Đề: Cái giá của sự trung thực Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklahama, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi: - Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé. Người bán vé trả lời: - 3 đôla một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi? - Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn. Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đôla tất cả. - Bạn tôi trả lời Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên: - Sao ông không nói rằng đứa lớn mới chỉ 6 tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 đôla không? Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói: - Dĩ nhiên tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đôla. (Trích "Hạt giống tâm hồn", tập 4, Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TPHCM) Từ nội dung câu chuyện trên, anh (chị) hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về lòng trung thực của con người trong cuộc sống. Hướng dẫn: Dàn ý: Mở bài: - Dẫn dắt vấn đề. - Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng trung thực của con người trong cuộc sống qua câu chuyện được nêu ra. Thân bài: Giải thích: - Có thể khai sai tuổi để giảm giá vé: Những lợi ích thử thách lòng trung thực của con người. - Lựa chọn của người cha: "Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đôla", lòng trung thực đã vượt lên những lợi ích vật chất tầm thường; hành động trung thực của người cha là tấm gương sáng cho những đứa con. Câu chuyện đã nêu ra bài học về lòng trung thực của con người trong cuộc sống: Trung thực là phẩm chất tốt đẹp, đáng trọng của con người. Sẽ luôn có những cám dỗ trong cuộc đời lôi kéo người ta từ bỏ lòng trung thực của mình để đạt được lợi ích nhưng ta phải dứt khoát chọn giá trị của lòng trung thực. - Một số biểu hiện của lòng trung thực: Ngay thẳng, thật thà, tôn trọng sự thật, không lừa dối người khác để đạt được lợi ích hay chối bỏ sai lầm của mình. Chứng minh: - Sự thật luôn chiến thắng cái giả dối, "cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" nên tốt nhất là ta tôn trọng chân lí, đứng về phía sự thật để không mắc thêm những sai lầm. Sống trung thực giúp ta thanh thản, nhẹ nhàng, không phải thấp thỏm giấu diếm điều gì. - Lòng trung thực, ngay thẳng là tiền đề để phát triển những hạt giống thiện lương, tốt đẹp trong con người (chân, thiện, mĩ). - Lòng trung thực của người này sẽ được tiếp nối ở những người khác, ở thế hệ sau, góp phần lan tỏa và bảo vệ những điều đúng đắn trong cuộc sống. Lòng trung thực của con người giúp cho công lí, chính nghĩa được thực thi. - Lòng trung thực là một giá trị, một vẻ đẹp tinh thần khó nhận thấy hơn là những giá trị vật chất và các lợi ích thực dụng nên con người ta thường dễ dãi, lấp liếm cho sự thiếu trung thực của mình. Nhưng không trung thực là đánh mất đi lòng kính trọng người khác dành cho mình. Bàn luận (phản đề, mở rộng) : - Đối lập với lòng trung thực là sự dối trá, lọc lừa, tìm kiếm lợi ích cho mình trên việc lợi dụng lòng tin của kẻ khác. Những người sống như vậy là bán đi nhân phẩm của mình với những món lời nhỏ mọn. - Lòng trung thực không đồng nghĩa với sự thật thà quá mức, cần trung thực khôn ngoan. Đôi khi, những lời nói dối lại có thể đem lại giá trị nhân văn nào đó. Lòng trung thực và sự thiệt thà. - Lòng trung thực của con người trong xã hội ngày nay dường như đang bị coi nhẹ khi chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Điều đáng buồn là con người chọn sự gian dối quá nhiều. Bài học nhận thức và hành động: - Nhận thức được giá trị, ý nghĩa của lòng trung thực trong cuộc sống, nhân cách con người. Hiểu rằng lòng trung thực có thể chịu nhiều thách thức, ngăn trở nhưng nếu giữ được nó là bảo toàn giá trị đạo đức tốt đẹp ở con người mình. - Cần bồi đắp, luyện rèn lòng trung thực bằng cách nhận biết đúng sai, tốt xấu, bảo vệ lẽ phải. Tránh những lời nói, hành động dối gian dù nó đem lại cho ta lợi ích vật chất hay cảm giác dễ chịu. Kết bài: - Tổng kết vấn đề. - Nêu suy nghĩ, cảm nhận, liên hệ, mở rộng vấn đề. *** Bài làm Cuộc sống này dường như luôn tồn tại những cuộc giằng co, tranh đấu của cái thiện và cái ác, cái chân thật với cái giả dối. Chúng ta hành động theo tiếng gọi của sự thật, của chân lí nhân văn là ta khước từ cái xấu ác và "bỏ phiếu" cho cái đúng cái thiện. Cái giả ác luôn cám dỗ, luôn mời mọc bao lợi ích nhưng sự chân thật, trung thực vẫn luôn cao khiết, đáng trọng. Lòng trung thực là một trong những phẩm chất tốt đẹp làm nên cốt cách đạo đức cho con người. Câu chuyện "Cái giá của sự trung thực" đã khơi lên nhiều suy nghĩ cho ta về lòng trung thực của con người trong đời sống. Câu chuyện trên đã khai thác một tình huống khá thú vị và có lẽ rất gần gũi, quen thuộc trong đời sống hằng ngày để nêu lên một bài học về lòng trung thực. Người cha dắt hai con đến mua vé vào một câu lạc bộ và ông được cho biết rằng, trẻ em dưới sáu tuổi sẽ được miễn phí ba đô la tiền vé. Đứa con lớn mới lên bảy tuổi và người cha có thể lấp liếm khai rằng nó dưới sáu tuổi để được giảm giá vé. Đây rõ ràng là một sự thách thức với lòng trung thực của con người. Trong cuộc sống, sự giả trá cám dỗ ta rất nhiều bởi những lợi ích trước mắt mà nó mang lại, đặc biệt là khi những người mà ta lừa dối không biết được sự thật. Nhưng người cha đã lựa chọn nói đúng sự thật bởi ông "không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đôla". Đó là sự lựa chọn theo tiếng gọi của lòng trung thực. Giá trị đạo đức của lòng trung thực đã được đặt cao hơn, vượt xa lợi ích vật chất nhỏ mọn. Chính sự lựa chọn nhỏ bé mà đúng đắn ấy đã nói lên phẩm chất trung thực ở một con người. Con người trung thực, ngay thẳng hẳn nhiên sẽ nhận được sự kính trọng của mọi người mà ở đây là người bán vé, bạn của người cha và đặc biệt là những đứa trẻ. Con trẻ sẽ học tập và noi gương những hành vi tốt đẹp của người lớn. Qua câu chuyện nhỏ rất đời thường ấy, chúng ta cũng học được rằng: Lòng trung thực là phẩm chất tốt đẹp ở con người, nó xứng đáng để ta đề cao trong mọi hoàn cảnh. Lòng trung thực của con người thể hiện ở việc ngay thẳng, thật thà, tôn trọng sự thật, lẽ phải, không lừa dối người khác để đạt được lợi ích, mục đích cá nhân của mình. Những tín hiệu của lòng trung thực không cao xa, vĩ mô mà xuất hiện trong những cảnh huống rất nhỏ của đời sống thường ngày, như trong câu chuyện mua vé của người cha nói trên. Lòng trung thực nhiều khi bị đặt lên cán cân của sự lựa chọn với các giá trị vật chất, các ích lợi cá nhân nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đó vẫn là một đức tính, một phẩm quý của cái thiện đáng để ta phục tùng. Theo qui luật của cuộc sống, cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng cái ác, cái chân thật sẽ chiến thắng cái giả trá, lọc lừa. Vậy nên, ta lựa chọn sự trung thực là lựa chọn sự nhẹ nhàng, thanh thản cho mình. Như mặt trăng, mặt trời không thể bị mây mù che phủ vĩnh viễn, sự thật cũng không thể bị che giấu lâu. Ông cha ta vẫn nói "cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" chính là nói đến chiến thắng cuối cùng của sự thật. Những mục đích xấu xa đằng sau những lọc lừa sẽ có ngày bị phát giác. Cho dẫu ta thành công giấu diếm sự thật để lừa dối người khác, ta cũng không thể nào lừa dối chính bản thân mình. Coi nhẹ lòng trung thực mà dễ dãi với sự giả trá, lúc nào ta cũng phải sống trong sự thấp thỏm lo sợ. Nếu là con người có lương tri, ta không khỏi day dứt, hối hận vì những hành động của mình. Lựa chọn của lòng trung thực sẽ dẫn ta đến những điều tốt đẹp. Ta thường nghe câu chuyện về những người nghèo, những học sinh vô tình nhặt được số tiền rất lớn nhưng đã chọn trả lại cho người mất. Nếu họ lấy số tiền đó làm của riêng và không ai truy xét, họ sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Nhưng thử hỏi, sống và sử dụng số tiền đó, lòng người có thanh thản, nhẹ nhàng được hay không? Chàng sinh viên Lê Doãn Ý khi nhặt và trả lại hơn một tỷ đồng cho người mất đã tâm sự rằng, cậu thấy rất vui và đó là động lực để cậu sống tốt hơn. Sống bằng lòng trung thực, ta không chỉ không phải chịu những dày vò nội tại mà còn nhận được những niềm vui trong sáng trong cuộc sống. Đi ngược lại lòng trung thực, có những kẻ đã phải chịu sự tù tội vì việc gian tham, che giấu những lỗi lầm của mình. Sống với lòng trung thực, ta sẽ có được sức mạnh của cái đúng, cái thiện. Lòng trung thực, ngay thẳng giúp ta phát triển những hạt giống thiện lương bên trong con người mình. Tâm hồn con người giống như một mảnh đất mà ở đó, ta có thể vun trồng nên những hạt giống tốt đẹp hay để mặc cho cỏ cây hoang dại mọc lên. Bao giờ cũng thế, con người phát triển và hoàn thiện mình bằng việc rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, vun bón một hạt giống thiện lương trong khu vườn của mình. Một mầm cây tốt được chăm tưới là một hạt giống xấu bị đẩy lùi. Con người ta sống bao giờ cũng muốn hướng thượng, hướng thiện, sống để phát triển mình chứ không ai muốn mình càng ngày càng xấu xa, bé mọn. Giữa lẽ tốt và điều xấu, chẳng lẽ ta lại chọn cái xấu? Giữa trung thực và giả dối, lẽ nào ta lại chọn cái giả dối? Lìa xa cái giả trá, lọc lừa, ta mới có đất để phát triển những phẩm chất tốt đẹp cho con người mình. Những bậc danh nhân nổi tiếng ngay thẳng thuở xưa như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm.. đã lánh đục tìm trong, xa cuộc sống triều đình nhiều mưu mô, lọc lừa, đầy rẫy bất lương để về với chốn quê mà nuôi dưỡng những phẩm chất thanh cao của mình. Muốn con người mình tốt đẹp hơn, trước hết ta phải chối từ làm một phần của cái xấu, cái sai. Nuôi dưỡng sự trung thực, chân thành, ta sẽ dần đẩy lùi những thói xấu trong mình đồng thời réo gọi những phẩm chất tốt đẹp khác nảy mầm. Cái thanh cao ở con người được xây đắp từ những điều rất nhỏ, lựa chọn lòng trung thực là một cách xây đắp sự thanh cao ấy. Lòng trung thực của con người góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp và bảo vệ chính nghĩa, chân lí trong cuộc sống. Trung thực là một phẩm chất tốt, hành động trung thực ở người này sẽ được tiếp nối thực hiện ở người khác, từ đó tạo thành một cộng đồng xã hội luôn bảo vệ và tôn trọng sự thật. Sự thật là đồng minh, là sức mạnh cho lòng trung thực nhưng lòng trung thực cũng là cái bảo tồn sự thật. Nếu trong xã hội người ta luôn nói dối, lừa lọc nhau để đạt được lợi ích của mình thì chẳng mấy chốc cái sai, cái xấu sẽ tràn lan và chân lí bị che mờ, phớt lờ. Trong môi trường học đường, vấn nạn gian lận, tức không trung thực trong thi cử luôn là một vấn đề nhức nhối. Một trong những nguyên nhân lớn khiến thực trạng này luôn tiếp diễn là việc học sinh bao che hành vi xấu của nhau, bắt chước, đồng lõa với những hành động xấu. Một vấn nạn trở thành thói "thường thường" của nhiều học sinh bởi lí do đó. Hành động trung thực của người lớn có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của con trẻ. Lòng trung thực của người lớn dạy trẻ con nói lên tiếng nói của sự thật, sống trong sạch, ngay thẳng. Tổng thống vĩ đại Lincoln của Mĩ là người rất coi trọng việc dạy dỗ con cái, đặc biệt là dạy con lòng trung thực. Ông đã viết bức thư gửi thầy hiệu trưởng của con, mong thầy giáo dạy con về sự trung thực, chân thành. Người cha trong câu chuyện ban đầu chọn nói sự thật có lẽ cũng là để dạy con rằng: Lòng trung thực có giá trị lớn hơn ba đô la nhiều. Lòng trung thực là vẻ đẹp tinh thần khó thấy ở con người nên thường bị từ bỏ, đổi chác để lấy những ích lợi vật chất thực dụng. Nhưng bán đi lòng trung thực cũng là đánh mất sự tự tôn và lòng kính trọng của người khác dành cho mình. Giá trị vật chất, tiền bạc dễ thấy nhưng không lâu bền, không thuộc về ta. Lòng trung thực là phẩm chất bên trong, ẩn khuất nhưng là một giá trị sống tốt đẹp của con người, nâng cao tầm vóc tâm hồn một con người. Lòng trung thực rõ ràng có giá trị lớn hơn vật chất hay tiền bạc. Người luôn lấp liếm cái xấu, dễ dãi với cái sai và không tôn trọng sự thật dần dà sẽ thành thói quen, đánh mất sự trong sạch, liêm khiết của mình. Người trung thực, ngay thẳng luôn được nhìn nhận là người bản lĩnh, luôn nhận được sự kính trọng của mọi người. Vị lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ nổi tiếng là người trung thực. Ông không bao giờ dạy bảo người khác về những điều ông chưa thực nghiệm, ông luôn chân thành trong mối quan hệ với người khác, luôn sẵn sàng nhận và sửa chữa những sai lầm.. Đó là những điều làm nên tầm vóc của con người. Đối lập với lòng trung thực là sự dối trá, lừa lọc, trục lợi cho mình bằng việc lợi dụng lòng tin của kẻ khác. Những người như vậy không chỉ thiếu trung thực mà còn nhạt nhòa về lương tri, lương tâm. Họ đã bán đi lòng trung thực của mình với cái giá nhỏ mọn, lợi ích không bao nhiêu mà nhân cách sụp đổ rất nhiều, điều đó rõ ràng là không đáng. Trung thực là đáng quý nhưng ta phải hiểu rõ bản chất của nó và linh hoạt với hoàn cảnh. Trung thực khác với thiệt thà, nhu nhược. Trung thực là tôn trọng sự thật, cất lời cho sự thật, nhưng là sự thật đáng nói. Còn sự trung thực nhu nhược là kể ra cả những điều không đáng kể để rồi chuốc lấy tai hại cho mình. Ví như "vạch áo cho người xem lưng" hay tiết lộ những bí mật cho người khác là cách gián tiếp ta làm tổn thương mình. Lại có khi ta không cần phải trung thực tuyệt đối. Lời nói dối, hay đúng hơn, nói giảm nói tránh lại mang một giá trị nhân văn nào đó. Có những lời nói dối có thể xoa dịu, giảm nhẹ những buồn đau, mất mát cho con người nhưng không hẳn là trốn tránh sự thật. Lòng trung thực của con người trong xã hội ngày nay dường như đang bị coi nhẹ khi chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Người ta lợi dụng lòng tin của nhau, người ta sống với nhau bằng vẻ mặt và những lời nói không thật lòng.. Đó là một thực trạng đáng buồn cần hành động của chúng ta để thay đổi. Như vậy, qua câu chuyện "Cái giá của sự trung thực", ta nhận thức được rõ hơn về ý nghĩa của lòng trung thực trong cuộc sống và đối với nhân cách, phẩm giá con người. Lòng trung thực có thể bị thách thức, ngăn trở nhưng nếu bảo toàn được nó, ta giữ được phẩm chất đạo đức tốt đẹp ở con người mình. Trước thực trạng chủ nghĩa vật chất lên ngôi, ta càng phải biết rèn luyện lòng trung thực mà bước đầu là nhận biết đúng sai, tốt xấu, bảo vệ sự thật, lẽ phải. Lòng trung thực phải xuất hiện trong những khoảnh khắc nhỏ nhất của đời sống, ví dụ như sự lựa chọn nói thật hay dối lừa. Lòng trung thực là một hạt giống tốt đẹp, cao cả, đừng bao giờ đánh đổi nó với cảm giác dễ chịu tức thời hay lợi ích vật chất tầm thường. Trong cuộc tranh đấu bất tận giữa cái thiện với cái ác, cái thật với cái giả, mỗi con người chúng ta là một chiến binh và mỗi hành động của ta là một hành động quyết định. Chọn giá trị đạo đức hay vật chất, chọn cái dối trá hay bảo toàn lòng trung thực đều do ta. Cuộc tranh đấu, quyết định ấy ở bên trong chính mỗi chúng ta, trong một tình huống rất ngắn ngủi. Hãy chọn lựa sao cho con người mình được thanh thản, trong sạch, chọn sao cho những phẩm chất tốt đẹp không bị bán rẻ.. Sống với lòng trung thực một cách sáng suốt chính là bắn vào thành trì của cái giả trá, dối ác một viên đạn.