Đề bài: Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Nếu bạn cứ đứng mãi trong vùng an toàn của bản thân? Trong truyện ngụ ngôn "Ngày xưa có một con bò", nhân vật người thầy uyên bác muốn dạy dỗ học trò của mình nên đã cùng học trò tìm đến ngôi nhà nghèo nhất trong vùng nọ và xin ở lại. Gia đình nghèo này có tám người, tài sản duy nhất của họ là con bò sữa, cả gia đình sống nhờ vào việc chăm bò và bán sữa hằng ngày. Sáng hôm sau, hai thầy trò khởi hành sớm và người thầy giết đi con bò ấy trong sự ngạc nhiên của anh học trò. Một năm sau, theo lời người thầy, họ quyết định tìm lại ngôi nhà năm trước mà họ xin ở lại để xem cuộc sống hiện tại của gia đình này như thế nào. Thật bất ngờ, ngôi nhà nhỏ xíu, rách nát năm trước đã được thay bằng ngôi nhà mới xây khang trang. Cuộc sống của những người trong căn nhà đó cũng sung túc hơn rất nhiều. Thì ra, con bò chính là sợi xích vô hình đã trói họ trong nghèo khổ. Bởi thỏa mãn với những gì mà con bò mang lại, những người trong căn lều đó đã tự mình làm thui chột khả năng phấn đấu. Đến khi con bò bị giết, họ buộc phải tìm cách khác để sinh tồn. Chính những khám phá mới mẻ ngoài vùng an toàn (vùng thoải mái, vùng không phải đối mặt rủi ro) trước đây đã mang lại cho họ cuộc đời khác. Câu chuyện để lại cho mỗi người nhiều suy ngẫm về vùng an toàn của bản thân và hậu quả của việc chúng ta không dám bước ra khỏi vùng an toàn ấy. Có bao giờ bạn nghĩ rằng, thành công của bạn đã là đỉnh cao tuyệt vời nhất mà không cần chinh phục những đỉnh cao khác? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, hiểu biết của bạn đã đủ đầy không cần học tập thêm nữa? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, công việc của bạn đã ổn định, không cần phấn đấu thêm nữa? Có bao giờ bạn nghĩ rằng cuộc sống của bạn đã viên mãn, không cần phải xây đắp thêm nữa? Nếu như, bạn có những suy nghĩ như vậy, là đã có những con bò đang ẩn náu trong bạn rồi đấy! Những con bò đó đang găm chân bạn trong vùng an toàn của bản thân – nơi mà bạn cảm thấy thoải mái, không phải đối mặt với sự cạnh tranh, lo âu, phiền muộn. Nhưng bạn biết không, vùng an toàn rất dễ thui chột khả năng khám phá tiềm ẩn trong con người. Tâm thái bằng lòng, thỏa mãn rất dễ hủy hoại một con người. Hủy hoại như thế nào? Thứ nhất, vùng an toàn khiến bạn phải đối diện với thất bại! Bạn có thể thấy rất nhiều những tấm gương trải qua thất bại rồi từng bước chinh phục thành công. Nhưng bạn có biết rằng, không ít người lại đi theo chiều ngược lại: Thành công rực rỡ để rồi thất bại ê chề. Căn nguyên trước hết phải kể đến là họ đã say sưa quá lâu trong ánh hào quang chiến thắng, trong vùng an toàn của bản thân, mà quên đi rằng, cần phải không ngừng học hỏi, đổi mới, ngay cả khi đã có được thành công. Bởi thế giới vận động theo quy luật của sự biến đổi không ngừng, vậy tại sao khi đã chạm đích, bạn lại dừng lại? Còn rất nhiều những cái đích khác, còn rất nhiều những đối thủ đang cạnh tranh với bạn. Bạn hay, còn nhiều người hay hơn bạn, bạn giỏi, còn nhiều người giỏi hơn bạn. Dừng lại, thỏa mãn, tất sẽ lạc hậu và bị đào thải, đánh mất những gì mà bản thân cố gắng gây dựng. Trong rất nhiều năm, Nokia được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp di động, với thành quả chi phối đến 40% thị phần ở thời kì đỉnh cao. Nhưng những mầm mống của sự sụp đổ đã hình thành ở chính thời kì đỉnh cao ấy. Nokia đã không chịu thừa nhận sự lạc hậu để vạch ra kế hoạch đổi mới, lại thêm nhiều định hướng sai lầm trong chiến lược, không chặt chẽ trong quản lí nội bộ.. đã khiến hãng điện thoại thành công sớm nhất trong lĩnh vực này tự làm yếu mình và đi đến sụp đổ. Báo chí gần đây đang lan truyền chóng mặt thông tin về nữ diễn viên nổi tiếng màn ảnh Hoa ngữ: Trịnh Sảng – một trong những ví dụ về đỉnh cao thành công trong sự nghiệp diễn xuất. Nhưng rồi, trên đỉnh vinh quang ấy, chị đã làm gì để đi đến tình cảnh các công ty quảng cáo công khai hoặc âm thầm gỡ bỏ các hình ảnh của chị, các chương trình truyền hình chấm dứt các hợp đồng với chị? Lẽ ra, khi đã là con người của quần chúng, chị phải lưu tâm đến những chuẩn mực cộng đồng, phải ngày càng hoàn thiện hơn về hình ảnh trên màn ảnh, cũng như trong đời thực. Vậy nhưng chị dường như đã vi phạm cả pháp lí lẫn đạo lí, và có nguy cơ đối diện với hình thức xử lí của pháp luật. Theo tôi, thử thách thực sự của con người, không phải là những khó khăn ta gặp trên đường đến thành công, mà chính là khi ta đang đứng trên đỉnh thành công. Thứ hai, vùng an toàn khiến cuộc sống của bạn trở nên nghèo nàn, trì trệ, nhàm chán. Có người nói, sống nỗ lực khổ nửa đời, sống không nỗ lực khổ cả đời. Thi nhân Bắc Tống Lâm Bô cũng nói: "Trẻ không vất vả, già càng gian nan". Đúng vậy, dám xông pha, dám mạo hiểm, chỉ khổ nhất thời. Cái khổ của hiện tại, sẽ là cái phúc của tương lai. Ngược lại, tâm thái thích ổn định, không muốn mạo hiểm, tương lai ắt nghèo nàn, trì trệ. Vậy mà xung quanh chúng ta, có không ít những người đang sống với suy nghĩ "bằng lòng với những gì mình có", thậm chí đem cái suy nghĩ ấy định hướng cuộc sống của người khác qua những lời khuyên. Nhận thức bị đóng đinh khiến cho vận mệnh của họ ngày càng bị giới hạn, tương lai ngày càng trở nên chật hẹp. Họ sẽ không bao giờ biết được khả năng cực đại của mình đến đâu, không biết mình có thể làm được những thứ lớn lao hơn hiện tại. Khi không có nhu cầu đạt đến những thứ chưa đạt được, thì những gì con người có được sẽ ngày càng ít đi. Bởi phần thưởng của cuộc sống tỉ lệ thuận với đóng góp bạn bỏ ra – đó là một triết lí thể hiện quy luật nhân quả. Con tàu mạo hiểm ngoài khơi xa sẽ thu được mẻ cá bội thu hơn con tàu chỉ đánh bắt ven bờ. Người biết chấp nhận thử thách, rủi ro để khám phá năng lực bản thân, tựa như có cả đại dương rộng lớn vẫy vùng, cuộc sống của họ dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng vô cùng thú vị, giàu có. Người mặc định bản thân an toàn với những gì mình đạt được mà không chịu phấn đấu thêm nữa, tựa như chỉ quẫy đạp trong ao tù chật chội, cuộc sống của họ dù bình yên phẳng lặng, nhưng chẳng phải nghèo nàn, nhàm chán, đáng thương lắm sao? Bạn bằng lòng với số tiền lương đủ ăn, bạn có thể thoải mái đi du lịch, mua những thứ mình thích, lo cho cuộc sống của bố mẹ già, bỏ ra số tiền lớn mua khóa học tiếng Anh cho con, hay chi trả cho giường bệnh khi chẳng may tai họa ập đến không? Bạn bằng lòng với chức vụ hiện tại và không chịu tiến bộ, đến khi có người giỏi giang hơn xuất hiện, bạn có chắc là bạn không bị đào thải không? Bạn bằng lòng với vốn ngoại ngữ hiện có, đến khi gặp người nước ngoài, bạn có tự tin giao tiếp không? Nhìn chung, người có tâm thái thích an nhàn, ngại mạo hiểm sẽ không có được thành quả lớn lao, không có được cuộc sống với những trải nghiệm giàu có, thú vị. Thứ ba, vùng an toàn có thể khiến bạn trở nên tự cao, tự đại. Khi bằng lòng với chính mình, không ít người nảy sinh tâm lí kiêu căng, tự mãn. Họ luôn tỏ ra vẻ ta đây, cho rằng cái gì mình cũng biết, cũng giỏi hơn người khác, không cần học hỏi thêm, thành công của mình là vĩ đại khiến ai nấy phải ngưỡng mộ, ước ao, không cần phấn đấu thêm. Tâm lí ấy, chính là kẻ thù số một của tiến bộ. Có một câu chuyện kể về nhà bác học khi đi thuyền qua sông, đã hỏi người chèo thuyền rằng: "Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!". Khi người chèo thuyền trả lời, anh suốt ngày chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học, thì nhà bác học kia nói: "Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi", đoạn quay mặt đi, không thèm nói chuyện với người chèo thuyền nữa. Nào ngờ, sau đó, trời nổi giông bão, con thuyền bị lật, cả hai rơi xuống nước. Người chèo thuyền hét lớn hỏi nhà bác học có biết bơi không, nhà bác học ngoi ngóp trả lời: "Không biết". Người chèo thuyền thở dài bất lực: "Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi!" . Câu chuyện trên khiến ta thấm thía sâu sắc tác hại của thói tự cao, tự đại. Nó không chỉ làm con người không chịu học hỏi để tiến bộ, mà nhiều khi còn khiến con người phải trả giá đắt, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của mình như nhà bác học kia. Ông ấy dù có kiến thức sách vở uyên thâm nhưng kiến thức đó lại không thể cứu ông trong một số tình huống thực tế. Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng từng nói: "Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước đã tràn đầy, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn". Và Bác khẳng định rằng, tự kiêu, tự đại chính là "khờ dại", là "thoái bộ", bởi nó để lại hậu quả khó lường. Cứ tự huyễn hoặc vào khả năng của bản thân mà không học hỏi, trau dồi thêm, thì làm sao có thể tiến bộ? Sông càng thấp càng nhận nhiều nước, lúa càng trĩu hạt càng cúi đầu. Vậy nên, đừng cho rằng, vùng an toàn của mình đã đủ an toàn, hãy khiêm tốn để học hỏi nhiều hơn, hoàn thiện bản thân hơn, vươn tới những điều lớn lao, tốt đẹp hơn. Mỗi người nên là phiên bản tốt nhất của mình, không nên "là chính mình" khi bản thân còn kém cỏi, thiếu sót. Và muốn bản thân trở thành con người "tốt nhất", không còn cách nào khác là phải mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn, "phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục, mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở". Bởi lẽ, "xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là gì" (Nguyễn Bá Học). Dẫu biết rằng, khi nhận diện và loại bỏ những "con bò" trong tâm trí để thoát khỏi giới hạn của chính mình là điều không dễ dàng, thậm chí là nguy hiểm, nhiều rủi ro, nhưng chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nâng cao năng lực bản thân, mới có thể tiến bộ, cuộc sống mới sinh động sắc màu, đủ đầy ý nghĩa. Nếu vì không thể chịu khổ mà từ chối vươn lên, con người ắt sẽ bị xã hội đào thải, sống một cuộc đời "thừa", bởi "mất ý chí vươn lên là mất tất cả" như lời doanh nhân Chung Ju Yung – nhà sáng lập Hyundai từng chiêm nghiệm.
Hòn đá giữa đường Có một gia đình làm nghề buôn sữa, mỗi sáng họ đều vắt sữa rất sớm để mang ra chợ. Hai vợ chồng cùng cô con gái nhỏ rất vui vẻ vì hôm nay con bò của họ đã cho rất nhiều sữa. Nhưng khi đi đến đoạn đường nhỏ hẹp, bánh xe ngựa không may cán lên hòn đá giữa đường làm cho nó không giữ được mà ngã xuống, các bình sữa của họ bị đổ bể không còn có thể nhặt về, đứa trẻ nhìn đến phát khóc, vì nó biết, hôm nay cha mẹ nó không thể có sữa để bán và nó sẽ không có đồ chơi mới nữa rồi, nó càng khóc lớn hơn. Tất cả là tại hòn đá đó. Một vài người và những thương nhân đánh xe chở hàng cũng đi ngang, nhưng họ chỉ vòng qua tảng đá. Nhiều người lớn tiếng phiền trách tại sao không giữ cho đường sá trơn tru, nhưng chẳng ai làm gì để mang hòn đá ra khỏi mặt đường. Đứa bé con của người buôn sữa chiều ngày hôm đó lại chạy tới, nó mang theo cái cuốc và cố đẩy hòn đá sang lề đường. Sau một hồi cố gắng hết sức, cuối cùng đứa bé cũng làm được. Nhưng cùng lúc đó nó cũng nhìn thấy một cái túi nằm trên đường, ngay chỗ hòn đá khi nãy. Cái túi đựng rất nhiều tiền vàng, đứa bé không tin vào mắt mình chạy một mạch mang cái túi về nhà. Thế là sáng ngày hôm sau cả nhà nó cũng đi ra chợ, nhưng không phải buôn sữa, mà là tìm thợ sửa sang lại ngôi nhà cũ nát, và mua cho con gái thứ đồ chơi mà nó thích nhất. Vùng an toàn của bạn là cái gì đó rất tốt, an toàn đến nổi không cần quan tâm có ảnh hưởng đến người khác hay không, nhưng nếu bạn thay đổi, bứt phá, bước ra khỏi nó, quan tâm hơn với những người xung quanh, có khi bạn sẽ gặp những điều tốt đẹp bất ngờ hơn rất nhiều. Còn có thể giúp được người khác thì lại càng tốt đẹp hơn. Thời covid, càng nên quan tâm hơn nữa đến những người xung quanh, đóng cửa ở nhà không có nghĩa là đóng cửa trái tim.
Con người càng ở trong vùng an toàn lâu, càng bị trói buộc lâu bởi nỗi sợ thì càng có ít cơ hội để phát triển. Mỗi người đều có thể lên cho mình rất nhiều kế hoạch, hoặc được giao nhiều nhiệm vụ xong không ít người lại không dám làm vì sợ sai, sợ thất bại. Nếu không có những trải nghiệm ngoài vùng an toàn, bước qua ranh giới của nỗi sợ, con người khó có thể trưởng thành. Nếu muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, bản thân chúng ta buộc phải thoát khỏi những giới hạn khiến chính mình phải sống cùng một vòng lặp mỗi ngày. Ý nghĩa lớn lao nhất của việc dũng cảm thoát ra khỏi vùng an toàn chính để khám phá tiềm năng thực sự trong chính bản thân chúng ta. Có những thứ chúng ta nghĩ rằng mình không làm được - Suy nghĩ đó cũng là một kiểu tự ràng buộc mình trong vùng an toàn. Nhưng khi biết mạnh dạn vứt bỏ suy nghĩ ấy để thay đổi, bản thân sẽ nhận thấy không gì là không thể.