòng tham trỗi dậy và rồi hết lần này đến lần khác thực hiện hành vi "Ăn chặn" trái với đạo đức, trái với pháp luật. Những người này trở nên như vậy một phần là do hoàn cảnh, có thể là từ nhỏ không được giáo dục tốt, cuộc sống thì khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần mà hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực. Họ ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái, bất chấp tất cả hậu quả của hành động đó gây ra để có được cho mình lợi ích cao nhất. Nhưng có được lợi ích cho bản thân là đồng nghĩa với việc cướp đi lợi ích của hàng trăm, hàng nghìn người.

    Thế nên, có bao giờ bạn nghĩ hành vi ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái sẽ để lại những hậu quả gì?

    Hậu quả à! Không những nhiều mà còn rất nghiêm trọng!

    Trước hết là đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc "Ăn chặn". Chắc chắn sẽ bị dằn vặt, cắn rứt lương tâm. Bởi vì không ai cảm thấy thanh thản khi làm việc xấu, trái với lương tâm, đạo đức và pháp luật. Nhưng với người có lương tâm, người biết hối lỗi là như vậy, còn những kẻ vô lương tâm, cảm thấy thỏa mãn và càng muốn tiếp tục thực hiện hành vi sai trái của mình thì lại là chuyện khác. Những kẻ này phải bị lên án, phải bị trừng trị thật nặng. Và pháp luật sẽ quyết định số phận của chúng, những kẻ đã nhẫn tâm ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận bất hạnh, những mảnh đời kém may mắn ngoài kia. Như vậy, ăn chặn tiền từ thiện, lừa đảo người khác để sống ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của chúng ta sau này. Sẽ không còn ai tin tưởng, sẽ bị mọi người xa lánh, coi thường lại phải chấp nhận hình phạt theo quy định của pháp luật vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

    Đó là những hậu quả mà người "Ăn chặn" phải chịu và nếu dừng lại ở đây thì tốt biết mấy. Mà đây lại là chuyện không thể. Khi chúng đang hưởng thụ thành quả từ việc "Ăn chặn" và từ cái nghề "Làm từ thiện" của mình cũng là khi những số phận, những mảnh đời kém may mắn đang phải vật lộn với cuộc sống.

    Cuộc sống của họ quá khó khăn, sự nghèo khổ, bệnh tật và mất khả năng lao động khiến họ không thể nào sống tiếp nếu như không nhận được sự giúp đỡ cùng số tiền từ thiện mà các nhà hảo tâm đã quyên góp. Vậy mà, kẻ gian lại độc ác ăn chặn số tiền đó, chúng lấy hết bỏ vào túi riêng hoặc lấy một phần làm cho tiền từ thiện không trọn vẹn khi đến tay người cần giúp đỡ. Điều này khiến người đáng lí ra phải đỡ vất vả hơn lại trở nên khổ cực, bất lực hơn. Và xã hội này thì không thiếu những trường hợp như thế: Một gia đình có thành viên mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền chữa trị đang lo lắng, mong ngóng số tiền giúp đỡ từ các tổ chức, các quỹ từ thiện mà không hề biết rằng số tiền đó đã bị kẻ khác ăn chặn, để rồi lặng lẽ nhìn người thân của mình đau đớn lìa xa cõi đời; Hay một trại mồ côi sẽ không đóng cửa, những đứa trẻ đáng thương sẽ không lang thang đầu đường xó chợ nếu số tiền của họ không bị ăn chặn.. Và còn rất nhiều những hoàn cảnh khác đang phải chịu hậu quả do hành vi ăn chặn tiền từ thiện gây ra.

    Rõ ràng, ăn chặn tiền từ thiện không chỉ tổn hại đến chính mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người vô tội khác, trong đó cũng có cả các nhà hảo tâm đã nhiệt tình ủng hộ, quyên góp cho các cá nhân, tổ chức đi gây quỹ từ thiện. Họ chắc hẳn sẽ rất buồn và vô cùng tức giận khi biết tấm lòng của mình bị người khác lợi dụng, tiền quyên góp của mình bị người khác ăn chặn. Từ đó, không còn tin tưởng vào bất kỳ tổ chức hay quỹ từ thiện nào, họ có thể sẽ tự mình làm từ thiện hoặc không làm từ thiện nữa. Vậy nên, tác động không nhỏ đến xã hội, làm cho xã hội có chiều hướng đi xuống, tinh thần "Lá lành đùm lá rách", tương trợ lẫn nhau của mọi người ngày càng suy giảm. Cùng với đó là một số tổ chức từ thiện chân chính phải ngưng hoạt động vì số lượng các nhà hảo tâm đang dần giảm sút.

    Quả thật, ăn chặn tiền từ thiện kéo theo rất nhiều hậu quả nên phải có các biện pháp hợp lí để giải quyết như: Các nhà chức trách phải tăng cường quản lí chặt chẽ các hoạt động từ thiện, xử lí thật nghiêm hành vi ăn chặn tiền từ thiện, lợi dụng tình thương của người khác để kiếm sống, đồng thời thực hiện tốt các công tác tuyên truyền để mọi người có biện pháp đề phòng, cảnh giác hơn và không bị lừa gạt bởi các mánh khóe ăn chặn tiền từ thiện của kẻ gian. Nhưng các biện pháp trên chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, quan trọng nhất vẫn là do ý thức của mỗi người. Chúng ta cần phải rèn luyện những phẩm chất đạo đức, thường xuyên xem xét lại bản thân, đừng vì lợi ích trước mắt mà làm chuyện sai trái, tổn hại đến mình và xã hội. Nếu ai cũng có ý thức thì hiện tượng ăn chặn tiền từ thiện sẽ không còn, xã hội qua đó cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...