Nghị luận về ý chí, nghị lực trong cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nguyenthiphuongthao, 29 Tháng một 2023.

  1. nguyenthiphuongthao A Thảo

    Bài viết:
    25
    Đọc câu chuyện sau:

    HƯƠU CAO CỔ SINH CON


    Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng; và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đơ. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: Đá hươu con cho đến khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để chú phải nỗ lực tự mình đứng dậy lần nữa.

    Qua câu chuyện hươu cao cổ sinh con, em rút ra được bài học gì?


    [​IMG]

    Bài tham khảo:

    Cuộc đời của con người là một cuộc hành trình dài với rất nhiều cuộc phiêu lưu, mạo hiểm và cả những điều bí hiểm đang chờ chúng ta khám phá. Liệu câu hỏi đặt ra rằng để chạm đến "vòng nguyệt quế" của đời mình cần những gì? Tôi đã đọc được đâu đó về cách sinh con lạ lùng của loài hươu cổ rằng: "Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đó. Rồi hươu mẹ làm một việc kì lạ: Đá hươu con cho đến khi nào chú ta đứng dậy mới thui. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã để chú tự phải tự mình đứng dậy lần nữa." Câu chuyện đã đem đến cho chúng ta bài học về ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

    Cũng giống như những loài vật khác, hươu cao cổ là một sinh vật sống trong môi trường tự nhiên. Nhưng điều khác biệt của loài hươu khi sinh con và nuôi dạy con cái, không nâng niu, vuốt ve nhẹ nhàng, ân cần mà bắt hươu con vận động ngay từ khi mới lọt lòng. Liệu rằng, có phải hươu mẹ ghét bỏ hươu con? Không! Trái lại, đó là cả một biển trời yêu thương. Hươu mẹ làm vậy để rèn luyện cho hươu con tính tự lập, ý chí, nghị lực bởi trong chốn rừng sâu nước độc có biết bao là hiểm nguy đang rình rập chúng. Thật vậy, câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn về ý chí, nghị lực của hươu con cổ. Tại sao một loài vật nhỏ bé lại làm được như vậy mà chúng ta lại không?

    Trước hết, ta cần phải hiểu ý chí, nghị lực là gì? Ý chí, nghị lực hay nói cách khác là lòng can đảm của một người dám đương đầu, chống đỡ với mọi khó khăn, bão tố nhưng không hề nản chí, khuất phục.

    Ý chí, nghị lực hiện hữu qua những thử thách, khó khăn, từ những điều nhỏ nhặt: Một em bé lần đầu tiên chập chững bước đi hay một cậu học sinh không giải được bài toán.. nhưng thay vì "gục ngã" lại chọn "đi tiếp".

    Nếu coi thành công là nấc thang của đỉnh vinh quang thì ý chí, nghị lực là quá trình, rèn luyện, tu dưỡng của từng nấc thang ấy. Vậy, nó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống?

    Đầu tiên, ý chí nghị lực giúp bản thân mỗi người dám mơ lớn, dám khát khao. Thay vì hèn nhát sợ thất bại thì họ luôn hành động bởi "Cứ làm đi vì cuộc đời cho phép", và mỗi lần sai là một bài học, một hành trang quý giá trong chặng đường dài tới. Dẫu biết rằng "Không ai đánh thuế ước mơ cả" nhưng liệu rằng thử hỏi ai trong bất kì chúng ta đã từng sống thật sự "dám"? Ý chí nghị lực chỉ là lời nói đầu môi mà không kèm theo hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới đích. Nghị lực, ý chí không phải là một hành động ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, kỷ luật nghiêm khắc với bản thân. Mỗi lần đến nhân gian, là sống một đời rực rỡ, vậy nếu bản thân không có ý chí, không có nỗ lực thì không có ai thực sự giúp được mình tốt hơn ngoài chính mình ra. Trứng gà, từ ngoài đập vỡ là thức ăn, từ bên trong đập vỡ là sinh mệnh. Đời người cũng như vậy, đập vỡ từ bên ngoài là áp lực, đập vỡ từ bên trong là trưởng thành.

    Tiếp nữa, ý chí nghị lực giúp chúng ta gặp được phiên bản hoàn hảo của chúng ta tương lai. Hai tiếng "Nghị lực" cũng chỉ là cách nói khác của sự nỗ lực hết mình. Sống chấp nhận với bản thân hiện tại làm thu hẹp "tầm nhìn" của chúng ta, trở thành những con người vô ích trong xã hội, dựa dẫm như những bó tầm gửi. Liệu rằng, bạn có muốn để thanh xuân của mình kết thúc với hai chữ "hối tiếc"? Khi chúng ta "mang" trong mình ý chí nghị lực thì những lời dè bỉu ngoài tai hay những nghịch cảnh bên ngoài chỉ là động lực để bản thân càng cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Trên đầu "Không có ô" thì sao? Chúng ta có thể tự tạo ra "Chiếc ô" cho bản thân mình?

    [​IMG]

    Song song nữa, ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Nick Vuijic đã từng nói: "Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời" hay chị Đặng Thùy Trâm từng nói: "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" và tôi tin rằng bản thân mỗi chúng ta khi gặp phải đỉnh điểm của sự đen tối đừng vội gục ngã vì: "Khoảnh khắc thấy được mặt trời sáng nhất là lúc bầu trời tối nhất". Thất bại không phải cái gì quá lớn lao, có ý chí nghị lực là bạn đã có trong tay một nửa của sự thành công rồi. Chần chờ gì nữa mà không hành động sao?

    Vậy, làm thế nào để rèn luyện ý chí nghị lực?

    Ý chí nghị lực là một quá trình của sự tu dưỡng, không nhất thiết chúng ta phải luôn trói buộc mình đạt được quá nhiều mục tiêu trong ngày hôm nay nhưng hôm sau lại không làm gì. Đó là nỗ lực ảo. Thay vào đó hãy chia nhỏ mục tiêu và "Hãy luyện tập như thể bạn chưa bao giờ chiến thắng. Hãy hành động như thể chưa bao giờ bạn thất bại"

    Cùng với thông điệp như câu chuyện về loài hươu cao cổ, trong cuốn nhật ký của mình, nữ bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng viết: "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố". Trong một bài thơ của mình, tác giả Tố Hữu cũng viết:

    "Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống

    Bùn dưới chân như nắn g ở trên đầu."

    [​IMG]

    Tôi đã thấm thía biết bao những bài học ấy từ hàng ngàn tấm gương người thật, việc thật trong cuộc sống. Đó là bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký: "Vẽ cuộc đời từ chính đôi chân" -một nhà giáo được nhiều người biết đến và khâm phục. Là thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn-tác giả cuốn sách "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi"! -người đã chung sống với căn bệnh suy thận từ những năm tháng tuổi trẻ nhưng vẫn không ngừng cống hiến cho giáo dục. Hay gần gũi hơn là những học sinh nghèo khó biết vươn lên để trở thành thủ khoa đại học như cậu học sinh Hoàng Trung Hiếu..

    Tuy nhiên, bên cạnh ca ngợi những người luôn không ngừng vượt qua nghịch cảnh để phấn đấu vươn lên thì chúng ta lại bắt gặp không ít những người có lối sống vị kỷ, không có ý chí nghị lực, không có niềm tin vào cuộc sống, có người chỉ biết bó chặt mình trong bóng tối của sự đau khổ hoặc có người lại sống dựa dẫm vào người khác như những cây tầm gửi. Họ tự biến mình trở thành gánh nặng của xã hội, những "Ung nhọt" phá hủy sự văn minh của xã hội. Đây là điều đáng chê trách và loại bỏ.

    Câu chuyện về loài hươu cao cổ tuy giản dị nhưng chứa đựng những bài học thật quý giá về sống có ý chí, nghị lực. Hiểu và nhận thức sâu sắc được điều đó, mỗi chúng ta nói riêng và thế hệ trẻ nói riêng phải luôn không ngừng trau dồi, nỗ lực để không chỉ xây dựng giá trị cho bản thân mà còn cho sự phát triển lâu bền của xã hội. Từ nay, tôi đã biết mình phải làm gì khi gặp khó khăn trong cuộc sống khi biết rằng cuộc sống chưa được như tôi mong đợi và làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực. Còn bạn thì sao?
     
    Lagan, ThuyTrang, chiqudoll7 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài viết tốt nha! Góp ý xíu: Những cách chuyển ý như: Đầu tiên, tiếp nữa, song song nữa chưa được uyển chuyển lắm. Em nên diễn đạt lại, nên thay bằng các câu danh ngôn phù hợp.
     
    Lagan, chiqudoll, LieuDuong4 người khác thích bài này.
  4. nguyenthiphuongthao A Thảo

    Bài viết:
    25
    Ủa cô, cách chuyển ý bằng các danh ngôn để thay các từ nối như song song nữa.. kiểu gì vậy ạ? Và nếu ví dụ, mình chuyển như vậy có bị lặp không cô?
     
    Lagan, chiqudoll, LieuDuong1 người nữa thích bài này.
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Ví dụ nhé, câu này của em: Trước hết, ta cần phải hiểu ý chí, nghị lực là gì?

    Có thể chuyển ý như sau: Danh ngôn có câu: "Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất." Vậy ý chí, nghị lực là gì? "

    Hoặc câu này của em: Song song nữa, ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai.

    Có thể chuyển ý như sau:" Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường". Đúng vậy, ý chí giúp ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin, thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai, mở ra con đường đưa ta đến thành công.

    Chuyển ý như em không lặp, nhưng chuyển ý bằng dùng danh ngôn, dùng thơ.. sẽ hay hơn.

    Lưu ý: Dùng 2 - 3 danh ngôn trong bài thôi nhé, thuộc thơ thì dùng kèm thơ, nhớ truyện thì dùng truyện (tóm tắt).
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...