Viết đoạn văn ngắn bày tỏ ý kiến cá nhân về tác hại của bao bì ni lông với môi trường. Tác hại ghê gớm của bao bì ni lông đối với môi trường, có lẽ ai cũng biết. Bao bì nilon với ưu điểm rẻ-nhẹ-mỏng-dẻo-tiện, đã dễ dàng đá bay túi giấy và túi vải để trở thành "giá trị tiện ích tối cao" của thời gian và cuộc sống; đồng thời thống lĩnh bảng xếp hạng loại rác thải xả ra đại dương nhanh và nhiều nhất. Có thể thấy, đi đâu cũng gặp đươc túi ni-lông bị vứt bừa bãi, nằm rải rác bên lề đường, bãi cỏ, bãi biển, lùm cây. Thùng rác của nhà nào cũng đầy ắp túi ni-lông đựng rác thải. Câu chuyện sau đây sẽ tóm tắt cuộc đời của một chiếc túi ni-lông. "Chiếc túi nilon nọ được sản xuất trong một nhà máy đặt gần biển Thái Bình Dương. Nó đã yêu cảnh biển thơ mộng trong sạch và rộng lớn nơi đây, nên mong muốn mình được quay trở lại nhà máy để tái chế sau khi được sử dụng, gặp lại biển sau tấm kính ép. Nó được bày lên kệ, một bà nội trợ mua nó và đựng dưa muối vào túi. Đến đây, phụ gia hóa dẻo chứa trong túi ni-lông hòa tan vào thực phẩm, ngấm vào axit lactic ở trong dưa, hòa tan một số kim loại thành muối thủy ngân gây ung thư; làm tổn thương, thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống. Mới bước đi đầu, dưới sự thiếu hiểu biết và cẩu thả của con người, túi nilon đã vô tình đầu độc bao nhiêu hộ gia đình. Ăn xong, chiếc túi nilon bị vò nát, vứt vào một túi nilon lớn khác. Một con mèo ngửi thấy mùi dưa cá, nhảy chồm vào cắn xé trong miệng, tha khắp xóm rồi mới há miệng ra. Túi nilon bị vứt ở đường, chính thức bị thải ra môi trường. Nó không biết đi đâu về đâu, lạc giữa dòng xe cộ, bị bao bánh xe cày nát thân. Nhờ sự giúp đỡ của gió, nó đi qua bao căn nhà và tung tăng khắp các con phố, nhưng vẫn không ai nhặt nó bỏ vào thùng. Ngày nọ, nó rơi xuống 1 rãnh cống, gây tắc nghẽn đường ống dẫn nước thải, khiến rác quanh đó ứ đọng, dềnh lên. Vì hôi thối và mất cảnh quan tự nhiên, lượng người qua lại ngày một ít dần. Những bãi đất trống giăng đầy rác thải, trong khi thành phố lại chật ních người. Linh hoạt như đi trên cạn hay trên không trung, chiếc túi xứng danh là 1 tay bơi lão luyện. Nó trôi dần đến cửa biển. Mọi người thờ ơ qua lại, không ai ngó ngàng đến nhặt nó lên. Gió lặng, nó ngồi nghỉ một chút. Một chú rùa con tưởng nó là nhà, bò vào trong, loay hoay mãi không thoát ra được, liền chết ngạt, trút sự sống ngắn ngủi vào chiếc túi nilon. Gió tiếp tục đưa nó về biển. Trên đường đi, nó gặp rất nhiều con rùa bị trói mình bởi những chiếc lưới ma, những xác cá nhỡ ăn phải anh em của nó liền chết hàng loạt, nổi lênh đênh trên mặt biển. Cá bé vùng vẫy trong cốc nhựa, cá to nuốt quá nhiều túi nilon vì tưởng đó là sứa và con mồi. Bao nhiêu loài sinh vật biển bị chết oan uổng vì bao bì nilon, trong khi chúng đang làm tròn nghĩa vụ với thiên nhiên và không thù oán gì với con người. Theo dòng hải lưu, nó vượt một trăm dặm, bị mắc kẹt vào dòng xoáy, chính thức gia nhập đảo rác Thái Bình Dương. Nó đã trở về với quê hương của nó và nhận ra mình chỉ là sợi tơ nhỏ trong số 1800 tỷ mảnh rác thải nhựa. Mấy ngày trôi qua, nó chứng kiến mấy con cá voi, cá heo lại gần đảo rác, ăn nuốt những mảnh nhựa, bao bì nilon. Mấy tuần sau, có 1 nhóm ngư dân đến thu gom rác, bão lớn, họ thu được một chút, đưa về đất liền để xử lí, trong đó có nó. Chiếc túi nilon ấy trong thời gian trôi trên đảo rác đã bị xé thành ít mảnh vụn trôi nổi khắp đại dương, vào bụng cá rồi đến miệng người. Phần nguyên còn lại được tiến hành thu gom, phân loại và xử lý. Ngư dân đã chôn nó xuống đất. Một năm sau, một em bé đến trồng cây trên mảnh đất khô cằn ấy. Túi nilon ở ngay dưới rễ cây, vô tình ngăn đất không giữ được nước và dinh dưỡng cho cây trồng. Chiếc túi tiện lợi ấy giờ đây ngăn nước đến với rễ cây như ngăn sự sống đến với con người. Vài ngày sau, cây chết. Liệu con người phải chịu thảm cảnh như cây con kia không, khi chiếc túi nilon nhỏ bé - quái vật vô hình phải nằm lì dưới lòng đất 1000 năm nữa mới phân hủy?" Túi nilon có lẽ thừa biết tác hại của nó đối với môi trường. Nhưng có ai lại đi oán trách con dao vấy máu của một kẻ sát nhân? Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên khi nó giữ được vẻ trong sáng thanh khiết bên một khu rừng cháy rụi, hay chỉ có thể cảm nhận được cốt lõi của mối nguy đến từ đâu sau khi nó đã làm ta ngã quỵ. Vấn đề rác thải nilon đã trở nên cấp bách và nóng bỏng như vậy, mới thấy thiên nhiên đã bị tàn phá hư hại đến nhường nào. Chúng ta có thể giảm bớt tác hại của bao bì nilon 1 cách đơn giản: Thay đổi thói quen và hạn chế tối đa số lượng bao bì nilon dùng mỗi ngày. Điều này có lẽ sẽ dễ hơn việc phải lênh đênh trên TBD 48 ngày đêm mới thu được 103 tấn rác nhựa. Với giá 200 đồng/túi nilon, xã hội đã lãng phí tới 288 tỷ đồng/ngày chỉ để khắc phục hậu quả ô nhiễm. Nếu không có túi nilon, số tiền đó hoàn toàn đem lại cuộc sống mới cho 1 tỷ người thiếu lương thực kinh niên trên toàn cầu. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích của túi ni-lông, nhưng cũng không thể vô tâm bào mòn sợi dây ngắn mỏng của sự sống. Con người vẫn đang ngày càng tiến đến những giá trị tiến bộ và nhân văn. Giải quyết được tác hại của túi nilon và khôi phục sự trong lành của trái đất có lẽ sẽ thiết thực và vĩ đại hơn việc tìm kiếm nguồn sống mới.