Từ ngàn xưa, chữ Hiếu luôn được coi trọng và đứng đầu trong tất cả những đức hạnh của con người. Người có lòng hiếu thảo luôn được xã hội biểu dương và là tấm gương cho con cháu noi theo. Lòng hiếu thảo là gì? Lòng hiếu thảo là tình cảm yêu quý, kính trọng, biết ơn của bề dưới đối với bề trên trong gia đình. Người có lòng hiếu thảo là người luôn yêu thương, tôn trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên của mình, biết chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ phụng sau khi họ qua đời. Vì sao sống phải có lòng hiếu thảo? Vì ông bà, cha mẹ là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng ta khôn lớn, trưởng thành, luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Bởi thế, ta phải luôn tôn kính và biết ơn công lao trời bể của những thế hệ đi trước. Có như vậy thì ta mới gắn kết được các thế hệ trong gia đình và được mọi người trân trọng, yêu mến. Rất nhiều câu chuyện lịch sử cho thấy, người con làm tròn đạo Hiếu có thể cảm động Trời và gieo nhân duyên tốt lành cho chính mình. Trong đó phải kể đến câu chuyện Chử Đồng Tử nhường khố cho cha. Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Vi Vân. Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố che thân phải thay nhau mà mặc. Khi cha qua đời, thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn. Sau này, Chử Đồng Tử có cơ duyên gặp và cưới công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng. Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những con người luôn sống có hiếu với ông bà, cha mẹ thì vẫn còn nhiều người sống bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ già. Những người như thế thật đáng chê trách. Tấm lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình nghĩa, luôn nhớ về cội nguồn. Đó mãi mãi là một nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam.