Nghị luận xã hội: Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc - Đặng Thùy Trâm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 7 Tháng sáu 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Nghị luận xã hội: "Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc." - Đặng Thùy Trâm

    Benjamin Franklin cho rằng: "Người sáng tác chính bản thân mình thông thái hơn người sáng tác một cuốn sách." Câu nói trên không nhằm phủ định vai trò của người nghệ sĩ mà nhằm khẳng định vai trò của con người trong hành trình kiến thiết bản thân. Người biết "sáng tác" bản thân trở nên giá trị, được mọi người yêu mến, ngưỡng vọng chính là người thông thái. Một trong những "chất liệu" người thông thái tạo dựng giá trị của chính mình là tình yêu thương, lòng nhân ái. Đó cũng chính là triết lí sống mà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm theo đuổi: "Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc."

    "Trái tim yêu thương" là trái tim biết đồng cảm, xót xa trước những nỗi khổ của người khác, là người biết tha thứ, bao dung trước lỗi lầm người khác gây ra, là người biết cảm thông và giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh. "Hạnh phúc" là trạng thái thỏa mãn của con người về tinh thần khi những nhu cầu, mong ước, nguyện vọng được thực hiện. Câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thể hiện quan niệm sống nhân văn, nhân ái: Lẽ sống yêu thương là khởi nguồn của mọi niềm hạnh phúc trên đời.

    "Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc." bởi tình yêu thương có sức mạnh vô cùng kì diệu: Mang đến hạnh phúc cho người biết yêu thương, người được nhận tình yêu thương, tạo nên xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc..

    [​IMG]

    Thứ nhất, khi tình yêu thương được trao đi, hạnh phúc sẽ "nảy mầm" trong chính tâm hồn mình: Đó là trạng thái sung sướng, hạnh phúc tràn ngập trong lòng khi ta mang đến niềm vui cho người khác; là cảm giác bình yên, ấm áp khi giúp đỡ được ai đó vượt qua khó khăn.. Trao đi tình yêu thương giống như trao đi tia nắng, không chỉ mang hơi ấm cho người khác mà còn sưởi ấm chính tâm hồn mình.

    Thứ hai, khi tình yêu thương được trao đi, mầm hạnh phúc sẽ nảy nở trong tâm hồn, trái tim những người đón nhận nó. Cuộc đời luôn ẩn chứa những sóng ngầm của nghịch cảnh, chúng bất ngờ ập đến, đánh chìm con người xuống vực thẳm của đau khổ. Tình yêu thương, lúc ấy chính là ánh sáng xua đi bóng tối và dẫn lối con người vượt qua nghịch cảnh. Tình yêu thương tạo động lực tinh thần mạnh mẽ giúp biết bao người trong cơn biến động cuộc đời tìm lại được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống. Tình yêu thương còn có sức mạnh cảm hóa những tâm hồn tội lỗi, đưa họ về với cuộc sống thiện lương..

    Thứ ba, tình yêu thương giúp kết nối những trái tim, lan tỏa những điều tốt đẹp, tạo nên một xã hội nhân văn, hòa ái. Tình yêu thương nối gần sợi dây khoảng cách giữa người với người. Thế giới sẽ không còn lạnh giá khi mọi người dùng tình yêu thương để sưởi ấm. Mỗi trái tim yêu thương gieo một hạt mầm hạnh phúc, nhiều trái tim yêu thương tạo nên khu vườn cuộc đời đầy hoa thơm trái ngọt của hạnh phúc..

    Lẽ sống yêu thương ấy chính là truyền thống ngàn đời của dân tộc từng được đúc kết qua các thành ngữ, tục ngữ, ca dao: Tương thân tương ái; Lá lành đùm lá rách; Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn..

    Trong văn học, ta cũng bắt gặp biết bao câu chuyện cảm động về lẽ sống yêu thương: Anh cu li nghèo tên Tràng "Vợ nhặt" - Kim Lân trong cảnh đói nuôi mình chảng xong nhưng vẫn cưu mang người đàn bà xa lạ; Thị Nở xấu xí dở hơi lại có thể khơi dậy ở Chí Phèo khát vọng hoàn lương nhờ tình yêu thương tình người ấm áp.

    Trong cuộc sống thực tế không khó để bắt gặp những con người có trái tim giàu tình yêu thương: Bé Nguyễn Hải An (học sinh lớp 2, trường TH Tân Mai, Hà Nội) đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời. Tâm nguyện đó đã được thực hiện, đem lại ánh sáng cho hai người khác. Sự việc này góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa mới – văn hóa tận hiến, sự sẻ chia, yêu thương. Anh Nguyễn Ngọc Mạnh khi nhìn thấy cháu bé rơi từ tầng 13 của tòa chung cư xuống đã không ngần ngại lao ra trèo lên mái tôn của 1 gia đình để đỡ cháu bé. Rất may mắn, cháu bé chỉ bị thương tích và thoát chết trong gang tấc khiến ai nấy đều cảm phục. Lúc đó anh chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để cứu cháu bé mà không suy tính đến những nguy hiểm bản thân có thể gặp phải. Đó là hành động đẹp xuất phát từ tình yêu thương, từ suy nghĩ cho đi mà không cần nhận lại. Anh đã khiêm tốn từ chối danh hiệu người hung mà bao người vẫn gọi. Với anh đó là việc ai cũng sẽ làm trong hoàn cảnh như thế.

    Nếu không biết yêu thương, sống thờ ơ, vô cảm, mầm hạnh phúc sẽ lụi tàn, héo úa, con người sẽ trở nên cô đơn, lạc lõng, cuộc sống vô nghĩa.. Bởi người với người sống lướt qua nhau, chẳng ai quan tâm giúp đỡ ai, sao gọi là cuộc sống? Đúng như ai đó đã nói: "Nơi lạnh nhất không phải là bắc cực mà là nơi không có tình thương".

    Tuy nhiên, yêu thương không đồng nghĩa với dung túng, bỏ qua mọi lỗi lầm. Tình yêu thương cần đi cùng lí trí. Có những tình yêu thương mù quáng, thiếu sự tỉnh táo của lí trí dẫn đến hậu quả khôn lường..

    Vậy làm thế nào để thể hiện tình yêu thương, nuôi dưỡng trái tim yêu thương? Thiết nghĩ, để làm được điều đó đâu khó, mỗi người hãy biết lắng nghe, quan sát, đặt mình vào vị trí của người khác, thấu hiểu cho cảm xúc của họ, có hành động thiết thực, dù nhỏ bé.. là cuộc sống đã tràn đầy tình yêu rồi.

    Như vậy, câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là một triết lí sống nhân văn, tích cực, đúng với mọi thời đại, giúp chúng ta biết sống yêu thương để tạo nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống vốn ngắn ngủi này.

    Chúng ta sinh ra không được lựa chọn hoàn cảnh, nhưng hoàn toàn có quyền lựa chọn cách mình sẽ sống, con người mình sẽ trở thành. Hãy sống yêu thương, nhân ái, để gieo hạt mầm hạnh phúc đi muôn nơi..
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...