Trong văn học, nói về ý nghĩa, giá trị của văn chương, đó thực sự không còn là điều mới mẻ và xa lạ. Văn chương ngay từ thuở sơ khai của nó, loại hình nghệ thuật đầu tiên được con người lựa chọn, đã thể hiện được thế giới tâm hồn, chuyển tải những tâm tư nguyện vọng về cuộc sống của con người. Bước vào thế giới của văn chương là bước vào một cuộc hành trình khám phá cuộc sống. Nhưng nó không chỉ dừng ở việc khám phá bên ngoài mà ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Điều đó có nghĩa là những tác phẩm văn chương không chỉ là những văn bản cung cấp thông tin giúp chúng ta nhận thức về thế giới. Mà chức năng của văn chương còn được thể hiện ở hai khía cạnh khác đầy sâu sắc nữa là giáo dục và thẩm mĩ. Văn chương đưa người ta đi khắp nơi từ đất nước Ba Tư xinh đẹp trong "Nghìn lẻ một đêm" đến cuộc sống đầy vât vả của người Việt Nam xưa qua "Tấm Cám", "Sọ Dừa".. giúp chúng ta biết được nhiều vấn đề của tự nhiên, xã hội và khám phá được về con người. Nhưng văn chương đích thực còn giúp cho chúng ta những bài học sâu sắc về đạo lí làm người, về cách sống, rèn luyện nhân cách và góp phần hình thành nên những giá trị văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Câu chuyện "Cô bé bán diêm" của An-đéc-xen, một câu chuyện cổ tích không có hậu mà vẫn khiến cho những đứa trẻ thêm trân trọng cuộc sống của mình, thêm nghị lực hơn khi gặp phải khó khăn.. Và chiều sâu của văn chương còn nằm ở khía cạnh nó bồi dưỡng tư duy và cảm nhận về cái đẹp ở cuộc sống. Chẳng phải bỗng dưng người ta phát hiện ra có những thứ đẹp đẽ giản dị trong cuộc sống này nếu như không phải đã bắt gặp điều đó ở đâu trong các tác phẩm văn chương. Vì bản chất là nghệ thuật, nên văn chương mang đến những giá trị về thẩm mĩ đầy ý nghĩa lớn lao mà quốc gia, dân tộc nào trên thế giới cũng trân trọng. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi có quá nhiều các phương tiện thông tin ra đời, sự phát triển của các kênh nghe, nhìn khiến cho văn chương có phần bị giảm nhẹ. Văn hóa đọc dường như rất hạn chế. Bởi vậy, giá trị của văn chương phần nào không được phát huy. Và cũng phải thừa nhận, thế hệ trẻ hiện nay ít bạn sống thực sự sâu sắc, vì bớt đọc hơn. Những trải nghiệm của các bạn qua những trang văn cũng ít ỏi. Điều đó khiến những vấn đề về chiều sâu không được phát huy. Bàn đến giá trị của văn chương như vậy giúp chúng ta hiểu hơn về vai trò to lớn của nó trong cuộc sống để từ đó mỗi chúng ta cần có ý thức sâu sắc hơn về việc đọc văn chương.