Đề bài: Hãy nói không với các tệ nạn xã hội Xã hội càng phát triển, con người càng có điều kiện nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần. Trong quá trình phát triển đó cũng nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Đây là hiện tượng tiêu cực, làm hủy hoại bản thân, gia đình và xã hội. Nói cách khác, chúng ta cần nói không với các tệ nạn xã hội. Vậy tệ nạn xã hội là gì? Tệ nạn xã hội gây tác hại nghiêm trọng như thế nào? Cần làm gì để bài trừ tệ nạn xã hội? Trước hết, có thể hiểu "tệ nạn xã hội" là những hành vi sai trái không đúng với chuẩn mực xã hội, phạm trù đạo đức, pháp luật, ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội, phá vỡ nền văn minh, tiến bộ, lành mạnh của xã hội. Như vậy, tệ nạn xã hội là hiện tượng tiêu cực, chúng ta cầm kiên quyết bài trừ. Các tệ nạn xã hội gây nguy hại nghiêm trọng như cờ bạc, ma túy, cá độ, văn hóa phẩm đồi trụy.. Chúng ta dễ dàng thấy các tệ nạn xã hội diễn ra ở mọi nơi, từ nơi đo thị sầm uất như thành phố đến những nơi dân dã như làng quê, từ miền ngược đến miền xuôi. Tệ nạn xã hội xảy ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi khác nhau, từ thanh thiếu niên đến trung niên, từ người có điều kiện sống tốt đến người không có điều kiện sống tốt. Vậy thì tệ nạn xã hội xảy ra bởi những nguyên nhân nào? Về nguyên nhân chủ quan, nhiều người chưa nhận thức được rõ ràng về hành vi, hậu quả của tệ nạn xã hội. Ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân có lối sống, suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mê tín. Tệ nạn xã hội xảy ra còn do bị bạn bè xấu rủ rê hoặc do bản thân tò mò, muốn thử cho biết. Hoặc do bản thân có lối suy nghĩ hiếu thắng, muốn khẳng định bản thân. Có khi còn do dục vọng muốn giàu nhanh, bất chấp các hành vi phạm pháp. Ví dụ như với người nghiệp ma túy, lần đầu người đó dùng thử là do bạn bè xấu rủ rê, cộng thêm tính tò mò, nên định thử một lần cho biết. Sau một lần dùng thử thì chính người đó đã nghiện ma túy, bị lệ thuộc vào thuốc. Về nguyên nhân khách quan, do kinh tế, đời sống vật chất của người dân chưa được đảm bảo, họ có hành động liều lĩnh, bất chấp phạm pháp. Ví dụ như tình trạng đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tệ nạn trộm cướp, buôn ma túy. Tệ nạn xã hội xảy ra còn do gia đình, người thân thiếu quan tâm tới các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con cái. Do gia mâu thuẫn, do các thành viên trong gia đình bất hòa tình cảm. Do chính sách quản lý còn lỏng lẻo, các hoạt động phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn xã hội diễn ra chưa triệt để, không bắt kịp với xu hướng phát triển của đời sống xã hội. Vậy tệ nạn xã hội gây ra mối nguy hại nghiêm trọng như thế nào? Trước hết, với bản thân người mắc phải tệ nạn xã hội, tệ nạn xã hội gây tổn hại về kinh tế, đầu độc đạo đức, sức khỏe của người đó, làm suy giảm giống nòi của bản thân. Tệ nạn xã hội làm bản thân người đó sinh thói trộm cắp, dễ mắc thêm các tệ nạn xã hội khác, rồi dẫn tới vi phạm pháp luật. Tệ nạn xã hội còn gây ảnh hưởng tới gia đình. Làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình, làm cho kinh tế gia đình suy sụp. Từ đó, nó làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, làm gia đình bị mang tiếng xấu, làm các thành viên trong gia đình luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, không khí trong gia đình luôn nặng nề, u ám, từ đó làm suy giảm giống nòi của gia đình. Ví dụ điển hình như với gia đình có thành viên thường xuyên chơi cờ bạc, thì tiền của của gia đình đó không những bị thành viên đó nướng vào cách canh bạc mà gia đình còn thường xuyên bất hòa, cãi vã, lục đục, không hạnh phúc. Những gia đình có người thân mắc phải tệ nạn xã hội sẽ bị nghèo khó, bần cùng hơn. Từ đó, tệ nạn xã hội sẽ làm suy giảm lực lượng lao động của xã hội. Tệ nạn xã hội là nguyên nhân làm gia tăng tình hình tội phạm trong nước, gây mất an ninh trật tự. Nó còn làm băng hoại đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội. Ví dụ như với tệ nạn ma túy, hàng năm, nhà nước phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý.. Tệ nạn xã hội gây hại nghêm trọng tới nền kinh tế, văn hóa của xã hội như vậy cho nên chúng ta cần phải kiên quyết bài trừ tệ nạn này. Cách phòng chống, ngừa các tệ nạn xã hội là: Bản thân mỗi người cần trang bị đầy đủ các kiến thức về tệ nạn xã hội, phải hình thành lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, bằng mọi cách hãy giữ trọn nhân phẩm, tránh xa những tệ nạn xã hội. Gia đình cần giáo dục con cái có lối sống tích cực, lành mạnh và cần quản lí tốt thời gian, tiền bạc của con cái, cha mẹ cần nêu gương cho con cái. Các cơ quan chức năng cần đưa ra mức xử phạt thật nặng những trường hợp phạm pháp. Nhà nước cần có chính sách nâng cao trình độ dân trí, kinh tế phát triển, khuyến khích người dân được đi học, được tiếp cận với thông tin, truyền thông, với nền văn hóa văn minh. Tóm lại, tệ nạn xã hội quả là một con quỷ khủng khiếp đe dọa mỗi cá nhân, từng gia đình và cả xã hội. Bởi vậy, vì một quốc gia không có tệ nạn xã hội, tất cả chúng ta hãy chung tay bài trừ tệ nạn này và xây dựng lối sống lành mạnh để có cuộc sống tốt đẹp. Đặc biệt, học sinh chúng mình cần tích cực học rập, rèn luyện đạo đức, kiên quyết tránh xa các tệ nạn xã hội, xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước nhà nhé!