Nghị luận xã hội: Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi - Benjamin Franklin

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 13 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Cuộc sống rất công bằng, có cho, có nhận; có đổ mồ hôi, mới thu trái ngọt. Không có thành quả nào được tạo nên bởi những người lười biếng. Cũng không có lòng yêu thương và sự kính trọng nào dành cho những kẻ không chịu học hành. Lười biếng là thất bại, không chịu học hành là thoái lui.

    Nghị luận xã hội: "Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi." - Benjamin Franklin

    "Ngọc bất trác bất thành khí" - ngọc không qua mài giũa, làm sao có thể bộc lộ vẻ đẹp? Con người cũng vậy, không qua rèn luyện, trau dồi nhân cách, trí tuệ sao có thể tạo nên giá trị bản thân? Trong rất nhiều những mảnh ghép tạo nên giá trị của chính mình, chúng ta nhất thiết phải học hỏi không ngừng. Đó cũng là quan điểm của Benjamin Franklin: "Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng không chịu học hỏi."

    "Ngu dốt" là tư duy chậm chạp, không nhạy bén, không có sự hiểu biết sâu rộng; "học hỏi" là quá trình học tập, tích lũy tri thức từ sách vở hoặc từ cuộc sống. Như vậy, câu nói trên khẳng định: Trí tuệ hạn chế không đáng xấu hổ, đáng xấu hổ là lười biếng, không chịu học hỏi. Đây là quan niệm đúng, đánh giá vai trò quan trọng của việc không ngừng học hỏi.

    Ngu dốt không đáng xấu hổ vì không phải ai sinh ra cũng có trí tuệ siêu việt, bẩm sinh đã giỏi giang, xuất chúng. Rất nhiều người do di truyền, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do nơi sinh sống không đủ điều kiện học hành, do định kiến cổ hủ, lạc hậu mà phải dừng lại việc học.. Những người này sẽ hạn chế về mặt nhận thức, hiểu biết. Họ không đáng trách, không đáng xấu hổ vì điều kiện của họ bị hạn chế. Dù xã hội hiện đại nhưng ta có thế thấy rất nhiều trẻ em vùng cao phải bỏ học do nhà xa, bố mẹ bắt đi làm, chúng mù chữ, không biết tính toán.. Chúng đáng thương, đáng cảm thông chứ không đáng chê cười..

    Những người tư duy hạn chế, học chậm, nhớ lâu nhưng lại chuyên cần, có ý chí thì chẳng những không phải xấu hổ về bản thân mà còn nêu cao tấm gương hiếu học.

    Ngu dốt cũng không đáng xấu hổ vì kiến thức của nhân loại là vô cùng vô tận, sự hiểu biết của con người chỉ là giọt nước giữa đại dương. Không ai dám vỗ ngực tự hào bản thân cái gì cũng biết. Thậm chí có người còn cho rằng, càng học lại càng nhận ra còn bao nhiêu điều mình chưa biết..

    [​IMG]

    Ngược lại, không chịu học hỏi là đáng trách bởi lẽ không chịu học hỏi khiến tài năng, trí tuệ dù có siêu việt đến đâu cũng dần mai một, thụt lùi. Không chịu học hỏi sẽ tụt hậu về kiến thức, thiếu hụt về kĩ năng. Ai đó đã nói: "Sự học như đi thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi". Nhà lãnh đạo lười học hỏi không thể lĩnh hội cái mới, cái tiến bộ, sao có thể lãnh đạo tốt? Người lao động lười học, lười đổi mới tư duy kết quả lao động cũng không cao. Học sinh lười học hỏi khiến kết quả học tập sa sút, dẫn đến chán học..

    Không chịu học hỏi không có những bước đột phá, không mang đến thành tựu đáng kể cho bản thân, không có những đóng góp lớn lao cho xã hội, thậm chí còn khiến cho đất nước chậm phát triển.

    Không chịu học hỏi còn sinh ra nhiều hệ lụy: Gian dối trong học tập, nhỏ thì phiền lòng bố mẹ, lớn thì dễ sa vào các tệ nạn xã hội, tạo nên gương xấu..

    Dân gian có câu truyện cười "Tam đại con gà" kể về ông thầy dốt còn cả gan đi dạy trẻ, dạy đến chữ khó, thầy không biết. Nhưng thầy không không chịu hỏi, chịu học cho rành rẽ mà lại liều lĩnh dạy sai cho học trò. Cuối cùng bị chủ nhà phát hiện, xấu hổ, cố bao che, nhưng càng bao biện càng lòi cái dốt.

    Thực tế xã hội cũng có không ít những người lười biếng, không chịu học gây hậu quả cho bản thân, xã hội. Đó là những thanh thiếu niên bỏ học theo bạn bè xấu, sa vào tệ nạn xã hội.

    Cũng có không ít người tưởng rằng bản thân hiểu biết đã đủ mà không thèm tìm hiểu trước khi có những hành động xấu gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Người mẫu Ngọc Trinh đến khi bị bắt mới biết hành vi bốc đầu xe lại "nghiêm trọng" đến nỗi cô bị bắt và chịu hình phạt của luật pháp. Sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật của cô đã phải trả giá. Việc học quả thật rất quan trọng.

    Học hỏi mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống, học hỏi giúp con người lĩnh hội được nhiều kiến thức, mở rộng tầm hiểu biết. Từ đó, học tập hay làm việc đều đem lại kết quả cao; dễ có được thành công..

    Học hỏi chuyên cần, nỗ lực là cần thiết, tuy nhiên phải học đa dạng: Không chỉ trong sách vở mà cả trong đời sống, không chỉ học kiến thức mà còn học cả kĩ năng.. Đồng thời cũng cần học có chọn lọc: Học những điều hay, lẽ phải, tránh học thứ vô bổ, độc hại. Ngoài ra, học có phương pháp khoa học cũng quan trọng, giúp việc học đạt hiệu quả hơn.

    Câu danh ngôn: "Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng không chịu học hỏi." là phương châm sống, học tập đúng đắn – với mọi người, mọi thời đại, giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyên cần học hỏi từ đó có chiến lược học tập cho bản thân.

    Cuộc sống như một trang sách, kẻ ngu ngốc sẽ lật sang trang tiếp theo nhanh chóng mà chẳng để lại gì còn người khôn ngoan thì vừa đọc, vừa suy ngẫm vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần. Ý nghĩa cuộc sống không được đo bằng độ dài thời gian tồn tại mà được tính bằng những giá trị do bạn tạo nên – những giá trị vừa mang đến sự thú vị cho sự sống cá nhân, vừa mang đến điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Học hỏi chính là điều cần thiết để trang sách cuộc đời thêm đẹp đẽ, đáng yêu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...