Nghị luận văn học: Vợ Nhặt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi cátcánh2209, 19 Tháng ba 2022.

  1. cátcánh2209

    Bài viết:
    12
    Đề bài: Kim Lân đã từng tâm sự rằng: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hãy nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra một con người."

    Bằng những hiểu biết của anh/chị về truyện ngắn Vợ nhặt, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.


    Bài làm

    Mỗi người nghệ sĩ đều chết hai lần, lần đầu tiên là lần đau đớn nhất khi họ không còn có thể theo đuổi đam mê nghệ thuật được nữa. Có lẽ vì thế mà mỗi khi được sống trong nghệ thuật, họ luôn muốn sống hết mình, luôn tìm tòi khám phá ra điều khác biệt giữa mình và người khác. Văn học cũng vậy, những nhà văn có tài luôn ấp ủ ước mơ được khẳng định mình, tìm ra điều mới mẻ trong những chủ đề quen thuộc. Cùng viết về cái đói, nếu Nguyễn Công Hoan trong "Bữa no.. đòn", Tô Hoài với "Chuyện cũ Hà Nội" hay tất cả những nhà văn đương thời khác đều viết về nó bằng một nỗi khiếp sợ: "Chữ nghĩa tôi run rẩy khi viết về đói" thì với Kim Lân, nhà văn của làng quê Việt Nam lại cho rằng: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hãy nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra một con người". Tác phẩm "Vợ nhặt" ra đời là minh chứng cho điều đó.

    Văn học bắt nguồn từ hiện thực, mượn chất liệu thực tế mà tạo nên các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Vậy nên, chẳng khó hiểu khi những biến cố trong lịch sử lại liên quan mật thiết với những đề tài văn chương. Lấy bối cảnh năm 1945, khi đất nước chìm trong tang thương và chết chóc vì "giặc đói", thì "đói" cũng đã in hằn lên các tác phẩm văn chương một nỗi kinh hoàng:

    "Chúng ta đã luôn nhớ về mùa thu năm 1945 với âm vang của cờ hoa, âm thanh, màu sắc. Nhưng trước cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn có một niềm đau khôn nguôi với 2 triệu người dân chết đói."

    Nỗi ám ảnh đó một lần nữa được khắc họa trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân: Một buổi chiều "tối sầm lại vì đói khát", những năm tháng mà "Người chết như ngả rạ.", "Không buổi sáng nào mà người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường". Trong đoạn mở đầu, ta đã cảm nhận được không khí ngột ngạt, tối tăm của làng quê Việt Nam lúc bấy giờ. Cái mùi của "đói" của chết chóc và đau thương: "Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người." Ngôn ngữ của Kim Lân như chiếc bút vẽ phác họa nên bức tranh xám xịt và thê lương. Người ta sống bên cạnh những xác chết như đang đấu tranh trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

    Với Kim Lân, cái đói không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà nó còn khiến họ trở nên nhếch nhác, thê thảm. Điều này được thể hiện trước hết là hình ảnh những người dân vừa chuyển đến: "Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ." Và trên hết, được thể hiện rõ nét nhất ở nhân vật thị. Chân dung thị mới đầu đã không mấy ưa nhìn. Người đàn bà "Gầy vêu vao, ngực lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo thì rách như tổ đỉa". Cái đói đã khiến thị khi được Tràng mời ăn đã "Cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng nói chuyện trò gì." Hành động ấy trong hoàn cảnh bình thường thì quả là sự lạ, nhưng nếu đặt trong bối cảnh bấy giờ thì thực sự rất đáng thương! Có lẽ Tràng hiểu, và Tràng cũng thương cho thị. Cái đói trong một lúc đã biến những người nông dân bần cùng nay lại càng thảm hại hơn. Nhưng cũng nhờ "đói" mà Tràng "nhặt" được vợ. "Vợ nhặt" thật rẻ rúng và đáng thương! Bằng ngòi bút miêu tả tỉ mỉ và ngôn từ sắc sảo, Kim Lân đã tái hiện cái đói bằng nỗi ám ảnh và day dứt khôn nguôi. Nhưng "Vợ nhặt" không phải tác phẩm chỉ viết về "đói" :

    "Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra một con người."

    Quan điểm này được thể hiện trước hết ở nhân vật Tràng. Tràng là dân ngụ cư, lại nghèo nàn đói rách. Nhưng không vì thế mà anh để cái đói át mất "tính người". Minh chứng cho điều này chính là khi Tràng gặp Thị: Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào đốc tỉnh, hắn hò một câu cho đỡ nhọc:

    "Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

    Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì"

    Lúc ấy, chắc Tràng chỉ hò "cho vui", rồi khi có thị đẩy cùng hắn cũng chỉ thích: "Từ khi cha sinh mẹ để đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế." Ấy là mới thích thôi, chẳng nghĩ gì cả. Khi gặp thị lần hai, Tràng đã mời thị một bữa. Bữa ăn ấy trong buổi đói kém thì quý lắm, vì nó không chỉ là "bốn bát bánh đúc" mà còn là tình thương giữa người với người. Mấy ai trong hoàn cảnh đó lại cưu mang người khác trong khi thân mình còn chẳng khá khẩm hơn là bao. Vẻ đẹp của Tràng trước hết là lòng nhân hậu. Anh còn là một người khao khát cuộc sống hạnh phúc: "Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về." Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về thật. Lúc này Tràng mới mảy may lo lắng về cái đói: "Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng." Thế nhưng sau đó lại tặc lưỡi: "Chậc, kệ!". Câu nói bâng quơ tưởng như vô lo vô nghĩ ấy lại ẩn chứa trong đó là ước mơ về tương lai, khao khát được hạnh phúc. Và chính thị đã làm anh thay đổi trở nên có trách nhiệm hơn: "Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người. Hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa nhà." Lúc này đây, Tràng đã nhen nhóm trong mình một ước mơ về tương lai tươi đẹp. Ước mơ ấy trở nên to lớn hơn khi nghe thị nói về việc nhân dân phá kho thóc của Nhật. "Trong ý nghĩ hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm. Hình ảnh ấy vẫn hiện diện trong đầu Tràng trong lúc" Tiếng trống thuế dồn dập ". Từ quan điểm lạc quan về tương lai của những người nông dân nghèo, Kim Lân đã xây dựng một lối thoát cho nhân vật Tràng và cả làng quê Việt Nam thời kì đó. Đó chính là đi theo Cách mạng, theo lí tưởng Cộng sản. Chỉ có Cách mạng mới giải thoát cho họ khỏi cảnh khốn cùng. Ở đây ta có thể thấy rõ được điểm khác nhau giữa Kim Lân và các nhà văn đương thời khác đồng thời cũng là bước chuyển mình mới của nền văn học Việt Nam. Nếu trước đây, ta bắt gặp các tác phẩm thuộc trào lưu văn học" Hiện thực phê phán ", tiêu biểu có" Tắt đèn "của Ngô Tất Tố với hình ảnh nhân vật chị Dậu chạy trong đêm tối, cũng tối tăm như cái tiền đồ của chị; hay trong" Bữa no.. đòn "của Nguyễn Công Hoan hình ảnh đứa bé liều mạng nuốt trôi củ khoai lang mặc cho người ta" Vẫn chửi. Vẫn kêu. Vẫn đấm. Vẫn thụi. Vẫn bịch. Vẫn cẳng chân. Vẫn cẳng tay. Vẫn đòn càn. Vẫn đòn gánh. "Rồi dửng dưng chua xót" Đáng kiếp! ", thì trong giai đoạn này, cụ thể là Kim Lân đã không còn nhìn vào hiện thực một cách bi quan tiêu cực nữa, ông soi sáng" đêm tối "của Tràng một tương lai thông qua nhân vật thị.

    Ngay từ khi xuất hiện, thị đã mang một suy nghĩ tích cực đến với xóm ngụ cư:" Những khuôn mặt xanh xao hốc hác u tối của họ bỗng dưng rặng rỡ lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát và tăm tối ấy của họ. "Có lẽ trong cuộc sống của họ có điều gì đó mới mẻ hơn, là hi vọng chăng? Sự xuất hiện của thị trong ngôi nhà của mẹ con Tràng như một nguồn sống mới. Thị trở lại với vẻ e lệ, thẹn thùng của con người cô trước kia:" Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực. "Cô" vợ nhặt "ấy cũng làm cho người mẹ nghèo khổ của Tràng có thêm niềm tin và hi vọng:" Mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm và tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà trở nên rạng rỡ hẳn lên.. khấm khá hơn. "Chính gia đình Tràng đã sưởi ấm cho trái tim cằn cỗi vì nghèo đói của thị và ngược lại cô thị đem đến cho mẹ con Tràng một không khí vui tươi lạc quan khác hẳn so với quang cảnh ảm đạm, ngột ngạt ngày thường. Thị còn có một vai trò đặc biệt là tác động vào nhận thức của Tràng khi cô kể anh nghe về hình ảnh của những người nông dân phá kho thóc Nhật cứu đói. Đến lúc này, tương lai của gia đình Tràng và cả xóm ngụ cư trở nên rõ ràng và tươi sáng hơn. Độc giả hoàn toàn có thể phỏng đoán suy nghĩ tiếp theo của Tràng sau câu nói của thị, từ đó mở ra một cái kết mở theo chiều hướng có hậu đúng ý đồ của nhà văn.

    Nhân vật cuối cùng phải kể đến là bà cụ Tứ. Bằng một vài dòng đầu tiên, tác giả đã cho người đọc thấy được hình ảnh một người đàn bà khắc khổ, nghèo đói:" Một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. "Rồi cả những suy nghĩ của bà khi biết thị là cô vợ" nhặt "của Tràng:" Bà lão cúi đầu nín lặng.. lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình. "Bà cũng tủi cho cái thân mình" Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. "Nhưng không vì thế mà bà ghét bỏ cô" vợ nhặt "của Tràng. Bà thương thị bằng tất cả tình thương của bà mẹ nghèo khổ. Và chính thị cũng đã đem đến cho bà một tia sáng lạc quan cho cuộc đời u ám của bà. Bữa ăn sáng sau khi Tràng lấy thị tuy trông thật thảm hại:" Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo. Nhưng cả nhà đều ăn rất ngon. "Suốt bữa ăn, bà nói toàn chuyện vui sướng, mở ra một viễn cảnh về tương lai sau này. Có lẽ cốt là để gợi cho các con hi vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bà còn tự chế ra nồi" chè khoán "nữa, vừa cười vừa động viên:

    " Cám đấy mày ạ, ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy "

    Nồi" chè khoán "chính là niềm an ủi của bà, tuy không trọn vẹn nhưng cũng tiếp thêm sức mạnh cho đôi vợ chồng trẻ về ngày mai tốt đẹp hơn.

    Bằng ngòi bút xây dựng tâm lí nhân vật tinh tế, cách xây dựng tình huống truyện độc đáo cùng trái tim nhân hậu, giàu lòng yêu thương con người, Kim Lân đã khắc họa lên cái đói năm 1945 giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua tác phẩm, nhà văn chú ý miêu tả cái đói nhưng ẩn sâu bên trong là vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi nhân vật" những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra một con người. "Nghệ thuật mãi mãi là nghệ thuật, cho dù nó bị vùi dập, chà đạp thành cát bụi, thì thứ" bụi vàng"đó vẫn ánh lên vẻ đẹp long lanh, lộng lẫy của tình người.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...