Nghị luận xã hội về đạo lý uống nước nhớ nguồn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tâmniên, 16 Tháng tư 2020.

  1. tâmniên

    Bài viết:
    98
    Từ xa xưa ông cha ta đã có câu: "Uống nước nhớ nguồn", ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Câu tục ngữ ấy đã trở nên quen thuộc với mỗi người con đất Việt suốt bao đời nay. Dưới hình thức rất đỗi giản dị mà thấm thía, sâu sa, câu tục ngữ "uống nước nhớ nguồn" là bài học giáo dục con cháu về nhân cách làm người của ông cha ta, thể hiện nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam: Luôn hướng về nguồn cội, biết ơn, trân trọng những gì người đi trước để lại.

    Vậy ta hiểu "uống nước nhớ nguồn" nghĩa là gì? Hiểu theo nghĩa đen, "nguồn" là nơi bắt đầu của dòng nước, "uống nước" là hành động không thể thiếu hàng ngày, giúp ta giải tỏa cơn khát, chính vì thế, khi uống nước, ta phải nhớ đến nơi xuất phát, nơi đầu nguồn của dòng nước. Còn theo nghĩa bóng, "nguồn" là ẩn dụ chỉ công lao, thành quả của những người đi trước để lại cho các thế hệ sau, uống nước là thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ những người đã tạo cho thành quả để ta hưởng thụ hôm nay. Câu tục ngữ đã mượn mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa nguồn và nước trong tự nhiên để dạy con người ta một triết lí thấm thía, sâu sắc rằng: Trong cuộc sống, khi hưởng thụ thành quả nào đó, ta phải ghi nhớ và đền ơn những người đã đem lại thành quả đó.

    Triết lí sống "uống nước nhớ nguồn" là hoàn toàn đúng đắn. Đó là truyền thống đạo lý tốt đẹp, cao cả của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, bất cứ thứ gì trong cuộc đời này cũng đều có nguồn gốc của nó. Không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên. Những gì mà chúng ta đang được hưởng thụ hôm nay là nhờ những người đi trước đã không quản ngại vất vả, khó khăn, bỏ bao nhiêu mồ hôi, công sức, thậm chí cả tính mạng để đánh đổi lại. Vì thế mà ta phải biết ghi nhớ, trân trọng. Sống biết hướng về cội nguồn, về những người đi trước là cách mà chúng ta thể hiện hiểu biết của mình về lịch sử đất nước, dân tộc, thể hiện được niềm tự tôn, tình yêu quê hương, ý thức xây dựng, bảo vệ đất nước. Uống nước nhớ nguồn sẽ tạo nên mối quan hệ về tình người giữa các thế hệ tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng của dân tộc, từ đó gộp thành sức mạnh to lớn đẩy lùi mọi khó khăn. Quan trọng hơn hết, sống ân tình, biết ơn chính là cơ sở, nền tảng để mỗi người hoàn thiện nhân cách, trở thành một con người có ích trong xã hội. Còn những người vô ơn, coi thường công lao của người trước là những kẻ ích kỷ, sớm muộn cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.

    "Uống nước nhớ nguồn" là lối sống đẹp đẽ, cần nhân rộng. Nhưng lẽ thường, khi hưởng thụ một thành quả nào đó, người ta thường quên đi sự khó nhọc của những người đã làm nên thành quả ấy. Chính vì thế, người lao động xưa đã chọn thời điểm "bưng bát cơm đầy" - thời điểm của sự hưởng thụ để cất lên lời nhắn nhủ thật thấm thía:

    "Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"

    Thì ra, cái dẻo, cái thơm của những hạt ta đang hưởng thụ bắt nguồn từ nỗi đắng cay, từ giọt mồ hôi của người nông dân sớm hôm vất vả:

    "Cày đồng đang buổi ban trưa

    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày".

    Mở rộng ra, mỗi thành quả mà chúng ta có được ngày hôm nay đều có nguồn gốc từ công sức của bao người. Đất nước Việt Nam ta hôm nay là thành quả của tổ tiên ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, là thành quả của lịch sử khó khăn, gian lao mà hào hùng. Ta sống trong bình yên của ngày hôm nay, được ăn no, mặc ấm là nhờ ông cha ta đã hi sinh biết bao xương máu, tính mạng nơi chiến trường ác liệt để đánh đổi lấy.

    Ta lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ, của biết bao sự tích: Sự tích bánh chưng bánh giầy, sự tích người anh hùng làng Gióng, sự tích trầu cau, sự tích hòn Trống Mái.. Mọi thứ xung quanh ta: Từ trang sách, quyển vở, chiếc bút, con đường đến trường, hàng cây bên đường.. tất cả đều ẩn chứa một nguồn gốc, đều là kết tinh từ công sức của bao con người. Bản thân ta được sinh ra, trưởng thành cũng chính là nhờ thầy cô, cha mẹ của chúng ta.

    Như vậy, trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên. Chính vì thế, trong kho tàng tục ngữ Việt Nam luôn có những lời răn dạy thấm thía nhắc nhở con cháu về lòng biết ơn với nguồn gốc và công lao của những người đi trước:

    - "Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

    - "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

    - "Không thầy đố mày làm nên".

    Có thể nói, triết lí sống "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành những tập tục đẹp đẽ của người dân Việt Nam. Ngày nay, chúng ta - những thế hệ con cháu vẫn đang sống đúng theo đạo lý, lời dạy của cha ông: Để biết ơn các vua Hùng dựng nước, dân ta có ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3; biết ơn các thương binh liệt sĩ các anh hùng đã hi sinh xương máu để giữ hòa bình, chúng ta có ngày 27 tháng 7; biết ơn công lao dạy dỗ của những người thầy, người cô, chúng ta chọn ngày 20 tháng 11 là ngày nhà giáo Việt Nam.

    Triết lí sống "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành một bản lĩnh sống, là một nét đẹp nhân cách cũng là trách nhiệm của mỗi người. Thế nhưng, trong thực tế, thật đáng buồn khi vẫn có những con người vô ơn, không biết quý trọng thành quả người đi trước tạo ra, phung phí thành quả ấy, thậm chí quay lưng lại phản bội những người đã có công lao đối với mình. Những ấy là những kẻ ích kỷ, sẽ bị xã hội khinh thường, xa lánh và sớm muộn sẽ phải trả giá cho sự vô ơn của mình.

    Câu tục ngữ "uống nước nhớ nguồn" là một bài học có giá trị nhân văn đẹp đẽ, nó dạy cho con người lòng biết ơn, sống thủy chung, ân nghĩa với nguồn cội. Nhờ lòng biết ơn mà các thế hệ nối kết với nhau bởi tình người. Lòng biết ơn hóa thân hành động cụ thể là động lực để giữ gìn, xây dựng cuộc sống một ngày tốt đẹp hơn. Cũng như Bác Hồ đã nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói ấy đã thể hiện cao nhất hành động "nhớ nguồn", "nhớ nguồn" là phải giữ gìn, bảo vệ thành quả của những người đi trước, biết phát huy thành quả để nó thêm phong phú, đẹp đẽ và đồng thời cũng phải biết tạo ra thành quả từ chính công sức của mình. Chúng ta là thành quả của cha mẹ, thầy cô vì thế ta phải đi xa nữa, vươn tới những chân trời mới. Có như thế ta mới thực sự đền đáp được công ơn dưỡng dục, sinh thành của thầy cô, cha mẹ. Sống ân tình, thủy chung với tấm lòng biết ơn ta sẽ cảm thấy xứng đáng với nhân cách, tấm lòng của thế hệ đi trước.

    "Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý làm người đã được đúc kết từ bao đời nay, đó cũng là nguồn nước trong trẻo mà cha ông ta đã bỏ công gặn đục, lắng trong để truyền lại cho chúng ta hôm nay. Chúng ta phải biết giữ gìn nguồn nước ấy, biến nó thành hiện thực trong nhân cách và lối sống của mỗi người. Đối với học sinh, chúng ta phải phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Đó chính là cách đền ơn thiết thực nhất đối với công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội.
     
    LieuDuongKhanhnguyen32 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...