Nghị luận xã hội: Vai trò của điểm số

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Minn.102, 24 Tháng hai 2022.

  1. Minn.102 (づ ̄3 ̄)づ╭❤~

    Bài viết:
    7
    Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về vai trò của điểm số.

    1. Dàn bài chi tiết:

    - Khái niệm: Điểm số là một hình thức để đánh giá năng lực học tập của người học được áp dụng trên toàn thế giới. Nó có chức năng trung gian để so sánh năng lực trí tuệ của từng người, giúp chúng ta dễ dàng trong việc quản lý hành chính.

    - Phân tích:

    • Tích cực: Thúc đẩy sự nỗ lực của người học, giúp người học không ngừng nghiên cứu để đạt được những điểm số cao, gây nên hiệu ứng "cả xã hội cùng học tập".

    • Tiêu cực: Tạo áp lực học tập, khiến người học phải cố gắng bằng mọi giá, mệt mỏi chạy theo thành tích, gian lận thi cử. Bản thân người học khi bị đánh giá thấp, điểm kém sẽ rơi vào trạng thái tự ti.

    • Điểm số mà mỗi người học đạt được chủ yếu là những thành tích trong nhà trường, với những kiến thức sách vở nó không thể hiện được năng lực thực tế của mỗi người. Hơn nữa mỗi cá nhân đều có năng lực riêng.

    - Bàn bạc: Kiến thức trong nhà trường là hữu ích tuy nhiên nó chưa thể hiện được năng lực phẩm chất của người học một cách toàn diện. Kiến thức sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được thực hành, bằng cấp không làm nên những vĩ nhân.

    - Bài học:

    • Đối với bản thân người học: Phải xây dựng đúng phương pháp học tập: "Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống".

    • Đối với người thầy: Phải tôn trọng cá tính và giúp học sinh phát triển.

    • Đối với cha mẹ: Đừng quá tạo áp lực, ép con em phải đạt thành tích quá sớm.

    • Đối với xã hội: Cần có cái nhìn khách quan về điểm số, phải ưu tiên năng lực lên trên bằng cấp khi tuyển dụng.


    2. Đoạn văn mẫu:

    Không ai phủ nhận được vai trò của điểm số trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đó là cách thức được áp dụng trên toàn thế giới trong tất cả các cấp học cũng như muốn đo giá trị hàng hóa phải sử dụng tiền bạc. Từ điểm số người ta có thể chia ra các cấp độ: Giỏi - khá - trung bình - yếu - kém. Học sinh nắm được vị trí và năng lực của mình ở đâu để phấn đấu, cha mẹ nắm được tình hình học tập của con, thầy cô đánh giá đúng thực chất khả năng học sinh, điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp. Thậm chí với nhiều người điểm số quyết định sự thành bại của họ trong những ngã rẽ quan trọng. Dù chỉ hơn nhau 0, 25 điểm có người đỗ đại học có người trượt. Vì điểm thi quan trọng như vậy nên mỗi học sinh sẽ nỗ lực đạt được nó, tạo ra sự thi đua sôi nổi trong học tập. Tuy nhiên điểm số còn vô tình tạo ra một áp lực rất lớn đối với học sinh, mỗi người học phải đạt điểm số cao bằng mọi giá, thậm chí gian lận trong thi cử. Cha mẹ tạo những áp lực cho con cái, so sánh điểm số con mình với con người ta, thầy cô cứng nhắc trong việc đánh giá mỗi học sinh theo chuẩn chung. Như vậy, học sinh sẽ tự ti, không dám thể hiện bản thân, thậm chí mất phương hướng trong quá trình học tập. Trong thực tế, mỗi cá nhân học sinh lại giỏi theo cách khác nhau với những năng lực riêng. Đúng như Anh-xtanh đã nói: "Mọi người đều là thiên tài" và như vậy, nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó thì suốt đời nó sẽ tin rằng: "Mình là kẻ ngốc nghếch". Điểm số không phải tất cả nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không cần phải học gì cả. Học không chỉ là tiếp thu kiến thức sách vở mà quan trọng hơn là rèn luyện kỹ năng, phẩm chất, học không chỉ để biết mà còn để làm, để cùng chung sống, để khẳng định mình. Chúng ta hãy học những điều thiết thực từ trong nhà trường và quan trọng hơn là vận dụng vào thực tiễn. Bản thân những bậc cha mẹ thay vì hỏi "hôm nay con được mấy điểm?", hãy hỏi xem "hôm nay con làm được gì?"; "Ở trường có vui không?".. Các cơ sở giáo dục cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, hãy coi trọng một sản phẩm ứng dụng của học sinh tạo ra hơn là những con số trên giấy. Đơn vị tuyển dụng phải luôn đề cao kỹ năng và kinh nghiệm lên trên bất cứ loại bằng cấp hay điểm số nào. Có như vậy, nền giáo dục của chúng ta mới thực sự phát triển được những tiềm năng con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng hai 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...